Kiệt tác “The Adoration” được truy tìm sau nửa thế kỷ

Thứ Sáu, 02/11/2018, 13:01
Ngày 12-10-2018 vừa qua, đại diện Vatican chính thức tuyên bố đã tìm ra dấu vết mới có thể giúp lần ra vụ đánh cắp bức tranh “Nativity with St. Francis and St. Lawrence” (còn gọi là “The Adoration”) của danh họa Caravaggio đã biến mất đầy bí ẩn từ nửa thế kỷ trước.

Để có thể giải đáp được bí ẩn trên, các nhà chức trách đã phải trải qua một hành trình dài đầy vất vả tìm hiểu và điều tra  - từ lịch sử hình thành kiệt tác trên sau vụ sát nhân xảy ra tại Roma 400 năm trước cho tới những vụ thanh trừng đẫm máu của mafia xứ Sicilia cuối thế kỷ XX…

Vụ đánh cắp kiệt tác “The Adoration” được đánh giá là một trong những tội ác đáng chú ý nhất trong lĩnh vực nghệ thuật. Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã xếp vụ án này ở vị trí thứ hai trong lịch sử, tức là chỉ sau vụ cướp phá các thánh vật tại Iraq, sau khi chế độ Saddam Hussein bị sụp đổ. Còn Vatican cũng coi đây là một biểu tượng trong cuộc chiến chống lại tội phạm có tổ chức.

Các chuyên gia cho tới giờ vẫn còn tranh luận về giá trị thực tế của bức tranh trên. Dù kiệt tác này chưa bao giờ được chính thức rao bán, nhưng vào năm 1972 (tức là chỉ 3 năm sau vụ đánh cắp), nó đã được nhận định có giá trị tới vài triệu bảng Anh.

Lịch sử của kiệt tác trên được bắt đầu từ một tội ác do chính họa sĩ Caravaggio gây ra. Ông đã sáng tác ra tác phẩm này trong thời điểm đang lẩn trốn trước sự săn lùng của cơ quan hành pháp Sicilia. Tại Roma khi đó, Caravaggio bị truy nã sau khi trở thành thủ phạm của một vụ sát nhân.

Nhưng đó chưa phải là vấn đề duy nhất. Sau khi chạy tới Malta để tìm người bảo trợ, “danh họa hư hỏng” trên còn gây ra một rắc rối khác khiến cảnh sát tại đây cũng phải phát lệnh truy nã. Caravaggio đã phải thường xuyên thay đổi chỗ ở và đi ngủ với vũ khí luôn trên tay.

“The Adoration” vẫn được coi là một trong những kiệt tác hàng đầu của hội họa thế giới.

Số phận đưa đẩy ông ta tới Palermo, và đây cũng là nơi kiệt tác “The Adoration” ra đời. Nhiều người còn nói đùa rằng, nếu như danh họa này không cắt cổ một tay chơi cờ bạc và chạy trốn, kiệt tác nổi tiếng thế giới trên có lẽ đã không có cơ hội ra đời.

Vài tháng sau, Caravaggio quay trở lại Napoli với hy vọng được ân xá. Nhưng đó lại tiếp tục là một sai lầm định mệnh của ông. Những kẻ thù địch đã truy tìm được họa sĩ đang say bí tỉ tại một quán rượu trên bến cảng. Sau trận đòn hội đồng, Caravaggio cuối cùng đã không thể qua khỏi.

“The Adoration” chính là kiệt tác trên vải cuối cùng mà danh họa tài năng này có thể sáng tác. Bức tranh trong suốt 360 năm đã được treo tại nhà thờ SaintLawrence ở Palermo.

Vụ trộm bí ẩn

Trong phim ảnh, những tên trộm thường xây dựng nên các kế hoạch tinh vi để qua mặt hệ thống an ninh trước khi đạt được mục đích của mình. Còn vụ trộm bức tranh “The Adoration” lại đặc biệt đơn giản. Trong suốt nhiều năm, kiệt tác trên chỉ được bảo vệ  bởi một… chiếc khóa cửa.

Chính bà cụ có tên Maria Guelfo là người đầu tiên phát hiện ra bức tranh bị lấy mất và gọi điện cho cảnh sát. Bà Maria cùng người chị Amelia của mình sống ngay sát nhà thờ, chính vì vậy họ được giao thêm nhiệm vụ trông coi tại đây. Người phụ nữ này về sau kể lại rằng, bà phát hiện ra vụ mất cắp nhờ con mèo của mình.

Khi nhìn thấy chú mèo đang nằm ngay ngưỡng cửa nhà thờ, bà hiểu rằng cửa không hề khóa và quyết định kiểm tra bên trong. Căn phòng khi đó rất bừa bãi – những chiếc chân nến nằm chỏng chơ trên sàn, tượng chúa Jesus trên thánh giá bị gỡ xuống đặt trên ghế, còn chiếc khung có chứa kiệt tác đã trống rỗng.

Các nhà điều tra sau đó đã không gặp nhiều khó khăn khi dựng lại hiện trường vụ án. Những tên trộm đã mở chiếc cánh bịt cửa sổ không có lưới bảo vệ để trèo vào. Sau đó, chúng dùng dao cắt bức tranh, dễ dàng chuồn bằng cửa ra vào sau khi mở khóa từ bên trong. Góc phố nơi tọa lạc nhà thờ, vốn đã vắng người vào ban ngày, không có bất cứ một nhân chứng nào vào đêm mưa gió như vậy. Cơn mưa rào cũng giúp xóa hết mọi dấu vết của bọn tội phạm.

Vài tuần sau, có một kẻ nào đó gọi điện cho cảnh sát, thông báo vụ việc “The Adoration” chính là để trả đũa cho Ephebos, một bức tượng cổ Hy Lạp bị mất cắp mới được cảnh sát thu hồi được từ tay mafia. Đó là thành quả của một chiến dịch dưới sự chỉ đạo của nhà ngoại giao Italy Rodolfo Siviero, người từng đảm trách việc thu hồi các tác phẩm nghệ thuật từng bị quân phát xít cướp bóc trước đây.

Cụ thể ông đã ngăn chặn thành công âm mưu chuyển Ephebos ra nước ngoài, cũng như thông qua một chuyên gia buôn bán sản phẩm nghệ thuật để lừa những tên mafia, thu lại được bức tượng.

Dù công luận không được biết về cú điện thoại trên, nhưng phần lớn đều phỏng đoán chính tổ chức Cosa Nostra đứng đằng sau kế hoạch này. Tại một thành phố như Palermo, vốn được coi là thủ đô của mafia Sicilia, khó có kẻ nào dám “qua mặt” Cosa Nostra. Những tin đồn liên quan cũng được cảnh sát thu thập rất nhiều từ nhiều nguồn tin, cũng như những kẻ “đào ngũ” từ mafia.

Như tay trùm tội phạm Salvatore Cancemi từng khẳng định, chính mắt hắn đã nhìn thấy bức tranh trong một cuộc họp của Hội đồng những ông trùm mafia. Còn sát thủ khét tiếng Giovanni Brusca – kẻ từng sát hại không dưới 200 nạn nhân – còn đề nghị sẽ trả lại bức tranh nếu hắn được xóa án. Tất nhiên chính quyền không thể đồng ý với đề xuất trên.

Thương gia giả mạo

11 năm sau vụ mất cắp, nhà báo người Anh Peter Watson bắt đầu tham gia vào việc tìm kiếm “The Adoration”. Cũng với sự hỗ trợ của Rodolfo Siviero, ông giả dạng là một nhà buôn bán tác phẩm nghệ thuật, lang thang khắp các nhà bán đấu giá để tìm kiếm manh mối liên quan đến bức tranh.

Phương pháp trên có vẻ hiệu quả khi Watson lần ra một nhân vật người Italia đáng ngờ, kẻ tự giới thiệu là “quý ngài Manzu”. “Giá là 150 triệu lira (tiền Italia khi đó) và 150 ngàn đôla Mỹ. Không mặc cả. Cần phải trả lời ngay bây giờ: có hay không” – nhân vật này tuyên bố qua điện thoại.

Watson đồng ý ngay với hy vọng sẽ tìm ra địa điểm cất giấu bức tranh. Cuộc gặp được ấn định vào ngày 22-11-1980. Tới ngày đã hẹn, Manzu đi cùng nhà báo tới khách sạn Excelsior tại Napoli, trước khi yêu cầu đi tiếp bằng xe hơi. Chỉ đến khi ngồi vào trong xe cùng với 4 kẻ lạ mặt, Watson mới cảm nhận “trò chơi” mình đang dấn thân vào nguy hiểm thế nào. Chiếc Alfa Romeo của Manzu nhằm hướng Salerno trước khi tiến sâu vào bán đảo này. Sau vài giờ, chiếc xe dừng lại trước một quán bar tại thị trấn Laviano.

Tại đây xuất hiện thêm một nhân vật nữa: một người đàn ông tóc hoa râm dắt theo một con chó dữ. Hắn không nói chuyện được bằng tiếng Anh, nhưng có vẻ như biết rõ về bức tranh hơn những kẻ còn lại. Khi được hỏi đến chuyện có mang theo tiền, Watson giả đò giận dữ: “Ngài Manzu! Ông phải hiểu rằng hiện giờ không có tiền nong nào cả. Tôi có mặt tại đây chỉ để kiểm tra bức tranh có đúng hay không”. Không biết làm thế nào, tên dắt chó miễn cưỡng lôi từ trong cặp ra một vài tấm ảnh và đưa cho nhà báo.

Trên ảnh có hình chụp bức “The Adoration” cùng với một tờ báo mới phát hành 2 ngày trước – một cách để chứng minh bức tranh mới được chụp không lâu. “Tình trạng bức tranh rất tệ - Watson đã viết như vậy trong cuốn sách “The Caravaggio Conspiracy” được xuất bản sau đó 4 năm – Nó sẫm màu hơn tôi có thể hình dung. Phía mé phải bức tranh có nhiều dấu vết của việc bị bong tróc.

Phần mắt cá và tay của thánh Lawrence có vết đốm. Tệ hơn cả là một vết nứt nhỏ kéo dài từ phần tay của trinh nữ Maria tới vai thánh Lawrence”. Manzu thừa nhận bức tranh đang được cất giữ đâu đó tại Sicilia, đồng thời hứa lần sau sẽ mang tới Napoli. 

Những giả thuyết mâu thuẫn

Cuộc gặp gỡ lần sau đã không thể diễn ra. Ngày 23-11-1980, những cơn địa chấn mạnh đã gần như san phẳng Laviano. Toàn thị trấn không có một ngôi nhà nào còn nguyên vẹn, 2/3 cư dân thiệt mạng trong các đống đổ nát, rất có thể trong đó có cả những kẻ biết tới dấu vết của bức tranh. Chưa kể chiến dịch thanh trừng đẫm máu của băng nhóm Corleonesi sau đó khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Những thông tin mới về bức tranh chỉ tiếp tục xuất hiện vào năm 1996. Một nguồn tin của cảnh sát là Francesco Marino Mannoia khẳng định bức tranh đã bị phá hủy. Vào những năm 1980, khi Palermo là một nguồn cung cấp heroin chính cho thị trường Mỹ, nhân vật này từng đứng đầu một phòng thí nghiệm lớn nhất tại đây chuyên về tinh chế ma túy.

Mannoia sau đó đã sống sót khi kịp thời chạy sang hàng ngũ của phe nhóm Corleonesi. Tuy nhiên sau vụ mất tích của người anh, hắn đã đầu hàng chính quyền, trở thành một nhân chứng chính trong việc kết tội cựu Thủ tướng Italy Giulio Andreotti, người bị nghi ngờ có quan hệ với mafia.

Trong thời gian diễn ra phiên tòa, chính tay mafia này đã đưa ra một tuyên bố chấn động, khi khẳng định hắn chính là một trong những thủ phạm tham gia đánh cắp bức tranh. Cũng theo lời hắn, đứng đằng sau vụ trộm táo tợn trên là một ông trùm tội phạm tại Palermo, kẻ được đánh giá rất sành sỏi về nghệ thuật. Mọi chuyện đã không theo ý muốn khi những tên trộm vụng về làm hỏng bức tranh, khiến kẻ đặt hàng quyết định không mua lại. Thất vọng về chuyện này, những tên trộm đã quyết định phá hủy bức tranh.

Trùm mafia Francesco Marino Mannoia.

Vài năm sau lại xuất hiện một giả thuyết mới cho biết, thủ phạm thực sự lại là những kẻ nghiệp dư ưa thích nghệ thuật, tới Palermo sau khi xem chương trình về những báu vật ít được biết đến tại Italy, trong đó người dẫn chương trình cũng tiết lộ về sự quý giá của bức tranh. Sau vài tuần nghiên cứu, nhóm này đã đánh cắp thành công kiệt tác trên. Khi mang về nhà, một người bạn của nhóm này vốn có quan hệ với mafia địa phương đã nhìn thấy.

Tên này sau còn kể lại với cảnh sát rằng, bức tranh bị rách mất một góc do kẹt cửa thang máy trong quá trình vận chuyển. Hắn còn giới thiệu để họ bán kiệt tác cho một trong những kẻ đứng đầu mafia địa phương, nhưng không tiết lộ giá tiền.

Bức tranh chẳng bao lâu sau rơi vào tay Rosario Riccobono, một trùm mafia kiểm soát một thị trấn tại Palermo. Sau khi tên này mất tích (nhiều khả năng bị thanh toán) kiệt tác được cho là lại rơi vào tay một ông trùm mafia mới nổi khác là Gerlando Alberti. Trong nhiều năm sau đó, mafia luôn muốn bán cho những người mua tiềm năng từ Italia, Thụy Sĩ và Mỹ, nhưng tất cả đều không muốn dính dáng tới tác phẩm nghệ thuật quá nổi tiếng này.

Một người cháu của Alberti sau khi bị bắt đã khai địa điểm hắn đã trực tiếp chôn chiếc hòm màu xanh, bên trong có bức tranh, vài triệu đôla cùng 5 kilogram heroin. Nhưng khi cảnh sát tới hiện trường đã không còn gì. Rất có thể Alberti đã kịp tẩu tán sau khi đứa cháu bị bắt.

Bước ngoặt hy vọng mới

Nhiều năm tiếp tục trôi qua, hy vọng tìm lại được bức tranh cạn dần từng ngày. “Không ai có thể nhìn thấy tác phẩm này trong suốt 40 năm. Thông thường những tác phẩm bị lấy cắp sẽ xuất hiện trên thị trường mỗi khi thay đổi khoảng một thế hệ, tức là khoảng chừng 20 năm – Robert Wittman, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp, đánh giá vào năm 2010 – Điều này khiến cho tôi càng tin rằng, bức tranh đã bị phá hủy”.

Giả thuyết trên còn được củng cố với lời khai của Gaspare Spatuzza, một thành viên kỳ cựu của mafia phải xộ khám từ năm 1997 vì tội giết người. Theo lời tên này, bức tranh từ những năm 1980 được cất giữ trong một gia đình tội phạm tại Palermo. Sau khi bị chuột cắn hỏng gần hết, những phần còn lại của bức tranh cũng bị đốt luôn.

Đầu năm 2018 lại xuất hiện một giả thuyết quan trọng mới làm nhen nhóm hy vọng tìm lại được “The Adoration”. Theo khẳng định của một cựu thành viên mafia là Gaetano Grado, chính hắn đã giúp ông chủ của mình khi đó là Gaetano Badalamenti tìm ra được những kẻ trộm tranh và lấy lại được tác phẩm này. Ông trùm này đã mời một thương gia nổi tiếng trong làng nghệ thuật từ Thụy Sĩ tới để giám định. Nhân vật này đã hết sức kích động khi tận mắt chứng kiến bức tranh, nhưng yêu cầu phải cắt ra thành vài phần mới có thể bán được.

Dù công luận chưa được tiết lộ về những tiến triển mới trong quá trình điều tra, nhưng đầu tháng 6-2018 vừa rồi, người đứng đầu Ủy ban quốc gia Italy về đấu tranh chống mafia là Rosy Bindi đã chính thức tuyên bố khôi phục lại chiến dịch truy tìm “The Adoration”.

“Chúng tôi đã thu thập được đầy đủ bằng chứng để có thể bắt đầu một cuộc điều tra mới, đồng thời đề nghị sự giúp đỡ của một số chính quyền nước ngoài, trong đó có cả Thụy Sĩ” – bà Bindi tiết lộ. Cũng theo lời quan chức này, hiện có các cơ sở để tin rằng, bức tranh vẫn còn nguyên vẹn và có thể được thu hồi.

Gần đây nhất tại một cuộc họp báo trong tháng 10-2018 tại Roma, công chúng lại đón nhận những thông tin chi tiết và sáng sủa hơn về quá trình điều tra. Theo tướng Fabricio Parrulli, người đứng đầu đơn vị bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật của quân đội Italy, có nhiều bằng chứng cho thấy, bức tranh không những chưa bị phá hủy mà thậm chí vẫn còn nguyên vẹn. Các dấu vết điều tra hiện đang dẫn tới một thành phố ở khu vực Đông Âu.

Các điều tra viên Italy đang trực tiếp có mặt tại đây, và các kết quả ban đầu được đánh giá là rất lạc quan. Những người yêu nghệ thuật trên toàn thế giới đang hy vọng, họ sắp được chứng kiến một kết thúc có hậu với kiệt tác “The Adoration”.

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.