Kiểu giáo dục con làm gia tăng bạo lực học đường
Đời sống trong trường học có thể rất tàn nhẫn. Trẻ em có thể có những hành động kinh ngạc và gây ra tổn thương cho những đứa trẻ khác. Những yếu tố nào khiến một đứa trẻ trở nên dễ bị bắt nạt hoặc chuyên đi bắt nạt? Tại sao một số trẻ phải hứng chịu hậu quả, trong khi những trẻ khác lại là kẻ gây ra hậu quả?
Các chuyên gia tâm lý làm việc cùng với Dieter Wolke, một người Đức tại Đại học Warwick, Anh, đã phân tích các cách cha mẹ nuôi dạy làm ảnh hưởng đến hành động của trẻ tại trường.
Các nhà nghiên cứu đã định lượng 70 công trình nghiên cứu từ những năm gần đây và có đến hơn 200.000 trẻ tham gia. Theo kết quả, những đứa trẻ được cha mẹ bảo vệ quá kỹ có nhiều khả năng dễ bị bắt nạt. Để trẻ không bị bắt nạt, hoặc có thể tự vệ mỗi khi bị bắt nạt phụ thuộc rất nhiều vào cách giáo dục ở nhà.
Bạo lực học đường là một vấn đề toàn cầu, tác giả nhấn mạnh. Theo một nghiên cứu của Tổ chức y tế thế giới (WHO) được công bố năm 2012, 1/3 số trẻ đã trở thành nạn nhân của nạn bạo lực của các bạn cùng trang lứa. Wolke cho rằng, điều này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống những trẻ bị bắt nạt và kéo dài cho đến khi trưởng thành.
Trẻ bị bắt nạt sau này thường có vấn đề về hình dáng và có các triệu chứng về tâm lý khác khi trưởng thành.
Theo dữ liệu nghiên cứu của các nhà tâm lý học, trẻ em có cha mẹ nghiêm khắc, độc đoán hoặc hay phản ứng tiêu cực có khả năng cao bị bắt nạt. Nguy cơ tương tự đối với trẻ có cha mẹ bao bọc quá kỹ - Đây là một kết quả đáng bất ngờ, Wolke nói. Trẻ sống trong tổ ấm được bao bọc quá kỹ thường không có khả năng tự vệ, nhà tâm lý học nói. Bảo vệ trẻ khỏi những trải nghiệm tiêu cực là con đường dẫn đến việc trẻ trở nên yếu đuối.
Dữ liệu phân tích cũng cho thấy, nếu trẻ bị bắt nạt tại nhà bởi người thân, thì trẻ có khả năng bị bắt nạt cao hơn tại trường. Còn những trẻ ít bị ảnh hưởng bởi việc bắt nạt, theo Wolke, là những trẻ có cha mẹ đặt ra các quy định hành xử và phải được tuân theo, nhưng họ cũng đưa vào hơi ấm và cảm giác an toàn cho trẻ.
Những phụ huynh như thế có thể dạy được trẻ cách giải quyết xung đột với các bạn cùng trang lứa mà không phải động chân tay, Wolke nói. Cách nuôi dạy này cho phép trẻ phát triển sự tự tin và không bị bắt nạt