Kim Vân Kiều truyện: Ai đã ly gián Vương Trực và Từ Hải?

Thứ Bảy, 29/10/2016, 15:55
Thư gửi cho Trần Đông nhưng người nhận được chính là Từ Hải. Hồ Tôn Hiến thực hiện quỷ kế này là sợ Hải phản phúc vô thường, liên kết trở lại với Đông thì khó đối phó.

Lấy lợi mà dụ Vương Trực

Hồ Tôn Hiến từng xét rằng, lực lượng hải khấu mạnh nhất trên vùng biển đông nam lúc này là của Vương Trực, vốn được xếp vào hàng tiền bối của Từ Hải. Nếu chiêu dụ được Vương Trực để y không tiếp tay cho Từ Hải thì có thể dễ dàng bình ổn sóng nước Giang Nam.

Sau khi tìm hiểu kỹ gia cảnh và con người Vương Trực, Hồ Tôn Hiến cùng các mưu sĩ lập ra kế hoạch tỉ mỉ để chiêu dụ. Đầu tiên là nhắm vào gia nhân họ Vương. Tôn Hiến lấy danh nghĩa là tình đồng hương, ra lệnh phóng thích mẹ và vợ Vương Trực đang bị giam trong phủ Kim Hoa, sắp xếp cho họ chỗ ăn ở tử tế, đầy đủ.

Phủ Thượng Thư của Hồ Tôn Hiến và cũng là từ đường họ Hồ ở Long Châu, Tích Khê, An Huy, đến nay đã hơn 500 năm. Nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào là hậu duệ đời thứ 14 của Hồ Tôn Hiến.

Tiếp đó, tháng 10-1555, Hồ Tôn Hiến bí mật sai hai thuyết khách mưu lược là Tưởng Châu và Trần Khả Nguyện lấy danh nghĩa triều Minh đến các đảo của Nhật Bản để khuyến dụ không nên quấy phá vùng biển, nhưng mục đích chính là thăm dò tình hình Vương Trực, lúc này là Huy Vương. Hai thuyết khách này đã gặp được con nuôi Vương Trực là Vương Ngao (tên thật Mao Hải Phong), từ đó mà được đưa đến tiếp kiến Vương Trực.

Tưởng Châu và Trần Khả Nguyện phân tích điều nghĩa điều lợi, vừa trình bày quyết tâm chống Oa khấu triều đình và khoe thực lực quân binh, vừa ca tụng tài ba đức độ của Hồ Tôn Hiến, ra sức thuyết phục Vương Trực về với triều đình, cùng giữ yên bờ cõi. Vương Trực vốn người nghĩa hiệp, lâu nay cứ tưởng mẹ và vợ đã bị giết, giờ nghe nói người thân của mình được Hồ Tổng đốc gia ân được bình an thì rất cảm kích, khẳng khái nhận lời lập công chuộc tội.

Tuy vậy, Vương Trực vẫn giữ Tưởng Châu lại, để Trần Khả Nguyện cùng thuộc hạ của mình là Diệp Tông Mãn trở về đất liền để thăm dò. Gần 2 năm sau, Trực mới lấy danh nghĩa đưa Tưởng Châu về nước, dùng thuyền lớn cùng hàng ngàn tinh binh, vũ khí đầy đủ về đóng trại ở Sầm Cảng.

Hồ Tôn Hiến vội cho phòng bị, phái mưu sĩ thân tín là Hạ Chính đến đàm phán với Vương Trực. Cuối cùng, Hồ Tôn Hiến hội kiến với Vương Trực, đãi vào hàng thượng khách, hứa xin triều đình xá tội và phong quan chức Vương, lại bỏ lệnh cấm biển, cho phép thông thương. Vương Trực rất vui nên không phòng bị.

Hồ Tôn Hiến lại mời con nuôi Vương Trực là Vương Ngao đến ở cùng phòng với mình trong đại bản doanh để tỏ lòng thân thiết.

Một hôm, Tôn Hiến nói phải đi dự tiệc, giữa đêm mới say mềm trở về, ói mửa cả ra giường rồi ngủ thiếp đi. Vương Ngao chắc mẩm Tôn Hiến là say thật nên đến án thư lén đọc tài liệu cơ mật, thấy có tấu thư thỉnh cầu hoàng đế xá tội cho Vương Trực và rất nhiều thư đề nghị quyết chiến của các tướng. Ngao sao chép lại một ít. Hôm sau Ngao xin về, Tôn Hiến tặng nhiều vật quý, đãi rất ân cần chu đáo.

Ngao về đảo kể hết với Vương Trực, khen Tôn Hiến không tiếc lời, hai cha con đều tưởng Hồ Tôn Hiến thành tâm thành ý, đâu biết mọi chuyện là do Hiến dàn dựng ra. Trực và Ngao cho quân đi đánh phá các nhóm Oa khấu ở Chu Sơn, Liệt Biều để lập công với triều đình, Tôn Hiến xin triều đình ban cho họ Vương nhiều vàng bạc. Vương Trực từ đó thường cung cấp tin tình báo về bọn Từ Hải, Trần Đông cho bên quân triều đình biết mà đối phó.

Phía Vương Trực tạm yên, Hồ Tôn Hiến tập trung giải quyết nhân vật số hai là Từ Hải.

Từ từ trúng kế

Bổn cũ soạn lại, Hồ Tôn Hiến phái một viên thái học sinh tên là La Long Văn, người quen cũ và là đồng hương với Từ Hải tìm cách ở lại trong nội bộ để nắm nội tình. La Long Văn thực hiện kế ly gián giữa Từ Hải với Trần Đông, Ma Diệp bằng cách cố ý ăn chia không đồng đều, nói xấu, đâm chọc khiến cho nội bộ nghi ngờ nhau.

Sau khi nắm được thông tin Từ Hải rất thương yêu và nghe lời phu nhân Vương Thúy Kiều, Hồ Tôn Hiến lập tức cho đem thư chiêu hàng cùng rất nhiều châu báu, đồ nữ trang quý giá đến dâng Từ Hải để tỏ thành ý.

Tất nhiên, Thúy Kiều là người nhận những thứ ấy. Lại cho một bà hầu già ngày đêm khuyên Thúy Kiều rằng: "Từ tướng quân nếu buổi sáng quy thuận thì buổi chiều đã là đại quan, phu nhân được triều đình ban thưởng hậu, áo gấm về làng, há chẳng hơn lênh đênh suốt đời trên biển làm hải khấu sao?". Kiều dù sao cũng là nữ nhân, mong muốn có gia đình yên ổn nên thường thủ thỉ phân tích lợi hại với Từ Hải nhưng Từ Hải phân vân chưa quyết. Lại có một thuyết khác nói rằng Thúy Kiều chính người viết trả lời thư chiêu hàng của Hồ Tôn Hiến, lời lẽ uyển chuyển, ngôn từ nhã nhặn khiến Hồ và các mưu sĩ hết sức kinh ngạc, quyết tâm đánh vào điểm yếu của Kiều để hạ gục Từ Hải.

Tiếp đó, Hồ Tôn Hiến sai mưu sĩ tâm phúc của mình là Hạ Chính đem một bức thư khuyên hàng do nhờ Vương Ngao viết. Từ Hải thấy con nuôi của đại ca Vương Trực viết thư khuyên hàng thì giật mình: "Không lẽ Lão thuyền chủ cũng quy hàng ư?". Hải hồ nghi cho người dò la thì hay Vương Trực từng nhiều lần đi lại với triều đình nên có ý ngả lòng . 

Đúng lúc ấy, Tôn Hiến liên tục cho sứ giả đem vàng bạc lụa là cùng thị nữ đến bản doanh Từ Hải, cố ý phao tin cho nhóm Trần Đông, Ma Diệp biết. Lại mời lần lượt các đầu mục vào trong bờ để chứng kiến quân lực triều đình hùng mạnh, ban thưởng rất hậu khiến cho lòng người dao động.

Theo "Minh sử. Hồ Tôn Hiến liệt truyện", thì lúc bấy giờ Từ Hải đang bị thương, bèn nói với sứ giả rằng: "Ta muốn lui binh, ngặt vì quân chia 3 lộ, không phải riêng ta quyết được". Ba lộ là 3 cánh quân của Từ Hải, Trần Đông và Ma Diệp. Lúc này, Hạ Chính ra đòn quyết định: "Phía bên Trần Đông thì đã có hẹn ước rồi, chỉ còn phía tướng quân mà thôi". Từ Hải nghe choáng váng, càng thêm nghi ngờ? Lúc này do gián điệp của Hồ Tôn Hiến lén phao tin nên phía quân Trần Đông ai cũng nghe rằng Từ Hải quy hàng.

Trần Đông lúc đầu không tin, nhưng chứng cứ rõ ràng là bên Từ Hải và sứ giả triều đình thường xuyên qua lại với nhau, vì thế Đông vội cho tập trung lực lượng để ứng phó nếu có biến. Nhưng hành động này của Trần Đông càng khiến Từ Hải cảnh giác, cho rằng Trần Đông và Hồ Tôn Hiến đã có thương lượng với nhau nên chuẩn bị động thủ. Nội bộ càng lúc càng căng thẳng.

Tự chặt vây cánh

Dưới nhiều áp lực đến từ trong và ngoài, lại thêm Thúy Kiều ngày đêm khuyên nhủ, lần này Từ Hải quyết ý quy thuận, cho sứ đến gặp, đưa ra yêu sách về vàng bạc. Hồ Tôn Hiến đều đáp ứng. Từ Hải bèn trả lại hơn 200 tù binh quân triều đình và cho rút quân khỏi Đồng Hương. Quân của Trần Đông đang vây ở đây thấy thế cũng rút lui sau đó một ngày.

Tượng Vương Trực.

Hồ Tôn Hiến liền ra yêu cầu với Từ Hải: "Nếu như quyết ý theo về thì nay vùng sông Ngô Tùng đang có giặc, sao không đến dẹp để lập công, lại lấy được nhiều thuyền làm kế lâu dài". Đây vốn là chiêu cũ của Vương Luân, yêu cầu Lâm Xung phải giết người mới được nhập bọn Lương Sơn thảo khấu.

Nhưng Hồ Tôn Hiến thâm độc hơn Vương Luân nhiều. Khi Từ Hải đem quân tấn công nhóm hải khấu ở vùng Chu Kính, giết hơn 30 tên, thì Tôn Hiến ngầm sai Tổng binh Du Đại Du phục binh sẵn đột kích đánh giết, đốt thuyền, Từ Hải kinh hoàng mở đường máu thoát vây.

Để thể hiện quyết tâm hàng phục, Từ Hải cho em trai là Từ Hồng đến làm con tin, đem dâng những vật quý của mình dùng như mão phi ngư, giáp tốt, kiếm báu... cho Hồ Tôn Hiến. Tôn Hiến đãi Từ Hồng rất hậu và ra đề nghị Hải phải bắt giao hai đồng đảng Trần Đông, Ma Diệp thì triều đình mới xét công đầu.

Đến nước này thì tình nghĩa giang hồ cũng cạn, Từ Hải đành ra tay với Ma Diệp trước vì dễ đối phó hơn với Đông. Thuộc hạ của Ma Diệp cũng bị bắt hàng trăm tên. Từ Hải không ngờ rằng, sau khi áp giải tới thì người cởi trói và đưa Diệp Ma lên ghế thượng khách chính là Hồ Tôn Hiến.

Diệp Ma nhanh chóng nhận được nhiệm vụ của Hồ Tổng đốc: Viết một bức thư cho Trần Đông và thuộc hạ kể tội Từ Hải và đề nghị Đông nhanh chóng dốc toàn lực đánh Hải để báo thù.

Thư gửi cho Trần Đông nhưng người nhận được chính là Từ Hải. Hồ Tôn Hiến thực hiện quỷ kế này là sợ Hải phản phúc vô thường, liên kết trở lại với Đông thì khó đối phó.

Từ Hải đọc thư, nộ hỏa xung thiên. Theo "Kỷ tiễu trừ Từ Hải bản mạt" của Mao Khôn thì: "Hải đọc thư, nước mắt chảy ra, càng biết ơn Hồ công đã không nỡ để yên cho Đông thực hiện giết Hải, nên Hải lo tính việc bắt Đông để báo đền". Trước đó thì "Hồ công mấy lần cho gián điệp mang trâm vàng, bông tai, ngọc thúy đến biếu hai thị nữ của Từ Hải để nhờ họ khuyên Hải trói bắt Đông". Trần Đông từng là thư ký của em chúa đảo Tát Ma vương. Từ Hải đem nhiều vàng ngọc đến hối lộ em Tát Ma vương dể dụ Đông rồi thừa lúc đêm tối bắt Đông về nộp cho Hồ Tôn Hiến.

Quy hàng

Trần Đông và Diệp Ma đều bị bắt, các đầu mục dưới quyền đều vừa sợ vừa oán hận Từ Hải, không còn lòng dạ chiến đấu. Hồ Tôn Hiến cho người đến gặp Hải và bảo rằng: "Ta muốn khoan dung, nhưng Thượng thư Triệu Văn Hoa cho rằng ngươi có tội lớn. Sao không nghe ta lập mưu đuổi bọn giặc ra biển, nhân dịp giết bắt hàng ngàn tên để lập công với Thượng thư họ Triệu, thì mọi việc sẽ hoàn thành".

Cảnh quân Từ Hải nhập thành.

Hải bất đắc dĩ phải theo, ước hẹn rằng: "Cho Phó sứ binh bị họ Lưu mang binh phục sẵn nơi thành Sạ Phố, đúng ngày giờ đó tôi sẽ mang quân đến dàn trận cách thành Sạ Phố nửa dặm, làm bộ ra lệnh đuổi bọn Oa khấu lên thuyền, tôi sẽ phất cờ, trong thành đốt lửa làm hiệu, rồi xông ra đánh, đừng để mất cơ hội".

Quan binh đã ước hẹn sẵn, thừa dịp ra đánh. Bọn giặc trong lúc lo tranh nhau lên thuyền đông như kiến, không kịp quay lại chống cự; bởi vậy quan binh thừa cơ dày xéo, không bị thương một tên lính mà bắt giết hàng mấy trăm tên, số chết trôi nhiều không tính được.

Sào huyệt Sạ Phố tan vỡ, Từ Hải nghĩ rằng mình nhiều lần lập công, hẳn được triều đình xóa tội, nên chấp nhận hàng vô điều kiện. Nào có biết đâu rằng…

Người anh hùng, khi đã không tự quyết định được việc cho mình, thì dù có lúc hối lại, cũng đã muộn:

Một tay gây dựng cơ đồ

Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành

Bó thân về với triều đình

Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu

Áo xiêm ràng buộc lấy nhau

Vào luồn ra cúi công hầu mà chi

Sao bằng riêng một biên thùy

Sức này đã dễ làm gì được nhau

Chọc trời khuấy nước mặc dầu

Dọc ngang nào biết trên đầu có ai…

(Còn tiếp)

Hàn Phong
.
.