Kinh doanh tóc người nở rộ ở Ấn Độ
Nhưng, tóc người không chỉ thể hiện thành tâm với thánh thần mà thực tế còn là món hàng kinh doanh sinh lời nở rộ tại Ấn Độ.
Gopala Amma, 36 tuổi, tuyệt vọng trong nỗ lực giúp gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó. Gia đình Amma có nguy cơ bị thu hồi căn hộ một phòng mà họ cùng chia sẻ tại một thung lũng nhỏ ở vùng ngoại ô Param Bur của Chennai. Amma là công nhân vệ sinh, còn chồng chị thất nghiệp nên chán nản sa đà vào rượu chè, trong khi đứa con trai lớn phải dở dang việc học hành. Gia cảnh khốn khổ trăm bề khiến cho Amma muốn tìm đến những vị thần Hindu để được cứu giúp.
Tóc người rất có giá trị ở Ấn Độ. |
Amma nói: “Tôi quyết định hành hương đến ngôi đền ở Tirutanni để cắt tóc. Chỉ có cách đó, thần thánh mới ban phúc cho tôi và gia đình tôi”. Song, không chỉ cắt một lọn tóc mà là cả mái tóc gợn sóng dài 81cm của Amma sẽ được gọt hết. Hy sinh mái tóc của mình, Amma hy vọng thần thánh sẽ trao cho chị vận may khi trở về nhà.
Tóc người rất có giá trị không chỉ về mặt tâm linh mà còn về kinh tế ở Ấn Độ. Nhiều phụ nữ láng giềng của Amma thu gom tóc của họ dính trên chiếc lược - được gọi là “rác lược” - để bán hay trao đổi hàng hóa với những người thu mua tóc thường xuất hiện ở địa phương mỗi tháng một lần. Tùy theo cân nặng mà số tóc có giá khác nhau. Sau đó, những người thu mua sẽ bán tóc cho các nhà máy xử lý. Loại tóc “rác lược” rối bù thường chỉ có giá vài rupee. Trong khi đó, mái tóc được cạo sạch trên đầu có giá trị cao hơn vì nó rơi xuống một cách tự nhiên và có thể xử lý làm tóc giả.
Từ Hollywood cho đến nước Anh và Nam Phi, tóc người được sử dụng rộng rãi có nguồn gốc từ Ấn Độ. Thị trường tóc người ở Ấn Độ có giá trị hơn 250 triệu USD/năm. Một kg tóc cạo trực tiếp từ đầu có giá 130 USD và mái tóc dài của Amma – cân nặng khoảng 160g - được định giá 20 USD.
Tóc được xử lý rất nghiêm ngặt trước khi xuất khẩu. |
Theo thần thoại Ấn Độ, Vishnu bị mất một chỏm tóc trên đầu và sau đó được nữ thần Neela Devi tặng cho một nhúm tóc của mình để thay thế. Do đó người Ấn Độ tin rằng thần Vishnu sẽ ban phước cho bất cứ ai chấp nhận hy sinh mái tóc của mình dâng lên thần. Nghi lễ cạo đầu diễn ra phổ biến nhất tại 2 bang miền nam Ấn Độ - Tamil Nadu và Andhra Pradesh.
Mỗi tháng, 2 ngôi đền chính ở Tirutanni và Tirupati thu thập hàng tấn tóc người. Một người hành hương vừa mới được cạo đầu xong ở Tirutanni mô tả cảm giác: “Tôi thấy rất hổ thẹn song vô cùng hạnh phúc”. Những ngày tốt được chọn để tiến hành nghi lễ cạo đầu cho người hành hương.
Đối với Amma, mái tóc là hy vọng cuối cùng để nuôi sống gia đình. Amma cũng không muốn căn nhà gia đình thuê bị thu hồi. Người thợ rẩy nước lên đỉnh đầu Amma và sau đó dùng dao cạo từ từ xén gọn gàng mái tóc đến sát da đầu của chị. Mái tóc của Amma được xếp trên sàn ngôi đền trước khi được gom vào một thùng to có khóa cẩn thận. Mỗi tuần, những người mua tóc đến thu nhận những chiếc thùng chất đầy tóc. Nhiều ngôi đền lập hợp đồng mua bán với giới mua tóc. Một số ngôi đền tổ chức đấu giá tóc để được trả giá cao nhất.
Thợ cắt tóc được trả 15 rupee cho mỗi lần cạo đầu. |
Ngôi đền ở Tirupati là nơi thu gom tóc người lớn nhất thế giới, với trung bình 100.000 người hành hương đến đây mỗi ngày. Nhờ tóc người hành hương mà ngôi đền Tirupati kiếm được 3 triệu USD/năm. Số tiền này được sử dụng vào mục đích từ thiện, ủng hộ các trường học và bảo tồn ngôi đền. Thợ cắt tóc được trả 15 rupee (khoảng 20 cent) cho mỗi lần cạo đầu người hành hương.
Amma soi gương và cười to trước mái đầu trọc của mình: “Khi người thợ cạo đầu, tôi cảm thấy mọi rắc rối, muộn phiền của tôi tan biến. Bây giờ thì mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp hơn”. Amma thú thật chị không biết mái tóc của mình sẽ đi về đâu. Sau khi nghe nói tóc người được lái buôn bán để làm tóc giả và phục vụ nối tóc trên khắp thế giới, Amma tiếp tục cười to: “Nếu mái tóc giúp cho người khác trở nên xinh đẹp hơn thì tôi rất hạnh phúc”.