Cán bộ ngân hàng “chết” theo đại gia thủy sản: "Vải thưa che mắt thánh"

Thứ Hai, 12/01/2015, 20:45
Cho tới thời điểm này tại miền Tây, chưa vụ án nào có số cán bộ ngân hàng bị “dính” trong cùng một vụ án lại… “nhộn nhịp” như vụ xảy ra tại Công ty CP Chế biến Thực phẩm Phương Nam (Công ty Phương Nam). Dân miền Tây gọi đây là “đại án”.

Theo bản Kết luận điều tra do Trung tướng Trần Đăng Yến - Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an ký, có đến 25 bị can nguyên là cán bộ của 5 ngân hàng “dính” vào vụ án này. Và số bị can này vào ngày 19/12 vừa qua đã bị VKSND tối cao quyết định truy tố vì tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Đáng chú ý là sai phạm của số cán bộ ngân hàng vừa kể đã tạo điều kiện cho đối tượng Lâm Ngọc Khuân - Chủ tịch HĐQT công ty trên cùng đồng bọn lừa đảo, chiếm đoạt số tiền gần 785  tỉ đồng. Đọc nội dung kết luận thấy mà run… về mối quan hệ “đại gia” thủy sản với một bộ phận cán bộ ngân hàng.

Người dân miền Tây từ cách nay hơn chục năm đã bắt đầu biết đến Công ty Phương Nam. Dân trong nghề càng nể "người anh em" này bởi chỉ trong thời gian ngắn, tên tuổi của Phương Nam lên như diều gặp gió, nằm trong tốp DN hàng đầu của ngành chế biến, XK thủy sản của Việt Nam. Đã có nhiều sự ca tụng lên tận mây xanh đối với sự thành công của Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Lâm Ngọc Khuân, cùng vợ Trần Thị Mỹ, con gái Lâm Ngọc Hân và cháu gái Huỳnh Phúc Quế. Với vốn điều lệ gần 300 tỉ đồng, ông Khuân góp 35,26%, bà Mỹ góp 20,5%, con gái góp 20,24% và cháu gái góp… khống 24%.

Dinh thự này được cất lên trước khi đại gia Lâm Ngọc Khuân ôm thêm tiền của các ngân hàng rồi "bấm nút" sang Mỹ định cư

Chính vì công ty gia đình nên ông Khuân và các cổ đông sáng lập giỏi giấu thiên hạ về hiệu quả sản xuất, kinh doanh nhất là giai đoạn 2008 - cuối tháng 9/2012. Bên ngoài thì đình đám nổi như… cồn nhưng thực chất bên trong,  Công ty Phương Nam vay, nợ của các ngân hàng số tiền "khủng", trong khi làm ăn thua lỗ theo kiểu "năm sau cao hơn năm trước".

Cho tới khi Cơ quan Công an vào cuộc, điều tra mới "lòi ra" chuyện lỗ nhưng báo cáo lãi. Cụ thể, năm 2008, DN này nợ gần 800 tỉ đồng, kinh doanh lỗ 15 tỉ đồng nhưng báo cáo lãi trên 4,4 tỉ đồng; năm sau đó, nợ hơn 1.000 tỉ đồng, lỗ 125 tỉ đồng nhưng báo lãi trên 18 tỉ đồng. Sang năm 2010, nợ tăng lên trên 1.250 tỉ đồng và lỗ trên 339 tỉ đồng nhưng báo lãi gần 18 tỉ đồng. Và tới cuối tháng 10/2012, Công ty Phương Nam đã nợ trên 1.752 tỉ đồng (của 8 ngân hàng) và thua lỗ xấp xỉ 1.000 tỉ đồng.

Thực tế từ những năm trước đó, biết không có khả năng thanh toán số nợ càng ngày càng phình ra nên Lâm Ngọc Khuân đã nghĩ ra cách chiếm đoạt tiền của các ngân hàng bằng cách chỉ đạo cho con gái và thuộc cấp  thực hiện hành vi gian dối - lập ra 19 báo cáo tài chính khống rằng DN hàng năm đều có lãi, rồi Khuân trực tiếp hoặc giao lại cho con gái, ủy quyền cho thuộc cấp ký, kẹp vào hồ sơ xin vay vốn. Tổng số tiền mà Khuân đã dùng chiêu này để vay của các ngân hàng trên 16.000 tỉ đồng - hơn 3 lần tiền làm cầu dây văng Cần Thơ.

Vay được nhiều như thế nhưng Khuân chỉ sử dụng đúng mục đích trên 6.200 tỉ đồng. Khoản tiền khủng gần 10.000 tỉ đồng còn lại, Khuân sử dụng sai mục đích. Đáng chú ý là để tạo thêm niềm tin cho các ngân hàng, Khuân dùng chiêu dùng tiền đầu này lấp đầu kia, và khuếch trương chuyện "làm ăn hiệu quả" của mình bằng chuyện xây dinh thự gần 2 triệu USD chễm chệ cạnh nhà máy cặp theo QL1A, và mở thêm nhà máy, kho bãi, liên doanh với DN tên tuổi, mua nhà ở Phú Mỹ Hưng (TP.HCM) và chiếm hưởng, tiêu xài cá nhân.

Theo xác định của Cơ quan điều tra, tổng số tiền Khuân cùng đồng bọn đã lừa đảo chiếm đoạt của 5 ngân hàng là trên 825 tỉ đồng. Hậu quả thiệt hại do hành vi của Khuân và đồng bọn gây ra là trên 1.072 tỉ đồng.

Lâm Ngọc Khuân khéo lấy… "vải thưa che mắt thánh". Điều đó không ai phủ nhận nhưng nếu ngân hàng làm đúng quy định thì sẽ phát hiện ra ngay. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, nếu thế thì chắc không có "đại án" tại DN này.

Chúng tôi xin kể lại sự "hào phóng" đến mức khó ngờ của một số ngân hàng đối với đại gia Lâm Ngọc Khuân. Thật… đau khi lại phải nhắc đến VDB. Lần này là VDB Sóc Trăng. Cơ quan điều tra xác định đây là bị hại lớn nhất so với 4 ngân hàng còn lại, với số tiền thiệt hại là 314 tỉ đồng.

Nhìn vào kết quả điều tra, không ai có thể hình dung sự cẩu thả đến "chết người" của một số cán bộ thuộc VDB Sóc Trăng, cụ thể là các ông (cũng là các bị can): Nguyễn Thế Thắng - nguyên Giám đốc Chi nhánh, Nguyễn Văn Xem - nguyên Phó giám đốc, Trần Văn Nhã - nguyên Trưởng phòng Tín dụng, Vũ Văn Quang - nguyên Trưởng phòng Kiểm tra và Từ Quỳnh Ngân - nguyên cán bộ Phòng Tín dụng.

Tất cả đều bị khởi tố cùng hành vi vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo Cơ quan điều tra, vào ngày 13/3/2009, Lâm Ngọc Khuân ký đề nghị, kèm theo hồ sơ xin được vay của VDB Sóc Trăng theo hạn mức số tiền 350 tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Xem - Phó giám đốc ký tờ trình gởi VDB Việt Nam, đề nghị duyệt vay ở mức 320 tỉ đồng. Ngày 23/2/2010, lãnh đạo VDB Việt Nam có công văn đồng ý về việc cấp hạn mức cho vay tín dụng XK, đồng thời rút hạn mức này kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng đến hết năm 2009.

Ngày 2/3/2010, Giám đốc VDB Sóc Trăng Nguyễn Thế Thắng cùng Tổ định giá tiến hành định giá tài sản thế chấp là hàng hóa thành phẩm tồn kho của Công ty Phương Nam tại KCN An Nghiệp. Lượng hàng tồn kho thực tế chỉ có trên 1.078 tấn, trị giá gần 240 tỉ đồng, thế nhưng lúc đó, ông Thắng cùng Tổ định giá lại tin vào khối lượng do Công ty Phương Nam lập ra là gần 3.000 tấn, với trị giá trên 491 tỉ đồng, chênh lệch hơn 150 tỉ đồng.

Ngay trong ngày hôm sau, ông Thắng đã ký hợp đồng số 03/2010/HĐXKHM-NHPT, hạn mức 320 tỉ đồng với Công ty Phương Nam. Sau đó tích cực giải ngân cho Phương Nam 116 lần, với số tiền 991,5 tỉ đồng nhưng lại chuyển vào tài khoản của Công ty Phương Nam tại Agribank Sóc Trăng.

Vào thời điểm Hợp đồng số 03/2010 kể trên chưa được tất toán thì ngày 16/2/2011, Lâm Ngọc Hân sau khi được cha (ông Khuân) giao quyền điều hành công ty, tiếp tục ký giấy đề nghị vay vốn của VDB Sóc Trăng theo hạn mức số tiền 380 tỉ đồng. Thực tế, tài sản thế chấp hàng tồn kho chỉ có 606,614 tấn tôm đông lạnh, trị giá gần 157 tỉ đồng nhưng do VDB Sóc Trăng không thẩm định mà lại sử dụng tờ báo cáo tồn kho ngày 3/3/2010 (dùng cho Hợp đồng 03/2010 kể trên, với giá trị chấp nhận hàng hóa tồn kho trên 491,5 tỉ đồng, tương đương 3.000 tấn tôm - PV) để tiếp tục thực hiện các thủ tục thế chấp cho vay, giải ngân.

Thực hiện hợp đồng này, VDB lại tiếp tục giải ngân cho Công ty Phương Nam qua tài khoản của DN này tại Agribank Sóc Trăng trên 189 tỉ đồng, tạo điều kiện cho công ty này sử dụng sai mục đích.

Tương tự như VDB Sóc Trăng, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietBank) - Sở giao dịch Hậu Giang cũng bị "dính" 363 tỉ đồng, trong đó, khó có khả năng thu hồi gần 260 tỉ đồng. Trong số những người nhiệt tình "giúp" cho LienVietBank bị "dính" khoản nợ "khủng" có Tốn Hùng Vĩ là cán bộ tín dụng. 

Đọc lời khai của Vĩ mà chúng tôi không thể tin: "Là người tiếp nhận hồ sơ vay của Công ty Phương Nam, tôi chỉ dựa vào báo cáo tài chính và báo cáo năm 2010 của công ty lãi 17,745 tỉ đồng. Khi đánh giá về tình hình tài chính doanh nghiệp, tôi không kiểm tra sổ phụ ngân hàng, sổ quỹ tiền mặt để biết DN có dư nợ tại các tổ chức tín dụng khác; tài sản đảm bảo là hàng tồn kho luân chuyển đã thế chấp tại tổ chức tín dụng nào chưa? Khi tham gia vào Tổ thẩm định tài sản đảm bảo tiền vay, tôi không tiến hành kiểm đếm chi tiết thực tế từng loại hàng hóa tồn kho của công ty mà chỉ căn cứ vào báo cáo xuất, nhập, tồn kho của công ty báo cáo mà chỉ chọn ngẫu nhiên để so sánh, ước lượng số lượng hàng tồn kho. Từ đó dẫn đến việc định giá tài sản đảm bảo tiền vay theo biên bản ngày 18/4/2011 là trên 2.536 tấn, trị giá gần 558 tỉ đồng, trong khi thực tế chỉ hơn 581 tấn, trị giá gần 151 tỉ đồng".

Sau việc thẩm định này, ông Vĩ đã lập báo cáo thẩm định và đề nghị lãnh đạo phê duyệt cho tăng hạn mức tín dụng cho Công ty Phương Nam từ 200 tỉ đồng lên 250 tỉ đồng….

Cấp dưới cẩu thả như thế, cấp trên do quá tin vào "đại gia" mà lờ đi nhiều động tác "chết người".

Ông Đỗ Hùng Sở (Giám đốc LienVietBank Hậu Giang từ 5/2010 đến 9/2013) khai như sau: "Biết cán bộ cấp dưới không kiểm tra thực tế hàng tồn kho luân chuyển tại Công ty Phương Nam; khi ký giải ngân các hợp đồng tín dụng không kiểm tra lại hồ sơ mà thuộc cấp trình lên, dẫn đến trong hồ sơ giải ngân phần lớn là chứng từ mua hàng hóa photocopy. Giải ngân không chuyển tiền vào tài khoản của người thụ hưởng mà giải ngân vào tài khoản tiền gởi của Công ty Phương Nam tại các ngân hàng khác, làm mất khả năng kiểm tra việc sử dụng vốn vay. Không kiểm tra cụ thể các hóa đơn chứng từ sau giải ngân nên không phát hiện được chứng từ giải ngân không trùng với chứng từ sau giải ngân; không thực hiện đúng nội dung thông báo của Hội đồng tín dụng Hội sở về quản lý hàng hóa tồn kho, không xác minh hàng hóa tồn kho…".

Trước khi "đại gia" Lâm Ngọc Khuân cùng gia đình "bấm nút" sang định cư ở Mỹ, lãnh đạo của một số ngân hàng có quan hệ khăng khít với khách hàng đại gia này đã rất niềm nở ăn nhậu, “tiễn anh lên đường” và hẹn ngày gặp lại. Chẳng mấy ai nghĩ rằng chuyện đi "trị bệnh" của ông Khuân đã được tính toán từ trước.

Mấy ai được biết trước khi sang Mỹ, vào ngày 11/11/2011, ông Khuân cùng vợ đã đến Phòng công chứng Ba Xuyên (Sóc Trăng) ký ủy quyền cho con trai Lâm Ngọc Khoa được thay mặt cha mẹ bán các tài sản sở hữu cá nhân của ông Khuân, bà Mỹ gồm 42 bất động sản mà trước đó ông Khuân đã dùng thế chấp ngân hàng, tổ chức, cá nhân khác. Hơn 3 tuần sau, vợ chồng ông Khuân xuất cảnh sang Mỹ và không quên làm động tác ủy quyền cho con gái Lâm Ngọc Hân làm giám đốc, thay mình điều hành mọi chuyện của công ty. Và tới 11/7/2012, Việt kiều Hân cũng quay trở về Mỹ.

Khi thấy "thượng đế" của mình "mất tín hiệu" đã lâu lâu, các "chủ nợ" là ngân hàng mới bắt đầu nghi ngại tới khả năng ông Khuân ở lại bên Mỹ. Sau  khi nhận được yêu cầu về giải quyết nợ nần của một số ngân hàng, ngày 17/9/2012, từ Mỹ, vợ chồng ông Khuân cùng con gái thống nhất ủy quyền cho Quế (thành viên HĐQT) được thay mặt công ty giải quyết; đồng thời gởi về Việt Nam bức thư nói rằng "do tình hình sức khỏe của bản thân chưa ổn định nên các bác sĩ chưa cho về". Cuối thư là lời xin lỗi suông với các "chủ nợ".

Đến lúc này thì một số cán bộ ngân hàng mới bắt đầu thấm thía "chiêu độc" của "thượng đế" đại gia thủy sản từng nhiều lần cùng mình "chén tạc chén thù".

Theo kết quả điều tra, Công ty Phương Nam nợ các ngân hàng cụ thể sau: Nợ lãi VDB Sóc Trăng gần 78 tỉ đồng, nợ gốc 341 tỉ đồng; nợ LienVietBank Hậu Giang 363 tỉ đồng; nợ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín CNST 162 tỉ đồng; nợ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam CNST 126 tỉ đồng; nợ NH TMCP An Bình chi nhánh Bạc Liêu 87 tỉ đồng và nợ Ngân hàng Liên doanh Việt Thái gần 50 tỉ đồng. Và cho tới thời điểm này, Công ty Phương Nam không có tài sản bảo đảm để hoàn trả vốn vay cho các ngân hàng vừa kể với số tiền 785 tỉ đồng.

Liên quan đến vụ án này, Cơ quan điều tra xác định Lâm Ngọc Khuân cùng con gái là Lâm Ngọc Hân giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu nhưng cả hai đã bỏ trốn đi Mỹ. Cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế, khi bắt được sẽ xử lý sau.

Hai bị can khác trong vụ án là Trịnh Thị Hồng Phượng - nguyên Phó giám đốc và Lâm Minh Mẫn - kế toán trưởng Công ty Phương Nam bị truy tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Binh Huyền
.
.