Kỳ lạ tục lệ của bộ tộc “ăn nước trời”

Thứ Năm, 19/07/2012, 11:25

Ít ai biết được chỉ cách TP HCM chưa đến 120km là vùng rừng thiêng nước độc Mã Đà. Và cũng chẳng mấy người được rõ hàng trăm năm qua, vùng rừng gắn liền với câu nói “Mã Đà sơn cước anh hùng tận” là nơi cư trú lâu đời của tộc người “ăn nước trời” Chrau Jro. Nhờ “nương náu” ở nơi vắng dấu chân người, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài mà bộ tộc “ăn nước trời” ở nơi “anh hùng lạc chân xem như tận số” đến nay vẫn tồn giữ nhiều bản sắc, tục lệ bí hiểm, kỳ lạ!

Bên con suối Sa Mách bắt nguồn từ Vườn quốc gia Cát Tiên chảy qua địa phận ấp Lý Lịch (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), già làng Tơ Tơ, thủ lĩnh của bộ tộc "ăn nước trời" giải thích ý nghĩa tên gọi của dân tộc mình: "Chrau là người, Jro là tên riêng của bộ tộc. Chrau Jro có nghĩa người Jro. Ngày trước người Jro sống du canh du cư, mỗi năm chỉ trồng một vụ lúa, thu hoạch mùa màng phụ thuộc vào Yang (thần linh). Năm nào Yang làm cho nắng hạn là làng đói. Nếu có mưa thì cuộc sống đỡ hơn. Cái tên bộ tộc "ăn nước trời" bắt nguồn từ đó!".

Lãnh đạo bộ tộc "ăn nước trời" của mình kiên cường sát cánh cùng bộ đội Bok Hồ (Bác Hồ) hết đánh Pháp lại đuổi Mỹ, khi đất nước thống nhất, già làng Tơ Tơ được Đảng và Nhà nước trao thưởng nhiều danh hiệu cao quý và xây tặng căn nhà khá khang trang. Dù vậy, già Tơ Tơ cùng vợ ông là bà Hồng Thị Lịch vẫn thích ngụ trong ngôi nhà sàn cổ truyền có nhiều điều đặc biệt. Được làm từ thân cây cau rừng (cột nhà), tre nứa, lồ ô (làm sàn, vách), cỏ tranh, lá trung quân (lợp mái)…, ngôi nhà cổ của vợ chồng già Tơ Tơ không có một cây đinh. Toàn bộ cột kèo, đòn tay nối với nhau bằng các ngàm được đục đẽo khéo léo và buộc chặt bằng dây mây. "Ông bà xưa làm nhà không dùng đinh vì nghĩ đinh ém cột, làm cho ngôi nhà nặng hồn vía, gia chủ sẽ nay đau mai bệnh, làm ăn sa sút" - bà Hồng Thị Lịch, giải thích. 

Trong ngôi nhà cổ, vợ chồng già làng Tơ Tơ dành nơi trang trọng nhất ở sát mái nhà làm bàn thờ cúng thần lúa (Yang va). Trong tín ngưỡng của người Chrau Jro, Yang va là vị thần lớn và quyền uy nhất trong các Yang như Yang re (thần rẫy), Yang mơ (thần ruộng), Yang dal (thần suối)… Tuy thờ cúng thần lúa rất kính cẩn nhưng gia đình già Tơ Tơ và nhiều người làng không để lúa trong nhà mà cất công làm chòi lúa riêng biệt ở sau nhà chính. Nhà lúa hay chòi để lúa được cư dân của bộ tộc "ăn nước trời" gọi là cà uôn. Nhà cao đến gần 2m, được xây dựng theo hướng đông - tây.

Già làng Điểu Dương, 74 tuổi, giải thích: Sở dĩ chòi để lúa được dựng với cái hướng bất di bất dịch trên nhằm tránh mặt trời đi ngang qua đòn dông. Già Điểu Dương cũng giải thích phải làm chòi để lúa riêng biệt nhằm giữ sự trong sạch cho hồn lúa, đồng thời là cách gia chủ thể hiện lòng thành, sự tôn kính thần lúa. Có như vậy thần mới cho được mùa vụ bội thu. Bằng không thần sẽ nổi giận làm cho mất mùa, đói kém!

Cận cảnh nhà để lúa của bà Hồng Thị Lịch.

Ghé thăm những ngôi nhà cổ của bộ tộc "ăn nước trời", chúng tôi rất ấn tượng trước những chiếc ná với các ống tên tẩm thuốc độc lên nước bóng loáng. Cùng đó là vô số ghè rượu trăm năm, những bộ ma la bằng đồng pha vàng. Qua bao biến chuyển của chiến tranh, thời cuộc, những bộ ma la quý giá mà ngày trước tổ tiên người Chrau Jro phải đổi bằng trăm trâu vẫn được các thế hệ đời sau gìn giữ nguyên vẹn.

Bên bếp  lửa đỏ rực giữa ngôi nhà trăm năm, trò chuyện về những chiếc xương hàm thú, vợ chồng già làng Tơ Tơ cùng những người già khác ở làng miên man trong dòng ký ức của núi rừng Mã Đà nhiều thập kỷ trước. Già Điểu Lệch tâm sự, ngày trước, ông cũng như nhiều trai tráng ở làng khi còn nhỏ đã được cha anh rèn luyện tính dũng cảm, tài bắn ná, ném lao, múa xà-gạc qua những buổi xuyên rừng già đi "săn thịt" (săn thú). Thời gian đi săn bao giờ cũng được ấn hành vào ban đêm. Bởi thời khắc mặt trời lặn là lúc con thú ra khỏi hang đi săn mồi, ra suối uống nước.

Khi đi “săn thịt”, thợ săn không đi một mình mà đi nhiều người để giúp nhau, nếu gặp phải con thú lớn, thú dữ như trâu rừng, bò rừng, con min (bò tót), trăn khổng lồ, gấu, cọp… Tay cầm cái hàm của một con lợn rừng ám khói, già làng Tơ Tơ hồi tưởng cái thời ông còn trai trẻ, bắp tay bắp chân cuồn cuộn, ánh mắt rực sáng dũng mãnh phóng thẳng mũi lao vào con heo độc chiếc (heo rừng sống lâu năm có 1 răng nanh rất tinh khôn, hung dữ) đang lao thẳng về phía mình. "Rừng ngày trước nhiều gấu, cọp lắm nhưng người Jro mình không săn những con thú đó vì thịt nó không ngon" - già Tơ Tơ nhắc lại chuyện xưa với đôi mắt rực lửa: "Khi săn được con thú lớn nhiều thịt, cả pa-lây (làng) cùng nhau chia thịt, cùng ăn uống no say rồi nhảy múa, vỗ ma la vui lắm!".

Theo luật tục bất thành văn, hàm răng thú - bộ phận quý giá nhất của con vật sẽ được trao cho thợ săn bắn ná hoặc ném lao, múa xà gạc hạ gục được mãnh thú. Nhận được phần thưởng danh dự này, người thợ săn sẽ mang cái hàm thú ấy lóc hết thịt, phơi khô treo thành dãy trên xà nhà để đánh dấu chiến tích “săn thịt” của mình. Người có nhiều xương hàm thú sẽ được dân làng trọng vọng, được các cô gái xinh đẹp ngưỡng mộ mong ước lấy làm chồng bởi có được tấm chồng săn bắn tài giỏi như thế, gia đình sẽ không sợ bị đói.

Chuyện lạ về những chiếc xương hàm thú vẫn chưa dừng lại ở đó. Bà Hồng Thị Lịch âu yếm nhìn chồng rồi bật mí rằng, khi một thợ săn về với Yang (chết) thì những chiếc xương hàm thú cũng được dân làng, gia đình trao trả cho anh ta. Điều này đồng nghĩa với việc mai này nếu già làng Tơ Tơ qua đời, đích thân bà Lịch hoặc những người con của ông bà sẽ mang những bộ xương hàm thú đốt bỏ ngay tại mộ chồng (cha) giữa rừng sâu!

Điều lạ khác ở bộ tộc "ăn nước trời" là họ không có rừng ma như những tộc người Ê đê, M'nông, Jrai… ở Tây Nguyên. Rừng ma ở những tộc người này là khu rừng bất khả xâm phạm, là nơi ẩn trú của người chết với những tượng mộc nhân huyền bí mà thân nhân người chết đẽo tạc cho người quá cố để làm nô lệ hầu hạ hoặc bầu bạn. Các tộc người Ê đê, M'nông, Jrai… chỉ vào rừng ma khi tiễn đưa người chết về với Yang hoặc làm lễ bỏ mả (nghi thức thiêng liêng chấm dứt mối quan hệ giữa người sống và người chết, từ đây người chết sẽ chính thức bước vào thế giới ma, nơi có ông bà tổ tiên ngàn đời). 

Sau tang ma, người Chrau Jro tin rằng nước phép và tiếng ma la (nhạc cụ bằng đồng không có núm) sẽ giúp họ xua đuổi ma quỷ.

Không chôn cất người thân ở "rừng ma", vậy người Chrau Jro an táng người quá cố ở đâu? Thay câu trả lời, già làng Điểu Bích, 76 tuổi, đưa chúng tôi ra bìa rừng, nơi có nhiều thân cây đại thụ um tùm, hoang dại rồi bảo nơi này từng là nơi chôn cất cha mẹ ông và chính ông mai này. "Người Chrau Jro mình không lập nghĩa địa" - già Điểu Bích, hắng giọng: "Khi người thân qua đời, gia đình sẽ chôn họ ở góc rừng nào đó, nơi mà lúc sống họ trăng trối".

- Nếu người chết không kịp trăng trối,  dặn dò thì sao, thưa già?

- Người nhà sẽ gieo quẻ, khấn vái bằng cách lấy 2 đồng tiền tung lên. Nếu có 1 đồng sấp và 1 đồng ngửa sẽ chôn người chết theo lời khấn!

Quanh chuyện an táng người chết, người Chrau Jro có cả "kho" chuyện vừa lạ vừa bí hiểm. Khi một nhà có người qua đời thì những người thân như cha mẹ, anh em, con cháu, dâu rể… phải thức trắng, không được ngủ để thể hiện sự buồn đau, lòng thương nhớ người đã khuất. Sau khi an táng người chết, trước khi rời rừng trở về nhà, những người tham gia đưa đám được người đầu tộc rảy nước phép vào người và rửa nhà người chết để ma quỷ, hồn ma của người quá cố không theo về ám hại gây chết chóc, dịch bệnh!

Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng bộ tộc "ăn nước trời" không có tục dựng nhà mồ và chia của cho người chết, các già làng khẳng định nhiều thập kỷ trước, người Chrau Jro cũng dựng nhà ma (nhà mồ, tiếng bản địa là nhi-cam ho-íc) như các dân tộc Tây Nguyên. "Cạnh mộ gia đình để chén đũa, ché rượu, xà-gạc, chai lọ, gùi, ná, quần áo… để người chết có thứ mà dùng ở làng ma" - già Tơ Tơ, nói -  "Ngày trước của chia cho người chết để nguyên. Sau có nhiều kẻ xấu, sinh lòng tham lấy đồ chia cho người chết về xài nên những đồ chia của được gia đình người chết đập vỡ, đốt cháy".

Càng về khuya, khi men rượu đã nồng, khi cái tình càng thêm chặt, các già làng đưa khách chìm sâu vào nhiều câu chuyện luật tục kỳ lạ khác liên quan đến các mối quan hệ xã hội, đối nhân xử thế. Ấn tượng nhất là tục làm lễ thề khi ai đó có tài sản bị mất cắp và hiềm nghi, đổ tội cho người bị nghi ngờ. Để "đảnh" lễ, bên bị mất đồ và cả người bị nghi ngờ phải chuẩn bị lễ vật gồm 7 lá gáo vàng, 7 lá cà độc dược, 1 đèn cầy bằng sáp ong, 1 con gà lông trắng và một chén vỏ cây chùm lum.

Một già làng bật  mí số 7 là con số thiêng của tộc người và 2 loại lá gáo, lá cà độc dược có đặc tính vào mùa khô sẽ trụi hết lá nhìn như cây chết khô. Khi lễ vật chuẩn bị đầy đủ, người bị mất của sẽ khấn trình bày và xin Yang phán xử. Lúc đó người bị nghi sẽ thề độc. Lời thề của anh ta đại ý: Tôi bị gia chủ nghi lấy cắp đồ của họ nên trình Yang xem xét. Nếu tôi lấy đồ của họ, xin Yang hãy phạt nặng tôi, làm cho gia đình, dòng họ tôi chết như lá gáo, lá cà. Còn không, xin Yang giải oan cho tôi, cho dòng họ tôi.

Khi người bị nghi trộm đồ thề độc như thế, mọi hiềm nghi sẽ được phía người nghi ngờ xóa bỏ. Bởi người Chrau Jro tin nếu đúng người nọ lấy trộm đồ của mình nhưng "già mồm" thì sớm muộn anh ta cũng sẽ bị Yang phạt làm cho đau bệnh, chết thảm cả dòng họ! "Lời thề linh lắm, Yàng linh lắm nên không ai dám thề bậy. Nên tình trạng trộm cắp hiếm khi xảy ra vì ai cũng sợ thề độc" - bà Hồng Thị Lịch, giọng e dè. 

Không chỉ sợ thề độc, người Chrau Jro còn sợ cả những thế lực ma quỷ chuyên hại người được gọi là ma lai. Cũng vì sợ ma mà tổ tiên của tộc người "ăn nước trời" này bảo nhau cấm trẻ con la hét lúc bình minh hoặc khi chiều tà vì tin đó là thời điểm loài quỷ ma đi săn, khi thấy bọn trẻ la hét, chúng sẽ bắn tên làm đứa trẻ đau bệnh và dẫn đến cái chết. Khác với người Mạ ở xã Tà Lài (huyện Tân Phú, Đồng Nai) tin ma lai núp bóng người, ngày là người nhưng đêm là ma, bộ tộc "ăn nước trời" tin ma quỷ trú trong những hòn đá lớn, cây cổ thụ… nên không dám mạo phạm những "linh vật" này nếu không làm lễ cúng trọng thể!

Còn nhiều, rất nhiều điều lạ liên quan đến bộ tộc "ăn nước trời" Chrau Jro như trước mỗi nhà đều treo tổ ong mặt quỷ hoặc sọ con voọc để tránh bị loài quỷ ma "nhập gia". Ngoài ra còn có những tục lạ như tục cúng trút hồn người bị chết dữ, tục bấm lỗ tai cho người bị chết trẻ, tục cúng lúa chửa… nhưng tiếc rằng vì thời gian có hạn chúng tôi chưa kịp tìm hiểu. Dầu vậy, những gì ghi nhận được cũng đã mang lại cho chúng tôi những trải nghiệm thú vị về một vùng đất, tộc người bí hiểm. Cảm động làm sao khi được các già làng tâm tình rằng, dẫu thời gian trôi nhanh như nước chảy gió bay…, mặc những luồng văn hóa xâm nhập, các thế hệ con cháu của bộ tộc "ăn nước trời" vẫn gìn lưu nguyên vẹn những luật tục trăm năm. Những gì mang tính chất văn hóa, phong tục, mỹ tục, đồng bào rất chú trọng bảo lưu và phát huy. Những hủ tục nặng nề như tục cúng ma, cúng bệnh và đặc biệt nỗi sợ ma lai đã được đồng bào khai tử…

"Từ rất lâu rồi, người Chrau Jro mình khi sinh đẻ, đau bệnh đã biết đến trạm xá chứ không có chuyện ra bìa rừng dựng chòi đẻ hay nhờ bà bóng, thầy cúng cúng ma như trước nữa!" - già làng Tơ Tơ, khẳng định: "Cũng từ nhiều năm trước, người Chrau Jro không còn du canh du cư, không còn ăn nước trời nữa rồi".

Có những vùng đất ta đến một lần và nhớ mãi, vùng đất của tộc người "ăn nước trời" Chrau Jro là một nơi như vậy!

Nhóm PVXH
.
.