Kỷ lục Việt Nam: 3 năm, một chặng đường

Thứ Sáu, 24/08/2007, 09:45
Qua 3 năm hoạt động, Kỷ lục Việt Nam (KLVN) đã xác lập được: gần 500 kỷ lục của 31 tỉnh, thành trong cả nước. KLVN đã nhanh chóng trở thành một thương hiệu xã hội, tôn vinh những giá trị văn hóa, thành tích phi thường của đất nước, con người Việt Nam.

Ngày 5/8/2007, Vietbooks kỷ niệm tròn 3 năm thành lập, cũng là ngày Vietbooks (dưới tên gọi mới Vietkings) chính thức ký kết hợp tác với Tổ chức Guinness thế giới.

3 năm không phải là thời gian dài, nhưng cũng có thể coi đó là thời gian "lịch sử" đối với những người làm kỷ lục, bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh, từ những ý nghĩ tưởng chừng như không thể, họ đã đưa KLVN trở thành một hiện tượng, một thương hiệu xã hội.

KẾT QUẢ ĐÁNG PHẤN KHỞI

Khi có dịp tác nghiệp tại Festival hoa Đà Lạt 2004, tôi đã gặp họ, mới đầu tôi cứ nghĩ họ là phóng viên của một tờ báo nào đó, cũng máy ảnh, máy ghi âm, cũng phỏng vấn nhân vật rồi ghi ghi, chép chép rất ư chuyên nghiệp. Bắt chuyện, tôi mới biết, nhóm người “lăng xăng như nhà báo” ấy là người của Trung tâm KLVN.

Khi ấy, Trung tâm KLVN (còn có tên gọi là Vietbooks) mới ra đời được 4 tháng, và như những người khởi xướng ra nó cho biết, họ phải bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh. Lần ấy, tôi cũng đã được tiếp chuyện ông Lê Trần Trường An, Giám đốc điều hành trung tâm, người được mệnh danh là “ông trùm” ý tưởng Việt Nam.

“Trong cuộc sống, mọi người đều có chung một niềm khao khát, đó chính là tìm hiểu và chinh phục từ những điều nhỏ nhất cho đến những điều lớn nhất”. Ông An bắt đầu câu chuyện về kỷ lục như thế!

Ngay khi nảy ra ý tưởng về một trung tâm KLVN, Trường An đã tự mình lên kế hoạch, tìm nhân sự, vạch những hướng đi cho Trung tâm KLVN. Không có kinh nghiệm, điều duy nhất Trường An có được là cái đầu của một nhà kinh doanh và một cuốn sách của kỷ lục Guinness thế giới.

Từng bước một, vừa làm vừa tự học hỏi, rút kinh nghiệm chính mình, KLVN năm đầu tiên ấy chỉ có vỏn vẹn 4 người, họ cũng lặn lội khắp các hang cùng ngõ hẻm, đến từng nóc nhà, từng ngõ phố để “săn” kỷ lục.

Những người “săn” kỷ lục xuất hiện khắp nơi, từ mũi Cà Mau ra đến đỉnh Lũng Cú, xuôi Nam, ngược Bắc. Họ cũng thức hàng đêm để lục lọi trong đống tư liệu sách báo, ngồi hàng giờ trên Internet để tìm kiếm kỷ lục, mãi sau này, khi thương hiệu KLVN được nhiều người chú ý, người ta tự gửi đơn xin xác lập kỷ lục đến trụ sở của Vietbooks, công việc của nhóm “săn” kỷ lục mới bớt vất vả.

Ông An tâm sự: “Ba năm cũng có rất nhiều niềm vui, nỗi buồn lẫn lộn, cũng có nhiều lời khen chê, chúng tôi đã cố gắng vượt qua nhiều khó khăn để có được một thương hiệu KLVN như ngày hôm nay”.

Sau 3 năm, sự xuất hiện và tồn tại, phát triển của Vietbooks đã được khẳng định.

Qua 3 năm hoạt động, KLVN đã xác lập được: gần 500 kỷ lục của 31 tỉnh, thành trong cả nước (Phú Thọ, Hà Tây, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bến Tre, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Vĩnh Long, TP HCM).

KLVN đã nhanh chóng trở thành một thương hiệu xã hội, tôn vinh những giá trị văn hóa, thành tích phi thường của đất nước, con người Việt Nam.

Ngày 15/8, tại Trung tâm sách KLVN (Vietbooks-Vietkings) đã tổ chức họp báo công bố sự ra đời của Công ty Cổ phần Kỷ lục Vietkings. Học hỏi mô hình của Guinness thế giới, một tập đoàn kỷ lục chuyên nghiệp, KLVN sẽ tiếp tục được Vietbooks đầu tư lớn chiều sâu với kế hoạch 10 năm.

Vietbooks và hệ thống bản quyền thương hiệu kỷ lục thuộc Tổ hợp sáng tạo Vietbooks đã chính thức chuyển giao cho Công ty Cổ phần Kỷ lục Vietkings, tiếp tục thực hiện công việc tổ chức, phát triển kỷ lục Việt Nam, Vietbooks sẽ hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và nhân sự.

Ngày 15/8, tại khách sạn Majestic, TP HCM, Vietkings đã tổ chức Hội nghị Kỷ lục gia lần 9, ngoài việc trao cúp xác lập KLVN cho 15 kỷ lục mới, Công ty Vietkings đã làm lễ ký kết giữa Vietkings và Tổ chức Guinness thế giới, công bố sự ra đời của Chương trình S100. Trong buổi lễ, Vietkings đã trao giấy xác lập kỷ lục S100 tôn vinh 10 cụ tuổi “bách niên” hiện đang sống tại TP HCM.

Khi Trường An chính thức đặt bút ký với đại diện Tổ chức Guinness thế giới, cũng là lúc Vietkings sẽ bước sang một trang sử mới với nhiều thách thức lớn, xây dựng một sự kết nối giữa cộng đồng KLVN với cộng đồng kỷ lục thế giới, chuyển thông điệp, để thế giới hiểu được giá trị KLVN.

Dự kiến vào cuối năm nay, Vietkings sẽ có thể đưa các kỷ lục gia thế giới vào Việt Nam biểu diễn và ngược lại, đưa các kỷ lục gia Việt Nam lên truyền hình thế giới.

Ông Trường An cho biết: “Những người làm kỷ lục chúng tôi có một mong ước nhỏ, làm sao để thế giới, qua kỷ lục Việt Nam biết đến Việt Nam, một đất nước có nhiều giá trị văn hóa to lớn; những di sản; con người; đặc sản...

3 năm trước, khi KLVN ra đời, chúng  tôi đã gửi rất nhiều văn bản cho Tổ chức Guinness thế giới, nhưng chỉ nhận được sự im lặng. Nhưng sau khi có được thông tin từ Việt Nam, về những thành công của KLVN, Guinness thế giới mới chấp nhận sự hợp tác với Trung tâm KLVN”.

KLVN đã chính thức hội nhập với Guinness thế giới, chính thức bước sang sự chuyên nghiệp, Kỷ lục gia Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia một sân chơi lớn hơn với nhiều thách thức...

NHỮNG KỶ LỤC VIỆT NAM MỚI NHẤT ĐƯỢC XÁC LẬP

Người đầu tiên làm thạch ảnh ở Việt Nam

Thạch ảnh về hình tượng Bác Hồ của ông Lê Nguyên Vỹ.
Phát hiện ra vẻ đẹp muôn màu của những viên đá cuội trong dòng suối, ông Lê Nguyên Vỹ, TP Đà Nẵng, nảy sinh ý định phóng ảnh lên đá, kết hợp vẻ đẹp giữa đá và ảnh, tạo ra thạch ảnh. Ông Vỹ bắt tay vào nghiên cứu kỹ thuật này từ năm 1995. Đến nay, ông hoàn thành hơn 200 tác phẩm thạch ảnh độc đáo và sang trọng với bí quyết của riêng mình.

Đèn tranh cát lớn nhất Việt Nam

Đèn mang tên Tiên Rồng Âu Lạc, ba mặt tạo hình trên truyền thuyết về Lạc Long Quân - Âu Cơ. Đèn cao 88 cm, đường kính nơi rộng nhất 60 cm, trọng lượng 23,5 kg. Thân làm bằng thủy tinh và cát trắng, với 8 màu cát tự nhiên lấy từ Cam Ranh, Khánh Hòa, cát màu Phan Rí, Hòn Rơm, Mũi Né...

Đèn tranh cát lớn nhất Việt Nam.

Hình thiếu nữ bằng đất dài nhất Việt Nam

Nguyên là một nhà kỹ thuật cơ khí nông nghiệp nhưng khi vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Bùi Văn Ngọ đã thể hiện niềm say mê của mình vào các tác phẩm hội họa, mỹ thuật. Ông đã vẽ tranh sơn mài và không chỉ vẽ tranh, ông còn tạo dựng nên một tác phẩm, mà muốn tạo hình thành công tác phẩm này phải tốn rất nhiều công sức, thời gian.

Đó là tác phẩm có tên “Đồi Tiên Nữ” được ông sáng tác từ năm 2004 đến năm 2006. Đây là một tác phẩm công phu vì sử dụng một khối lượng đất rất lớn. Và muốn thể hiện hình dáng một nàng tiên như tên gọi của nó, phải qua biết bao nhiêu lần đắp, gọt đến việc gia cố không bị lún sụt và phủ xanh tác phẩm bằng một lớp cỏ mịn làm dịu mát mắt người xem.

Chiều dài của tác phẩm “Đồi Tiên Nữ” khoảng 30m, nơi cao nhất khoảng 4m. Nhìn vào đường nét, hình dáng của tượng thiếu nữ, người xem cảm nhận được tác giả của nó chắc hẳn là một nhà kỹ thuật nhưng có niềm say mê nghệ thuật. Vì dưới bàn tay khéo léo của ông, nguyên khối đất vô tri vô giác đã trở thành một thiếu nữ đang nằm ngủ với những đường nét, vóc dáng quyến rũ.

Tập thơ bằng đồng nặng nhất Việt Nam

Tập thơ bằng đồng nặng nhất Việt Nam.
Nhà thơ Phạm Văn Hạng phải mất 5 năm, từ 2002 đến 2007, với kỹ thuật gò nổi trên đồng, để chế tác tập thơ dày 120 trang, khổ 50x65 cm, trọng lượng 220 kg, lưu 29 bài do chính ông sáng tác. Tác phẩm có tên "30 năm tập tễnh làm thơ", hiện lưu giữ và trưng bày tại cà phê Vườn Tượng, đường Huỳnh Ngọc Huệ, TP Đà Nẵng.

Người nuôi được hổ đẻ nhiều nhất Việt Nam

Ông Ngô Duy Tân, tỉnh Bình Dương hiện là người duy nhất ở Việt Nam nuôi hổ sinh sản với số lượng lớn và sống tốt. Hiện ông có 30 con hổ trong khu chuồng trại của mình, con to nhất ước khoảng 300 kg.

Người Việt Nam đầu tiên biên soạn từ điển cười

Đó là nhà thơ Phạm Thiên Thư, tên thật Phạm Kim Long, tác giả của các bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc như: "Ngày xưa Hoàng Thị", "Đưa em tìm động hoa vàng" ... Quan niệm “cười vui đẩy lùi bệnh khổ”, từ năm 1970, Phạm Thiên Thư bắt đầu sáng tác với mong muốn dùng tiếng cười làm phương pháp chữa “tâm bệnh”. Năm 2005, NXB Thanh niên cho xuất bản cuốn sách của ông với tên “Từ điển cười - Tiếu liệu pháp”.

Đôi guốc gỗ lớn nhất Việt Nam

Đôi guốc gỗ lớn nhất Việt Nam.
Guốc có chiều dài 240 cm, rộng 63,5 cm, dày 22,5 cm và cao 119 cm, với trọng lượng 230 kg/đôi, chưa kể quai và đế, do Công ty Hoa Anh Đạt chế tác từ gỗ xoan đào. Quai guốc làm bằng vải thêu với cỏ bện và vải da bò, ở giữa quai guốc là vòng tròn biểu tượng trời đất, hoa văn kiến trúc cổ Việt Nam.

Đây là đôi guốc thuần mộc lớn nhất Việt Nam, tôn vinh một sản phẩm dân tộc lâu đời, thân thiết với người Việt.

Tuyến cáp treo vượt biển dài nhất Việt Nam

Khởi công xây dựng vào tháng 4/2006, tuyến cáp treo vượt biển từ cảng du lịch Phú Quý - Nha Trang sang khu du lịch và giải trí Vinpearl Land của Công ty cổ phần Du lịch và Thương mại Vinpearl đã được khánh thành ngày 10/3/2007.

Tuyến cáp treo này dài 3.320m, có 7 trụ cáp trên biển với độ cao từ 55m đến 65m, chiều cao tính từ chân móng đến đỉnh là 95m đến 157m. Toàn bộ hệ thống trang thiết bị do Tập đoàn POMA (Pháp) cung cấp, đáp ứng những tiêu chuẩn cao nhất về sự an toàn, thoải mái cho người sử dụng.

Tuyến cáp treo vượt biển dài nhất Việt Nam.
Với 47 cabin (sức chứa của 1 cabin là 8 người) có khả năng hoạt động bình thường trong điều kiện tốc độ gió 72km/giờ (tương đương bão cấp 6), hệ thống cáp treo được tính toán có thể chịu được gió giật trên cấp 13, bệ móng có thể chịu được sóng biển với bước sóng 90m, độ cao sóng 8m.

Vận tốc thiết kế của hệ thống cáp treo là 6m/giây và thời gian vận chuyển cabin từ ga đi tới ga đến 10 - 12 phút. Mỗi giờ cáp treo Vinpearl có thể chuyên chở khoảng 1.500 người.

Đền thờ lớn nhất Việt Nam

Là đền thờ Đại Nam Quốc Tự, nằm trong Khu du lịch Đại Nam, Bình Dương. Ngôi đền này có chiều dài và chiều rộng bằng nhau: 67,5m, cao 33,3m, diện tích mặt sân khoảng 5.000m2.

Đền thờ hai tầng, 4 vách được chia làm 32 khung, bao bọc bằng gỗ quý được mạ vàng 24 cara, thể hiện 28 câu chuyện lịch sử Việt Nam. Đây là công trình thờ tự những bậc tiền nhân, anh hùng có công với dân tộc

Thuận Nguyên
.
.