“Kỹ nghệ ăn cướp” lan tràn khắp thế giới

Thứ Ba, 26/01/2016, 14:35
"Không, thưa bác sĩ, điều này không thể có! - Cô Joanne Winfield ở California (Mỹ) sợ hãi thốt lên, khi nghe người thầy thuốc báo tin mình đã có thai - Tôi đã dùng thuốc ngừa thai kia mà!".


Joanne không phải là nạn nhân duy nhất trong vụ scandal mới đây của Hãng Dược phẩm G.D.Searle & Company. Chỉ trong một thời gian ngắn ban lãnh đạo hãng này đã chính thức bị quy tội, sau khi bắt buộc phải thu hồi hơn 1 triệu vỉ thuốc tránh thai "siêu mới" hiệu Marvelon -21 trên thị trường và đền bù thiệt hại cho các nạn nhân.

Nhưng sự mất mát hết sức lớn lao của hãng không thể so sánh được bằng tiền bạc. Vậy điều gì đã xảy ra? Và rồi người ta phát hiện trên thị trường quốc tế đang lưu hành một loại thuốc Marvelon -21 rởm, nhưng lại không thua kém gì hàng xịn. Thật ra đó chỉ là nói về mẫu mã bao bì, còn bên trong không phải là chất ngừa thai. Qua phân tích các hóa chất chứa trong loại thuốc rởm này, tuy vô hại với sức khỏe con người, nhưng nó đã đánh cắp khách hàng của công ty dược phẩm trứ danh lâu đời nói trên.

Tân dược rởm bày bán công khai ngay tại các hiệu thuốc thuộc thế giới thứ 3.

Các cuộc điều tra được tiến hành, cảnh sát và thám tử tư được huy động làm việc suốt nhiều tháng ròng không nghỉ. Nhà chức trách đã hỏi cung hàng trăm kẻ bị tình nghi… Nhưng tất cả đều vô vọng. Chỉ biết được rằng 3 nhà buôn sỉ đã nhận được số hàng 20.000 hộp Marvelon -21 từ một hãng nào đó có trụ sở ở Panama. Nhưng cái công ty "ma" này đã biến mất từ đời tám hoánh nào rồi và những kẻ có lỗi vẫn không bị trừng phạt.

Nhãn hiệu mẫu mã và kiểu dáng là bảo đảm duy nhất cho mọi loại hàng hóa. Mọi doanh gia đều biết vậy và luôn có kẻ nào đó rình rập nhằm làm "tê liệt" các đối thủ cạnh tranh. Xuất hiện ngày càng nhiều những kẻ mạo nhận đồ original, lấy đó làm phương cách tăng thêm khả năng "sản xuất" sản phẩm bất chính của mình.

Hàng nhái các sản phẩm điện tử của hãng Apple xuất xứ từ châu Á bị hải quan cảng Los Angeles (Mỹ) phát hiện.

Kỹ nghệ hàng rởm đã có từ lâu trong lịch sử. Điển hình là vụ xuất khẩu tân dược của Pháp từ hải cảng Hamburg (Đức) qua Mỹ sau cuộc chiến Pháp - Phổ năm 1870. Vào thời điểm này, hãng dược phẩm Pháp "trứ danh" nói trên đang đứng trên bờ vực của sự phá sản và tuyệt nhiên không còn năng lực sản xuất nữa; tuy vậy "sản phẩm" của họ vẫn xuất sang Mỹ và đem lại cho bọn chủ mưu những món lời khổng lồ.

Giữa thập niên 70 thế kỷ trước, thị trường đồng hồ rởm xuất phát từ Hồng Công đã "làm mưa làm gió" khắp nơi, đánh bạt uy danh cố hữu của các thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ…

Những kẻ chuyên làm hàng giả ngày nay được tổ chức rất chặt chẽ, rạch ròi pháp luật quốc tế và với mưu mẹo ranh ma sẵn có, chúng tìm mọi kẽ hở để luồn lách né tránh sự trừng phạt. Chỉ sau vài thập niên, từ một nền tiểu thủ công "vớ vẩn", hàng giả đã biến thành một ngành công nghiệp thực thụ. Cuối những năm 90 thế kỷ trước người ta từng phát hiện ra một hãng ở Đài Loan chuyên cho "ra lò" những cỗ máy tính điện tử "Made in USA" với số lượng chừng 3.000 chiếc/tháng.

Thiết bị sản xuất băng đĩa lậu bị cảnh sát Anh tịch thu.

"Những hãng và công ty tương tự không sao kể xiết trên khắp hành tinh này! - một chuyên gia cao cấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), quả quyết - Nền "kỹ nghệ ăn cướp" hiện đại bắt đầu từ châu Á lan qua Nam Mỹ và Bắc Phi, len lỏi vào cả các nước công nghiệp phát triển thuộc tổ chức G-8. Những công ty "ma" này rất khó phát hiện và chúng thường mất dạng mỗi khi pháp luật sắp… sờ tới, để lại sau lưng những văn phòng trống rỗng, hay nhà xưởng không đáng giá gì mấy.

Thường các cơ quan hành pháp rất khó khăn trong việc truy tìm và phát hiện những kẻ đứng đằng sau các hoạt động bất lương này. Thực trạng thật đáng báo động, theo ước tính của cơ quan chúng tôi, thì phần hàng giả trong nền ngoại thương quốc tế đã chiếm tới tỷ lệ chí ít là… 9%!".

Kỹ nghệ đồ rởm thường nhắm vào các sản phẩm phổ thông được ưa chuộng, nhất là các nhãn hiệu nổi tiếng như đồng hồ Rolex, quần jeans Levis, hay các loại mỹ phẩm Pháp đắt giá… Ngay cả thứ bia đen Plzen ngon có tiếng của Cộng hòa Czech cũng bị làm giả. Những khoản tiền khổng lồ kiếm được bằng cách này không chỉ đem lại mối lợi cho bọn làm ra "sản phẩm", mà cho cả các tay trung gian môi giới, thậm chí cho cả hải quan - những kẻ nhận hối lộ và… nhắm mắt làm ngơ. Một khi hàng rởm lan qua cả lĩnh vực thực phẩm và y tế thì thật là nguy hại, bởi người tiêu dùng ưa đồ rẻ đã gián tiếp tiếp tay cho chúng mà không chú ý tới mối nguy cho sức khỏe của mình.

Đầu năm 2013, cả thế giới bàng hoàng khi phát hiện một nhà máy tại Bangkok (Thái Lan) chuyên sản xuất thuốc kháng sinh rập khuôn mẫu mã y chang như của Hãng Welcome. Năm 2014 ở Brazil, nhiều người chích ngừa vaccine lâm bệnh - hậu quả của một loại… vaccine rởm.

Nền công nghiệp chế tạo xe hơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nạn hàng giả. Người Nhật Bản luôn ngờ rằng chừng 50% số độ phụ tùng thay thế của xe Nhật được bán tại Đông Nam Á là do bọn làm hàng rởm sản xuất. Tiêu biểu cho tệ nạn này là việc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã bắt giữ một nhà thầu ở New York, chuyên tân trang các động cơ "hầm bà lằng" cũ rích mà hắn mua theo giá sắt phế liệu, rồi dán nhãn mác của Hãng General Motors vào.

"Sản phẩm" được cho "ra lò" ở Dallas, rồi xuất qua ngả cảng Houston để sang… Anh. Những động cơ "original nguyên mẫu đời mới" này cũng từng được công ty ma của tay thầu khoán nói trên bán đại trà cho Arập Xêút.

Kỹ nghệ hàng không và chinh phục không gian siêu đẳng cũng có nguy cơ bị đe dọa. Sản phẩm rởm đã từng bị phát hiện trong số đồ phụ tùng dự phòng cho các chuyến bay xuyên đại dương của các hãng hàng không dân dụng như Japan Airlines hay European Airbus…

Thậm chí, ngay cả phụ tùng thay thế và đạn dược trang bị cho máy bay quân sự Mỹ cũng có hàng rởm xen vào(!). Một thời người ta từng nêu nghi vấn: phải chăng chuyến bay định mệnh trong thập niên 80 của tàu con thoi Challenger, khiến 7 phi hành gia Mỹ thiệt mạng vì có "của rởm" lẫn vào…

Kỹ nghệ hàng giả có khả năng làm tê liệt nền kinh tế của một quốc gia, như từng xảy ra với trường hợp của Kenya ở châu Phi hồi năm 2011: mùa thu hoạch cà phê năm ấy bị mất trắng do dùng… phân hóa học rởm, gây thiệt hại tới 200 triệu USD.

Đồng hồ cao cấp với giá… đồng hạng tương đương 75 USD nhan nhản ở Hồng Công.

Chính phủ các nước công nghiệp hóa hàng đầu đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm trừng phạt bọn làm hàng giả, ngăn cản những thiệt hại mà chúng mang lại. Mỹ có đạo luật về chứa chấp, tiêu thụ và làm hàng giả. Cá nhân riêng lẻ bị phạt tiền tới 250.000 USD cùng mức án 5 năm tù giam, còn các tổ chức và công ty  là 1 triệu USD. Ở Pháp, nơi bọn làm hàng giả chiếm 25% trong lĩnh vực băng hình, luật pháp còn cứng rắn hơn nhằm bảo hộ bản quyền cho các nhà sản xuất. Còn tại Italia, cơ quan chức năng thường xuyên tiến hành các đợt kiểm tra thị trường đột xuất và rồi hàng giả vẫn cứ… nhan nhản.

"Không bao giờ chúng ta có thể triệt được tận gốc - ông Alain Dominique Perrin, Chủ tịch Hãng đồng hồ Cartier, Pháp, đã từng bị làm giả tới 40.000 chiếc, nêu nhận định - May lắm chúng ta chỉ giới hạn được chúng mà thôi. Nhưng để đạt được mục đích này cần có sự phối hợp đồng bộ tổng lực giữa các cơ quan chính phủ, cũng như các nhà sản xuất muốn bảo vệ sản phẩm của mình. Nếu hải quan cứ tiếp tục kiểm tra chiếu lệ như hiện nay; thậm chí nhiều hãng cũng không màng đăng ký nhãn hiệu bản quyền, thì vô tình họ đã tiếp tay cho nền kỹ nghệ hàng rởm thêm đà… hưng thịnh".

Quang Phú (theo The Observer)
.
.