Kỹ nghệ móc túi những “tình yêu bóng đá”
Dư luận không khỏi băn khoăn vì sao vé cứ tấp nập chảy đến tay “cò” mà không thể đến thẳng được với người hâm mộ. Phóng viên Chuyên đề ANTG tìm hiểu những mánh khóe móc túi tinh vi này.
"Phe" vé, "phe" cả... công văn
Tay cầm cốc trà đá, một phe vé nhấc điện thoại hét loạn xạ: "Con ơi, mày xem cơ quan có cái công văn nào không, bỏ công ra ngồi gõ mấy chữ rồi đưa đây bố kiếm cho ít triệu. Mang tiếng bố mày ngồi ngay trước cổng Liên đoàn Bóng đá thế này mà không có tiền tiêu thì nói chuyện gì".
PV ANTG có mặt tại cổng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty CP Phát triển bóng đá (VFD) trên đường Lê Quang Đạo, trước khu vực quảng trường SVĐ Mỹ Đình để chứng kiến bầu không khí "săn vé" trận bán kết AFF Suzuki Cup đang như "sôi" lên. Mặc dù còn gần một tuần nữa trận đấu mới bắt đầu, thậm chí, trận lượt đi ở Malaysia còn chưa đá nhưng cơn sốt vé trận lượt về đã gần lên đỉnh điểm.
Vé trận lượt về chỉ được bán vào ngày 14/12, tức là trước khi trận đấu bắt đầu 4 ngày. Chiều ngày 13 là thời điểm để các cơ quan tổ chức này mua vé bằng đường công văn. Thường thì công văn từ cơ quan, tổ chức nào đến cơ quan khác sẽ được đón tiếp trịnh trọng, nhưng trong không khí "sốt xình xịch" và ai cũng mong có một tấm vé "nóng" nên VFF cũng chỉ trừ đúng 1 cửa ở chòi bảo vệ. Chưa hết, cửa này còn được bọc bằng 1 tấm lưới thép B40. Công văn giấy tờ cứ phải gấp gấp rồi "thò" vào, trông mà tội nghiệp. Đúng là thời văn minh mà tư duy "qua sông thì phải lụy đò, tắt đèn thì phải lụy cô bán dầu" y như thời bao cấp!
Một lời rao bán vé xem bóng đá trên mạng với giá "cắt cổ". |
Hàng mấy chục con người chen lấn xô đẩy để được đặt công văn mua vé xem trận bán kết khiến cho không khí chẳng kém gì những người hâm mộ đi mua vé. Năm nay, tạo điều kiện cho những người hâm mộ được mua vé với giá gốc, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã chủ trương phân phối vé qua nhiều kênh, nhưng xem ra chưa đáp ứng hết nhu cầu thực tế.
Một trong những vấn nạn nhức nhối nhất trong các sự kiện thể thao lớn, đặc biệt là bóng đá chính là nạn "phe" vé. Ngay cả trong thời điểm phân phối vé theo đường công văn thì đám "cò" cũng có cơ hội làm ăn.
Ngay khi cửa đón công văn vừa mở, đám "cò" đã lân la ra "kiếm gạo". Thấy tôi ăn mặc chỉnh tề, tay xách cặp, cầm theo một mớ giấy tờ, mấy tên cò tưởng "người nhà nước" đi mua vé bằng công văn đã xáp vào:
- Này ông em, sẵn công văn mua thêm vé giúp bọn anh đi, bọn anh gửi ít tiền uống nước!
- Anh định mua thêm mấy vé?
- Bao nhiêu cũng nhận hết. Ngoài giá tiền ghi trên vé xin gửi thêm ông em thêm mỗi vé 100 nghìn tiền uống nước.
- Các bác coi thường công sức em quá, 100 nghìn không bõ - Tôi lấy cớ để từ chối vừa thủng thẳng leo lên xe đi.
Theo quan sát thì đã có không ít người cầm công văn đến nhưng sau khi nghe lời gạ gẫm của dân "phe" đã lưỡng lự rồi xách công văn trở về, có lẽ là điều chỉnh lại. Như lời một cò vé dặn: "Cứ yêu cầu mua thật nhiều vé vào, họ trừ đi là vừa".
"Phe" vé online
Giá vé của trận đấu bán kết lượt về giữa Đội tuyển Việt Nam và Malaysia đã được Ban tổ chức ấn định với các mệnh giá: 100.000, 200.000, 300.000 và 400.000 đồng. So với trận Chung kết AFF Cup 2008 gặp Đội tuyển Thái Lan cũng tại SVĐ Mỹ Đình cách đây 2 năm, giá vé vẫn không hề thay đổi.
Năm nay, để đối phó với phe vé, Ban tổ chức đã tổ chức đến 4 kênh phân phối: Phân phối qua đường công văn cho các cơ quan, tổ chức; bán vé trực tiếp tại các quầy vé ở SVĐ; Bán qua mạng Internet tại địa chỉ và Bán vé qua tin nhắn bằng cú pháp: VN [vị trí] [số CMTND] gửi 8742. Ngoài ra, Ban tổ chức còn tổ chức cửa bán vé dành riêng cho đối tượng là thương binh. Số lượng vé mỗi người được phép mua cũng chỉ giới hạn 2 vé/người.
Một ngày trước khi vé được phát hành, các diễn đàn trên mạng đã tràn lan những giao dịch mua bán vé. Để có thêm tư liệu thực tế, tôi cũng để lại lời "phe" trên các diễn đàn: "Có mấy cặp vé "ngoại giao" trận bán kết AFF Suzuki Cup 2010 nhưng bận quá, không đi được. Muốn bán lại với giá chỉ gấp đôi giá ghi trên vé. Liên hệ:...".
Do mức giá tôi đặt ra quá rẻ so với mức giá phổ biến trên mạng Internet nên tin vừa đăng xong, đang đêm mà điện thoại tôi đổ chuông liên tục, ngập tràn tin nhắn hỏi mua vé. Nghe được độ dăm cuộc điện thoại, đọc được chục tin nhắn tôi cũng phát ngán đến nước phải tắt máy mới yên thân mà đi ngủ. Buồn cười hơn, trong số những tin nhắn hỏi mua vé xem bóng đá, tôi còn nhận được tin "à ơi" của một cô bé tự xưng tên là Loan (xin được "Việt hóa" những ký tự tin nhắn kiểu teen của 9X này cho bạn đọc dễ hiểu):
- "Anh cho em mua đi rồi em không tiếc gì với anh đâu. Em mua chứ không thèm xin anh!".
Tôi nhắn trêu lại:
- "Không tiếc gì là như thế nào?".
- "Thì anh thích gì em cũng được!".
- "Nhưng anh có vợ rồi".
- "Có vợ thì kệ anh. Đi xem bóng đá xong rồi đi cả đêm cổ vũ luôn được không anh? Em chỉ cần vào sân chụp mấy cái ảnh úp lên facebook cho mấy con bạn lác mắt".
Đến nước này thì tôi cũng đành tắt máy điện thoại, phần vì không muốn ăn chửi, phần vì tiếc hùi hụi rằng... mình không có vé!
Lần mò trên mạng chúng tôi phát hiện ra đã có một thị trường "vé lậu" nở rộ. Đương nhiên, trên thị trường ảo này, giá vé được đẩy lên cao gấp nhiều lần so với giá quy định, thậm chí còn cao hơn cả vé mà dân "phe" bán trực tiếp tại SVĐ. Giá vé được đẩy lên cao gấp khoảng 10 lần, cụ thể: Khán đài B giá 3 triệu đồng, khán đài C giá 2 triệu đồng, khán đài D cũng là 1,5 triệu đồng. Vui hơn, còn có người rao cả vé mời khán đài A với giá 4 triệu đồng với lời nhắn "Có người nhà làm sếp được tặng vé nhưng không đi xem nên bán lại".
Chân dung những người sống nhờ "tình yêu bóng đá"
Được sự giúp đỡ của Thiếu tá Chu Anh Tuấn - Phó đồn trưởng Đồn Công an Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội, tôi biết được thêm những chiêu bài phổ biến của dân "cò" vé. Hầu như những người mê thể thao đều phải một vài lần chứng kiến các cò vé làm loạn cả khu vực xung quanh các SVĐ. Xe đi qua chưa kịp dừng hẳn, một đám khoảng dăm dân "phe" đã chạy ra vây kín, chìa vé qua cửa kính đon đả mời chào: "Anh mua nhanh lên không lúc nữa thì không có mà mua đâu!". Rồi khi người mua không ưng hoặc "quá choáng" với mức giá gấp cả chục lần thực tế thì dân "phe" vé bắt đầu nói kiểu xóc óc: "Không có tiền mà cũng bày đặt".
Trong quán nước ngay trước cổng VFF, tôi làm quen được với một dân phe vé chính hiệu tên là Tuấn, ở trọ trong khu làng bún Phú Đô. Phải chầu chực trong quán nước cả buổi để chờ Tuấn bán hết vé thì tôi mới có cơ hội trò chuyện. Cứ một chốc, có xe đi qua, bất kể xe máy hay ôtô, anh ta đều hùa cùng cả đám "cò" chạy ra chào mời, mặc cả, thậm chí là cả chửi bới.
Mỗi sự kiện thể thao lớn là một cơ hội làm ăn của dân phe vé. |
Bán được mấy cặp vé, Tuấn khề khà cốc nước:
- Thôi thì dạo này cũng được dăm bảy triệu bạc, đủ mua cho thằng út cái Wave "tàu", cho nó đi học mãi dưới Nhổn đỡ phải đi xe buýt.
- Ông vớ hết của thiên hạ thế này tiền để đâu cho hết - Tôi lân la.
- Ông cứ làm như ăn không được ngay ấy. Mua được mấy cặp vé tôi phải huy động nhân lực tập thể cả nhà đấy. Rồi cả cái bà này nữa này, lần nào chả "xơi" của người ta mấy trăm nghìn lận.
Nói rồi Tuấn chỉ sang bà bán nước đang cười phớ lớ. Thì ra, đám cò có chiêu thức rất đơn giản đó là: Thuê người xếp hàng. Do Ban tổ chức khống chế số lượng vé mỗi người được mua, thường là 1-2 cặp tùy vào từng trận đấu nên các cò vé hay tranh thủ những người bán hàng rong, hàng nước, xe ôm để xếp hàng mua hộ. Trong các trận đấu hiếm vé, mỗi người xếp hàng hộ được trả công 50-100 nghìn đồng.
Theo Tuấn thì những trận đấu thu hút sự quan tâm của các tín đồ túc cầu như: Việt Nam - Olympic Brazil, Việt Nam - Thái Lan hay gần nhất là trận bán kết AFF Suzuki Cup 2010 giữa Việt Nam và Malaysia, Tuấn phải huy động cả gia đình, bạn bè, thậm chí họ hàng, làng xóm...
"Nói cho ông biết là để kiếm tiền từ phe vé không phải dễ, ví như mấy hôm nay tôi phải huy động cả vợ, 2 đứa con ra ngồi xếp hàng cả buổi để mua vé. Lắm vụ còn phải ăn uống tại chỗ, xếp hàng giữa trời mưa, ngồi chầu chực từ 4-5 giờ sáng" - Tuấn kể lể.
Đáng nhớ nhất với gã "cò" này là vụ xếp hàng mua vé trận Việt Nam - Olympic Brazil năm 2008. Khi đó vợ Tuấn đang có bầu đứa thứ 2 và việc sinh đẻ chỉ tính bằng ngày. Tham vé, tiếc lời, Tuấn giục vợ ra ngồi xếp hàng từ tờ mờ sáng, hai vợ chồng xí chỗ cách nhau tầm chục mét. Đến khoảng 9h thì vợ Tuấn kêu đau đẻ nhưng vì tiếc công xếp hàng 4 - 5 tiếng đồng hồ không nỡ bỏ nên Tuấn phải gọi điện thoại cho người nhà ra chở thẳng vợ đến bệnh viện để "lâm bồn". Còn Tuấn vẫn cố nán lại để mua bằng được đôi vé: "Cũng may là vụ đó kiếm được gần 5 triệu, đủ trang trải cho vợ sinh nở, không thì ân hận".
Hết chiêu huy động cả nhà ra xếp hàng, mua vé quay đi quay lại nhiều lần thì giới "phe" vé còn gom bằng cách rải người mua ở tất cả các cửa, các địa điểm bán vé, thậm chí gom đủ bằng các hình thức từ bán vé qua mạng đến mua vé bằng tin nhắn...
Với những người hâm mộ túc cầu thực sự, có lẽ ít có ai đủ thời gian để cạnh tranh với đám "phe" vé kiểu này nên việc họ không mua được vé giá gốc cũng là điều dễ hiểu. Có một điều khó hiểu là khá nhiều người chấp nhận giá vé cắt cổ này. Ngoài những người nhiều tiền, mê bóng đá, cũng có không ít người xem vé vào sân những trận đấu lớn như một thứ "quà tặng" thay cho... nhiều lời muốn nói.
Một bà cò vé kiêm bán nước vỉa hè bô bô: "Hôm nọ có cậu thanh niên đi xe ôtô đẹp lắm đến đặt cho tôi mua 2 cặp vé rồi. Cậu ta đặt cọc 500 nghìn đồng hẳn hoi để xí chỗ đẹp. Nghe đâu là để tặng sếp". Nói rồi bà mặt nở tự hào: "Đấy, phải thế chứ mới nhanh thăng quan tiến chức được. Chứ gặp cái đứa mà vài đồng "bọ" còn tiếc thì...".
Theo Thiếu tá Chu Anh Tuấn - Phó đồn trưởng Đồn Công an Mỹ Đình thì dân "phe" vé thường áp dụng rất nhiều chiêu để đối phó với lực lượng Công an khi bị rà soát, đẩy đuổi. Đám "cò" vé mặc dù mỗi tên tập kết có khi được đến cả mấy chục cặp vé nhưng không bao giờ mang theo người. Mỗi "cò" chỉ mang độ 2 cặp giắt túi, phòng trường hợp bị cảnh sát tóm thì còn lấy lý do "Mua để đi xem nhưng bận việc nên bán lại". Cứ bán hết thì lại gọi điện cho người nhà phóng xe đem vài cặp ra bán tiếp. Vì thủ đoạn lách rất khéo này nên mặc dù các cơ quan chức năng, lực lượng Công an đã rất tích cực rà soát trước mỗi trận đấu nhưng gần như... không xuể.
Trận bán kết hấp dẫn đang đến ngày càng gần, đó là khi người hâm mộ đang dần sục sôi với một sự kiện đầy sức thu hút. Đáng buồn thay, đây cũng lại là khi những kẻ "móc túi tình yêu bóng đá" có cơ hội để hoành hành