Kỷ nguyên của hàng tiêu dùng thông minh

Thứ Tư, 05/10/2011, 07:10

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như chiếc quần jean mà bạn mới mua bỗng nhiên phát tín hiệu về vị trí của bạn khi bạn bước qua cầu London? Nghe có vẻ khó tin nhưng đó là điều có thể - nếu quần áo có gắn thiết bị xác định tần số vô tuyến (RFID) thì vị trí của bạn sẽ bị lộ mà bạn không hề biết. RFID là con chip sử dụng sóng vô tuyến để gửi dữ liệu đến thiết bị đọc kết nối Internet.

Công nghệ chỉ là một trong nhiều cách cho phép mọi đồ vật đều được giao tiếp trên web - một khái niệm được gọi là "mạng của những đồ vật" mà những người trong cuộc gọi tắt là IoT. Không chỉ máy tính, điện thoại thông minh, mà cả mọi thứ khác như ôtô, nhà cửa, mũ bóng chày hay thậm chí con bò trong trang trại đều có thể kết nối Internet.

Những tòa nhà và ôtô thông minh với địa chỉ IP riêng biến mọi thành phố, thậm chỉ cả hành tinh, trở nên thông minh hơn. Theo Rob van Kranenburg, thành viên nhóm chuyên gia IoT của ủy ban châu âu (EC), cũng như những người ủng hộ IoT, sự nối kết toàn diện này cho phép chúng ta định vị và giám sát mọi thứ, mọi nơi và bất cứ lúc nào.

Constantine Valhoul chuyên gia của Công ty tư vấn chiến lược Hammersmith Group, giải thích: "Hãy thử hình dung một người quản lý tòa nhà thông minh có thể biết chính xác có tất cả bao nhiêu người ở trong đó thông qua loại ánh sáng cảm ứng với chuyển động. Công nghệ này giúp bảo vệ con người trong tình huống khẩn cấp". Tuy nhiên, lãnh đạo ban RFID ở EC Gerald Santucci cảm thấy lo ngại về vấn đề đạo đức. Ví dụ, biện pháp theo dõi con người có thể được chấp nhận ở mức độ nào? Hay những quy định nào sẽ chi phối việc triển khai IoT?

Peter Hustinx, chuyên gia giám sát bảo vệ dữ liệu của châu âu nhận định đôi khi những công ty kinh doanh có xu hướng không lưu ý đến tầm quan trọng của dữ liệu cá nhân. Nhiều thiết bị giám sát và theo dõi có liên quan đến tính riêng tư của con người buộc phải tuân thủ những quy định trong khung pháp lý của EC. Khuôn khổ này được EC thông qua vào tháng 4/2011, với mục đích chính là bảo vệ an toàn bí mật đời tư của người tiêu dùng.

Hiện nay nhiều hệ thống siêu thị, bao gồm kênh bán lẻ Wal-Mart, đã bắt đầu sử dụng thẻ RFID giúp nhân viên kiểm tra nhanh chóng hàng hóa trong kho bằng cách quét qua những món đồ trưng bày trên kệ, và dễ dàng hơn trong việc theo dõi sản phẩm từ nơi sản xuất đến nơi giao nhận cuối cùng. Nhưng, người ta đang lo ngại thiết bị đọc RFID cũng có thể đọc được cả dữ liệu về hộ chiếu hay bằng lái xe của người tiêu dùng được gắn cùng loại chip và từ đó sẽ dẫn đến tình trạng ăn cắp thông tin cá nhân. Và mặc dù thẻ RIFD luôn được thu hồi sau mỗi lần kiểm tra, song nếu khách hàng rời siêu thị với con chip vẫn chưa được tháo ra khỏi món hàng thì chắc chắn nó sẽ bị dõi theo trên đường phố!

Một vấn đề khác: sau khi thẻ RIFD bị ném bỏ, nó vẫn có thể được quét và cho phép người khác biết được thói quen mua sắm của bạn. Bọn hacker cũng biết cách giải mã thẻ RFID, và bởi vì thông tin được truyền qua sóng vô tuyến cho nên người ta có thể nghe được âm thanh. Đó là những gì đã xảy ra trong thời Chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ. Người Nga lúc đó sử dụng thiết bị tiền thân của RFID gọi là "The Thing"  - cũng hoạt động bằng sóng vô tuyến như RFID - bí mật gắn vào Great Seal (con dấu của Chính phủ Mỹ) để nghe lén những cuộc nói chuyện bên trong tòa đại sứ Mỹ bằng cách gửi tín hiệu vô tuyến kích hoạt thiết bị mà không hề bị quan chức Mỹ phát hiện. Một cách khác để khiến cho mọi thứ trở nên thông minh hơn là cài bộ phận cảm biến vào bên trong chúng và gửi dữ liệu online nhờ vào công nghệ không dây gọi là Zigbee.

IBM cũng đang làm việc theo hướng này. Dự án của IBM là giám sát từ xa môi trường có thể tác động đến sức khỏe của người cao tuổi ở thành phố Bolzano của Italia, biện pháp theo dõi chăm sóc y tế mở rộng được tiến hành thông qua những bộ phận cảm biến đặc biệt gắn khắp căn nhà của bệnh nhân sẽ làm yên tâm không chỉ cho bệnh nhân mà cho gia đình của họ.

Bộ phận cảm biến sẽ "mách" cho tài xế biết chỗ trống đỗ xe nơi gần nhất.

Những bộ phận cảm biến này sẽ đọc mức ô nhiễm carbon dioxide, carbon monoxide, methane, nhiệt độ và khói rồi sau đó chuyển thông tin đến máy vi tính và điện thoại di động của nhân viên y tế. Để bảo vệ dữ liệu cá nhân của bệnh nhân, IBM sử dụng hệ thống mã hóa đặc biệt. Do đó, theo giải  thích của chuyên gia Bharat Bedi ở phòng thí nghiệm của IBM tại Hursley (Anh), người lạ không thể nhìn thấy tên và địa chỉ chính xác của bệnh nhân bởi vì chúng được thiết lập giống như những cái tên mã mà chỉ có nhân viên y tế và người thân biết được ý nghĩa của chúng mà thôi.

Công ty Worldsensing của Tây Ban Nha đang nghiên cứu phát triển một công nghệ tương tự dựa trên sự cảm biến. Với sự hỗ trợ của một ứng dụng đặc biệt, tài xế ôtô sẽ nhận được dữ liệu từ các bộ phận cảm biến lắp đặt tại những không gian đỗ xe và từ đó biết được chỗ trống gần nhất nằm ở đâu. Toyota đang quyết định hợp tác với Salesforce.com cho phép ôtô "nói chuyện" với tài xế trên một mạng xã hội riêng. Dự án gọi là Toyota Friend đầu tiên nhắm vào loại ôtô điện. Ví dụ nếu bình điện đã cạn thì tài xế sẽ nhận được một thông điệp ngắn qua Bluetooth trên điện thoại di động: "Tiến trình nạp điện sẽ thực hiện vào 2 giờ 15 phút sáng. Bạn có đồng ý không? Hẹn gặp sáng mai".

ôtô cũng có thể cập nhật vị trí của nó. Chính từ đây mà vấn đề bảo mật thông tin cá nhân gây lo ngại. Việc gì sẽ xảy ra nếu vị trí tự động được tiết lộ, nếu như chủ nhân quên tạo những cài đặt của riêng mình. Khó dự đoán được những vấn đề như thế này sẽ ra sao khi mà trong tương lai cả hành tinh đều liên kết với web.

Mischa Dohler nhân viên của Công ty Worldsensing nói: "Cũng giống như điện thoại di động hay thẻ tín dụng cá nhân, nhà quản lý mạng di động và ngân hàng sẽ biết mọi chi tiết về cuộc sống của bạn hơn cả vợ hay chồng của bạn. Và loại dữ liệu này xem ra quan trọng hơn loại quần jean gắn thẻ RFID"

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.