Kỷ niệm về “Vua voi” Tây Nguyên

Thứ Bảy, 17/11/2012, 22:40

Tây Nguyên - vùng đất của nhiều huyền thoại vừa mất đi một người con huyền thoại, người duy nhất ở vùng đất của sử thi, của cồng chiêng và hương rượu cần thơm lựng được không chỉ người dân trong vùng, mà ở khắp nơi trên nước Việt phong là “vua” - một “vị vua không ngai” hiếm hoi và duy nhất!

Vị vua không ngai ấy chính là già làng Amakông. Sở dĩ Amakông được phong “vua” bởi ông là gru (dũng sĩ săn voi rừng) số 1 đất Tây Nguyên lập được chiến tích, săn bắt và thuần dưỡng được 298 con voi rừng. Amakông còn được phong “vua” bởi nhiều huyền thoại hư hư thực thực về khả năng giường chiếu của ông, rằng năm ngoài 80 tuổi ông lấy vợ, sinh con, là biểu tượng của sức mạnh nội lực phi thường nhờ có bài thuốc tráng dương bổ thận vang danh khắp xứ!

“Vua voi” Amakông - con người của những huyền thoại của núi rừng Tây Nguyên vừa để lại khoảng lặng trong tâm khảm của biết bao người. Ngày 3/11, theo tiếng gọi của Yàng (thần linh), dũng sĩ săn voi rừng đã về với núi!

1. Buôn Đôn - nơi vua săn voi Amakông gắn bó là vùng đất nổi danh từ nhiều năm qua, được xem là thủ phủ của nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng của người M'nông, là vùng đất của nhiều gru dũng mãnh, trong đó có chàng trai Y Prông Êban ngày nào mà về sau mọi người vẫn quen gọi là Amakông (gọi theo tên của người con trai đầu là Kông, Amakông có nghĩa "bố thằng Kông".

Với chiến tích săn và thuần dưỡng 298 con voi rừng, con voi cuối cùng bắt được vào năm 1966, tên tuổi của vua săn voi Amakông càng nổi tiếng khi ông từng nhiều lần tháp tùng Vua Bảo Đại đi săn voi và được vị vua cuối cùng của triều Nguyễn trao tặng thanh kiếm hộ mệnh biểu trưng cho quyền lực Ngao-tet-xa-nga và từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất vì thành tích dùng voi gùi hàng tải đạn giúp cách mạng đi đến thắng lợi!

Là hiện thân của tù trưởng một thời uy tín và nhiều thế lực, là gru dũng mãnh nhất Tây Nguyên, là biểu trưng của sự khỏe và sự trường thọ..., là tên tuổi lớn của Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung nên sự ra đi của “vua voi” Amakông là cú sốc và mất mát lớn của gia đình và thương hiệu Buôn Đôn. Điều này được thể hiện ở hình ảnh ngay khi về với Yàng, dòng người từ khắp nơi đổ về Buôn Đôn để tiễn đưa ông về với đại ngàn đông nghẹt. Và nhiều, rất nhiều kênh phương tiện thông tin đại chúng đã đồng loạt đưa tin chi tiết về đám tang của ông. Không những thế, những chiến tích săn voi rừng lẫn "săn" vợ của Amakông cũng được người ta xoáy sâu, nói rõ!

Nhiều lần đến Đắk Lắk, lần nào người viết cũng không quên ghé Buôn Đôn tìm gặp để hỏi chuyện săn mãnh thú ngày trước, cùng biết bao chuyện huyền hoặc, hấp dẫn về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Nhiều lần gặp nên người viết có rất nhiều kỷ niệm về Amakông, những kỷ niệm mà có lẽ ít người có dịp trải nghiệm. Một trong những kỷ niệm ấy là lòng hiếu khách của vua săn voi. Năm 2004, đến Buôn Đôn vào lúc trời sẫm tối, vừa gặp mặt “vua voi “miệng nhai trầu bỏm bẻm đã hào sảng mời chúng tôi lưu lại nhà ăn thịt, uống rượu cần cho hết đêm đến sáng.

Bày tỏ sự ái ngại vì sợ làm phiền, “vua voi” cười hiền từ bảo có gì phiền đâu. Vậy là, đêm hôm ấy, rượu thịt được bày ra, cô vợ thứ 4 là Hồng Khăm lai Pháp xinh đẹp nhỏ hơn “vua voi” gần 50 tuổi ngồi bên ông chồng huyền thoại cứ luôn miệng mời khách đang say chuyện rừng già của chồng ăn thịt uống rượu. Rượu ấy được chính tay “vua voi” vào rừng hái cây thuốc ủ men mà nhiều người tin nhờ đó mà dẫu ở tuổi xế chiều nhưng “vua voi” lúc nào cũng khỏe, khỏe cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cuộc vui đêm ấy, lúc vít cần rượu mời khách, “vua voi” hóm hỉnh bảo rằng uống rượu của ông rồi, nếu muốn cưới thêm vợ thì ông không chịu trách nhiệm, rồi cười khùng khục.  

“Vua săn voi” với người vợ thứ tư là Hồng Khăm.

2. Nếu có ai đó hỏi rằng người mẫu danh tiếng nhất đất Tây Nguyên là ai, giá cát-sê bao nhiêu, có thể ai đó sẽ có câu trả lời khác chứ với chúng tôi, chẳng người mẫu nào vượt qua được Amakông. Đã đến Đắk Lắk, đã ghé Buôn Đôn rồi thì người ta không có lý gì lại không tìm đến gặp ông vua không ngai gắn liền với nhiều huyền thoại núi rừng bí hiểm, sống động.

Và khi gặp ông rồi, bên cạnh việc "ép" ông kể chuyện săn voi, bật mí về thành phần của các cây thuốc làm nên bài thuốc tráng dương bổ thận trứ danh, du khách gần xa trước khi rời khỏi ngôi nhà sàn nằm sát cổng trụ sở Vườn Quốc gia Yok Đôn, nơi “vua voi” đang sinh sống với người vợ thứ tư và cô con gái H'Bup xinh xắn, không quên yêu cầu “vua voi” diễn mẫu. Người bảo “vua voi” diễn các động tác săn voi rừng để chụp ảnh làm kỷ niệm, kẻ cứ kêu “vua voi” diễn đi điễn lại mãi cái cảnh vua voi ngẩng mặt lên trời thổi tù và báo mừng chiến tích của gru khi săn được voi rừng. Và kết thúc việc "hành vua" ấy, bao giờ khách phương xa cũng xin chụp chung tấm hình với vua voi để làm kỷ niệm.

Sapa ở Lào Cai là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước. Khách đến đây rất ấn tượng trước hình ảnh những bà những chị, những thiếu nữ người Mèo, người Mông, người Dao xinh xắn trong những bộ quần áo thổ cẩm thướt tha. Nhiều người không cưỡng được sức hấp dẫn ấy quyết định chụp chung nhưng hãy coi chừng bởi có không ít người mẫu không chấp nhận chuyện chụp miễn phí. Chụp xong mà không gửi tiền thù lao thì sẽ bị đeo tới nơi. Nhưng khi chụp ảnh với “vua voi”, chuyện đó không bao giờ xảy ra. Ai có nhu cầu chụp chung hay nhờ diễn để có được bức ảnh ưng ý ông đều vui lòng đáp ứng, chẳng nề hà, chẳng hề yêu cầu khách phải mua thuốc, hay gửi biếu tiền mới thỏa mãn yêu cầu của họ.

Năm 2006, đến thăm “vua voi”, chứng kiến cái cảnh ông hơn cả giờ đồng hồ mệt đừ vì lớp trả lời, lớp diễn cảnh cho 2 đoàn khách đông đúc, đoàn này vừa đi thì đoàn kia lại tới, hỏi có mệt không, “vua voi” bảo mệt lắm, mệt vì "mình đang bệnh". Hỏi sao không nghỉ cho khỏe, dẫu mệt nhưng ông vẫn cười và tâm tình với đại ý rằng có rất nhiều khách phải vượt hàng trăm, có khi hàng ngàn cây số vì quý mến, vì muốn gặp được ông, muốn được chụp hình với ông nên ông không nỡ để họ về trong thất vọng. "Mình muốn mọi người thương mình, mình phải biết thương họ" - “vua voi” triết lý.  

“Vua săn voi” trong một lần làm "người mẫu".

3. Lần gặp ông vào năm 2009, “vua voi” không được vui như mọi lần mà trái lại, ông thoáng lộ nhiều nỗi niềm ưu tư. Ông bảo nhớ rừng, nhớ voi, nhớ những lúc cưỡi mãnh tượng xông thẳng vào những đàn voi rừng hung dữ rồi dùng dây nhôm được bện từ da trâu rừng ngược chiều kim đồng hồ quăng trói chân ông Bồ (voi rừng) hoang dã giữa rừng già. “Vua voi” cũng tâm sự ông thương voi, ông lo mai này Buôn Đôn chẳng còn voi nữa thì nơi được mệnh danh là “thủ phủ voi” của Đắk Lắk nói chung, Buôn Đôn nói riêng chỉ còn cái hão danh. "Xứ voi không còn voi, không còn gru thì người ta đến Buôn Đôn làm gì" - “vua voi” Amakông thổ lộ.

Những nỗi niềm ấy của “vua voi” không phải đơn thuần là nỗi buồn lo vô cớ của người già mà trái lại, nó có nguyên nhân, có cội nguồn hẳn hoi. Buôn Đôn từng một thời là rừng với rừng, những cánh rừng nguyên sinh nối tiếp bất tận nhưng theo thời gian đã bị con người cạo trọc đến thê lương. Những nơi mà ngày trước vua voi cùng các gru khác truy lùng voi rừng nay nhường chỗ cho rẫy mía, rẫy bắp... Sống ở rừng mà không được thấy rừng, chẳng thấy dáng đại thụ, hỏi sao vua voi không xót, không đau.

“Vua voi” bảo thương voi, nhớ voi, lo sợ xứ voi không còn voi vì voi bị kẻ xấu, kẻ ác hãm hại nhiều quá. Voi từng là bạn thân của dân làng, từng được đối xử như thành viên quan trọng trong gia đình nhưng theo thời gian, vì lòng tham mà nhiều chủ voi đã bắt ép voi làm việc như nô lệ, bắt voi "chạy sô" chở khách du lịch vượt sông băng rừng mà không được ngơi nghỉ, lại ăn uống thiếu thốn nên voi kiệt sức mà chết. Những kẻ khác thì rình rập, giết hại voi để lấy sừng, lấy lông đuôi làm nhẫn bán cho khách du lịch. 

Còn nhớ hôm ấy, khi nhắc chuyện voi bị kẻ gian ác sát hại để phục vụ cho lòng tham của chúng, đôi mắt già nua đỏ đục của dũng sĩ săn voi rừng số 1 Tây Nguyên đổ lệ. Ông nhắc lại cái chết thảm của chú voi Pắc Kú, chú voi đực có cặp ngà dài hơn 1 mét được đánh giá đẹp nhất Bản Đôn bị kẻ xấu dùng hung khí chém hơn 200 nhát nhằm cướp lấy bộ ngà khi được xích ở bìa rừng.

Trước lằn ranh sinh tử, Pắc Kú vùng bứt xích chạy về làng nhưng vì kiệt sức và mất nhiều máu nên dù được chủ là bà Lê Thị Thanh Hà cùng các già làng giàu kinh nghiệm trong việc chữa bệnh cho voi cứu chữa nhưng Pắc Kú không qua khỏi. Chết rồi Pắc Kú vẫn chưa được yên thân trước hàng trăm ánh mắt cú vọ của bọn người tham lam độc ác, những kẻ muốn phanh thây nó để lấy da, lấy thịt, lấy lông đuôi, lấy xương, lấy mỡ... bán thu tiền. Chỉ đến khi xác Pắc Kú được chủ cho xuống mộ rồi đổ bê-tông kiên cố thì chú voi đực 30 tuổi này mới được yên thân.

Hôm ấy “vua voi” khép lại câu chuyện buồn bằng nỗi niềm ưu tư trĩu nặng. Ông nói, ở làng giữa con mắt nhiều người mà voi còn bị sát hại dã man như vậy thì nơi rừng sâu chẳng có bóng dáng nhân viên giữ rừng thì số phận của những con voi rừng cuối cùng ở Tây Nguyên sẽ ra sao. "Voi nhà ngày trước có hàng trăm con, giờ chỉ còn vài chục con thôi. Đã vậy voi chết vì kiệt sức, chết vì bị kẻ xấu giết hại, rồi Buôn Đôn không còn voi nữa đâu" - “vua voi” nói mà cứ như khóc.

Voi bị vắt kiệt sức để phục vụ du lịch.

4. Những hàng xóm của dũng sĩ Amakông kể lại rằng trước khi hòa linh hồn mình vào núi rừng Buôn Đôn vĩnh viễn, như có một dự cảm không hay, “vua voi” liên tục thổi tù và và nhìn ngắm hàng giờ liền chiếc mâm đồng dùng để cúng tế mỗi khi vào rừng săn voi cùng những dụng cụ săn bắt voi rừng được trưng bày trong ngôi nhà sàn xây dựng theo phong cách truyền thống M'nông hơn 100 năm tuổi. Người bảo “vua voi” chết do không đủ sức chống chọi với căn bệnh đau dạ dày, kẻ bảo “vua voi” về với rừng chỉ đơn thuần như ngọn đèn cạn dầu thì tắt.

Nhưng cũng có người đoán định rằng vua voi vì thương voi, nhớ rừng, vì lo cho sự tồn vong của loài voi rừng và đàn voi nhà chỉ còn lại vài mươi con mà sanh tâm bệnh, rằng ông chết vì buồn đau. Nhưng dẫu vì lý do gì thì giờ đây vị vua không ngai đã nhắm mắt. Chẳng biết trên hành trình về với cuộc sống vĩnh hằng trong thế giới khác, con người của những huyền thoại núi rừng có thanh thản khi nỗi lo về ngày tuyệt chủng của loài voi và thương hiệu voi Buôn Đôn của ông không? Điều đáng buồn là những lo lắng, trở trăn của “vua voi” Amakông… đang đến rất gần!

Nhóm PVXH
.
.