Kỳ thú thực phẩm côn trùng

Thứ Hai, 05/08/2013, 17:30

Giữa tháng 5/2013, Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) đã đưa ra thông điệp rằng hơn 2 tỉ người trên thế giới đang bổ sung dưỡng chất bằng cách ăn côn trùng trong bữa ăn hằng ngày và khuyến khích việc ăn côn trùng như thế là cách để con người chống lại nạn đói toàn cầu, tăng cường dinh dưỡng và giảm ô nhiễm môi trường.

Cũng theo Fao, các loài côn trùng truyền thống như nhộng tằm, châu chấu, dế mèn, bọ xít, cà cuống, bọ cạp… đang là nguồn thực phẩm khá phổ biến tại các nước nghèo và đang phát triển, là nguồn thực phẩm bổ sung cực kỳ quan trọng đối với trẻ suy dinh dưỡng nhờ chứa nhiều chất béo, protein và chất khoáng…    

Báo cáo của Fao cho thấy rằng thực phẩm côn trùng rất hữu ích là vậy nhưng điều đáng tiếc là nỗ lực chế biến côn trùng thành thực phẩm vẫn là rào cản lớn với các nước phương Tây.

1. Một điều dễ nhận thấy là tại quốc gia láng giềng Campuchia, người dân ở nước này xem côn trùng là món khoái khẩu, trong khi ở Việt Nam thì gần như hoàn toàn xa lạ. Điều này được minh chứng bằng việc gần như bất kỳ ai khi sang tham quan Campuchia cũng đều ấn tượng trước cảnh người người nhà nhà mua bán và ăn côn trùng. Giữa lòng thủ đô của đất nước Chùa Tháp, hình ảnh những người phụ nữ đầu đội mâm côn trùng nào dế, nhện, cà cuống… đã được chiên xào gây ấn tượng mạnh với những vị khách du lịch lần đầu trông thấy.

Tại thủ đô Phnôm Pênh, người bán côn trùng tập trung đông ở các chợ và đặc biệt tại quảng trường Thành Vua nằm đối diện sông 4 mặt - nơi hợp lưu dòng chảy của sông Mê-kông và dòng Ba-sắc, một nhánh rẽ của con sông kỳ vĩ này. Ở quảng trường diễm lệ này, một phần hoàng cung hướng mặt ra sông nên còn có tên gọi khác, quảng trường Thành Vua. Người dân bản địa kể rằng vào những ngày rằm, vua và hoàng hậu thường lên vọng đài ngắm trăng soi bóng...

Chính vì những lẽ ấy nên quảng trường Thành Vua là nơi tập trung đông cư dân bản xứ và du khách quốc tế cứ chiều chiều đến hóng gió là thưởng thức buffet côn trùng kỳ lạ. Chỉ với 2 USD, có khi chỉ 1 USD, khách du lịch có thể thưởng thức đại tiệc côn trùng với bọ cạp, cánh cam, điên điển, nhện, dế, cà cuống… được xào nấu rất bắt mắt. Theo chị Săm Lan, 41 tuổi, một người bán côn trùng ở khu vực này thì khi đưa khách đi tour sang Phnôm Pênh, hầu như hướng dẫn viên nào cũng đưa khách đến trường thành Vua, trước hóng gió, sau được thỏa cái cảm giác ngồi trên chiếu hoa ăn côn trùng nhìn gớm ghiếc nhưng rất ngon.

Lúc này 6h chiều, khu vực quảng trường sông 4 mặt vô cùng tấp nập với  dân bản địa, khách du lịch Á-Âu ngồi trên chiếu hoa ăn côn trùng rôm rả: "Có người lần đầu nhìn thấy cảm giác sợ, ngại nhưng khi đã "động thủ" rồi thì ăn ngon lành, kể cả họ là khách phương Tây vốn rất dị ứng với những món sâu bọ này. Cùng với đền đài chùa tháp, ẩm thực côn trùng chính là nét đặc sắc giúp Vương quốc Campuchia nổi tiếng, trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới" - anh Hòa Phong, hướng dẫn viên Công ty Du lịch Sông Xanh (quận 1), chia sẻ. 

Tìm hiểu cội nguồn của "tục" ăn côn trùng tại Campuchia, chúng tôi biết được rằng "tục" này rộ lên từ thời Khmer Đỏ do Pôn Pốt cầm đầu tràn vào thành phố gây ra cuộc diệt chủng bạo tàn. Bị giam cầm, bỏ đói cho đến chết, để sinh tồn, nhiều người phải ăn những giống côn trùng mà họ bắt được như gián, bọ cạp, dế, sâu bọ... và nhờ đó mà sống sót và thoát bệnh phù thũng. Sau khi đội quận đồ tể bị triệt dẹp, nhận thấy tầm ích lợi của các loại côn trùng nên người dân ở đây tiếp tục "sử dụng" và theo thời gian, côn trùng trở thành món khoái khẩu của người dân.  

2. Tại TP HCM, chuyện ăn côn trùng chẳng phải là điều gì mới mẻ. Từ đầu năm 2010, khi Campuchia miễn phí thị thực cho người Việt Nam (người Việt xuất cảnh không phải đóng phí nhập cảnh 25 USD như trước đó), thì làn sóng người Việt xuất ngoại sang đất nước Chùa Tháp đông nườm nượp. Cũng từ đây, văn hóa ẩm thực côn trùng của nước bạn được lữ khách khám phá và dần lan sang Việt Nam. Và cũng từ đây, thi thoảng TP HCM cũng xuất hiện những quán quảng cáo có đặc sản côn trùng như bọ cạp, dế, đuông, nhộng, ong vò vẽ… để thu hút tính hiếu kỳ của thực khách. Nghe thấy lạ, nhiều người ùn ùn đổ đi ăn nhưng họ ăn chỉ  một lần cho biết chứ không có thói quen ẩm thực thường xuyên để tốt cho sức khỏe và giúp ích cho môi trường.

Về chuyện ăn côn trùng ở Việt Nam, có thể nói nơi bán buôn, ăn uống sầm uất nhất là chợ biên giới Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Tại chợ biên giới này, ai đến tham quan cũng ấn tượng trước những người đàn ông, phụ nữ, trẻ con bày bán la liệt những thau bọ cạp núi đen trùi trũi, ngoài ra còn có mối chúa, nhện hùm, rết (đông y gọi là ngô công, được đựng trong những chai nhựa có lỗ thông khí), con bửa củi…

Ngoài ra, còn có nhiều loài sâu bọ gây hại cho nhà nông, đặc biệt là các loại bọ xít. Theo quảng cáo của người bán thì những loài côn trùng kia có tác dụng trong việc giúp đàn ông yếu thành mạnh, bổ gân cốt, tăng tinh binh… nên khách phương xa, chủ yếu là các ông ùn ùn mua về ngâm rượu. Có ông "máu" quá, "chơi" tại chỗ khi nuốt luôn một mạch mấy con mối chúa rồi nhai rau ráu dĩa bọ cạp chiên giòn để "được phẻ", "được sung"…

Bán bọ cạp và rết tại chợ biên giới Tịnh Biên.

Đến chợ Tịnh Biên vào một ngày cuối tháng 6, chúng tôi nhận thấy rằng chợ côn trùng biên giới này không chỉ hấp dẫn cánh mày râu khi đến tham quan, mà thậm chí các bà, các cô cũng hăng hái mua những chai rượu ngâm sẵn nào là bọ cạp, mối chúa, tắc kè, rết… cùng với lá dâm dương hoắc để về làm quà cho “tướng công”. Giá bán côn trùng khá mềm, chẳng đắt hơn ở Campuchia là mấy. Bọ cạp tùy lớn nhỏ giá từ 2.000-3.000 đồng/con, mối chúa 10.000-15.000 đồng/con, bửa củi 2.000 đồng/con…

Có điều như đã nói, tại Campuchia, những loài côn trùng này đều được người ta chiên xào sẵn còn ở Tịnh Biên thì chúng hoàn toàn tươi sống, chỉ khi khách có nhu cầu ẩm thực thì người bán mới ra tay chế biến: "Nguồn côn trùng trước đây chủ yếu ở núi Cấm, sau nhiều người đổ xô lên núi săn lùng nên lượng côn trùng cạn kiệt, giờ thì phải nhập từ Campuchia về. Không như dân Campuchia hay Thái Lan xem côn trùng là món ăn quen thuộc, khoái khẩu, dân mình mua côn trùng vì hiếu kỳ và vì máu me tăng lực" - chị Xà Khén, 37 tuổi, bán côn trùng từ nhiều năm nay tâm sự.

"Thấy là lạ, ngồ ngộ, với lại nghe nhiều người nói giống này đem ngâm rượu uống bổ lắm, sẵn dịp đến tham quan nên làm một bình về ngâm để dành uống chơi" - lúc chờ chị Xà Khén ngâm bình rượu côn trùng, anh Vũ Phương, 41 tuổi, ngụ quận 1 (TP HCM) trò chuyện. Cạnh đó, khi xìa tiền mua 10 con mối chúa, 100 con bửa củi cùng ngần ấy bọ cạp để tặng ông xã ngâm rượu uống, chị Mai Phượng, 32 tuổi, đi cùng nhóm với anh Phương, nói là: nghe nhiều người râm ran ăn côn trùng bổ khỏe này nọ nhưng thấy quá gớm ghiếc nên không dám thử: "Dế hay con nhộng tằm tôi còn không dám động đến nữa là. Mấy khi đi xuống đây, thấy nhiều người mua thì tôi cũng mua về làm quà cho ông xã thôi" - chị Phượng, thật tình thổ lộ.

Một người bán côn trùng đã qua xào nấu tại Phnôm Pênh.

3. Trong cuốn “Động vật và khoáng vật làm thuốc”, Tiến sĩ sinh học Võ Văn Chi ghi các loài bọ xít gồm bọ thẹt (còn gọi bọ hổ đất hay bọ đánh rắm, sống dưới các tảng đá, trong thảm cỏ mục), bọ xít vải (loài bọ xít phổ biến ở nước ta, là loài phá hoại cây ăn trái là nhãn, vải bằng cách làm thúi quả, chột cây), bọ xít xanh (thường gặp trên các ruộng lúa, là loài chích hút nhựa cây, sữa của hạt thóc làm cây sinh trưởng kém)…  có công dụng làm thuốc trị đòn ngã tổn thương và ứ máu gây sưng đau. Không những thế, các loài bọ này còn có tác dụng hoạt huyết, tán ứ, tiêu thũng. 

Điều bất ngờ khác là khi tìm hiểu về thú ẩm thực côn trùng, chúng tôi biết rằng người Trung Quốc sang Campuchia săn lùng mua loài bọ ngựa với số lượng không giới hạn. Bọ ngựa là loài côn trùng khá quen thuộc ở nông thôn Việt Nam khắp mọi vùng miền, nó có cơ thể dẹp và dài, mắt lồi, đôi chân có dạng lưỡi kiếm, bờ trong có răng dùng để bắt mồi và chiến đấu chống kẻ thù.

Anh Sam Mon, người Campuchia gốc Việt sống ở Xiêm Riệp cho biết, gần đây xuất hiện một số đầu nậu người Trung Quốc thu mua loài bọ ngựa với số lượng không giới hạn và họ chỉ mua mỗi loài này: "Người ta mua con còn sống hay đã chết. Một ký trả 50.000 rieal (tương đương 250.000 VNĐ), có khi hơn. Chẳng biết người Trung Quốc mua để làm gì, nhưng họ nói không phải để ăn" - Sam Mon, bật mí.

Không chỉ tổ chức thu gom bọ ngựa tại Campuchia, trong chuyến đi thực địa tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), chúng tôi cũng gặp một số người đi săn bọ ngựa vào lúc trời tờ mờ sáng. Những người này khẳng định người thu mua sống ở Sài Gòn, có đặt đầu mối tại Pleiku, thu mua bọ ngựa tùy lớn bé với giá 2.000-3.000 đồng/con. Chúng tôi hỏi có phải người ta mua cho chim ăn thì cánh thợ săn lắc đầu nguầy nguậy: "Nghe nói họ mua để làm thuốc gì đó".

Về Sài Gòn, ghé các chợ côn trùng nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, chỗ bùng binh Ngã Sáu Dân Chủ (quận 3) và chợ côn trùng Tao Đàn (ngã 3 Nguyễn Du - Cách Mạng Tháng Tám), nơi tập trung đông người đến mua cào cào, châu chấu, sâu bọ, trứng kiến, nhưng những người bán côn trùng cho biết khách mua "hàng" chẳng phải để ăn mà để nuôi chim: "Bọ ngựa thì không có cửa đâu, ngay khi bắt xong thì thợ săn giao hẳn cho mối lái đặt hàng từ trước với số lượng không giới hạn. Dân mua bọ ngựa là người Trung Quốc. Nghe đâu họ mua giống này, mua cả cái tổ của nó để bào chế thuốc tăng lực".

Thú thật lúc mới nghe chuyện tư thương Trung Quốc thu gom bọ ngựa để bào chế thành thuốc cường dương, cứ nghĩ đó là chuyện xằng bậy nhưng qua tham khảo các y văn và thầy thuốc đông y, chúng tôi mới rõ chuyện đó hoàn toàn có cơ sở. Lương y Nguyễn Thái Bình (Hội Đông y TP HCM), cho biết đông y gọi con bọ ngựa là đường lang và cái tổ của nó là tang phiêu tiêu: "Bọ ngựa có vị mặn, tính ấm còn cái tổ của nó thì vị ngọt, mặn, tính bình, có tác dụng ích thận, cố tinh. Khi dùng nướng trên lửa, sấy khô, giã giập hoặc tán thành bột".

Trong cuốn “Động vật và khoáng vật làm thuốc”, Tiến sĩ Võ Văn Chi ghi tổ bọ ngựa chứa các chất protid, lipid, chất sắt, calcium, glycoprotein và lipoprotein. Không chỉ có tác dụng ích thận, bổ tinh, ghi chép còn cho thấy bọ ngựa dùng trị chứng cổ họng sưng đau, lỡ trĩ: Có thể làm hoàn tán để uống trong, còn dùng ngoài tán bột thổi vào mũi, cổ họng hoặc dùng xoa bóp".

Cũng theo ghi chép của Tiến sĩ Chi, trong các y văn được ghi chép bởi các danh y Việt như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông thì bọ ngựa và cái tổ của nó còn có tác dụng trị các chứng di tinh, đái dắt, liệt dương, sán khí (đau tinh hoàn), hư lao, đổ mồ hôi trộm, thông kinh nguyệt…".

Kể chuyện tác dụng của các loài sâu bọ, đặc biệt là loài bọ ngựa đối với cuộc sống con người, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng chẳng đợi đến khi FAO khuyến khích hay làn sóng ăn côn trùng từ Campuchia lan sang, từ xưa cha ông ta đã đánh giá cao chất lượng cũng như sự hữu ích của các loài côn trùng. Nhưng tiếc rằng vì nhiều lý do mà nguồn "lương thực" giá trị này ít được đoái hoài

Huyền Sơn - Thành Dũng
.
.