Kỹ thuật mới "thu hồi" dấu vân tay tội phạm

Thứ Ba, 21/10/2008, 18:45
Các nhà khoa học Anh vừa phát triển một kỹ thuật chống tội phạm mới, cho phép các nhà điều tra bóc dỡ các dấu vân tay từ những viên đạn, bất kể trước đó bọn tội phạm có lau sạch mọi dấu vết trên vỏ đạn ấy.

Giới chức an ninh tại Anh và Mỹ sử dụng phương pháp này để mở lại các cuộc điều tra không thể tìm ra hung thủ gian manh biết cách xóa sạch mọi dấu vết. Trong đó có một vụ giết người “đúp” tại Mỹ mà nay cảnh sát rất hy vọng phá án thành công, theo lời John Bond, nhà vật lý phát triển kỹ thuật mới này. Nhà nghiên cứu tại Trường đại học Leicester kiêm chuyên viên tư vấn Sở Cảnh sát Northamptonshire tại Anh này cho biết thêm, trong một trường hợp khác, các nhà điều tra có đủ bằng chứng có thể dẫn đến nhận diện kẻ phạm tội.

Phương pháp lấy dấu vân tay truyền thống được áp dụng hơn 100 năm qua, theo đó các nhà điều tra tạo ra phản ứng hóa học với mồ hôi còn để lại trên một vật thể để tạo hình dấu vân tay. Nhưng nếu một kẻ phạm tội ranh mãnh biết cách xóa hết dấu mồ hôi, phản ứng hóa học đó sẽ ít có cơ hội thành công.

Kỹ thuật mới cho phép cảnh sát “trên cơ” bọn tội phạm và tạo ra một dấu vân tay cho dù trên vật chứng để lại tại hiện trường không còn chút mồ hôi nào. Các  chuyên gia Anh chú trọng đến những mẫu mồ hôi cực nhỏ bị loang thường để lại trên các dạng kim loại nào đó như viên đạn và bom, khi đó các bề mặt có sự ăn mòn do chất muối trong mồ hôi xúc tác trên kim loại. Họ phủ lên kim loại một lớp bột mịn và dùng một dòng điện cực mạnh khiến cho lớp bột đó bị hút về phía các khu vực loang mồ hôi, có khả năng tạo lại dấu vân tay đã mất. Theo chuyên gia John Bond, lớp bột cực mịn đó chỉ dính vào kim loại tại những nơi có sự ăn mòn do xúc tác, tức nơi có khả năng có dấu vân tay nhìn thấy được.

Tuy nhiên, kỹ thuật mới còn có một số hạn chế, ví dụ như trong mồ hôi tiết ra của một số người không đủ lượng muối để ăn mòn kim loại ở mức độ cảnh sát có thể lấy dấu tay. Nhưng trong một số trường hợp hết cách thì phương pháp mới có thể cung cấp đủ chứng cứ và chỉ ra người nạp đạn vào súng sử dụng trong một vụ án nào đó. Điều tra viên Christopher King thuộc Sở Cảnh sát Kingsland ở bang Georgia (Mỹ) từng nhờ nhóm nghiên cứu John Bond giúp phá một vụ án giết người treo hàng chục năm: “Nhờ phương pháp mới, chúng tôi đã mở lại cuộc điều tra và phá án thành công. Kết quả thật đáng phấn khởi, khiến các nhà điều tra như chúng tôi thật sự lạc quan và đánh giá cao công trình nghiên cứu này”

Lệ Thiện (theo Reuters)
.
.