Kỹ thuật xây dựng độc đáo của nền văn minh Maya cổ xưa

Thứ Hai, 18/02/2013, 17:25

Sau bốn chục năm thăm dò hơn 50 địa điểm hẻo lánh của người Maya và nghiên cứu những thành tích công nghệ của họ, cuối cùng James O'Kon - cựu chuyên gia kỹ thuật thuộc Hội Kỹ sư công chính Mỹ (ASCE) - vén lên bức màn bí mật về công nghệ đã mất của nền văn minh cổ. Trong cuốn sách mới mang tựa đề "The Lost Secrets of Maya Technology" (tạm dịch: Những bí mật công nghệ đã mất của nền văn minh Maya), tác giả O'Kon kể chi tiết về khám phá và việc ông sử dụng những phương pháp hiện đại để khảo sát và chứng minh sự tồn tại của cây cầu cổ ngoạn mục như thế nào.

James O'Kon sử dụng hệ thống máy tính để phát triển mô hình 3D, xác định chính xác vị trí và kích thước của cây cầu cổ. Những gì mà các nhà khảo cổ thừa nhận là những khối đá tầm thường được biến thành 2 móng cầu cao 3,65m với đường kính 10,6m nâng đỡ nhịp cầu treo dài 182,5m bắt ngang con sông Usamacinta nối liền Yaxchilan với khu nông nghiệp ở Peten (nay là Gautemala) - một bước đột phá công nghệ ngoạn mục trong lịch sử và văn hóa Maya!

Cuốn sách của James O'Kon giúp mọi người biết đến những thành tựu công nghệ độc đáo đã giúp người Maya xây dựng những thành phố cao hơn hẳn rừng mưa, hệ thống dẫn nước với các bể chứa ngầm, những con đường giao thông kiên cố chịu đựng được thời tiết và cây cầu treo dài nhất trong thế giới cổ xưa.

James O'Kon cũng giải thích những công nghệ mà các kỹ sư Maya sử dụng để xây dựng những công trình nhiều tầng cho đến khi tòa nhà chọc trời đầu tiên được dựng lên ở Mỹ vào năm 1885, và họ đã phát triển kỹ thuật lưu hóa cao su vào hơn 2.600 năm trước khi Charles Goodyear chào đời như thế nào.

Hình ảnh mô tả cây cầu treo dài nhất thế giới của người Maya.

Các kỹ sư Maya cũng làm ra xi măng trước cả người châu Âu 2.100 năm. Các thành phố lớn của nền văn minh Maya được xây dựng bằng vật liệu móng siêu rắn chống chọi được sự phá hủy của rễ cây rừng nhiệt đới, các trận động đất và bão tố trong hơn một thiên niên kỷ. Vật liệu móng của người Maya tương tự như bê tông ngày nay, còn xi măng giống như loại Portland.

Công nghệ xây dựng của các kỹ sư Maya là điều bí ẩn hoàn toàn đối với các nhà khảo cổ và họ chỉ tập trung nghiên cứu những khoa học của nền văn minh cổ như thiên văn học, toán học, ngôn ngữ viết, nghệ thuật, kiến trúc v.v… Nền văn minh Maya chỉ được thế giới biết đến vào năm 1839 và được ca tụng trong nhiều cuốn sách của John Lloyd Stephens. Kể từ đó, các chuyên gia trên thế giới không ngừng nỗ lực khai quật, nghiên cứu và phát hiện những thành phố đổ nát của nền văn minh một thời rực rỡ.

Ngôi đền Gió do người Maya xây dựng ở thành phố cổ Tulum ven biển phía đông bán đảo Yucatan.

Bất chấp những kỳ quan công nghệ của các kỹ sư Maya rành rành ra đó, song giới khảo cổ học vẫn coi dân tộc Maya là người thuộc "thời kỳ đồ đá" vì lý do đơn giản là họ không sở hữu những công cụ kim loại (nhưng thật ra người Maya có những công cụ còn rắn hơn cả thép!). Do quan điểm đó mà các nhà khảo cổ hoàn toàn không quan tâm nghiên cứu công nghệ Maya. Một phần cũng do họ chỉ được đào tạo về nhân chủng học và lịch sử nghệ thuật hơn là khoa học công nghệ. Công nghệ Maya chỉ trở thành một lĩnh vực nghiên cứu khi James O'Kon bắt đầu hành trình tìm kiếm sự thật về nó.

Điểm đặc biệt là trong bán đảo Yucatan nhiệt đới, người Maya không hưởng được những thành quả khoa học từ các nền văn hóa khác, ở cách xa các nôi văn minh khác trên trái đất và tự phát triển khoa học của họ. Sự phát triển các ngành khoa học phức tạp của Maya đã dẫn đến việc hình thành một đội ngũ các nhà khoa học tài giỏi nuôi tham vọng xây dựng những thành phố xa hoa trở thành những trung tâm quyền lực dành cho giới trí thức, khoa học và thượng lưu.

Một phong cách kiến trúc điển hình của người Maya ở thành cổ Uxmal.

Những thành tựu công nghệ và khoa học Maya còn tiến bộ vượt hơn bất cứ nền văn minh nào khác trên thế giới. Người Maya được so sánh với người Ai Cập về sử dụng chữ tượng hình, với người Hy Lạp về phát triển khoa học, với người Roman về xây dựng đường giao thông và với người Phoenicia về những con tàu thương mại vượt biển. Người ta cho rằng người Maya đã biết trước những gì mà khoa học châu Âu khám phá được sau này. Các thành phố Maya được xây dựng không chỉ kiên cố với thời gian và thời tiết mà còn được khoác lên mình lớp áo nghệ thuật cực kỳ tinh tế. Nền văn minh Maya - một trong những nền văn hóa lâu đời nhất trong lịch sử - bao gồm nhiều thành phố và kim tự tháp kỳ vĩ hơn cả Ai Cập cổ đại.

Tuy nhiên, một thảm họa môi trường đã tấn công bán đảo Yucatan, tàn sát mọi người và làm sụp đổ nền văn minh Maya vĩ đại. Cuối cùng, khoa học công nghệ rực rỡ giúp phát triển nền văn minh Maya cũng không thể chống đỡ được sức mạnh cuồng nộ của thiên nhiên. Nền văn minh Maya đã mất được coi là nền văn minh vĩ đại cuối cùng được khám phá ra những thành tựu trong quá khứ hàng ngàn năm của người Maya vẫn tiếp tục gây kinh ngạc cho thế giới hiện đại

Thục Miên (tổng hợp)
.
.