Ký ức không quên ngày 30-4 lịch sử

Thứ Tư, 15/04/2015, 16:05
Có lẽ, bất cứ những ai đã trải qua, chứng kiến hoặc nghe kể lại những năm tháng chiến tranh hào hùng của dân tộc, chắc chắn sẽ không thể quên được những cảm xúc về những ngày tháng 4 lịch sử. Đó là ngày mà cả dân tộc ngập tràn trong niềm hạnh phúc tột bậc vì đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà.

Trong niềm vui ấy, có nhiều văn nghệ sĩ đã chứng kiến cuộc hội ngộ đầy hạnh phúc ấy, những giờ phút Bắc - Nam sum họp, nước non liền một dải. Nhân dịp này, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với hai nhà văn, nhà báo đã từng có mặt vào giờ khắc thiêng liêng ấy để bây giờ có dịp hồi tưởng và kể lại cho thế hệ con cháu, như những thước phim quay chậm rõ ràng và chi tiết...

Nhà văn Trần Kim Thành: Những thước phim còn mãi...

PV: Thưa nhà văn Trần Kim Thành, cuốn sách "Sài Gòn 5-1975" của ông kể lại tỉ mỉ câu chuyện ông cùng các đồng đội, đồng chí tiến vào Sài Gòn sau ngày giải phóng để ghi những thước phim đầu tiên sau ngày trọng đại ấy. Cuốn sách đã bán hết veo 5.000 bản trong lần in thứ nhất và cho đến nay đã tái bản tới lần thứ 5 với lời đánh giá: “…Đây là một trong những tài liệu ghi lại chính xác nhất thời điểm lịch sử cuối tháng 4 đầu tháng 5/1975 ở Sài Gòn” (Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam buổi 14 giờ 30 phút ngày 26/4/2008). Ông có thể chia sẻ đôi điều về những ngày đầu tiên đặt chân đến vùng đất vừa giải phóng?

Nhà văn Trần Kim Thành (trái), ảnh chụp tháng 5/1975 tại Sài Gòn.

Nhà văn Trần Kim Thành: Tôi còn nhớ như in, ngay khi xe chúng tôi cách Sài Gòn 20 cây số. Đất Củ Chi anh hùng. Hàng chục xe M.48 nằm quay ngang, quay ngửa giữa cánh đồng lúa chiêm đầy nước. Xích xe đứt tung, dây đạn 12 ly 7 vàng xỉn lòng thòng bên xe vương vãi trên đường đi. Một chiếc máy bay lên thẳng sơn cờ VNCH ở cánh cửa buồng lái, cắm đầu xuống đất bùn, phần đuôi chổng gộc lên như một dấu chấm than lớn giữa vùng lúa đang kỳ vào đòng, ngậm sữa... Việc dọn dẹp mở đường đang được tiến hành khẩn trương. Anh công binh giải phóng điều khiển chiếc cần cẩu Mỹ móc kéo xác ôtô dẹp sang bên đường. Mấy anh thanh niên Sài Gòn mặc áo may ô, áo sơ mi M.113 rồi vẫy tay làm hiệu gọi đồng chí bộ đội lái cần cẩu.

Đội quay phim đầu tiên của chúng tôi tới Dinh Độc Lập, Dinh Tổng thống chính quyền Sài Gòn vào lúc sẩm tối. Hai cánh cổng chính vào dinh đã đổ sập. Hàng chục xe tăng của ta vây quanh vườn cây trước cửa và trong sân dinh. Mấy chiếc M.48, M.18 của địch làm nhiệm vụ bảo vệ đã được dẹp sát vào bên hàng rào sắt, trên tháp xe phấp phới những lá cờ trắng bằng hai bàn tay. Chúng tôi nhảy ào xuống xe, ôm chầm lấy các chiến sĩ giải phóng, lòng vui trào cảm xúc...

PV: Ông từng chia sẻ rằng, nhà thơ Xuân Diệu sinh thời cũng rất thích cuốn sách "Sài Gòn 5.1975", cụ thể câu chuyện này như thế nào thưa nhà văn?

Nhà văn Trần Kim Thành: Một hôm tôi ra hiệu sách Nhân Dân ở phố Tràng Tiền thì nhìn thấy nhà thơ Xuân Diệu tay cầm cuốn "Sài Gòn 5-1975" đang lớn tiếng với cô bán sách rằng: "Nhà thơ Xuân Diệu xưa nay đọc không hết những cuốn sách của văn nhân thi hữu tặng. Giờ Xuân Diệu phải đi đến hiệu sách bỏ tiền mua cuốn này bởi nghe người ta truyền tai là cuốn sách nhiều tư liệu hay, kể nhiều chuyện nhiều việc rất thú vị. Vậy mà Hiệu-sách-Nhân-Dân lớn nhất đất nước lại không bán sách cho nhà-thơ-Xuân-Diệu!!". (Nhà thơ nhấn mạnh những từ này).

Ông bực bội nhìn quanh. Bởi thấy tôi đứng gần bên (lúc đó cũng như sau này, tất nhiên nhà thơ Xuân Diệu không biết tôi là ai), nhà thơ túm lấy vai áo tôi giật giật: "Xuân Diệu nói thế phải không anh bạn trẻ?.. À ờ… Ông nhìn tôi, nghi hoặc:… Nhưng tôi hỏi thật…anh bạn trẻ có năng đọc sách không đã chứ?". Tôi ngượng ngùng bối rối quá, không biết nói sao. Chỉ còn biết im lặng. Biết  hôm đó nhà thơ Xuân Diệu không mua được cuốn sách (thời đó sách tuy in nhiều, nhưng đa phần dành bán cho thư viện, tủ sách), cách mấy hôm sau, tôi mang một cuốn "Sài Gòn 5-1975", không lời đề tặng, không chữ ký tác giả, đến gặp nhà văn Hoàng Lại Giang là người biên tập cuốn sách của tôi ở NXB Văn học để nhờ anh đưa tới nhà thơ Xuân Diệu… Từ đó cho đến sau này tôi không có dịp nào được gặp nhà thơ Xuân Diệu. Chỉ đôi lần thoáng nhìn thấy nhà thơ đạp chiếc xe đạp màu đỏ cũ kỹ trên đường phố Hà Nội.

Ngày 18/12/1985, nhà thơ Xuân Diệu mất, tôi đến viếng ông như nhiều người yêu quý thơ ông. Tôi lặng lẽ xếp vào dòng người dài đi sau linh cữu nhà thơ, với tâm thức trân trọng, xúc động của một người viết vô danh đưa tiễn một Người đọc lớn  của mình về nơi an nghỉ cuối cùng...

PV: Xin cảm ơn nhà văn Trần Kim Thành!

Nhà báo Trần Mai Hạnh: Cảm ơn số phận vì đã cho tôi "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75"

PV: Thưa nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh, cuốn sách “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, 2014) là một trong những cuốn sách viết đầy đủ, chi tiết về những ngày tháng 4 lịch sử. Cuốn sách đã đoạt giải thưởng Hội Nhà văn 2014 và ngày 16/4 tới đây sẽ được tổ chức Hội thảo tại Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 - Nguyễn Đình Chiểu - Hà Nội). Đây là cuốn sách có nhiều tư liệu không ai có thể có được (vào thời điểm ấy và ngay cả bây giờ). Ông có thể chia sẻ về nguồn tư liệu quý ấy cũng như nguyên cớ đưa ông đến với "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75"?

Từ trái qua: Nhà báo Đào Tùng, nhiếp ảnh gia Văn Bảo và Nhà báo Trần Mai Hạnh.

Nhà báo Trần Mai Hạnh: Tôi may mắn được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử từ đầu khi được chọn cử đi trong đoàn công tác đặc biệt của Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) được thành lập vào trung tuần tháng 3-1975 ngay sau chiến thắng Buôn Mê Thuột do đích thân nhà báo Đào Tùng, Tổng biên tập VNTTX khi đó dẫn đầu. Có hai nhà báo được chọn cử đi trong đoàn của TBT Đào Tùng là tôi (phóng viên tin bài) và Văn Bảo (phóng viên ảnh). Bám sát các binh đoàn chủ lực, đoàn tiến vào các thành phố được giải phóng tức thời suốt từ Huế tới Sài Gòn. Đoàn có nhiệm vụ vừa thông tin về Chiến dịch Hồ Chí Minh vừa tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP).

5 giờ sáng ngày 30/4/1975, trước cửa ngõ Sài Gòn, tôi và Văn Bảo trên chiếc Honda 90 phân khối mới tinh được TBT Đào Tùng ký giấy bảo lãnh mượn tiền của Trung ương Cục miền Nam cử người sang tận Campuchia mua, được lệnh lên đường cùng các phóng viên TTXGP  bằng mọi cách vượt lên bám sát các lữ đoàn xe tăng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Xe máy tăng ga, đồng hồ báo tới trên 50-60km/giờ. Văn Bảo đèo tôi vượt lên dòng thác người và xe cộ nườm nượp trên đường...

Khoảng 11giờ 45 phút trưa 30/4/1975, tôi và Văn Bảo tới được Dinh Độc Lập. Sự kiện lịch sử vừa diễn ra. Cờ chiến thắng vừa được cắm trên nóc Dinh Độc Lập. Tổ phóng viên mũi nhọn của VNTTX gồm Trần Mai Hưởng - em ruột tôi, Vũ Tạo, Ngọc Đản, Hoàng Thiểm, Đinh Quang Thành... đi theo Sư đoàn 304 và Lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn 2 đã có mặt trước ít phút. Các anh đã kịp ghi lại nhiều hình ảnh về những phút giây lịch sử, trong đó có bức ảnh "Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập 30/4/1975" Trần Mai Hưởng chụp được sử dụng rộng rãi như một trong những biểu tượng của ngày chiến thắng.

Tôi lúc ấy đã tìm hiểu ngay các dữ kiện không thể thiếu của bài tường thuật rồi lao lên ngay tầng 2. Toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn vừa tuyên bố đầu hàng còn ngồi ở đó. Tôi hỏi và ghi lại cuộc đối thoại lịch sử giữa Tổng thống Dương Văn Minh và cán bộ chỉ huy Quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập (sau này tôi được biết đó là đồng chí Phạm Xuân Thệ, lúc đó là Đại úy, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 của Quân đoàn 2 cùng với Lữ đoàn xe tăng 203 của quân đoàn được lệnh đột kích, thọc sâu đánh chiếm Dinh Độc Lập)...

Sau khi viết xong bài tường thuật nhan đề "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng", tôi loay hoay không biết chuyển về Hà Nội bằng cách nào, điện đài 15W mang theo không thể với tới Hà Nội. Tôi cứ loanh quanh ở Việt tấn xã (trụ sở hãng thông tấn của chính quyền Sài Gòn) ngóng chờ xe chở điện đài và các điện báo viên của TTXGP. Mãi chiều tối các anh mới tới. Sau khi các đồng chí điện báo viên tìm chỗ đặt máy, căng ăng ten bắt được liên lạc, tác giả liền đưa bài tường thuật để các đồng chí điện về, không phải điện về Hà Nội mà là điện về trụ sở TTXGP trên rừng Tây Ninh.

Sau này tôi được biết tối đó anh Phạm Vỵ, cán bộ Phòng thư ký Bộ biên tập cùng đi trong đoàn đã trực cạnh điện đài, xé từng đoạn bài tường thuật đang được điện về để TBT Đào Tùng duyệt lại trước khi điện báo viên dùng điện đài công suất lớn điện tiếp về Hà Nội. Vì điện báo viên phải đánh mooc từng chữ, chữ "a", chữ "b", chữ "c" nên rất mất thì giờ. Bài tường thuật được đăng trên bản tin Đấu tranh thống nhất của VNTTX phát báo ngay trong đêm 30/4/1975 cũng với đầu đề "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng", nhưng do quá khuya nên Báo Nhân dân ra sáng 1/5/1975 không đăng kịp. Báo Nhân dân ngày 2/5/1975 đã đăng toàn văn bài tường thuật này nhưng đặt lại đầu đề là "Tiến vào Phủ tổng thống Ngụy".

PV: Sau khi bài tường thuật được chuyển ra Hà Nội, dường như công việc của một nhà báo đã hoàn thành, vậy ông đã làm gì suốt những ngày tiếp theo đó, phải chăng là tiếp tục thu thập tài liệu cho một cuốn sách về chiến thắng 30-4 chứ không đơn thuần là công việc của một nhà báo đưa tin thời sự?

Nhà báo Trần Mai Hạnh: Tối 30/4/1975, sau khi điện được bài tường thuật về Hà Nội, trên chiếc commăngca cắm cờ giải phóng tôi đi khắp Sài Gòn. Tôi cứ trên ôtô đi hết đường này tới khu khác, say sưa ngắm Sài Gòn trong đêm đầu tiên nguyên vẹn trở về. Khi về tới trụ sở Việt tấn xã thì đã quá nửa đêm. Sáng sớm 1/5, việc đầu tiên tôi làm và kết quả thật nhanh chóng. Đó là "Giấy công tác đặc biệt" của Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định cấp, cho phép tôi với tư cách phóng viên được phép hoạt động nghiệp vụ trên toàn thành phố và yêu cầu các đơn vị và chính quyền các cấp giúp đỡ tôi hoàn thành nhiệm vụ. "Giấy công tác đặc biệt" ghi cả số khẩu súng ngắn K54 mà tôi được cấp từ Hà Nội. Đó có lẽ là chiếc "thẻ nhà báo" đầu tiên được chính quyền cách mạng (Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định) cấp tại Sài Gòn trong buổi bình minh của lịch sử thành phố.

Trưa 1/5/1975, tôi và phóng viên ảnh Văn Bảo với chiếc đài bán dẫn mang theo, đang trên ôtô giữa đường phố Sài Gòn sôi động, nườm nượp dòng người của ngày hội lớn thì nghe được buổi thời sự đặc  biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Sau bản tin đặc biệt của TTXGP: "Từ sáng 1/5/1975, toàn bộ miền Nam nước ta đã hoàn toàn giải phóng", Đài đã đọc trang trọng bài tường thuật "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng" của tôi. Âm thanh radio được mở hết cỡ, bài tường thuật vang lên giữa biển người và cờ hoa chào đón của Sài Gòn giữa trưa nắng đẹp chan hòa  của ngày Quốc tế Lao động 1-5 đầu tiên đất nước thống nhất. Lúc ấy tôi như cảm thấy không còn niềm hạnh phúc nào lớn lao hơn thế. Ý định xây dựng cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" nảy sinh trong tác giả từ những ngày đầu tiên của Sài Gòn giải phóng.

Vì những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần, nên tác giả đã cố gắng ghi chép thật nhiều những gì có cơ may chứng kiến, sưu tập thật nhiều những tài liệu nguyên bản từ phía bên kia mà mình có cơ duyên được các đồng chí và các cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài quân đội cho phép tiếp xúc, khai thác với mong muốn phục dựng lại trung thực sự thật đã diễn ra trong những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Nguyễn Văn Thiệu).

Cuốn sách giành được "Giải thưởng Văn học năm 2014" của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau ba lần in nối bản, trong tháng 4/6 2015, chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" sẽ ra mắt bạn đọc trong lần tái bản có bổ sung phần Phụ lục hơn 100 trang in công bố toàn văn 21 tài liệu tham khảo nguyên bản có giá trị nhất trong số cả trăm tài liệu nguyên bản tác giả đang lưu giữ. Đó đều là các tài liệu về cuộc chiến, ở thời điểm 40 năm trước là tuyệt mật của phía bên kia, ta thu được tại phòng làm việc và nơi ở của Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống VNCH tại Dinh Độc Lập và phòng làm việc của Cao Văn Viên, đại tướng, Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại phòng làm việc trụ sở Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn vào trưa và chiều ngày 30-4-1975.

PV: Vâng, xin cảm ơn nhà báo Trần Mai Hạnh!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.