Ký ức trở về từ con đường huyền thoại

Thứ Tư, 15/05/2019, 13:14
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một trong những yếu tố chiến lược, có vai trò quyết định đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Điều đó khẳng định việc xây dựng tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh và thực hiện thắng lợi quyết định này là một thành công kiệt xuất của Đảng cộng sản Việt Nam.

60 năm kể từ ngày thành lập Đoàn 559,  xây dựng tuyến chi viện chiến lược - đường Trường Sơn (19-5-1959 – 19-5-2019), con đường huyền thoại mang tên Bác vẫn còn in đậm trong ký ức của biết bao người.

Đường Trường Sơn – đường huyền thoại

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), đất nước ta tạm thời bị chia cắt hai miền. Bước sang năm 1959, cách mạng miền Nam đứng trước một bước ngoặt, đòi hỏi Đảng ta phải có quyết sách kịp thời. Hội nghị Trung ương lần thứ 15 được tổ chức vào tháng 1-1959 đã đề ra nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới đó là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Không đề” 1970 - Bút sắt trên giấy của họa sĩ Hoàng Đình Tài được trưng bày tại triển lãm “Ký ức Trường Sơn” của VCCA.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15, theo chỉ thị của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương, Đoàn 559 được thành lập ngày 19-5-1959, làm nhiệm vụ xây dựng tuyến chi viện chiến lược đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh cho cách mạng miền Nam và hai nước bạn Lào, Campuchia.

Đối mặt với kẻ thù tàn bạo và điều kiện khắc nghiệt của đại ngàn Trường Sơn, Đoàn 559 – bộ đội Trường Sơn đã phát triển nhanh chóng về lực lượng. Từ 500 cán bộ, chiến sĩ đầu tiên, hơn 2 năm sau, ngày 23-10-1961, Đoàn 559 được nâng cấp lên thành Bộ Tư lệnh 559.

16 năm (từ năm 1959 đến 1975) chiến đấu gian khổ, kiên cường bám trụ, bộ đội Trường Sơn đã cùng quân và dân các chiến trường ta và bạn từng bước xây dựng con đường thành một mạng lưới giao thông liên hoàn, vững chắc, xuyên qua 21 tỉnh trên lãnh thổ ba nước với tổng chiều dài 20.000km đường ôtô, 600km đường sông, 1.400km đường ống dẫn xăng dầu, 1.500km đường dây thông tin tải ba; tổ chức vận chuyển hơn 2 triệu quân vào, ra chiến trường; hơn một triệu tấn vũ khí, đạn dược, hàng hóa… hoàn thành sứ mệnh lịch sử xuất sắc trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên – nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn trong bài viết “Đường Hồ Chí Minh – Đường Trường Sơn – một kỳ công chiến lược” đã tổng kết: “Suốt 16 năm – đặc biệt từ năm 1964 đến năm 1975, trên đường Hồ Chí Minh, các lực lượng: quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, văn nghệ sĩ… bện kết thành một khối.

Những kỷ vật gợi nhớ một thời ở đường Trường Sơn.

Hàng vạn khối óc, con tim đã được rèn luyện trong bom đạn, trong gian khổ, dũng cảm kiên cường chống trả, vô hiệu hóa cuộc chiến tranh ngăn chặn tổng lực của Mỹ - Ngụy bằng không quân và bộ binh. Các binh chủng trên tuyến đã phối hợp với lực lượng của nước bạn Lào, với các chiến trường, đánh bại các cuộc hành quân, đánh phá của kẻ địch, giữ vững mạch máu giao thông vận tải, hoàn thành nhiệm vụ chi viện chiến lược.

Nguồn nhân lực vô tận, nguồn vật chất khổng lồ và nguồn sức mạnh tinh thần vô bờ bến đã hội nhập ở tuyến đường mang tên Bác chảy tới các chiến trường trong suốt thời kỳ đánh Mỹ, đặc biệt là mùa xuân năm 1975”.

Tuy nhiên để đi đến ngày toàn thắng chúng ta đã phải chấp nhận sự hi sinh to lớn. Hơn 223.000 cán bộ chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, bộ đội Trường Sơn đã vĩnh viễn nằm lại vì sự sống của con đường; 30.000 cán bộ, chiến sĩ đã bị thương, hàng chục nghìn người bị nhiễm chất độc khai quang dioxin do Mỹ rải xuống khắp các cánh rừng Trường Sơn. Sự hy sinh mất mát to lớn đó được đáp đền bằng sự thống nhất đất nước, bằng độc lập tự do của dân tộc.

Đánh giá về tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam viết: “…Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng, đó là con đường nối liền Nam Bắc thống nhất nước nhà, là con đường của tương lai giàu có của Tổ quốc ta, đó cũng là con đường đoàn kết các dân tộc, của ba nước Đông Dương…”.

Ký ức trở về

Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 –19-5-2019), trên khắp cả nước nhiều chương trình, sự kiện, hoạt động đã được tổ chức như một sự tri ân với những người ngã xuống, những người đã chung sức “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Đại tá Phan Lan xúc động nhìn lại những kỷ vật ở Trường Sơn năm xưa. Ảnh: Đặng Thủy.

Tại Hà Nội, dòng ký ức về Trường Sơn được trở về qua hơn 200 bức tranh/ ký họa, các tác phẩm sắp đặt và video art về đề tài đường Trường Sơn được trưng bày tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA).

Lấy hội họa làm tinh thần chủ đạo, triển lãm giới thiệu tới công chúng hơn 200 bức tranh/ ký họa được sáng tác trực tiếp trong thời kỳ chiến tranh trong đó có nhiều bức ký họa trực tiếp tại đường Trường Sơn trong những năm 1960 – 1975 của cố họa sĩ Đào Đức, cố họa sĩ Hoàng Đình Tài, các họa sĩ Trần Huy Oánh, Chu Thảo, Lê Trí Dũng, Phạm Lực, Nguyễn Đức Dụ…

Ngoài ra, một số tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Đức Dụ và cố họa sĩ Nguyễn Thanh Châu được vẽ sau này dựa trên những tài liệu ghi chép ký họa trong cuộc chiến cũng được giới thiệu tại triển lãm. Qua những bức vẽ, công chúng gặp những người lính, những thanh niên xung phong, những trọng điểm, những vùng đất… trên khắp nẻo của chiến trường Trường Sơn.

Cũng với chủ đề “Ký ức Trường Sơn”, từ ngày 3-5 đến ngày 31-5-2019, Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP Hà Nội) giới thiệu tới công chúng hàng trăm tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu phản ánh quá trình mở đường, vận chuyển cơ giới, chiến đấu bảo vệ đường, chiến dịch mở đường, các trọng điểm ác liệt trên Trường Sơn, các phương tiện vũ khí của Mỹ sử dụng trên Trường Sơn, cuộc sống sinh hoạt ở Trường Sơn, tình đoàn kết của 3 nước Đông Dương…

Xem triển lãm, xúc động biết bao khi nhìn lại sổ nhật ký của đồng chí Hồng Hải ghi lại những bài hát, bài thơ, bức thư gửi cho mẹ, cho người yêu kể về những ngày chiến đấu trên tuyến lửa Trường Sơn, những ngày tháng xa cách hẹn ngày chiến thắng trở về; đôi dép của Anh hùng LLVTND Nguyễn Viết Sinh, Binh trạm 3, Đoàn 559 đã sử dụng để đưa đón cán bộ, vận chuyển hàng trên tuyến chi viện chiến lược đường Trường Sơn năm 1961–1967; chiếc túi đựng cơm của thượng sĩ Hà Văn Thanh, Trung đội phó Đại đội 11 ôtô vận tải, Tiểu đoàn 51 sử dụng trong thời gian làm công tác vận chuyển lương thực vũ khí trên Trường Sơn năm 1973; hòn đá ở trạm giao liên T6 – Quảng Bình in những dấu chân của hàng vạn các cán bộ chiến sĩ; những chiếc gùi được các chiến sĩ Tiểu đoàn 301 cải trang thành đồng bào dân tộc Vân Kiều để phục vụ vận chuyển hàng hóa lương thực cho chiến trường năm 1959 – 1962…

Trung đoàn 98 công binh (anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) làm cống tạm trên đường cơ giới (Ảnh tư liệu).

Và cũng thật cảm động khi xem lại tấm ảnh nhà quay phim Lê Đức Tiến trong đoàn làm phim quân đội đang thổi sáo trong lúc giải lao cho các chiến sĩ vận tải đường Trường Sơn nghe; ảnh họa sĩ Trường Sơn vẽ tranh cổ động nhằm động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu của chiến sĩ trên toàn mặt trận; rồi bức ảnh buổi biểu diễn văn nghệ của đội nghệ thuật xung kích tại cung đường B45, Binh trạm 42 (Tây Trị Thiên, tháng 8-1970)…

Tất cả như những minh chứng sống động, tái hiện phần nào sự kiên cường, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân, xương máu của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên đường Hồ Chí Minh lịch sử.

Trung tá Nguyễn Văn Ngọc - Giám đốc Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh cho biết, triển lãm này nhằm giới thiệu tới đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ về quá trình ra đời, xây dựng, chiến đấu và những mốc son tiêu biểu của bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; những đóng góp to lớn của những người lính Trường Sơn hôm nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Qua đó góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; khơi dậy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc và sự biết ơn của thế hệ trẻ hôm nay.

Những năm tháng không quên

Tốt nghiệp đại học, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai Đào Hữu Thi khoác ba lô lên đường ra chiến trận. Là cán bộ sáng tác của Đoàn văn công giải phóng Trường Sơn, nên Đào Hữu Thi có mặt ở khắp các nẻo đường chiến dịch.

9 năm gắn bó với đường Trường Sơn, giờ đây khi ở tuổi xế chiều trong ông vẫn vẹn nguyên bao ký ức của thời lửa đạn. “Nơi ấy, biết bao đồng đội của tôi đã hi sinh, biết bao cô gái đã gửi lại tuổi xuân nơi chiến trường. Cũng nơi ấy, chúng tôi đã hát trong bom đạn “tiếng hát át tiếng bom”…” – nhạc sĩ Đào Hữu Thi chia sẻ.

Với ông, Trường Sơn đã trở thành máu thịt, là nguồn cảm hứng để ông viết nên hàng trăm tác phẩm, từ những bản giao hưởng, khí nhạc đến những ca khúc: “Tình em gửi trọn con đường”, “Đường Trường Sơn trăm ngả”, “Em là cô gái Trường Sơn”, “Hát mãi với Trường Sơn”… Nhạc sĩ của Trường Sơn cho biết, tác phẩm mới nhất của ông mang tên “Hào khí Trường Sơn” đã đến với công chúng đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn.

Đại tá Phan Lan – nguyên Trưởng ban quân lực Tiểu đoàn 71 năm nay đã xấp xỉ tuổi 90. Ông bảo, cho đến giờ những năm tháng ở Trường Sơn vẫn in đậm trong ký ức của mình. 13 năm gắn bó với tuyến đường huyền thoại, ông quên sao được những ngày tháng làm cán bộ đưa đường, những bữa ăn thiếu thốn phải ăn sắn của đồng bào dân tộc, và nhất là những giây phút sinh tử đối mặt với quân thù…

Còn với ông Nguyễn Xuân Tứ, phường La Khê, quận Hà Đông, nỗi nhớ Trường Sơn cũng luôn thường trực. Chẳng vậy mà khi biết tin Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm “Ký ức Trường Sơn”, dù sáng sớm trời đổ mưa ông vẫn đạp xe đến bảo tàng xem triển lãm.

“Tôi muốn tìm lại hình ảnh của đội thanh niên xung phong năm xưa của mình trên tuyến đường huyền thoại ấy” – ông Tứ chia sẻ và lặng nhìn những tấm ảnh một thời.

Ông Tứ tham gia Đội thanh niên xung phong 303 thuộc Trung đoàn 98 khi 26 tuổi. Những ngày tháng phá đá, mở đường, đánh bộc phá, hạ đèo đã lùi vào quá khứ nhưng ký ức ấy vẫn ùa về trong ông trong những đêm không ngủ. Ở tuổi xế chiều, bao năm bươn bả với cuộc sống mưu sinh, người thanh niên xung phong năm xưa bảo rằng ông  ước ao một ngày không xa được trở lại với Trường Sơn, nơi mình đã gắn bó một thời…

Tham gia đi mở đường Trường Sơn cùng các anh chị trong tiểu đoàn nữ Hoàng Ngân 3 ở Hải Hưng khi mới 18 tuổi, cô gái Phạm Thị Lan gia nhập Đại đội C1, Trung đoàn 8 công binh.

Gắn bó với đường Trường Sơn trong suốt 3 năm (từ tháng 10-1973 đến tháng 7-1976), cho đến bây giờ khi đã ở tuổi 65, bà Phạm Thị Lan vẫn không quên được những năm tháng cùng thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến từ Phong Nha, Kẻ Bàng qua hầm chữ A, vào Huế rải đá, mở đường 15C, đường 16, đường 20 rồi đường sang Lào, sang Campuchia. “Tôi nhớ hồi ấy cứ làm hết đoạn đường này lại chuyển sang làm đoạn đường khác. Ở rừng, lúc mưa, lúc nắng, vắt nhiều vô kể, chị em sợ đến phát khóc. Nhiều bữa đói phải ăn cả rau rừng, nhưng ai ai cũng tràn đầy nhiệt huyết” – bà Lan nhớ lại.

Ngắm nhìn những kỷ vật, những bức vẽ, những tấm hình; lắng nghe những câu chuyện, những ký ức của những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi lên đường ra chiến trận càng thấy trân trọng biết bao những con người đã hi sinh, đã góp sức để làm nên huyền thoại một con đường.

Chiến tranh đã lùi xa, thời gian đã xóa nhòa dấu chân người lính trên các nẻo đường thuở ấy, nhưng đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh mãi mãi là trang sử hào hùng, là biểu tượng sáng ngời về khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Hà Thao
.
.