Kỷ vật nhà báo và những câu chuyện cuộc đời...

Thứ Tư, 21/06/2017, 15:14
Vừa qua Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã nhận được hơn 1.000 hiện vật của các nhà báo lão thành hiến tặng, nâng con số lưu giữ di sản báo chí của Đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam đạt tới con số xấp xỉ 1,3 vạn hiện vật. Điều quan trọng hơn cả là mỗi hiện vật ấy, là những câu chuyện của ký ức đầy dấu ấn của một thời hào hùng chưa bao giờ bị quên lãng trong đời sống hiện đại.

Nhà báo Đậu Ngọc Đản, nguyên là phóng viên chiến trường đã trải qua nhiều trận chiến đấu ác liệt. Ông, cũng là một trong những người miền Bắc đầu tiên có mặt ở dinh Độc Lập vào lúc 11h24” trưa ngày 30-4-1975. Và ông đã chụp được những bức ảnh về chiếc xe tăng 390 tiến vào đè bẹp cổng dinh Độc Lập; cảnh nội các Dương Văn Minh đầu hàng quân giải phóng.

Bây giờ, gia tài nghề báo của ông là rất nhiều bài báo, cuốn sách của những năm tháng làm phóng viên mặt trận. Và quan trọng hơn cả, đó là chiếc máy ảnh và rất nhiều bức ảnh ông ghi lại được trong khoảnh khắc đầu tiên chiến thắng của dân tộc, sự vui mừng và những giọt nước mắt sung sướng của những người con yêu Tổ quốc trong giờ phút trọng đại giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhà báo Ngọc Đản đã hiến tặng Bảo tàng Báo chí bức ảnh cô Nhíp, một bức ảnh mà theo ông, nó ghi khắc giây phút lịch sử của ngày 30-4 chưa bao giờ nguôi quên trong cuộc đời của một người lính như ông.

Nhà báo Ngọc Đản.

Ông kể lại: Tháng 2-1975, tôi được vào Nam, theo bước các binh đoàn trong cuộc tổng tiến công, nổi dậy. 26-3-1975 có mặt ở Huế. Đi xe Honda vượt Hải Vân, ngày 29-3-1975 có mặt ở Đà Nẵng. 29-4-1975 đến Xuân Lộc.

Gặp đồng chí Cục trưởng Cục Văn hóa Hồng Cư, sau này là Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; và đồng chí Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 2 Lê Khả Phiêu, sau này là Tổng Bí thư của Đảng, được các ông trực tiếp giao nhiệm vụ đi ngay vào Sài Gòn, theo Trung đoàn 66 của Sư 304. Rồi gặp và bám xe tăng thứ tư của Lữ đoàn 203.

Chiến đấu ác liệt ở cầu Sài Gòn. Tiến thẳng vào dinh Độc Lập, chứng kiến và chụp được ảnh Phạm Xuân Thệ, Đại úy, Trung đoàn phó, hùng dũng bước lên nhận sự đầu hàng của chính quyền Sài Gòn. Tôi và anh Hoàng Thiểm, là hai nhà báo đầu tiên của miền Bắc có mặt tại dinh Độc Lập vào giây phút lịch sử ấy.

Tôi gặp cô Nhíp ở Tân Sơn Nhất. Thấy xe tăng cắm cờ quân giải phóng, lại có cô gái đẹp, vừa hiền dịu, vừa hiên ngang. Hỏi, được biết là xe tăng Quân đoàn 3, cô gái tên là Cao Thị Nhíp, tên hoạt động là Nguyễn Trung Kiên. Nhíp con nhà nghèo, quê Tiền Giang, lên Sài Gòn hoạt động cách mạng, tham gia biệt động thành dưới vỏ bọc là người làm công cho gia đình một sĩ quan.

Vốn thông thuộc đường sá, Nhíp đã dẫn đường cho xe tăng ta vào đánh Tân Sơn Nhất và các vị trí quân sự khác. Ngay khi gặp cô Nhíp bên xe tăng, tôi đã bị cái đẹp cuốn hút, cảm giác ngay rằng đây là một hình tượng. Hình tượng của tổng tiến công (quân chủ lực) và nổi dậy (nhân dân). Hình tượng Việt Nam: Nụ cười tươi sáng, hiền dịu, yêu hòa bình nhưng kiên cường gan góc, quyết thắng. Trong tư thế chiến thắng, toát lên sự nhân hậu, vị tha...

Lúc ấy, tôi chụp bằng máy hiệu Canon, ống kính liền, chỉ một tiêu cự. Trước đó tôi chủ yếu chụp bằng máy Kiep. Trưa 30-4 ấy, từ dinh Độc Lập tôi không đi về đài phát thanh, mà tìm cách chuyển bài vở nhanh ra Bắc. Trong sân, rất nhiều nhân viên, tùy tùng của chính phủ Sài Gòn đứng đợi. Tôi nói to, dõng dạc: “Chúng tôi là phóng viên ở miền Bắc vào. Đây là thời cơ lập công của các ông. Ai có thể chở chúng tôi đến sân bay Tân Sơn Nhất?”.

Bức ảnh Cô Nhíp do nhà báo Ngọc Đản chụp ngày 30-4-1975.

Năm sáu cánh tay giơ lên. Tôi chỉ vào một người. Đó chính là Võ Cự Long, sĩ quan lái xe dẫn đường của nội các Sài Gòn. Phản ứng nghề nghiệp ấy trước hết là do tính cấp bách, trọng đại của công việc, của lời thề người lính khi nhận nhiệm vụ, phải “tận tâm tận lực thi hành một cách nhanh chóng và chính xác”.

Có những kỷ vật của các nhà văn, nhà báo đã theo họ cả một thời tuổi trẻ, nhiều năm tháng, nhiều thập kỷ, nếm trải những chuyện vui buồn, mang theo giá trị tinh thần và vật chất lớn lao của cả một chặng đường làm báo. Những kỷ vật không còn là kỷ vật nữa, mà nó như một phần cơ thể của họ.

Câu chuyện kỷ vật của hai vợ chồng cố nhà văn, nhà báo Nguyễn Văn Bổng - nhà báo Hồ Vân, hội viên sáng lập của Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957, tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Con trâu" được giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954, được nhiều thế hệ học sinh tiếp cận trong sách giáo khoa trước đây.

Vợ chồng ông cùng làm Báo Nhân dân. Bà là nhà báo Hồ Thị Vân - nguyên phóng viên, biên tập viên, Trưởng phòng Quản lý phóng viên thường trú, đi công tác ở nhiều vùng nông thôn, và cả ra nước ngoài.

Anh Nguyễn Nhất Nam, con trai út và là người lưu giữ những kỷ vật của cha mẹ để lại chia sẻ: "Bố mẹ tôi sinh được 4 người con trai, anh cả của tôi đã mất, còn lại 3 anh em tôi, tiếc là không ai theo được nghiệp văn chương của bố mẹ. Tuy nhiên, những kỷ vật, những cuốn sách của ba mẹ thì anh em tôi lưu giữ cẩn thận lắm. Tôi nhớ, những kỷ vật mà tôi trao tặng Bảo tàng Báo chí là những thứ mà ba mẹ tôi quý nhất. Đặc biệt là mấy tấm thẻ nhà báo, ba tôi quý lắm, giữ gìn như báu vật. Nó nhắc nhớ bao nhiêu hoài niệm của ông về những năm tháng xa xưa.

Ngay cả sau này, khi ba tôi mất đi, Bảo tàng Nhà văn có đến xin mẹ tôi những kỷ vật của những người được Giải thưởng Hồ Chí Minh để mang về lưu trữ tại Bảo tàng Nhà văn, mẹ tôi trao tặng nhiều thứ như quần áo, bàn làm việc, ảnh tư liệu... nhưng vẫn giữ lại những tấm thẻ ấy. Dĩ nhiên, để phục vụ số đông thì sau này tôi đã thay mặt gia đình hiến tặng Bảo tàng Nhà báo như một dấu tích cho các thế hệ sau.

Ba tôi là người chú tâm vào công việc lưu trữ những kỷ vật của gia đình, mẹ tôi thì bận việc gia đình, lo cho các con. Giai đoạn cuối đời, ông bị Pakinson, rồi chẳng may lại ngã gãy xương cổ đùi, mắt mờ dần. Gần 10 năm bà chăm sóc ông. Suốt thời gian ấy, ông nằm một chỗ thỉnh thoảng đi lên xe lăn, vậy mà bà chăm sóc ông không một vết hằn trên người.

Ông còn đọc cho bà ghi lại cuốn sách cuối cùng trong gia tài ông là "Tiểu thuyết cuộc đời" nói về cuộc đời hoạt động của ông, cả những chuyện tình yêu nữa. Ông đọc bà ghi rồi bà đọc lại cho ông chỉnh sửa. Ông là người trọng chữ nghĩa. Mỗi lần viết văn, viết báo ông đều dùng từ điển để kiểm tra chính xác câu chữ. Nếu có từ nào cần phiên âm tiếng nước ngoài ông cũng phải gọi điện thoại hỏi một người cháu thông thạo ngoại ngữ rồi mới viết để tránh sai sót.

Nhà báo nguyễn văn bổng (giữa) cùng bạn bè: Anh Đức, Bùi Kinh Lăng, Lưu Hữu Phước, Lý Văn Sâm ở Chiến khu miền Nam Năm 1967.

Gia đình tôi gắn bó với căn nhà số 10 Nguyễn Thượng Hiền, sát vách nhà văn Tế Hanh, căn hộ 28 mét vuông thôi, nhưng đó là nơi đã làm nên một tuổi thơ êm đềm và hạnh phúc của tất cả anh em chúng tôi. Bây giờ thì ngôi nhà khá cũ rồi, lại chật hẹp nên chúng tôi không ở nữa mà để làm nơi thờ cúng ông bà và làm phòng lưu niệm".

Trong rất nhiều những kỷ vật được lưu giữ ở Bảo tàng Báo chí, có một tập thư tay đã úa màu thời gian song vẫn vẹn nguyên nếp chữ. Đó là những kỷ vật được nhà báo, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn - tác giả bài thơ "Hương thầm", bà nguyên là phóng viên chiến trường, phóng viên Báo Hà Nội Mới, Người Hà Nội. Bà đã tặng lại Bảo tàng những bức thư trao đổi về công việc nghề báo của nhà báo, nhà văn Tô Hoài; của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Khoa Điềm. Tất cả đều là bản gốc, được nữ nhà thơ giữ gìn cẩn thận nhiều chục năm qua.

Bà chia sẻ rằng, những bức thư này đã theo bà suốt nhiều tháng năm, trên chặng đường làm báo, sau rất nhiều đợt chuyển nhà, nhưng bà vẫn lưu giữ như một kỷ niệm và dấu ấn lớn đối với cuộc đời mình. Dù là thư riêng, song nó lại nằm trong cái chung của những bài học cho những người làm báo. Đọc lại để thấy sự cẩn trọng, sự chi chút với câu chữ được những người làm báo chân chính coi trọng tới mức nào.

Chỉ một bài báo có thể thay đổi cả một số phận con người. Cũng từ đó thấy được cái vinh quang của nghề. Điều mà nhà báo, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn khẳng định, nghề báo đã mang lại cho bà nhiều thứ, không chỉ trong quá khứ, mà trong cả đời sống hiện tại. Nếu không làm báo, làm sao bà có những bức thư, những kỷ vật, những ký ức...

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn trao tặng kỷ vật cho Bảo tàng Nhà báo.

Đó là niềm an ủi, động viên, và hiện thân của nỗi nhớ, khi những người bạn lớn, tác giả của các bức thư đã trở về thiên cổ, song sức sống và sự trường tồn của họ đối với thế hệ mai sau, thì luôn còn mãi.

Nhà báo Ngọc Đản khi kể về những kỷ vật, cũng khẳng định: "Đối với tôi, nghề báo là một nghề hấp dẫn. Tôi cảm nhận được cái hay này lần đầu tiên khi nhận giải báo Hà Tĩnh. Khi đó tôi chỉ là một học sinh, vì bài báo mà cả xã, cả huyện biết đến và được mọi người tôn trọng. Sau này khi đi theo nghề báo chuyên nghiệp, tôi càng thấy nghề báo tuyệt vời hơn khi được đi nhiều, nghe nhiều do đó học được nhiều.

Nghề báo không dừng lại ở những bài báo, mà nó bắt ta phải không ngừng học hỏi để tiến lên mãi, nhất là học trong cuộc sống, học để sống. Làm báo tức là được làm mới mình liên tục. Sự phát triển của xã hội đòi hỏi người làm báo đi nhiều, đọc nhiều, lúc nào cũng cảm thấy kiến thức của mình hạn chế. Đó cũng là lý do tôi đi làm tiến sĩ và cho đến nay, dù đã ngót thất thập cổ lai hy rồi nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy nhu cầu học, đọc và đi của mình chưa bao giờ vơi cạn.

Ngoài những kỷ vật đã trao tặng Bảo tàng Nhà báo, tôi vẫn còn lưu giữ những kỷ vật đã gắn bó với tôi trong cả cuộc đời làm báo và vẫn thường ngắm nhìn nó, để nhắc nhớ một thời chưa bao giờ xa, chưa bao giờ quên".

Mỗi hiện vật, mỗi kỷ vật có câu chuyện của riêng mình, có lịch sử và số phận riêng. Nhiều hiện vật rất thiêng liêng, gắn với những hoàn cảnh cụ thể, những con người, những sống chết, hy sinh, thậm chí còn đại diện cho một thời kỳ làm báo với tư cách là những di sản để lại cho đời sau.

Nhà báo Trần Kim Hoa, Trưởng Ban quản lý các dự án thành phần Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam, người đã có công tìm đến từng nhà báo, nhà văn để xin những kỷ vật của họ về Bảo tàng lưu giữ, đã chia sẻ: "Tôi làm báo nhiều năm, giờ chuyển sang làm bảo tàng, tôi càng hiểu lịch sử trên 150 năm báo chí nước nhà với những di sản báo chí đồ sộ của các thế hệ đi trước rất cần được tập hợp, lưu giữ và bảo quản một cách có hệ thống, để những di sản ấy không nằm im trong kho hay trên giá kệ mà phải được phát huy giá trị, được tỏa sáng, được rộng rãi công chúng trong và ngoài nước biết đến.

Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay, làm sao để Bảo tàng Báo chí Việt Nam dù ra đời chậm mà không muộn... Đó là cách chúng tôi lưu giữ một thời tuổi trẻ, một thời đam mê và cả những cuộc đời đầy biến động của những nhà báo thông qua những kỷ vật... biết nói!".

Nhật Huy
.
.