"Lá bài việc làm" của Tổng thống Trump

Thứ Ba, 14/07/2020, 14:29
Đã có rất nhiều bất ngờ xảy ra, tất cả đều không có lợi cho Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bất ngờ đầu tháng 6 là hơi cay đã được sử dụng để giải tán những người biểu tình hòa bình nhằm mở đường cho Tổng thống Trump có thể đi tới Quảng trường Lafayette để chụp ảnh; bất ngờ giữa tháng 6 là cuốn sách của cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton.

Nhưng bất ngờ cả tháng 6, đó là tín hiệu tăng trưởng việc làm, tỷ lệ thất nghiệp giảm…. Lá bài việc làm đang được ông Trump tung ra.

Cứu cánh nhỏ…

Một tia sáng vừa le lói khi tỉ lệ việc làm tại Mỹ gia tăng trở lại ngay trong bối cảnh bùng nổ đại dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19). Theo Hãng tin AP, nền kinh tế Mỹ đã ghi nhận sự tăng trưởng việc làm trong tháng 6 vừa qua. Đây là mức tăng cao nhất trong lịch sử nước này, và dĩ nhiên Tổng thống Mỹ Donald Trump coi đây là nỗ lực của mình.

Các số liệu đưa ra ngày 2-7 cho thấy trong tháng 6-2020, nước Mỹ đã ghi nhận thêm 4,8 triệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp cải thiện từ mức 13,3% vào tháng 5 xuống còn 11,1% vào tháng 6 do nhiều người Mỹ vốn bị nghỉ việc vì dịch bệnh giờ đã quay trở lại làm việc. Tổng thống Donald Trump khẳng định đây là một chiến thắng kinh tế to lớn và coi nhẹ mối đe dọa y tế, ngay cả khi sự bùng nổ số ca lây nhiễm mới đe dọa làm cản trở hoặc thậm chí đảo ngược những thành tựu kinh tế.

Tuy nhiên, dữ liệu về việc làm được công bố trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 được xác định tại Mỹ đã tăng ở mức cao chưa từng thấy - theo số liệu của Đại học Johns Hopkins. Giới chuyên gia cảnh báo rằng tình trạng bất ổn sâu sắc vẫn chờ đợi phía trước dù có những dữ liệu tăng trưởng việc làm tích cực. Với hai báo cáo việc làm cho hai tháng tới đây trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, những viễn cảnh đối lập về nền kinh tế Mỹ sẽ tạo ra một khuôn khổ mới cho cuộc tranh luận đầy rủi ro ở phía trước.

Ông Donald Trump Trong một cuộc vận động.

 Đội ngũ tranh cử của Tổng thống Trump tin rằng không có điều gì quan trọng đối với cơ hội tái đắc cử của Trump hơn là tình trạng nền kinh tế đất nước. Trên thực tế, tỷ lệ tín nhiệm dành cho ông Trump chủ yếu vẫn xuất phát từ vấn đề kinh tế. Theo một cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu quan hệ công chúng (NORC) của Hãng tin AP công bố hồi tháng 6, một nửa dân số Mỹ cho rằng họ ủng hộ cách thức Tổng thống Trump điều hành nền kinh tế.

 Theo ông Justin Wolfers, Giáo sư về kinh tế và chính sách công tại Đại học Michigan, dữ liệu kinh tế công bố hôm 2-7 cho thấy nền kinh tế Mỹ ở tình trạng nhích một chút ra khỏi hố đen kinh tế tệ hại. Ông giải thích: "Bạn chỉ nhìn ra cửa sổ và thấy mọi thứ vẫn trì trệ. Điều quan trọng đầu tiên, thứ hai và thứ ba đối với nền kinh tế lúc này là kinh tế vẫn tiến triển giữa tình hình dịch bệnh".

…trong cục diện lớn

Mặc dù sẽ còn nhiều thay đổi trong thời gian từ nay đến cuộc bầu cử tháng 11, nhưng thực tế đã chứng minh sức mạnh của nền kinh tế số một thế giới luôn gắn liền với sức mạnh tái đắc cử của tổng thống đương nhiệm. Và trong bối cảnh hiện nay thì nền kinh tế không có triển vọng sẽ sớm khởi sắc.

Từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5, hơn 38 triệu người Mỹ đã đăng ký bảo hiểm thất nghiệp. Mặc dù thị trường việc làm đã cho thấy một số dấu hiệu cải thiện, nhiều người Mỹ vẫn không có việc làm, và vào tháng 6, đã có thêm nhiều người mất việc bị sa thải vĩnh viễn. Nếu sự phục hồi kinh tế tiến triển chậm - hoặc dừng lại và bắt đầu tuột dốc trở lại - thì có lẽ điều đó cũng đồng nghĩa với cơ hội tái tranh cử của ông Trump lao dốc theo.

Ngay cả trong những năm bầu cử bình thường trước đây thì nhiều cử tri vẫn rất lo ngại về vấn đề kinh tế. Trong ba kỳ bầu cử gần nhất, người Mỹ luôn đặt kinh tế lên hàng đầu trong danh sách những mối quan tâm của họ, khiến đây trở thành vấn đề được nêu lên thường xuyên nhất. Tuy nhiên, khó mà biết được chính xác có bao nhiêu cử tri cho rằng kinh tế là vấn đề hàng đầu trong năm nay.

Theo ba cuộc khảo sát về vấn đề quan trọng nhất ảnh hưởng đến lá phiếu của cử tri được tiến hành từ tháng 6 đến nay, có thể thấy khoảng ¼ số người Mỹ coi kinh tế là vấn đề hàng đầu, và ông Trump vẫn có lợi thế với nhóm cử tri này khi dẫn trước đối thủ Dân chủ Joe Biden trong cả ba cuộc khảo sát.

Lợi thế của ông Trump với nhóm cử tri này khá quan trọng, bởi các cuộc thăm dò cho thấy họ phần lớn là những người da trắng, có thu nhập cao và có xu hướng ủng hộ đảng Cộng hòa; hầu hết họ cũng là những người đã từng bỏ phiếu cho ông Trump vào năm 2016. Tuy nhiên, chưa rõ lợi thế này thực sự sẽ giúp ích được bao nhiêu cho đương kim tổng thống.

Alan Abramowitz, giảng viên môn khoa học chính trị tại Trường Đại học Emory nhận định khả năng là ông Trump còn đánh mất một lượng cử tri trong nhóm này. Nếu như đại dịch COVID-19 tồi tệ hơn - các ca nhiễm bệnh và tử vong hiện đang tăng cao tại một số khu vực - thì điều này sẽ ảnh hưởng đến những gì mà người ta ghi nhận về cách ứng phó đại dịch của ông Trump, và khiến một số cử tri “thiên kinh tế” vốn sẵn sàng ủng hộ ông sẽ phải suy nghĩ lại. Thực tế là các cử tri da trắng và có học thức những năm gần đây cũng đang chuyển hướng mạnh mẽ sang đảng Dân chủ, và nhiều người Mỹ thậm chí còn thất vọng với ông Trump ngay cả khi nền kinh tế nở rộ.

Vậy liệu “lá bài việc làm” có thể giúp ông Trump “lội ngược dòng” ngoạn mục hay không? Có lẽ ông Trump đủ tỉnh táo để nhìn nhận một cách toàn diện thực tế hiện nay tại nước Mỹ: Sự thất vọng của người dân xung quanh cách thức chính phủ đối phó với đại dịch toàn cầu, những cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc vẫn lan rộng, sự bất mãn đối với các công cụ trừng phạt tài chính và thuế quan phản tác dụng mà tổng thống sử dụng để đối phó với các đối thủ...

Bích Vân (Tổng hợp)
.
.