Lạ lùng tục… bôi máu

Thứ Hai, 10/11/2014, 06:40

“Chúng tao sắp bôi máu vào chân khách/ bằng một con gà và một ché rượu/ Mong sao hoẵng không kêu/ mong cỏ pruh không có chân/ mong các cây rhôong và r'aa không chặn đường chúng tao/ Mong sao thân thể chúng tao được khỏe khoắn/ giấc ngủ say/ ngáy khỏe”...
Trên đây là trích đoạn lời khấn trong lễ “bôi máu vào chân” được người M'nông ở huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) gọi là mhaam joong.

Theo lễ nghi kỳ lạ này, khách đến nhà đều được gia chủ dùng máu của con vật hiến sinh bôi vào chân để xua đuổi tà ma, cho cuộc vui được trọn vẹn, hòa thuận và không có bệnh tật!

Cổ tục có một không hai

Nằm e ấp bên Lắk  -hồ nước huyền thoại từng có sự hiện diện của loài cá sấu Xiêm (loài đặc hữu Việt Nam) và bóng dáng của Vua Bảo Đại trong những lần cưỡi voi săn hổ, là buôn cổ M'liêng (xã Đắk Liêng,  huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk). Trong ngôi nhà dài truyền thống cả trăm năm tuổi của tộc người mình dài đến hơn 30m với hai hàng cột làm bằng gỗ sao, bên chiếc ghế Kpal biểu trưng cho quyền lực và sự giàu có của gia chủ, già làng Y Đrơng K'rông, rất hào hứng khi được hỏi về tục bôi máu của tộc người mình, trong đó có tục bôi máu vào chân.

Theo già K'rông, như nhiều tộc người anh em khác ở Đắk Lắk mà chủ yếu là người Êđê, người M'nông rất hiếu khách và theo tập tục ngày trước, khi có khách đến chơi nhà hay thăm làng, bao giờ gia chủ cũng  vốc thuốc lào do chính tay mình trồng hái, để trong thời gian trò chuyện trước khi ăn uống linh đình, các vị khách mặc sức... đi mây về gió!

Mời thuốc là tập tục khá phổ biến của các tộc người sống trên đất Tây Nguyên. Nếu như người đồng bằng xem "miếng trầu là đầu câu chuyện" thì người M'nông hay các tộc người bản địa sống trên vùng đất đỏ bazan như Êđê, K'ho, Cil, Mạ, Giẻ Triêng... xem việc biếu thuốc lào, mời thuốc là biểu hiện của sự thân thiện, và là cách gia chủ thể hiện lòng hiếu khách: "Bây giờ thì có thuốc thơm để trong bao, thích thì mua, cần là lấy ra hút chứ ngày trước, muốn có thuốc hút phải trồng đấy" - già K'rông nói. Già cũng cho biết người M'nông ngày trước hút thuốc bằng nhiều cách, hút bằng tẩu, quấn lá cây hay nhai thuốc.

Một góc buôn cổ M'liêng.

Các già làng đồng niên với già K'rông không ngần ngại cho biết hồi mình còn bé xíu đã biết uống rượu, hút thuốc nhai thuốc. Theo giải thích của các già, sở dĩ ngày trước trẻ con được cho phép hút thuốc uống rượu vì lúc bấy giờ rừng rất dày nên không gian cư trú của buôn làng lúc nào cũng lạnh giá. Nên phải hút, nhai thuốc, uống rượu thường xuyên để chống lạnh, riết rồi thành thói quen, rồi nghiện!

Khi câu chuyện trồng thuốc, mời thuốc, nhai thuốc... không còn gì để nói, tôi xoay lại chủ đề chính là tục bôi máu vào chân khách đến chơi nhà hay thăm làng, các già làng ở buôn M'liêng cho biết, lễ vật rất giản đơn, chỉ là ché rượu nhỏ và một con gà. Vào cuộc, vị chủ lễ dùng lưỡi dao rạch vào mỏ con vật rồi lần lượt bôi máu từ những người lớn tuổi đến người nhỏ.

Việc bôi máu như thế được ông Georges Condominas-một nhà dân tộc học người Pháp từng sống với người M'nông Gar ở huyện Lắk mô tả khá chi tiết trong tài liệu nghiên cứu của mình hơn 50 năm trước. Ghi chép ấy đã giúp tôi hình dung rõ hơn về "thánh lễ" trừ tà độc đáo này: "Mọi người khách đều chen nhau ra cửa để chìa chân cho người làm chứng kiêm kẻ sắp đặt buổi lễ. Người ta chú ý không bỏ quên các em bé: các bà mẹ đều cởi nhẹ tấm chăn của mình, cho con tụt xuống bên hông và hơi cúi xuống để có thể bôi máu vào chân đứa bé sơ sinh. Khi tất cả mọi người, già trẻ, đàn ông, đàn bà đều được bôi máu thì Bbôong (người hành lễ) đưa gà cho một người khách trẻ đem nướng chia từng miếng cho  khách".

1.001 lý do bôi máu

Không phải đợi đến khi gặp các già làng M'nông ở buôn M'liêng mà trước đó, chúng tôi đã có đôi lần tiếp cận với những "thánh lễ" máu khi đến với buôn làng của người M'nông ở xã Krông Ana. Gần 2 năm trước (6/11/2012), khi hay tin “vua voi” Amakông "băng hà" tại buôn Trí A ở tuổi 104, tôi có đến tiễn đưa ông và rất đỗi bất ngờ khi biết được không chỉ trải qua hàng trăm lễ nghi bôi máu lúc sinh thời, gắn với một đời người M'nông khi họ trút hơi trở cuối cùng, ngay cả khi họ nhắm mắt xuôi tay cũng còn được bôi máu.

Ông Y Kông, 74 tuổi, người con trai đầu của “vua voi” Amakông cho biết khi một người nằm xuống, tang gia bao giờ cũng giết một con heo làm lễ hiến sinh cúng tế linh hồn người quá cố. Lễ ấy tiếng M'nông gọi là Hoi Yang. Trong lễ Hoi Yang, có lễ nghi bôi máu: "Lúc làm lễ, ông thầy cúng lấy máu con vật hiến sinh thoa lên ngực người chết. Vừa thoa vừa đọc lời khấn" - ông Kông, tiết lộ.

Lần gặp hôm đó, bên linh cữu người cha huyền thoại, người đã săn bắt và thuần dưỡng gần 300 con voi rừng (298 con-PV), sống thọ, sở hữu bài thuốc tráng dương bổ thận với tên hiệu Amakông trứ danh, ông Y Kông còn cho biết, người M'nông ở Buôn Đôn còn tiến hành lễ bôi máu vào lúa được gọi là mhaam-baa. Đây là lễ nghi hiến tế lớn của một chu trình nông nghiệp khép lại một năm vụ mùa. Một già làng khác là Y Nhok, tuổi cũng ngoài 70 kể say mê cho khách phương xa về những lần ông tham dự nghi lễ cuối cùng của lễ Thu lượm hồn lúa được gọi là dôop-hêeng Baa!

- Dôop-hêeng Baa có nghĩa là gì, thưa già?

"Nó có ý là lễ chít khăn lên đầu cho lúa. Làm cái lễ này xong từ nay sẽ không còn kiêng cữ gì nữa, việc thu hoạch xong cả rồi mọi người có thể tùy ý làm những việc mình thích"- già Y Nhok trả lời. Rồi ông mô tả rằng trong lễ Dôop-hêeng Baa, chủ nhà vào kho thóc tiến hành cắt tiết con gà trên đỉnh đống thóc vừa thu hoạch xong. Trong lúc cắt tiết con vật hiến sinh, chủ nhà cứ để cho máu chảy ròng ròng xuống đống thóc. Khi con gà khô máu thì lễ nghi hoàn tất.

- Người M'nông mình còn bôi máu trong trường hợp nào khác không, thưa già?

Mổ heo tế thần.

"Ô, nhiều lắm, vợ chồng lấy nhau cũng phải bôi máu đó" - già Y Nhok tiết lộ. Ông nói rằng khi đôi trai gái M'nông muốn đến với nhau, họ phải nhờ người làm mối đến dạm hỏi. Nếu bên nhà gái chấp thuận, ngay lập tức lễ vật truyền thống được bày ra gồm một chiếc vòng cổ, một con gà mái trắng và 2 ống bương đựng da trâu hun khói và măng ngâm. Đâu đó rồi vị chủ tế sẽ giết con gà bôi máu lên trán đôi trẻ...

Độc đời tục bôi máu tẩy uế

Không chỉ bôi máu cho người, các già làng M'nông như ông Y Kông, già Y Nhok còn tiết lộ tổ tiên của họ còn khai sinh tục bôi máu cho voi trong nghi lễ cúng sức khỏe cho voi. Lễ nghi kỳ lạ này tôi đã có nhiều dịp tham dự tại bến nước của làng nằm ven dòng con sông chảy ngược hùng vĩ Sêrêpốk.

Lần tham dự gần đây nhất của tôi trong lễ bôi máu như thế vào đầu năm 2013. Bên dòng sông chảy ngược, không chỉ tôi mà nhiều khách phương xa vô cùng ấn tượng trước những "Ông bồ" (cách nói của người Chơro ở Đồng Nai chỉ về loài thú to lớn khỏe mạnh nhất rừng xanh-PV) quỳ gối theo sự điều khiển của các nài voi trước vị già làng bé nhỏ vận sắc phục truyền thống bôi máu con vật hiến sinh (trâu) lên chóp đầu ông bồ...

Máu của con vật hiến sinh được già làng ở buôn Trí A bôi cúng sức khỏe cho voi.

Qua trò chuyện, bà trưởng buôn Trí A là Amí Phương cho biết, theo tập tục của người M'ông ở K rông Ana, khoảng tháng 2-3 hằng năm, chủ voi đều phải làm lễ cúng cho voi, trước thì người ta làm lễ cúng tại nhà, giờ thì đưa voi đến bãi tập kết bên dòng sông chảy ngược để voi được bôi máu trừ tà, có như thế voi mới được các linh thần, mà cụ thể ở đây là thần voi Nguăch Ngual bảo vệ khỏi các ác ma trong việc gây bệnh...

Trò chuyện với bà Amí Phương, và nhiều cụ bà khác, tôi đi hết ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác về những lễ hiến sinh gắn với tục bôi máu của người M'nông. Theo đó, không chỉ bôi máu, tế thần, cầu xin được mùa, cầu xin được bình an khỏe mạnh tiêu trừ dịch bệnh, người M'nông còn tiến hành lễ bôi máu, giẫm máu trong nhiều lễ nghi kỳ lạ khác.

Một trong những lễ nghi như thế là lễ tẩy rửa sự ô uế cho gia đình, buôn làng khỏi sự trừng phạt của các linh thần vì làng có người phạm tội loạn luân. Già Y Lánh ở buôn Ea Mar tiết lộ nếu không bôi máu để tẩy rửa, sự ô uế đến từ hành vi nhơ nhớp kia sẽ khiến các Yang (thần linh) nổi giận quở phạt bằng việc gây ra dịch bệnh, chết chóc cho người và gia súc...

Lễ bôi máu tẩy uế cho tội loạn luân do chính người phạm tội tiến hành. Trước tiên anh ta sẽ cắt tiết một con gà, cho tiết chảy vào bát rồi dùng tay phết máu bôi lên trán các thành viên trong gia đình mình: "Rồi nó phải bôi máu lên cửa nhà, bếp lửa, các ché rượu, vừa bôi nó vừa khấn cầu lòng thành mới được" - già Y Lánh, hắng giọng.

Ông giải thích sở dĩ phải bôi máu lên cửa nhà bếp và các ché rượu bởi trong tín ngưỡng của người M'nông qua bao đời, đó là những vật thiêng có thần linh trú ngụ. Nên phải bôi máu để tẩy uế, để các thần không nổi giận...

Cùng với gà vịt, trâu lợn, người M'nông còn dùng vật hiến sinh là chó và mèo, rồi cả làng cùng nhau giẫm lên máu 2 con vật ấy để đuổi hồn ma của người bị chết xấu đặng không cho hồn hại người. Chết xấu là những người chết không theo quy luật tự nhiên (chết già) mà chết do tai nạn thú vồ, đá đè, cây đổ, hổ vồ, trăn siết... Cho rằng hồn người chết xấu không về với thế giới hồn ma mà lởn vởn chờ bắt hại người nên từ cổ xưa, tổ tiên người M'nông hình thành tục xua đuổi sự vấy bẩn do cái chết xấu đó có thể lây cho người khác.

"Chó mèo hiến tế phải là chó đen, mèo trắng. Chó thì chặt đầu, mèo cắt tiết cho máu rỏ lên đám lá làm lễ, rồi mọi người đến giẫm lên lá, vừa dẫm vừa cầu xin hồn người chết xấu hãy đi đi. Trẻ con không tự giẫm được thì bà mẹ quệt lấy vết máu bôi vào chân con mình" - già Y Lánh, mô tả. Ông cũng nói rằng trong lễ bôi máu như thế, người ta còn bôi cả máu lên ché rượu, chiếc gùi, bát đũa và mọi đồ đạc trong gia đình người chết xấu.

Lúc này lời khấn  rất dài, lời khấn có đoạn: “... mày hãy ở yên dưới âm phủ/ tao chỉ đập mày, tao giẫm lên mày, vì mày không nói tử tế với tao, mày chửi tao/ Chị em, các cháu, các con, ông bà, tổ tiên, hôm nay tao cúng mày đồ cúng tang lễ, rượu một ché, một chó và một mèo, tao gọi hồn, hơi thở đi theo cái nợ...”.

Trải qua bao đời, một số "thánh lễ máu" gắn với tục bôi máu lên thân thể người làng cùng đồ vật đến nay vẫn được người M'nông duy trì nhưng không nặng nề như thuở xưa. Tôi đã chứng kiến cảnh những già làng dùng máu của con vật hiến sinh bôi lên trán voi, bôi lên áo quan người chết, bôi lên các ché rượu cúng Yang và cả bôi trên những cột tượng nhà mồ  mà người sống đẽo để người chết có người bầu bạn và hầu hạ ở thế giới bên kia.

Những hình ảnh ấy phảng phất những dấu ấn của một thuở hồng hoang, là điểm nhấn đầy bí ẩn, lạ kỳ chỉ có thể bắt gặp ở những miền sơn cước mà thôi!

Thành Dũng
.
.