Lạ lùng… ghế Kpan: Vốn xưa còn một chút này…

Thứ Ba, 23/10/2012, 14:10

Đó là những chiếc ghế dài đến 9-10m và hơn thế nữa. Mỗi chiếc như thế có sức “chứa” cả chục người, có khi gấp đôi và trên đất Tây Nguyên chỉ người giàu có hoặc thế lực mới sở hữu được những chiếc ghế như vậy! Người Êđê ở Đắk Lắk là chủ nhân ngàn đời của những chiếc ghế Kpan kỳ lạ ấy. Trong suy nghĩ của họ, ghế Kpan là chiếc ghế tổ tiên, là biểu hiện của tình bằng hữu. Một khi cùng ngồi trên ghế Kpan, bao hiềm khích, hận thù, những khoảng cách về giai cấp, địa vị sẽ bị xóa bỏ, chỉ có tình cảm chân thành đọng lại.

Cận cảnh những chiếc ghế Kpan

Câu chuyện ghế khủng trên đất Tây Nguyên bắt nguồn từ việc chúng tôi ghé thăm bảo tàng tỉnh Đắk Lắk và ấn tượng trước nhiều di vật, báu vật trăm năm đang hiện diện tại nơi này. Trước tiên là hình ảnh 2 cây long não khổng lồ, thân to đến cả chục người ôm, cành nhánh vươn rộng che bóng mát trong phạm vi hàng trăm mét vuông. Lời đồn rằng cây long não phát ra mùi hương quý phái xua đuổi rắn rết mối mọt, là loài cây biểu tượng cho vương quyền và được đích thân Vua Bảo Đại vun trồng tại biệt điện này để lấy bóng mát mỗi khi ông ghé nơi đây tổ chức các chuyến vào rừng săn thú.

Tại Bảo tàng Đắk Lắk, nếu hiện vật biểu trưng cho tộc người M'nông là những dụng cụ săn bắt, thuần dưỡng voi rừng (người M'nông cư trú nhiều ở huyện Buôn Đôn, nơi sản sinh nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, mà “dũng sĩ” Amakông là đại diện nổi tiếng với chiến tích hơn 300 lần bắt voi rừng) thì với người Êđê, đó là chiếc ghế Kpan quyền lực. Với chiều dài 11,46m, bề mặt rộng 68cm, chân cao 48cm và dày đến 8cm, chiếc ghế Kpan này được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là ghế dài nhất Việt Nam. Chiếc ghế này được làm từ gỗ sao, trước đây là tài sản của bà H'Du Niê ở buôn Ako Siêr, thành phố Buôn Ma Thuột.

"Đây là chiếc ghế biểu trưng cho sự giàu có, quyền lực. Bởi để chứa được chiếc ghế dài như thế thì gia chủ phải có ngôi nhà dài, rất dài, và có nhiều cồng chiêng quý để khách ngồi lên ghế Kpan tấu lên những bản cồng chiêng gọi sông gọi núi những khi làng vào hội" - cô thuyết trình viên, cho biết.  

Ở Đắk Lắk, ngoài bảo tàng văn hóa tỉnh, còn một nơi khác mà du khách phương xa có thể bắt gặp ghế Kpan là tại ngôi nhà dài nhất Việt Nam tại buôn Giang Lánh (thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn). Với chiều dài đến 85m, mái lợp tranh, vách thưng được ghép bằng hàng trăm tấm nứa, sàn nhà là tổng thể của 102 tấm ván mà mỗi tấm dài đến 3m, ngôi nhà dài kỷ lục này do vợ chồng lão nghệ nhân Y Gông và H'Vinh, người Êđê trông coi.

Cụ Y Gông cho biết chiếc ghế Kpan của mình ngắn hơn ghế Kpan ở bảo tàng tỉnh nhưng với chiều dài 11,46m, chiếc ghế Kpan trong Bảo tàng văn hóa Đắk Lắk vẫn chưa phải là kỷ lục đáng nể. Từng có gia chủ đẽo một cây gỗ dài trên 20m để làm ghế Kpan quyền lực.

Cây long não khổng lồ và chiếc ghế Kpan kỷ lục ở Bảo tàng Văn hóa Đắk Lắk.

Lạ lùng tục lệ khấn thần cây

Để tạc được chiếc ghế kỷ lục như thế, hàng trăm năm trước, người Êđê phải đẵn cây quý, bóc vỏ và với những dụng cụ thô sơ, họ dần chặt, phát tạo nên dáng ghế đồ sộ. Và khi có chủ nhà muốn làm ghế Kpan, đó là ngày vui của dân làng và được sự hỗ trợ tích cực từ phía cộng đồng.

Tìm hiểu về cội nguồn của những chiếc ghế Kpan, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều điều thú vị, có phần huyền bí. "Chủ nhà làm ghế Kpan phải là người thế lực, giàu có. Vì quá trình làm ghế Kpan kỳ công, tốn kém lắm. Trước tiên phải chọn cây rừng cao to, đẽo tạc công phu mất nhiều ngày với sự hợp sức của thanh niên cả làng. Trong quá trình làm ghế, chủ nhà phải liên tục cúng, phải lo ăn uống cho những người phụ việc đến khi nào ghế Kpan được rước vào nhà mới thôi. Từ lúc chặt cây, tạc ghế rồi mang về nhà dài,  mỗi công đoạn đều phải cúng lễ. Ghế càng dài, càng lớn thì chủ nhà phải cúng nhiều trâu, heo, gà và nhiều ché rượu cho Yang (thần linh) và để người làm ghế ăn uống”.

Ngay cả những chuyện liên quan đến quá trình đẽo tạc ra chiếc ghế khủng từ cây rừng khổng lồ cũng ly kỳ không kém. Với người Tây Nguyên, trong đó có người Êđê, đồng bào quan niệm con người được sinh ra từ cây rừng nên khi chết hồn của họ sẽ nhập vào bên trong thân cây. Từ quan niệm như vậy nên khi chặt cây để làm quan tài hay làm ghế Kpan để ngồi đánh chiêng trong nhà dài, mọi người phải tiến hành nghi thức cúng kiếng quan trọng.

Già làng Ama H'rin ở buôn A'ko Hdông, thành phố Buôn Mê Thuột cũng là người rất am tường chuyện ghế Kpan. Năm 1955, khi ấy còn là thanh niên trai trẻ, chàng trai Ama H'rin đã đưa vợ con rời cao nguyên M'Drak cằn khô đi tìm vùng đất mới. Khi phát hiện vùng rừng trù phú ở vùng ven Buôn Mê Thuột, Ama H'rin đã dừng chân, lập làng gọi là buôn A'ko Hdông, theo tiếng Êđê có nghĩa “buôn đầu nguồn con nước”.

Trong nhà của già Ama H'rin cũng có chiếc ghế Kpan lên nước bóng loáng. "Ghế Kpan chỉ dùng khi tiếp khách quý đến nhà vào những dịp lễ để đánh cồng chiêng. Để làm ghế phải chọn cây rừng gốc to, thân thẳng. Khi chọn được ngày lành thì làm lễ cúng xin phép Yang trú trong cây đó để hạ cây". Theo già Ama H'rin, có một điều lạ là người Êđê và nhiều tộc người khác ở Tây Nguyên không bao giờ đốn hạ cây gạo (còn gọi cây pơlang - biểu tượng vẻ đẹp Tây Nguyên) để làm áo quan hay ghế Kpan bởi niềm tin tuyệt đối rằng, gốc cây bông gạo là nơi trú ngụ của các vị thần chuyên mang lại những điều tốt lành cho dân làng.

"Muốn làm ghế trước tiên chủ nhà phải làm lễ cúng Yang rồi đi sâu vô rừng chọn cây. Chọn được rồi phải làm lễ cúng xin thần (Yang kyâo) đang trú trong cây đó cho chặt cây với bài khấn rất dài.  Khấn xong rồi chủ nhà phải tự tay giết gà lấy máu bôi vào thân cây, chiếc rìu để đốn cây và sau đó thì những ai liên quan đến việc hạ cây làm ghế Kpan phải đi vòng quanh thân cây 7 lần trước khi hạ cây".

Tục cúng thần hạ cây kể trên khiến chúng tôi nhớ chuyện đến làng cổ Kon K'tu ở xã Đắk Rơ Wa thuộc phạm vi thành phố Kon Tum  nửa năm trước. Khi hỏi về nghi thức chặt cây, cụ bà người Rơngao kể rất nhiều chuyện ly kỳ, trong đó có tục lệ bắt buộc là cho một đứa trẻ trần truồng đi quanh cây rừng sắp phải chặt. Tay cầm rìu, đứa trẻ thi thoảng chặt vào cây. Sau vài lần như thế đứa trẻ hoàn thành nhiệm vụ, đến lúc này những trai làng sẽ cùng nhau hạ cây. Căn nguyên của tục lệ lạ lùng này theo giải thích của cụ bà nhằm mục đích đánh lừa thần cây, để thần cây nhìn thấy đứa trẻ mà quên nỗi bực tức bị xúc phạm. "Mình chặt cây, các thần mất chỗ ở nên bực lắm. Để các thần không quở trách và vui lòng đi sang cây mới, ông cha bà mẹ, căn dặn phải làm như vậy".

Ghế Kpan ở làng cà-phê Trung Nguyên tại TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.

Vốn xưa còn một chút này

Xuyên suốt 5 tỉnh ở Tây Nguyên với hàng chục dân tộc cư trú, chúng tôi biết được rằng chỉ người Êđê mới có tục đốn cây đẽo ghế Kpan dùng vui hội cồng chiêng, tiếp khách quý. Điều này càng tô đậm sự độc đáo, nét văn hóa khác biệt, đặc thù không lẫn vào đâu được.

Ghế Kpan lạ, nhiều ẩn ngữ sâu xa là thế nhưng thật đáng buồn từ vùng đất được mệnh danh "vương quốc ghế Kpan" nhưng nay những chiếc ghế dài được đẽo từ độc mộc quý như lim, trắc thối, gõ đỏ, giáng hương… đang trở nên là của hiếm ở vùng đất lắm núi nhiều rừng như Đắk Lắk. Điều này đồng nghĩa với việc ghế Kpan đang bị mai một đến thảm hại. Do rừng bị vặt sạch nhường chỗ cho "rừng" bắp, "rừng" cà phê nên cây rừng đại thụ không còn nữa. Cây không còn thì người Êđê bản địa lấy đâu gỗ quý để mà đẽo Kpan. Không những thế nhiều người lắm tiền đã xộc vào buôn làng hỏi mua ghế Kpan để thỏa cái thú sở hữu đồ độc. Vì hám cái lợi trước mắt mà nhiều lớp con cháu đã bán di vật của cha ông, bán niềm tự hào của buôn làng cho kẻ xa người lạ

N.Thành Dũng
.
.