Lại rối chuyện cứu trợ Hy Lạp
- Hy Lạp cuống quýt ban bố tình trạng khẩn cấp vì khủng hoảng di cư
- Hy Lạp: Alexis Tsipras trở lại “lợi hại” hơn xưa?
Cuộc tranh cãi giữa hai cơ quan cứu trợ chính của Hy Lạp là EU và IMF bùng phát trở lại khi cuộc khủng hoảng kinh tế của nước này có dấu hiệu trở nặng. Các chủ nợ đã không thống nhất được với nhau về các khoản nợ của Hy Lạp. Bị mắc kẹt trong cuộc tranh luận nợ nần đó, Bộ Tài chính Hy Lạp lại lên tiếng bày tỏ không hài lòng với cách IMF xử lý khủng hoảng nợ của nước này.
“Hy Lạp đang bị dồn vào chân tường” – Bộ trưởng Tài chính Euclid Tsakalotos. Ông Tsakalotos cho rằng, nước ông đang bị áp lực nặng nề vì phải đưa ra cho được các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới mà ông và chính phủ của ông cho là không mang nhiều ý nghĩa cả về kinh tế lẫn chính trị.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras sẽ có những cuộc họp với lãnh đạo Đức và Pháp để tìm giải pháp đột phá giải quyết khủng hoảng. |
Cuộc khẩu chiến bắt đầu tăng nhiệt khi IMF phát hành một tuyên bố trong đó cơ quan này không chấp nhận các chính sách kinh tế Hy Lạp đưa ra trong gói cứu trợ hiện nay. Các chính sách kinh tế này nằm trong Chương trình điều chỉnh kinh tế đã được Quốc hội Hy Lạp đồng ý thông qua vào mùa hè năm ngoái để được EU chấp thuận khoản vay cứu nợ trị giá 86 tỉ euro. Chương trình này bao gồm các giải pháp mà IMF đánh giá là “không có lợi cho tăng trưởng.
Các nhà kinh tế chính của IMF, Poul Thomsen và Maurice Obstfeld cho rằng, IMF không đưa ra yêu cầu thêm chính sách thắt lưng buộc bụng. Và IMF có quyền yêu cầu Hy Lạp thực hiện các biện pháp cần thiết để đạt các mục tiêu tăng trưởng.
IMF từng đánh giá hồi tháng 5-2016 rằng, mặc dù Chính phủ Hy Lạp đồng ý thực hiện các biện pháp khó khăn, như tăng thuế, để được nhận tiền cứu trợ, nhưng khả năng thực hiện được các giải pháp cải cách kinh tế là không cao. IMF cho rằng các kế hoạch thực hiện chính sách cải cách của Chính phủ Hy Lạp không đủ mạnh để có thể đạt được các mục tiêu tài chính và tăng trưởng.
IMF phân tích, cho dù Hy Lạp đạt được mức thặng dư ngân sách tương đương 3,5% GDP chẳng hạn nhờ nỗ lực quyết liệt, nhưng tỉ lệ thặng dư đó khó có thể được duy trì một cách bền vững, vì những khó khăn trong hoạch định chính sách cũng như việc giải quyết việc làm chưa hiệu quả, khiến tỉ lệ thất nghiệp còn cao trong một thời gian dài.
Dự báo của IMF là tỉ lệ nợ công của Hy Lạp cuối năm 2016 sẽ giảm còn 140%. Nhưng các nhà kinh tế IMF cho rằng, Hy Lạp khó duy trì mức độ giảm nợ công một khi gói cứu trợ hết hạn vào năm 2018, nếu cứ lao theo chính sách tăng thuế như hiện nay.
Ngày 13-12, Ủy ban châu Âu phản pháo tuyên bố của IMF, khẳng định các nền tẳng kinh tế của Hy Lạp không những lành mạnh mà còn đang hoạt động có hiệu quả. EC cho rằng nếu Chương trình cải cách kinh tế được thực thi đầy đủ, nó sẽ có thế giúp nền kinh tế Hy Lạp trở lại với quỹ đạo tăng trưởng bền vững và có thể cho phép Hy Lạp quay trở lại với thị trường tài chính. Phát ngôn viên của EC Annika Breidthardt cho biết, cơ quan này đang xem xét kỹ kế hoạch cải cách kinh tế của Hy Lạp.
Giữa lúc cuộc tranh cãi giữa EU và IMF đang diễn ra ồn ào, thì các lãnh đạo nhóm chủ nợ đến Athens để “nghiên cứu” chương trình cải cách kinh tế của nước này. Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras hy vọng việc “nghiên cứu” sẽ kết thúc vào cuối tháng này để Hy Lạp có thể tham gia chương trình dãn nợ của Ngân hàng Trung ương châu Âu vào năm tới. Chương trình này cho phép ECB mua lại nợ công của Hy Lạp, từ đó cho phép có thêm nhiều cuộc đàm phán cứu nợ, tiến tới giải pháp khà thi giúp kinh tế Hy Lạp thoát khỏi trì trệ, phục hồi tăng trưởng.
Chuyên gia kinh tế IMF Maurice Obstfeld không đồng tình với các chính sách thắt lưng buộc bụng hiện nay của Hy Lạp. |
Hiện tại, dư luận châu Âu đang đặt kỳ vọng vào các cuộc gặp giữa Thủ tướng Hy Lạp Tsipras với các lãnh đạo hai nước Đức và Pháp, từ đó có thể tạo ra một bước đột phá chính trị có lợi cho việc giải quyết khủng hoảng nợ của Hy Lạp. Nhưng thực tế thời gian qua cho thấy các lãnh đạo thường khó chấp nhận nhượng bộ, vì thế giới chức Hy Lạp đang lo lắng những tranh cãi ồn ào của EU có thể khiến IMF rút hoàn toàn ra khỏi chương trình cứu trợ cho Hy Lạp.
Berlin, nhà tài trợ lớn nhất của gói cứu trợ Hy Lạp, nói rằng sự tham gia của IMF là điều kiện cần thiết để các nước bỏ tiền vào gói cứu trợ, nhưng cơ quan này lại không đồng tình với phương án tái cơ cấu kinh tế Hy Lạp. Không chỉ EU mà các quan chức Hy Lạp cũng đang “bức xúc” với việc IMF không đồng tình với các chính sách mà Athens đã đồng ý thực hiện, cho rằng những chính sách kinh tế mà IMF đưa ra không phù hợp với yêu cầu cải cách của Hy Lạp và có thể làm gia tăng bất công xã hội.
Giới chuyên gia cho rằng nếu không có giải pháp gì cho cuộc “đối đầu” giữa IMF với EU hiện nay, thì nguy cơ cao là sẽ có một “Grexit” - tức là Hy Lạp buộc phải bị loại ra khỏi khối đổng tiền chung euro. EU hoàn toàn không mong muốn điều này xảy ra, vì những tác động tiêu cực của nó sẽ làm cho khối này ngày càng suy yếu, thậm chí tan rã.