Lại thêm một vụ lừa người lao động
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty TNHH P.I.S do ông Hồ Viết Thành, sinh ngày 20/9/1978, thường trú tại xã Ea Dar, huyện Ea kar, tỉnh Đắk Lắk, góp vốn cùng bà Trương Thị Ngát, tổng cộng là 30 tỉ đồng. P.I.S đăng ký kinh doanh lần đầu vào tháng 8/2008, rồi đăng ký thay đổi lần thứ hai vào tháng 11 cùng năm. Thoạt đầu, trụ sở của P.I.S. nằm ở số 21D4 đường 30/4, sau đó chuyển về số 381 đường 30/4, TP Vũng Tàu.
Theo quảng cáo của ông Thành với những người đến xin việc, thì P.I.S là một tập đoàn, trụ sở chính đặt bên Mỹ, có văn phòng đại diện tại 12 quốc gia trên thế giới. Riêng ở ViệtNam, P.I.S có 45 văn phòng ở 45 tỉnh, thành (?!).
Anh Lê Văn Đức, cư trú tại khu trung tâm thương mại Bà Rịa, kể: "Biết tôi có nguyện vọng tìm việc làm, ông Thành khoe rằng ông đang chuẩn bị mở ngân hàng với sự góp vốn của nhiều đối tác tầm cỡ. Để được thu nhận, ông Thành nói tôi phải đóng 3.000USD tiền thế chân và tiền đào tạo".
Có thể nói, chiêu lừa của ông giám đốc này chẳng có gì cao siêu cho lắm, nhưng lại khá nhiều người dính bẫy: Bằng hình thức tung tin, rằng P.I.S. đang hợp tác với một công ty chuyên về khai thác dầu khí ở Vũng Tàu để triển khai một dự án trị giá hàng trăm triệu USD ngoài Dung Quất, đồng thời đưa ra mức lương cao: kỹ sư 20 triệu/tháng, thợ hàn 12 triệu, lái xe 15 triệu... nên chỉ sau một thời gian ngắn, P.I.S đã tuyển được một số người - và tổng cộng tiền thế chân mà họ nộp cho P.I.S lên đến hàng chục nghìn USD.
Chị Nguyễn Thị H., ngụ tại thị xã Bà Rịa, nhân viên kế toán tiền lương của Công ty P.I.S. cho biết: "Tháng 11/2008, tôi được công ty nhận vào làm với mức lương 6 triệu đồng/tháng, hợp đồng không thời hạn nhưng tôi phải đóng tiền thế chân 25 triệu đồng".
Sau một thời gian làm việc, chị H. nhận thấy công ty có nhiều dấu hiệu bất minh trong việc tuyển người. Bên cạnh đó, những "công trình tầm cỡ" mà Giám đốc Thành vẽ ra thì chẳng thấy tăm hơi đâu. Hơn nữa, tiền lương hàng tháng của chị lại bị công ty khất lần nên chị xin nghỉ.
Chị H. cho biết tiếp: "Khi tôi yêu cầu công ty hoàn trả lại cho tôi khoản tiền thế chân 25 triệu, thì ngày 16/1/2009, ông Hồ Viết Thành, Giám đốc Công ty P.I.S viết giấy cam kết sẽ trả lại đầy đủ cho tôi".
Nhưng sau đó, ông Thành chỉ trả được 13 triệu đồng và đến ngày ông Hồ Viết Thành cùng Công ty P.I.S. biến mất, 12 triệu đồng còn lại của mình, chị H vẫn chưa biết phải đòi ở đâu.
Anh Phan Văn Thịnh, nhân viên hành chính của công ty, kể: "Sau hơn 2 tháng vào làm, tôi thấy Giám đốc Thành chẳng có việc gì ngoài việc quảng cáo cho P.I.S và... thu tiền thế chân. Chỉ duy nhất một lần, ổng có hợp tác chi đó với một đơn vị ngoài Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để đưa thợ hàn ra làm nhưng số người đưa ra, vài bữa sau lại phải quay về vì không có việc".
Chúng tôi hỏi còn dự án mở ngân hàng, và P.I.S là chi nhánh của một tập đoàn bên Mỹ thì sự thật ra sao, anh Thịnh cười: "Tết Congo may ra mới có được... cánh cửa sổ ngân hàng chứ nói gì đến cả một ngân hàng. Còn tập đoàn Mỹ hả? Từ hôm vô làm tới nay, tôi chưa hề nhìn thấy bất cứ một hồ sơ giấy tờ gì, chứng tỏ P.I.S. có liên quan đến tập đoàn nào đó bên Mỹ. Khi ông Thành biến mất, tiền thế chân 200USD của tôi coi như toi!".
Không chỉ lừa bằng cách bắt ngườI xin việc đóng tiền thế chân để chiếm dụng vốn, P.I.S. còn lừa bằng hình thức cho đi học nghề rồi sau đó sẽ nhận vào làm việc. Anh Nguyễn Văn Toàn, 22 tuổi, ngụ tại phường 12, TP Vũng Tàu cho biết, anh đến Công ty P.I.S. để xin học nghề thợ hàn với lời hứa sau khi học xong, anh sẽ trở thành công nhân của công ty.
Để được học và làm việc, anh Toàn phải đóng cho công ty 2.500 USD. Nhưng đang học nửa chừng, Trung tâm đào tạo thợ hàn buộc phải cho anh nghỉ vì Công ty P.I.S không đóng tiền học phí cho trung tâm.
Anh Toàn cho biết, nhiều bạn bè của anh cũng đã bị Công ty P.I.S. lừa bằng hình thức nêu trên, và một người thân của anh - người đã giới thiệu anh đến P.I.S. để xin học nghề, cũng đã bị lừa mất 3.000 USD.
Một nạn nhân khác: Anh Nguyễn Văn Tầm, 28 tuổi, nhà ở hẻm 486 Bình Giã, TP Vũng Tàu, đã từng là công nhân hàn cũng bị lừa. Theo quyết định tiếp nhận mà ông Hồ Viết Thành ký cho anh Tầm, thì mức lương của anh là 12 triệu đồng/tháng trong lúc ngoài thị trường, lương thợ hàn mỗi tháng 6,7 triệu đồng là đã khá cao.
Anh Tầm kể: "Khi tiến hành thi sát hạch tay nghề, do không đạt yêu cầu nên ông Thành bảo tôi phải đóng 300 USD để mua mẫu (?). Sau đó, tôi được nhận vào công ty và được đưa ra Dung Quất, Quảng Ngãi, làm việc. Nhưng hơn 40 người do P.I.S đưa ra chỉ ngồi chơi không. Anh em thắc mắc, hỏi vì sao không có việc thì ông Thành trả lời do đối tác chưa sắp xếp được".
Sau một thời gian, số công nhân này lại được P.I.S. đưa trở về Vũng Tàu, nhưng vẫn không có việc làm nên nhiều người bỏ đi, tìm việc khác. Một số người đã "lỡ" đóng tiền thế chân, tiền mua "mẫu" do tiếc của nên mặc dù ngồi chơi không, nhưng không ai dám bỏ đi làm xa hoặc xin việc khác vì sợ công ty gọi vào làm trở lại. Anh Tầm nói: "Lúc ra Quảng Ngãi chúng tôi đã nghi mình bị lừa. Bây giờ đúng là bị lừa thật".
Ông Nguyễn Thái Cương, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và cung ứng thợ hàn Vân Nam cho biết, Công ty P.I.S. ký hợp đồng với Trung tâm Vân Nam để đào tạo thợ hàn với chi phí 1.000USD/người. Sau khi đào tạo xong 10 thợ - còn một số vẫn đang theo học, thì P.I.S mới chỉ thanh toán cho Trung tâm Vân Nam 3.600 USD, còn nợ gần 11.000 USD.
Sáng 24/3/2009, khi chúng tôi đến địa chỉ 381 đường 30/4 thì trụ sở này cửa đóng im ỉm, phía trước có tấm biển "Cho thuê nhà". Tìm sang địa chỉ 21D4, bảng hiệu Công ty P.I.S. vẫn còn nhưng cửa đóng kín. Một người trong ngôi nhà 21D4 cho biết: "Từ nửa tháng nay, không thấy công ty này mở cửa làm việc".
Hiện tại, sau khi tiếp nhận đơn tố cáo của một số nạn nhân, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tiến hành xác minh để làm rõ hành vi lừa đảo của Giám đốc Hồ Viết Thành