Nhạc sĩ Trần Ngọc: Làm đẹp cho đời như lẽ sống

Thứ Tư, 29/04/2015, 06:50
Sống sôi nổi và chân thành, làm việc trách nhiệm và dấn thân, yêu mê đắm và đầy bản lĩnh… Đó là những điều các văn nghệ sĩ nói về nhạc sĩ Trần Ngọc. Ông tự đặt lên vai mình trách nhiệm phải sống ý nghĩa từng ngày. Chạy đua với thời gian, với ông, như một sự thôi thúc làm việc hăng say, quên mình để hướng tới làm đẹp cho đời, như một lẽ sống.

Đa tài, đa nghệ

Nhạc sĩ Trần Ngọc hiếm khi xuất hiện trên mặt báo. Nhưng nhìn vào sự nghiệp của ông cũng như những cống hiến cho nghệ thuật, người ta thấy ông là người nghệ sĩ của công việc, tận hiến. Hơn 70 tuổi, ông vẫn ham đi, ham viết và ham học. Suốt cuộc đời ông, sự học luôn song hành với quá trình công tác.

Sinh năm 1942, là con của nhà viết kịch, viết nhạc Trần Côn, một nhà tư sản trí thức có tiếng ở Hà Nội, năm 15 tuổi, Trần Ngọc thi đỗ cả ba trường họa, nhạc, múa. "Nhưng tôi chọn Trường Âm nhạc, bây giờ là Học viện Âm nhạc Quốc gia. Đơn giản một điều, tôi ước mơ sau này mình sẽ trở thành một nghệ sĩ sáng tác và chỉ huy âm nhạc. Tôi cũng nhận thấy, âm nhạc là thứ dễ tác động vào tình cảm con người nhất, gần gũi với cuộc sống và chỉ cần nghe là có thể hiểu được tâm tư, tình cảm của người sáng tác. Còn múa hay họa thì phải tư duy lâu hơn".

Ấy thế nhưng, niềm yêu hội họa và múa vẫn được bảo lưu trong ông, để một thời gian sau ông tiếp tục học tại chức hội họa và múa. Cùng một lúc học cả ba trường, phải quyết tâm lắm, khéo léo thu xếp thời gian ông mới có thể duy trì đều đặn những buổi lên lớp. Vì sao ông chọn con đường nhọc nhằn này?

Trần Ngọc tâm sự: "Con người không thể kéo dài sự tồn tại. Trong khi thời gian trôi nhanh, bản thân tôi nghĩ nếu không tận dụng thời trẻ thì rất khó có cơ hội tiếp cận với kiến thức, với những ngành học mà mình yêu thích".

Nhạc sĩ Trần Ngọc chơi một bản nhạc mới.

Tiếp đó, Trần Ngọc lại xung phong đi miền núi công tác để có thời gian tiếp nhận vốn cổ, các điệu múa của bà con dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan… Là trai Hà Nội, lại là con gia đình tư sản, nhiều người nghĩ Trần Ngọc sẽ không chịu nổi gian khổ ở vùng Tây Bắc xa xôi, hẻo lánh. Nhưng họ đã nhầm.

Thời gian đó, ông sinh hoạt ở Đoàn Văn công Việt Bắc, ông tham gia vào tất cả các khâu như viết kịch, sáng tác nhạc, chơi đàn, biên đạo múa, trang trí sân khấu… Đến đâu ông cũng hòa đồng với bà con, cùng học, cùng làm nương và múa hát.

Dành dụm được "vốn liếng" là những kinh nghiệm cho bản thân, và chưa bằng lòng ở đó, Trần Ngọc quay trở lại học tiếp ngành Sáng tác - Chỉ huy tại Nhạc viện. Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Đoàn chèo Hà Nội.

Tại đây, ông tham gia trực tiếp với vai trò nghệ sĩ đàn Cello, sáng tác nhạc nền và chỉ huy dàn nhạc chèo. Ngoài ra, ông còn tham gia giảng dạy, sau này nhiều học trò của ông đã trở thành những nghệ sĩ chèo tên tuổi của nhà hát như Thúy Mùi, Lâm Bằng, Quốc Chiêm, Quốc Anh…

Ông còn thu xếp thời gian học tại chức Khoa Ngữ văn ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, như là thêm một dự tính khác trong tương lai. Quả nhiên, năm 1982, khi về công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, ông thấy việc học văn chẳng thừa chút nào. Hơn thế, ông vẫn… thấy thiếu. Rồi lại bỏ tiền đi học đạo diễn điện ảnh.

Trả lời vì sao ông lại học nhiều đến vậy? Trần Ngọc cho biết, bản thân ông luôn cầu toàn trong công việc, muốn động đến lĩnh vực nào cũng phải am hiểu ngọn nguồn, làm phải đến nơi đến chốn. Bởi vậy, không cách nào khác là "đầu tư lâu dài". Kết quả, ông là một trong số ít người đã thực hiện đầu tiên thể loại phim ca nhạc, cùng rất nhiều sự sáng tạo về hình ảnh cho phim trong điều kiện kỹ thuật phim ảnh khi đó còn lạc hậu.

Nghệ thuật chưng cất từ thực tế

Đa tài, làm nhiều lĩnh vực nghệ thuật nhưng nhạc sĩ Trần Ngọc không khoe mẽ. Ông sống điềm đạm với những người bạn điềm đạm và vô tư với các học trò.

Nhạc sĩ Khánh Vũ tâm sự: "Nhiều người nể ông, bởi ở mảng âm nhạc, hội họa hay đạo diễn, ông đều "làm ra trò". Bằng chứng là ông đã được nhiều giải thưởng lớn về nghệ thuật, được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Nói đến ông là người ta nhắc đến ca khúc viết cho thiếu nhi “Em như chim câu trắng” - ca khúc trong nhóm các ca khúc hay nhất cho thiếu nhi thế kỷ XX.

Về điều này Trần Ngọc bảo: "Đây là ca khúc đầu tay của tôi, được sáng tác năm 1973. Khi đó, chiến tranh chống Mỹ còn ác liệt với rất nhiều hy sinh, mất mát. Trước đó, nhiều cuộc chiến tranh trên thế giới cũng khiến bao gia đình ngập trong nỗi đau, chia lìa. Sự khao khát hòa bình hiện diện trên toàn thế giới đã thôi thúc tôi".

Thêm một điều mà sau này Trần Ngọc thổ lộ, ông viết ca khúc “Em như chim câu trắng” cho người học trò của mình là Hồng Nhung hát. Khi đó, Hồng Nhung đang học cấp II, nhưng đã biết đến nhiều hoàn cảnh bố mẹ bỏ nhau, chia lìa khiến những đứa trẻ phải chịu thiệt thòi. Ông cũng thấy nhiều người mẹ sinh con ngoài ý muốn rồi bỏ con. Đó là những vết thương, đớn đau chẳng kém những vết thương do súng đạn của kẻ thù gây ra.

Ông cũng dành thời gian vẽ tranh...

Chưng cất từ biết bao dòng cảm xúc, với những chắt lọc vốn sống đầy đớn đau và nước mắt, Trần Ngọc làm thành một ca khúc giản dị, sâu lắng và không chỉ đi vào lòng trẻ thơ, mà qua đó là lời kêu cứu của trẻ thơ đối với các bậc cha mẹ, phải sống yêu thương hòa thuận. Ở đó có mạch chảy sống động của tâm hồn, sự khát khao hòa bình, có niềm cổ vũ cho tình yêu thương, đoàn kết. Ở đó, sự suy tư và trở trăn đã ngấm trọn vào những con chữ giản dị, tưởng như giản đơn, nhưng lại run rẩy xúc động.

Khi Hồng Nhung cất lên tiếng hát, những giọt nước mắt từ nỗi đau gia đình, hay nỗi đau từ cuộc sống của chính tác giả ca khúc, đã được vút lên, như bay cùng cánh chim, hòa vào bầu trời cao rộng. “Em mong sao không có nước mắt rơi chia lìa/ Em mong sao trên trái đất hoa thơm nở bốn mùa/ Em mong sao trên trái đất mỗi con người như em đây là chim trắng chim hòa bình…”.

Hơn chục năm sau, với ca khúc này, Trần Ngọc đã phối khí phức điệu ba bè khác nhau, dành cho nhóm tam ca ngày đó là những thiếu nhi thể hiện. Trong nhóm tam ca ấy có cô con gái Trần Linh Chi của ông. Đến giờ, chị Trần Linh Chi, khi nhắc lại ca khúc của bố mình và các bạn thể hiện năm 11 tuổi, vẫn thấy một sự hồi hộp khó giải thích.

Còn bản thân tôi, một thính giả mỗi khi nghe lại bài hát này, thì điệp khúc đầy khát vọng ấy, điệp câu "em mong sao…" da diết như vọng từ trời xanh đầy ước mơ kia, đâu chỉ là mơ ước của các em nhỏ. Đó là mơ ước của toàn nhân loại. Ở đâu đó trên trái đất, hiện nay vẫn còn những tiếng bom rơi, đạn nổ hay cảnh chia lìa, chết chóc. Tôi tin, một phần nào đó, thành công cũng như tư tưởng của tác phẩm đã vượt qua cả sự mong đợi của Trần Ngọc.

Sau ca khúc “Em như chim câu trắng”, Trần Ngọc có nhiều bài hát nổi tiếng khác như “Tình em xứ Quảng”, “Xót xa”, “Người mẹ sông Hồng”, “Con là hoa của mẹ”… Ở tác phẩm âm nhạc hay hội họa nào, Trần Ngọc cũng hướng nhiều đến giá trị chân-thiện-mỹ. Ông tâm niệm, nghệ thuật không phải là sao chép thực tế cuộc sống, nhưng từ thực tế sinh động, tạo nên những giá trị của tư duy và nghệ thuật.

...hay gặp gỡ bạn bè.

Người nghệ sĩ với tình yêu bao la

Trên khuôn mặt của Trần Ngọc, ngay cả trong những tác phẩm âm nhạc, hội họa của ông, tôi nhận thấy sự lạc quan thường trực. Mấy ai biết cuộc sống của ông có nhiều trúc trắc, thăng trầm mà ông chưa muốn thổ lộ. Riêng chuyện ông chấp nhận lấy một học trò nhiều bệnh của mình, bị suy tim, phù tim và phù gan đã khiến nhiều người nể phục. Rồi suốt 43 năm tận tụy, chăm sóc thuốc thang cho vợ.

Trần Ngọc cho biết, ông cưới bà Bích Được năm bà 22 tuổi. Khi ấy, bà được các bác sĩ "chỉ định" không nên lấy chồng, không được mang thai và không được có con. Nhưng Trần Ngọc thương, ông bảo: "Cưới em, anh sẽ chữa bệnh cho em, dù không thể có con".

Sau khi cưới mấy năm, bà Bích Được bảo chồng: "Em phải cố gắng sinh cho anh một đứa con". Vậy là hai vợ chồng ông đã cố gắng, chạy chữa và sinh được một cô con gái. Chị Linh Chi, con gái ông bà từng đi thi hoa hậu, lọt vào top 10 người đẹp nhất. Mấy chục năm sau ngày cưới, các bác sĩ vẫn nói đùa với Trần Ngọc: "Bệnh của bà Bích Được không sống được lâu. Vậy mà "thuốc Trần Ngọc" đã giúp bà ấy sống đến năm 60 tuổi. Quả là kỳ diệu".

Suốt những năm tháng chạy chữa, chăm sóc, thuốc thang cho vợ, Trần Ngọc bày tỏ mình phải lăn ra làm việc, với đủ thứ nghề. Ông vẽ thuê viết mướn. Ông năng nhặt chặt bị. Hàng trăm tác phẩm đã ra đời. Tiền nhuận bút thu về cũng không ít nhưng chẳng giữ được bao nhiêu vì vợ con.

Tuổi cao vẫn nay đây mai đó, dường như ông không muốn ngồi yên. Hễ nơi nào gọi là ông đi. Ông hào phóng sáng tác ca khúc miễn phí cho nhiều đền, chùa và thánh ca cho nhà thờ. Ông làm chương trình ca nhạc lấy tiền ủng hộ trẻ em tàn tật.

Những ngày tháng này, ông thường dạy và sáng tác miễn phí cho các trường có trẻ em khiếm thị, khiếm thính, các trung tâm trẻ em mồ côi. Có lần Trần Ngọc bảo, chỉ lo ngồi yên một ngày, ông sợ mình biến thành… vô dụng.

Nhìn hiệu quả công việc cũng như những gì đã trải qua, tôi không rõ ông đã lấy đâu ra sức lực để làm được nhiều việc đến thế? Ắt hẳn nội lực ông tiềm tàng thâm hậu lắm. Hay đã nhận lại được gì cho những tháng năm cống hiến? Vâng, ông nghèo và sống vô tư, nhưng bù lại, ông giàu bạn, giàu tình nghĩa.

Ông nhận về sự mến mộ của những người bình dị nhất, những trẻ em chịu nhiều thiệt thòi. Ở nơi họ, ông thấy mình tìm được niềm vui. Thêm một điều tôi nhận thấy ở ông, đó là từ những nỗi đau, sự thiệt thòi, thiếu hụt trong cuộc sống, chính là cái bồi đắp cho sự đầy đặn trong tác phẩm.

Tự thấy mình đã về già, bước chân đã chậm, nhưng tâm hồn và trí tuệ ông trẻ lắm! Ông vẫn không thôi tìm tòi và trăn trở là mình phải dồn nhiều tâm sức mưu sinh nên không có thời gian sớm đầu tư sâu cho các ca khúc nghệ thuật. Nếu chuyên tâm sớm hơn, biết đâu sẽ có thêm những đóng góp sáng tạo.

Kho tàng nghệ thuật quá lớn và bao la đến vô tận, tôi tin, với tâm huyết của mình, Trần Ngọc sẽ vẫn ngân lên những khúc nhạc vui và lạc quan, sâu lắng và da diết như ông đã từng sống và cống hiến. Ông cho tôi cũng như những người yêu nghệ thuật một bài học, là để mỗi ngày có ý nghĩa, là không ngừng làm việc và sáng tạo.

Ngô Miên
.
.