Làm gì để xóa triệt để bạo lực học đường?
- Lắp camera trong trường học có giảm thiểu được bạo lực học đường?
- Gia tăng bạo lực học đường: Gia đình đang buông lỏng giáo dục trẻ
- Từ câu chuyện bạo lực học đường
1. Dư luận chưa hết xôn xao về một clip 5 nữ sinh Trường THCS Phù Ủng, Hưng Yên đánh hội đồng một bạn nữ cùng lớp thì mới đây một vụ việc khác lại được mạng xã hội lan truyền.
Em N.T.H.L., học sinh lớp 11 ở TP. Hạ Long bị 10 học sinh khác cùng trường hành hung buộc phải nhập viện. Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh đã phối hợp các cơ quan chức năng để kiểm tra, đồng thời có văn bản gửi cơ quan công an để xác minh, làm rõ.
Thông tin ban đầu cho thấy, vụ việc xảy ra ở ngoài cơ sở giáo dục nên không phải bạo lực học đường, theo quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Đây là hành vi gây rối trật tự nơi công cộng, gây thương tích và xâm phạm thân thể, danh dự của người khác. Tuy nhiên, nạn nhân và đối tượng tham gia là những học sinh của một trường THCS & THPT nên vẫn có thể xem là bạo lực học đường.
Thiếu tá, tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm tại buổi tọa đàm. |
Bạo lực ở lứa tuổi học sinh, dù diễn ra trong hay ngoài trường học với tần suất ngày một gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng đều đang tạo tâm lý bất an cho học sinh, phụ huynh và cả xã hội.
Khi clip học sinh đánh bạn được chia sẻ trên các trang mạng xã hội, đâu đó chúng ta bắt gặp những đồng cảm và sẻ chia của cư dân mạng rằng ít nhất một lần trong đời học sinh, họ cũng đã từng là nạn nhân hoặc từng chứng kiến bạo lực học đường. Mỗi ngày đi học, ai dám khẳng định con em mình không bị xâm phạm thân thể, tinh thần? Bất cứ lúc nào, ở đâu, và vì bất cứ lý do gì.
Theo thống kê năm 2018, toàn quốc phát hiện khoảng 2.000 vụ bạo lực học đường, trong đó hơn 53% số vụ xảy ra tại trường học.
Chỉ trong quý I/2019 có 310 vụ bạo lực học đường trên toàn quốc, chủ yếu là ở lứa tuổi THCS và THPT. Xét ở góc độ xã hội, bạo lực ở lứa tuổi học sinh không phải là chuyện mới, nhưng tính chất của vụ việc nó đã nóng hơn và nghiêm trọng hơn rất nhiều. Việc tìm ra giải pháp ngăn chặn, trách nhiệm của cơ quan chức năng có liên quan trong các vụ bạo lực học đường cũng là vấn đề mà xã hội rất quan tâm.
Vấn nạn dâm ô trẻ em cũng gây không ít nhức nhối trong dư luận. Các cơ quan hữu trách đã đưa ra giải pháp nhằm ngăn chặn vấn nạn này nhưng xem ra hiệu quả chưa cao. Vậy phải làm gì để tình trạng trên không xảy ra?
2. Vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Viện phó Viện Kiểm sát Đà Nẵng "nựng" một cháu bé trong thang máy ở chung cư Galaxy, quận 4, TP Hồ Chí Minh đã làm "dậy sóng" dư luận về hành vi được cho là sàm sỡ bé gái của ông Linh.
Nếu cơ quan điều tra xác minh được ông Linh có hành vi sàm sỡ, dâm ô với trẻ em, tất nhiên ông phải trả giá cho hành động tội lỗi của mình. Trước, Nguyễn Khắc Thủy có hành vi dâm ô với trẻ em và bị Tòa án nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu kết án tù cũng từng khiến dư luận "dậy sóng".
Các em học sinh rất hào hứng tham gia buổi tọa đàm, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường. |
Theo ông Phạm Anh Thắng, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tại TP Hồ Chí Minh, bạo lực học đường và dâm ô không phải là mới nhưng lại đang nóng lên gần đây. Vấn đề đặt ra ở đây là: "Có chống được không?" và "Chống bằng cách nào?".
Theo ông Phạm Anh Thắng, chúng ta đang có hành lang pháp lý đầy đủ, có hành lang bảo vệ nhưng phải chăng vì chúng ta đang thờ ơ với thói hư tật xấu? Muốn chống được phải tăng cường công tác truyền thông.
"Bạo lực học đường trước đây chỉ dừng lại ở việc bắt nạt nhau, nhưng nay còn lột đồ, quay clip và không có người can ngăn. Chống việc này bằng cách đẩy mạnh các phong trào người tốt việc tốt, các phong trào hoạt động tốt đẹp của giới trẻ. Muốn vậy, nhà trường, học sinh cần tăng cường gần gũi, chia sẻ, không có thù hằn lẫn nhau thì sẽ không có bạo lực" - ông Phạm Anh Thắng chia sẻ.
Còn với Thiếu tá, TS Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học An ninh Nhân dân, Bộ Công an thì tác động của phim ảnh, game, hay các chương trình giải trí lệch chuẩn, công tác tuyên truyền của các cơ quan chức năng còn yếu, thiếu chính là những nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng bạo lực học đường.
Phân tích những lí do của bạo lưc học đường, dâm ô trẻ em, Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm cho rằng, thời gian gần đây, những hành vi bạo lực học đường hay xâm hại tình dục trẻ em diễn ra với tần suất liên tục, với các hành vi ngày càng tàn bạo, dã man, việc xử lý của các cơ quan chức năng chưa thực sự rốt ráo, trong khi một số quy định của pháp luật còn thiếu chặt chẽ nên khi áp dụng pháp luật để xử lý lại gây ra một "phản ứng ngược" từ cộng đồng.
Theo Thiếu tá Lâm, hiện nay, trẻ em thật sự đang thiếu sự trang bị những kiến thức, bài học đạo đức, nhân cách bên cạnh kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục của trẻ.
Nhìn nhận về vấn đề xâm hại trẻ em, Thiếu tá Lâm cho rằng hiện nay nhiều cơ sở giáo dục còn e ngại khi cho rằng không nên nói những chuyện liên quan đến tình dục với trẻ em. "Trẻ em là nhóm xã hội yếu thế, dường như không có khả năng chống cự khi bị xâm hại. Trẻ còn nhỏ, chưa có khả năng nhận thức ranh giới giữa "yêu thương", "nũng nịu" với dâm ô, xâm hại tình dục", ông Lâm nói.
Sự phối hợp giải quyết giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt là giữa nhà trường - gia đình - lực lượng bảo vệ pháp luật… còn yếu. Nhiều vụ việc diễn ra cho thấy, có thể do gia đình sợ bị ảnh hưởng; có thể do cơ quan chức năng thờ ơ, vô trách nhiệm; và cũng có thể do nhà trường sợ bị ảnh hưởng đến thi đua, thương hiệu… nên nhiều khi bỏ qua vì thế "tội ác" đã không được đưa ra ánh sáng.
Nếu như cô giáo chủ nhiệm quyết liệt hơn, quan tâm sâu sát hơn đối với học sinh của mình, không sợ bị "mang tiếng" thì vụ 5 học sinh lớp 9 lột quần áo, đánh hội đồng bạn cùng lớp ở Trường THCS Phù Ủng, Hưng Yên, đã không xảy ra và cô giáo chủ nhiệm và Ban giám hiệu nhà trường đã không phải chịu án kỷ luật.
Còn câu chuyện ở chung cư thuộc quận 4 vừa qua đã cho thấy, nếu Ban Quản lý chung cư không làm tốt và không có trách nhiệm khi phát hiện vụ việc (như cắt điện ngôi nhà, cử bảo vệ giám sát đối tượng, báo cáo với công an phường…) thì vụ việc có thể bị "ém" khi đối tượng thực hiện hành vi đã tìm cách tiếp cận với gia đình nạn nhân đứa bé để thỏa thuận.
3. Ở các cơ sở giáo dục hiện nay (đặc biệt là trong môi trường giáo dục phổ thông), Thiếu tá Lâm cho rằng hầu như không có bất cứ một người nào chuyên về tư vấn tâm lý hay trang bị kỹ năng sống cho học sinh, mà chủ yếu nếu tổ chức thì mời các chuyên gia bên ngoài.
Bạo lực học đường ngày càng nghiêm trọng (ảnh chụp màn hình). |
Sự phối hợp giải quyết giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt là giữa nhà trường - gia đình - lực lượng bảo vệ pháp luật… còn yếu nên "tội ác" không được đưa ra ánh sáng. Thực trạng này đến mức báo động, đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Các em học sinh là nạn nhân không chỉ hứng chịu sự đau đớn về thể xác mà còn ám ảnh tinh thần, gây nên mặc cảm tự ti trước người đối diện.
Khi tham gia lên án về hành vi bạo lực học đường, dâm ô trẻ em, chúng ta phải tham gia đúng chuẩn, có trách nhiệm, thể hiện tinh thần xây dựng, cộng tinh thần tích cực, không cổ súy cho hành vi xấu.
Trong buổi tọa đàm về ngăn ngừa, phòng chống bạo lực học đường và dâm ô trẻ em ngày 8-4 tại Trường THPT Nguyễn Du quận 10, TP Hồ Chí Minh, có ý kiến cho rằng: Nạn nhân của những vụ bạo lực học đường không chỉ là các em bị đánh đập, mà những học sinh gây bạo lực cũng là nạn nhân, bởi lỗi không hoàn toàn thuộc về các em mà còn ở những người chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng.
Mọi biện pháp xử lý đối với các em chỉ mang tính răn đe, giáo dục giúp chuyển biến. Các biện pháp được đưa ra cũng sẽ được cân nhắc nhằm đảm bảo quyền trẻ em. Ở đây còn có trách nhiệm của nhà trường, gia đình và các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan pháp luật.
Theo thống kê năm 2018, toàn quốc phát hiện khoảng 2.000 vụ bạo lực học đường, trong đó hơn 53% số vụ xảy ra tại trường học. Chỉ trong quý I-2019 có 310 vụ bạo lực học đường trên toàn quốc, chủ yếu là ở lứa tuổi THCS và THPT. Xét ở góc độ xã hội, bạo lực ở lứa tuổi học sinh không phải là chuyện mới, nhưng tính chất của vụ việc nó đã nóng hơn và nghiêm trọng hơn rất nhiều. Việc tìm ra giải pháp ngăn chặn, trách nhiệm của cơ quan chức năng có liên quan trong các vụ bạo lực học đường cũng là vấn đề mà xã hội rất quan tâm. |