Làm gì trước cơn suy thoái toàn cầu?

Thứ Tư, 13/05/2020, 09:40
Nhà kinh tế trưởng Bruce Kasman của Tập đoàn JPMorgan Chase đưa ra nhận định rằng cú sốc của đại dịch COVID-19 sẽ dẫn đến suy thoái toàn cầu. Trong 3 tháng, từ tháng 2 đến tháng 4-2020, dường như tất cả các nền kinh tế toàn cầu đều đang thu hẹp.

Sự kiện thị trường chứng khoán Mỹ đã 4 lần ngừng giao dịch tự động trong vòng 10 ngày, từ đó kích hoạt cơ chế ngừng giao dịch tự động trên thị trường chứng khoán của 11 quốc gia khác cho thấy, các thị trường chứng khoán quan trọng trên toàn cầu đều trải qua trạng thái rơi tự do.

Việc kích thích tiêu dùng quá sớm có thể sẽ kéo dài sự tấn công của virus và tăng thêm sự lo lắng của các nhà đầu tư.

Viễn cảnh không mấy lạc quan

Theo các chuyên gia, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay dao động trong phạm vi 2%-2,7%. Tổng hợp dự báo của các số liệu, kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 1,6%, chỉ bằng khoảng một nửa mức 3,1% được các chuyên gia phân tích tại Phố Wall đưa ra vào tháng 1-2020. Đây được cho cũng sẽ là năm tăng trưởng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 đến nay. Trên thực tế, những số liệu thống kê này có thể xấu hơn nữa khi dịch COVID-19 lan rộng hoặc mất kiểm soát.

Theo chuyên gia kinh tế Ethan Harris, Trưởng bộ phận kinh tế toàn cầu tại Bank of America, trong 3 nền kinh tế lớn, thì Mỹ và Khu vực đồng tiền chung châu âu (Eurozone) sẽ xuất hiện tăng trưởng âm, trong khi dự báo tăng trưởng của Trung Quốc là 1,5%.

Thị trường lao động là một kênh để hiểu mức độ chấn động của nền kinh tế. Bank of America dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ tăng gấp đôi, mỗi tháng sẽ có khoảng 1 triệu người mất việc làm trong quý 2-2020 , tổng cộng là 3,5 triệu. Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Lao động Mỹ công bố số người lần đầu tiên nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lên tới 3 triệu người, gấp 4 lần kỷ lục trong cuộc suy thoái năm 1982.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế của JPMorgan Chase cho biết đây chỉ là số người thất nghiệp tăng mới của làn sóng thứ nhất tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên 20% trong thời gian tới từ mức 3,5% hiện nay.

Rui Dario, người sáng lập kiêm Chủ tịch Quỹ Bridgewater, phát biểu trên CNBC rằng sự lan rộng của COVID-19 có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 12.000 tỷ USD, trong đó riêng các công ty Mỹ có thể gánh chịu 4.000 tỷ USD. Rất nhiều người sẽ phá sản. Thiệt hại riêng trong quỹ đầu tư của Bridgewater hiện nay là vào khoảng từ 10-20%.

Cũng theo dự báo của Bank of America, tình hình sẽ chỉ trở lại bình thường từ bắt đầu quý 3 của năm 2020. Tin tốt là suy thoái, vốn được cho là chạm đáy vào cuối quý 2, tuy nặng nề song sẽ chỉ mang tính ngắn hạn và tạm thời.

Còn theo Jan Hatzius nhà kinh tế hàng đầu của Tập đoàn Goldman Sachs, suy thoái do dịch COVID-19 gây ra không tồi tệ như cuộc suy thoái của giai đoạn 1981-1982 hay 2008-2009 nhưng nghiêm trọng hơn năm 1991 và 2001. Dự báo mới nhất được Goldman Sachs công bố cuối tháng 3 càng thể hiện sự bi quan hơn: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý 1-2020 giảm 6%, quý 2 giảm 24%”. Nghiên cứu của Quỹ đầu tư Bridgewater cũng cho thấy kinh tế Mỹ sẽ giảm 30% trong 3 tháng tới.

Dự báo của Morgan Stanley thì nhận định kinh tế Trung Quốc sẽ giảm 5% trong quý 1 và sẽ phục hồi tăng trưởng trong 2 quý còn lại của năm 2020. Mặc dù kinh tế Mỹ sẽ giảm 4% trong quý 2, song Eurozone mới là khu vực phải đối mặt với mức độ suy giảm lớn nhất, với dự báo tăng trưởng cả năm sẽ chỉ ở mức -5%.

Kích thích kinh tế và mục tiêu chống đại dịch

Ở những khu vực đại dịch diễn ra nghiêm trọng, chính sách của chính phủ cần đặt việc giải cứu lên vị trí hàng đầu, quan tâm đúng mức đến ngành ăn uống và dịch vụ vốn bị tác động do lệnh cách ly kiểm dịch và duy trì giãn cách xã hội. Ngành hàng không và du lịch bị thu hẹp nghiêm trọng do sự lan rộng của SARS-CoV-2 và một số lượng lớn người thất nghiệp.

Tuy nhiên, việc kích thích tiêu dùng quá sớm, hoặc để kích thích kinh tế mà khôi phục sản xuất quá sớm thì ngược lại, có thể sẽ kéo dài sự tấn công của virus đối với kinh tế và tăng thêm sự lo lắng của các nhà đầu tư.

Cả ngân hàng trung ương và chính phủ của các nền kinh tế hàng đầu thế giới gần đây đã công bố các gói kích thích tài khóa và tiền tệ quy mô lớn nhằm giảm bớt những biến động gây nên từ việc hạn chế đi lại và đóng cửa các ngành công nghiệp để ứng phó với sự lây lan của đại dịch. Chẳng hạn như trong thời gian đầu dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hàng chục biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh, bao gồm Ngân hàng Trung ương thiết lập khoản cho vay trị giá 300 tỷ nhân dân tệ (NDT), cung cấp nguồn vốn cho các ngân hàng quy mô lớn mang tính toàn quốc và nhiều ngân hàng địa phương ở các tỉnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có tỉnh Hồ Bắc.

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng tiêu dùng bị kiềm chế do đại dịch sẽ được giải phóng khi tình trạng căng thẳng của dịch bệnh được kiểm soát.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã hạ lãi suất cho vay trung hạn (MLF) xuống 3,15% và định hướng giảm 0,5 đến 1 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với ngân hàng đã đạt tiêu chuẩn đánh giá. Đối với ngân hàng thương mại cổ phần phù hợp với điều kiện tiếp tục giảm thêm 1 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hỗ trợ cấp tín dụng cho lĩnh vực tài chính toàn diện, giải phóng 550 tỷ NDT quỹ dài hạn. Từ đầu năm 2020, 2 lần hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã giải phóng 1.350 tỷ NDT vốn dài hạn.

Kênh truyền hình Al Jazeera đưa tin Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch kích thích tài khóa trị giá hàng nghìn tỷ NDT, được dùng để thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, khởi động việc hỗ trợ trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương lên tới 2.800 tỷ NDT (khoảng 394 tỷ USD).

Về phía Mỹ, đầu tháng 3, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã hạ lãi suất cơ bản từ mức 1,5-1,75% xuống còn 1-1,25%. Đây là mức giảm lãi suất khẩn cấp lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008. Giữa tháng 3, FED tiếp tục hạ lãi suất cơ bản xuống mức 0-0,25%. Bên cạnh đó, FED còn công bố một gói nới lỏng định lượng trị giá 700 tỷ USD, tương tự như kế hoạch đã khởi động trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, ít nhất sẽ mua 700 tỷ USD trái phiếu, trong đó ít nhất có 500 tỷ là trái phiếu chính phủ và số tiền còn lại là chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp, để ổn định cho vay nhà ở.

Nhà Trắng, các cơ quan Chính phủ và Quốc hội Mỹ cũng lần lượt công bố các biện pháp cứu trợ, bao gồm việc cung cấp các khoản trợ cấp và nghỉ ốm vẫn được hưởng lương cho các công nhân bị cách ly hoặc chăm sóc người khác, kéo dãn thời hạn nộp thuế từ thêm 3 tháng và giảm thuế đối với thu nhập liên quan. Cuối tháng 3 FED lại công bố thêm một cơ chế cho vay mới, cung cấp khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ và lớn, hỗ trợ tài chính cho chính quyền các thành phố và mua trái phiếu chính phủ trị giá hàng trăm tỷ USD nhằm ngăn chặn căng thẳng thanh khoản trở thành cuộc khủng hoảng tín dụng và năng lực thanh toán của doanh nghiệp Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Trump và Quốc hội Mỹ đang thảo luận về gói kích thích kinh tế có giá trị lên đến 1.800 tỷ USD, trong đó bao gồm hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người Mỹ gặp khó khăn. Ngoài ra, Cục Quản lý doanh nghiệp nhỏ sẽ cung cấp tín dụng thiên tai, các doanh nghiệp bị thiệt hại có thể được cung cấp khoản tiền cao nhất là 2 triệu USD.

Nhiều thị trường chứng khoán đã trải qua trạng thái rơi tự do.

Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng đã hạ 0,5 điểm phần trăm lãi suất cơ bản xuống còn 0,25%, khuyến khích ngân hàng thương mại cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó làm giảm yêu cầu vốn của ngân hàng nhằm gia tăng tín dụng. Những giải pháp này dự báo có thể cung cấp khoảng 300 tỷ bảng Anh khoản vay mới từ các công ty được phép cho vay.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ban đầu chưa hạ lãi suất theo kỳ vọng của thị trường nhưng công bố các biện pháp hỗ trợ tín dụng ngân hàng và mở rộng kế hoạch mua lại trái phiếu bằng đồng euro lên tới 120 tỷ euro. Sau đó, cuối tháng 3, ECB công bố chương trình kích thích kinh tế trị giá 750 tỷ euro và đảm bảo không có bất cứ hạn chế nào đối với cam kết về đồng euro.

Cần một đối sách toàn cầu

Trên thực tế, theo đánh giá chung, thì tình hình các nước hàng đầu trong Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đang diễn biến rất nghiêm trọng, cộng thêm với quan hệ căng thẳng trong thời gian dài giữa chính quyền ông Trump với đồng minh Mỹ buộc chính phủ các nước phải tự thân vận động, thậm chí tranh giành vật tư y tế, nên cho dù là phòng, chống dịch bệnh hay đối diện với suy thoái kinh tế toàn cầu cũng đều thiếu sách lược phối hợp và phân công quốc tế.

Những dự báo về dịch bệnh gây ra suy thoái kinh tế thế giới đã làm gia tăng sức ép đối với giới hoạch định chính sách của các nước. Một mặt họ phải thực hiện biện pháp, hạn chế hoạt động thương mại để ứng phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe, mặt khác lại phải nhanh chóng đưa ra biện pháp kích thích kinh tế đầy đủ, hy vọng một khi dịch bệnh được khống chế thì nhu cầu sẽ gia tăng. Và không khó để nhìn thấy sự xung đột giữa hai động lực này.

Theo Foreign Affairs, mặc dù các nước hiện nay đang phải tập trung tối đa vào công tác phòng chống đại dịch COVID-19 nhưng cũng không thể coi nhẹ tính cần thiết của việc áp dụng đối sách toàn cầu phối hợp thống nhất. Chỉ sự lãnh đạo mạnh mẽ mới có thể giải quyết các vấn đề phối hợp toàn cầu liên quan đến hạn chế du lịch, chia sẻ thông tin và vận chuyển hàng hóa thiết yếu.

Có một thông tin mang tính lạc quan hơn, đó là tuy cơn suy thoái đã bắt đầu diễn ra, song độ sâu và thời gian kéo dài của nó vẫn chưa thể đoán định. Tại hội nghị trực tuyến các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng của G-20 vừa rồi, mặc dù thừa nhận dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020, song Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva vẫn đưa ra dự báo sẽ phục hồi trong năm 2021.

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng tiêu dùng bị kiềm chế do đại dịch sẽ được giải phóng khi tình trạng căng thẳng của dịch bệnh được kiểm soát, tạo ra tiêu dùng mang tính trả đũa hoặc bù đắp. Vấn đề chỉ là lúc nào dịch bệnh mới được kiểm soát hiệu quả? Bởi thế, câu chuyện phục hồi hình chữ V - gấp hơn hay hình chữ U - thời gian suy thoái lâu hơn cũng đang là một trong những chủ đề được bàn luận róng riết.

Tuy nhiên, cho dù là đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế hay phục hồi kinh tế thì cũng không có nền kinh tế nào có thể đơn độc tác chiến, bởi vì nếu không có hợp tác quốc tế, thì trước khi tìm được thuốc đặc hiệu và vaccine, rủi ro của việc du lịch, giao thương xuyên quốc gia sẽ tiếp tục gia tăng và khả năng tái bùng phát đại dịch sẽ rất cao.

Còn nếu cứ đóng cửa quốc gia cũng có nghĩa là chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục bị đứt gãy, rất nhiều ngành chế tạo và nguyên liệu vẫn đối mặt với tình hình nghiêm trọng. Chủ thể đảm nhận nhiệm vụ “giải cứu thế giới” lúc này không phải là một nền kinh tế nào đó mà phải là sự hợp tác xuyên quốc gia để cùng ứng phó với thách thức mang tên COVID-19.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.