Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân:

“Làm nghệ thuật không phải để thu vén cá nhân”

Thứ Ba, 19/04/2011, 15:50

"Nghệ thuật là hiến dâng quên mình chứ không có gì là thu vén cá nhân cả. Kể cả thu vén về vật chất lẫn tinh thần" - Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tâm sự.

“Tôi là người đã sống tại Nhật Bản 18 năm rồi, tôi cảm nhận được tất cả những mất mát mà động đất đã tạo ra, nơi mà động đất đã thành như cơm bữa. Hôm nay được nghe ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sáng tác, cảm xúc càng thêm sâu lắng. Với ca khúc này khi người dân Nhật Bản nghe thấy, chắc chắn rằng sẽ có rất nhiều những giọt nước mắt lại lăn dài trên những đống đổ nát sau trận động đất và sóng thần vừa qua. Xin được gửi tới nhạc sĩ lời cảm ơn”. Đây là phản hồi của một khán giả, khi một tờ báo mạng đăng ca khúc mới nhất “Gửi lời yêu thương” của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sáng tác về thảm họa  động đất, sóng thần tại đất nước hoa anh đào.

“Tôi rất xúc động khi nghe bài hát này” là ý kiến của nhiều bạn khán giả bày tỏ cảm xúc khi nghe ca khúc này. Một bạn đã viết: “Giai điệu đẹp, mượt mà nhưng vẫn khiến người nghe cảm nhận được ý đồ tác giả một cách tự nhiên. Không cứng nhắc, không hô hào... nhưng bài hát đã đem lại cho chúng ta những cảm xúc sâu lắng trong con người về tình thương yêu, sự chia sẻ... Cũng thật ấm lòng khi cảm nhận thấy rằng vẫn còn nhiều lắm trên thế giới này, những con người không chỉ biết sống cho mỗi bản thân mình. Cảm ơn nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân”...

Có lẽ, chính vì sau khi đọc những lời mang đầy tâm trạng trên, cộng với việc thưởng thức ca khúc, tôi đã gặp ông tại trụ sở làm việc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam - 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội.  9h sáng, khi tôi vừa đỗ xe vào cũng là lúc ông đến. Trái với hình dung của tôi, các Chủ tịch Hội đều xe đưa xe đón, người nhạc sĩ - Chủ tịch này lại giản dị đi xe máy rất bình dân.

Tôi bất giác nhớ cách đây ít ngày, đã đọc được một bài viết về ông, ông đã "than" rằng hiện tại hai vợ chồng ông, cùng với hai cô con gái nhỏ đang ở thuê trong căn nhà bé chỉ 36m2. Thực chất, căn nhà này là Nhà nước phân cho cha ông - nhạc sĩ Đỗ Nhuận, và đến giờ mẹ ông là chủ hộ. Nghĩa là, nói không ngoa, hơn nửa đời người, ông - nhạc sĩ tên tuổi và có chức sắc vẫn không có lấy nổi một thước đất cắm dùi cho riêng mình.

Theo chân ông leo lên căn gác 3, tôi thấy phòng làm việc của ông chỉ có một đồ vật đáng giá nhất là cây đàn piano 3 chân kê gần cửa sổ. Một bàn làm việc hình bầu dục với những cái ghế gỗ mà khi ngồi bất cứ đâu, đều có thể nhìn ra được khung cảnh bên ngoài. Tất cả đều hài hòa, giản dị và cũng thực sang trọng. Căn nhà này khi xưa chính là ngôi biệt thự mà Vua Bảo Đại ở mỗi khi ra Hà Nội. Từ lâu nó đã trở thành căn nhà chung cho Hội Nhạc sĩ.

Phóng viên (PV): Có quá nhiều câu hỏi mà tôi thực sự không biết bắt đầu từ đâu, vì hình như quỹ thời gian của ông lúc nào cũng triền miên và dày kín...

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Tôi là nhạc sĩ, vậy bạn hãy hỏi câu hỏi liên quan đến âm nhạc. Ồ, mà thực ra là bạn đến đây vì bài hát...

PV: Vâng, ca khúc rất ấn tượng. Có lẽ đứng trước nỗi đau, sự mất mát thì những trái tim cũng xích lại gần nhau hơn và hòa chung một nhịp. Đã có rất nhiều người đồng cảm với ông ở ca khúc này...

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Ngay từ ngày đầu, ngày 11/3 khi tai nạn khủng khiếp xảy ra trên đất nước Nhật Bản tôi đã theo dõi, cập nhật thông tin trên các phương tiện truyền thông. Những hình ảnh làm cho mình rất đỗi kinh hoàng và xúc động. Hàng ngàn người bị nước cuốn trôi, mất tích. Hàng ngàn người khác bị nằm dưới đống đổ nát. Cả một biển lũ nhấn chìm nhà cửa, trường học, bệnh viện, công xưởng... Tất cả trong phút chốc biến thành một đống hoang tàn. Trước đây đã có sóng thần ở Indonesia, hay thảm họa nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Nga nhưng chúng ta cũng chưa được xem hình ảnh cụ thể. Còn lần này, hình ảnh đập vào tâm trí của mình làm cho chúng tôi trăn trở, băn khoăn, đau xót. Ai cũng cảm thấy có một cái gì đấy rất phũ phàng với một dân tộc kiên định như nhân dân Nhật Bản.

Đức tính tốt của người Nhật, chúng ta biết từ rất lâu rồi, đặc biệt động đất sóng thần vừa qua, thấy rằng sự hun đúc tinh thần dân tộc của người Nhật rất lớn. Những người dân may mắn sống sót tập thể dục đều đặn ở dưới tầng hầm và có một niềm tin vào một tương lai sáng sủa hơn sẽ đến. Trong sự biến động khủng khiếp này, giá thực phẩm cũng không hề tăng.

Trong những ngày tang thương như thế, chúng ta không thấy sự gào khóc, chen lấn xô đẩy, hốt hoảng, mà họ vẫn bình tĩnh, kiên định theo tôi thấy đấy là tính cách Nhật Bản. Bối cảnh cụ thể làm cho tôi có những cảm xúc trào dâng.

PV: Trước khi xảy ra thảm cảnh của động đất và sóng thần tại đất nước hoa anh đào, ông còn có kỷ niệm gì với xứ sở, con người nơi đây?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Mối quan hệ cá nhân tôi với đồng nghiệp ở Nhật có từ trước năm 2000. Và đặc biệt năm 2000 chúng ta tham gia vào Liên đoàn Âm nhạc châu Á, tôi đã nhiều lần sang dự hội nghị Festival ở Nhật. Dân tộc Việt Nam đối với người Nhật, thì càng ngày càng hiểu nhau hơn và càng ngày càng tốt đẹp.

Và, một số dàn nhạc giao hưởng của Nhật đã biểu diễn bản nhạc không lời do tôi sáng tác ngay tại Hà Nội. Khi họ biểu diễn mình thấy rằng âm nhạc phi biên giới. Hoàn toàn không có ranh giới. Một tác phẩm tốt, có thể làm hấp dẫn họ thì họ chơi hết lòng. Điều này biểu hiện từ nét mặt, từ tiếng đàn, sự say sưa trong âm nhạc...

PV: Cảm xúc trào dâng rất mãnh liệt đó đã kết tinh, ngưng đọng thành bài hát: "Gửi lời yêu thương" đúng không, thưa nhạc sĩ.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Người tạo được tia lửa điện của sự khởi đầu là cuộc trò chuyện giữa tôi và nhạc sĩ Vũ Mão. Anh bảo: "Quân ơi! Trong lúc này chúng ta nên viết một bài hát" vì trước đó mấy hôm tôi cũng có nghe bài hát bằng tiếng Anh về động đất, sóng thần của Nhật, trên truyền hình của mình. Trước đó anh Vũ Mão đã chuẩn bị ý thơ. Nhưng sau đó thấy chưa được ổn lắm, nên tôi bắt tay vào sáng tạo độc lập.

PV: Với "đất nước mặt trời mọc", thì Việt Nam có nhiều dấu ấn vui buồn. Nhưng, đứng trước mất mát quá lớn thì chúng ta lại nối vòng tay thân ái, như chưa từng có đau thương trong quá khứ...

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Người nghệ sĩ thì sáng tạo theo mạch nguồn cảm hứng chứ không phải là cuốn biên niên sử để mỗi một lần anh có thể tổng kết chiến tranh. Vì quy luật của sáng tạo phụ thuộc vào cảm xúc. Khi cảm xúc tích tụ lại và được trào dâng thì sẽ ra như mạch nguồn. Cái quan trọng nhất gợi cho mạch nguồn cảm xúc chính là giá trị văn hóa. Vì âm nhạc không phải từ trên trời rơi xuống, mà phải xuất phát từ chất liệu cụ thể. Ở đây không có gì tốt hơn bằng hướng tới nguồn dân ca Nhật Bản để có thể dễ thẩm thấu. Và cho mình cảm xúc để mình sáng tác.

Bài hát này đã có bản dịch ra tiếng Anh. Bản tiếng Nhật đang được hoàn thành. Nếu hát được cả tiếng Nhật, tiếng Anh thì ca khúc sẽ vượt ra khỏi biên giới của chúng ta, và tiếp cận gần nhất. Hôm đến chia buồn với Đại sứ quán Nhật Bản chúng tôi gửi trực tiếp cả bản nhạc và cả phần thu Audio bài hát này, giới nghệ sĩ Việt Nam luôn luôn ở bên cạnh các bạn Nhật Bản.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đang chỉ huy dàn nhạc.

PV: Bài hát mang tính kịp thời, yếu tố cổ động, yếu tố thời sự. Nhưng cũng  có những trường hợp từ một bài hát mang tính thời sự cũng có thể biến thành nghệ thuật được và cũng có thể có sức sống lâu dài.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Tôi cũng mong như vậy...

PV: Ông có nghĩ rằng với chức vụ như hiện nay thì ông sẽ may mắn được các ca sĩ tiếp cận tác phẩm âm nhạc của mình hơn không?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Đây hoàn toàn không phải quan chức về văn hóa càng không phải là người làm công tác quản lý ca sĩ, nghệ sĩ nên anh  được tôn trọng, anh được ủng hộ. Nếu  được ủng hộ trước tiên anh phải làm bằng sức lao động của mình, thuyết phục bằng tài năng, bằng tác phẩm nghệ thuật. Anh có quản lý giời nhưng viết chán thì người ta vẫn vứt đi chứ ai thèm hát bài của anh làm gì.

PV: Nhiều nghệ sĩ không chịu yên vị chỉ làm nghệ sĩ thôi đâu, mà họ lại thích chức danh. Họ cứ nghĩ rằng có chức danh sẽ sang hơn, oai hơn, do đó mới sinh ra cái gọi là nghệ sĩ công chức.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Biết bao nhiêu nhạc sĩ, như Trịnh Công Sơn có làm chức bậc gì đâu nhưng cả nước hát bài của ông. Hoặc trong thời gian trước như ông Trần Trung, nhạc sĩ với nhiều bài hát hay rất nổi tiếng thì có làm chức gì đâu. Khái niệm của hành chính hóa hay chúng ta nghĩ cần phải phấn đấu để có một vị trí nào đó, nếu nói rộng ra là một quyền lực nào đó, trong một lĩnh vực cụ thể nào đó hoàn toàn không đúng với đời sống nghệ thuật. Vì nghệ thuật cuối cùng vẫn là tác phẩm. Cho dù anh có quản lý gì đi chăng nữa cuối cùng anh không để lại tác phẩm người ta cũng không nhớ. Tài năng của anh bằng giọng hát chứ không phải là đoàn trưởng, đoàn phó.

Trong nghệ thuật, thước đo cao nhất là tài năng và sức lao động sáng tạo. Mặc dù trong lĩnh vực quản lý, anh có thuận lợi hơn trong việc tiếp xúc  với mọi người, hoặc tiếp nhận thông tin, quan hệ với các cơ quan, văn hóa nghệ thuật nói chung thì có những thuận lợi đó vẫn để phục vụ cho chính tổ chức của anh chứ không phải mang màu sắc lợi dụng cho cá nhân. Cái đấy tối kị trong nghệ thuật. Nghệ thuật là hiến dâng quên mình chứ không có gì là thu vén cá nhân cả. Kể cả thu vén về vật chất lẫn tinh thần.

PV: Đời sống âm nhạc hiện nay sôi động nhưng lổn nhổn, bát nháo, hệt như nồi lẩu thập cẩm.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Chúng ta so với các nước trong khu vực thì mức độ chuyên nghiệp, ngay như trong lĩnh vực giải trí, vẫn  còn rất thấp, rất là xa.  Các thể loại âm nhạc phải nâng cao tính chuyên nghiệp, chống tính nghiệp dư hóa.  Bây giờ ai cũng trở thành ca sĩ, ai cũng trở thành nhạc sĩ được hết. Ca sĩ một thời gian không hát bài của người khác mà hát bài mình tự sáng tác ra. Điều đấy biểu hiện một phần nào nghiệp dư hóa. Hiện tượng hát nhép, hát nhái, biết để nhận thức cái nào là thật, cái nào là không thật, cái nào là đáng vỗ tay, cái nào đáng phê phán, cái nào đáng tẩy chay.

Giáo dục là có một chiến lược từ em bé lớp 1, lớp 2 thì đã phải cho tiếp xúc với nhạc cụ thật để các em phân biệt tiếng sáo thổi như thế nào? Tiếng đàn piano ra làm sao. Chứ không thể tất tần tật âm thanh phát ra từ đàn oóc điện tử. Ngay Nhật Bản là nơi sáng chế ra đàn điện tử từ thế hệ đầu Yamaha, trên thế giới tràn ngập nhưng chính họ cũng có thái độ rất rõ ràng. Đây chỉ là phương tiện mang tính phổ biến thôi, về mặt kinh tế là họ xuất sang các nước khác để người dùng tiện ích. 

PV: Đã quá thời gian cho phép rồi, nhưng tôi vẫn muốn hỏi ông câu hỏi cuối. Mảnh đất 51 Trần Hưng Đạo là địa chỉ đỏ của văn nghệ sĩ nhiều thế hệ. Ông cũng đã tái đắc cử chức Chủ tịch Hội Nhạc sĩ, và khi xưa cha ông - nhạc sĩ Đỗ Nhuận cũng đã có hai nhiệm kỳ làm Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Một sự "lặp lại lịch sử" trên mảnh đất thiêng...

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Ở đây, trải qua rất nhiều đời văn nghệ sĩ tiêu biểu từ văn học, mỹ thuật, điện ảnh, liên hiệp các hội văn học nghệ thuật... Cảm xúc luôn luôn gắn tôi với ngôi nhà này. Chính tại căn phòng này, cách đây 50 năm, từ những năm 1957, 1958 khi thành lập hội Nhạc sĩ Việt Nam thì cha tôi là người làm việc đầu tiên cùng với nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát... Trong suốt những năm hòa bình lập lại, hay trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước các ông luôn sát cánh cùng nhau trên diện tích rất  nhỏ bé như thế này. Chính ngôi nhà này đã vang lên những ca khúc của các thế hệ nhạc sĩ đã làm nên cả một thời kỳ âm nhạc như vũ khí đấu tranh để giải phóng dân tộc, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Hoàng Vân, Huy Du...  Tuy các cụ đã mất rồi, nhưng âm nhạc của các cụ vẫn sống. Có nghĩa là đời sống tinh thần của các cụ vẫn tồn tại, sát cánh, nó như động viên mà cũng là thách thức để làm sao chúng ta có thể vượt qua các bước đi đó.

Cũng tại chính ngôi nhà này trong thời gian trước, các văn  nghệ sĩ tiêu biểu khi mất đi đều được làm lễ truy điệu tại đây. Cha tôi,  đám tang đau buồn của vợ chồng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ và cháu Quỳnh Thơ. Nhà văn Nguyễn Tuân, nhạc sĩ Văn Cao, đã có bao người ra đi từ ngôi nhà này. Đây là những kỷ niệm gắn với 51 Trần Hưng Đạo, làm cho chúng ta bước vào đây như bước vào thế giới nghệ thuật, một ngôi đền nghệ thuật mà chỉ có quyền phát huy và giữ gìn chứ không chỉ đơn giản là một ngôi nhà làm việc, một cơ quan bình thường. Có người đề nghị sửa thành một ngôi nhà cao tầng,  việc đó theo tôi không thích hợp.

PV: Xin cám ơn ông!

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.