Làm phim bằng vốn đầu tư nước ngoài: Cứ đi, để lối thành đường

Thứ Ba, 20/09/2016, 14:40
Không huy động vốn đầu tư sản xuất từ các đơn vị trong nước theo như trước đến nay, cũng không dừng ở việc "làm thuê" cho đối tác nước ngoài, ngày càng nhiều người làm phim Việt, phim về Việt Nam tìm cách huy động và huy động vốn thành công từ các đối tác nước ngoài. Rất nhiều dự án phim thành công, được ghi nhận bằng những giải thưởng điện ảnh uy tín.

Cách hợp tác này mở ra cho những người gắn đam mê với bộ môn nghệ thuật thứ 7 một con đường mới. con đường đầy rẫy những khó khăn nhưng những người vượt qua nó sẽ trưởng thành hơn.

Những ngày đầu tháng 9, các "tín đồ" của điện ảnh Việt được tiếp cận "Vĩnh cửu" - tác phẩm điện ảnh mới nhất của đạo diễn người Pháp gốc Việt, Trần Anh Hùng. Chúng tôi gọi đây là may mắn bởi các dự án phim của Trần Anh Hùng, dù được đánh giá cao của giới chuyên môn, được ghi nhận bằng những giải thưởng điện ảnh danh giá nhưng cơ hội đến với khán giả trong nước qua hệ thống chiếu rạp thường muộn hoặc không có.

Riêng phim "Vĩnh cửu" được công chiếu tại Việt Nam trước cả nước Pháp. Cơ duyên đến là nhờ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp Francois Hollande trong khoảng thời gian này.

Nhà sản xuất Christophe Rossignons: “Phim Việt Nam có sức hấp dẫn riêng”.

Trước "Vĩnh cửu", Trần Anh Hùng là cái tên được ngưỡng mộ không của riêng người làm điện ảnh Việt Nam. Anh làm phim không nhiều, bình quân khoảng 6 năm mới có 1 phim và chiếm hầu hết là phim về Việt Nam. Tuy nhiên, sau hàng loạt tác phẩm như "Hòn vọng phu", "Xích lô", "Mùi đu đủ xanh"..., Trần Anh Hùng đã "đóng đinh" thương hiệu của mình trong lòng công chúng.

Trong đó, chỉ riêng "Mùi đu đủ xanh", tác phẩm điện ảnh Việt Nam hiếm hoi lọt vào danh sách đề cử cuối cùng của giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất, đã giúp mang về các giải thưởng danh giá khác: Giải quay phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 1993, Giải César cho phim đầu tay xuất sắc nhất do Viện Hàn lâm nghệ thuật và kỹ thuật điện ảnh Pháp.

Các dự án phim của Trần Anh Hùng được "ra đời" phần lớn nhờ nguồn vốn ngoài Việt Nam. Với thị trường điện ảnh trong nước, các phim của Trần Anh Hùng không phải là những dự án nổi bật về mặt doanh thu nhưng với thị trường điện ảnh ở nước ngoài thì không hẳn, thậm chí còn được coi như "hiện tượng của phòng vé" trong một số liên hoan phim.

Thế nhưng, chia sẻ trong dịp đưa "Vĩnh cửu" đến Việt Nam, đạo diễn cho biết, con đường đưa các ý tưởng của anh thành hiện thực không dễ. Không phải nhà sản xuất nào cũng dám chấp nhận đầu tư cho các dự án phim của anh. Ngoài việc dụng công tìm kiếm đúng người đầu tư phù hợp thì uy tín làm nghề, ý tưởng, kịch bản... phải đảm bảo thuyết phục được nhà sản xuất rằng bỏ tiền làm phim là xứng đáng. Và, hành trình này thì không dễ.

Ngay Christophe Rossignons, nhà sản xuất người Pháp đã đồng hành với Trần Anh Hùng trong rất nhiều dự án phim cũng thừa nhận rằng, huy động vốn đầu tư sản xuất, đặc biệt là những phim nhìn vào là thấy "đắt tiền" rồi không dễ. Để có 9 triệu Euro cho Trần Anh Hùng và ê-kíp làm phim "Vĩnh cửu", ông đã rất vất vả thuyết phục các đối tác khác.

Christophe Rossignons cũng cho biết, phim của Trần Anh Hùng có thể là dòng phim kén khán giả tại Việt Nam nhưng ở nhiều nước, số lượng người xem không ít. Ngay với "Vĩnh cửu", trước khi công chiếu tại Việt Nam và Pháp, phim đã được bán ở rất nhiều nước châu Âu, châu Á và Mỹ.

Thực tế, việc chọn các nhà sản xuất nước ngoài bỏ kinh phí làm phim là con đường được lựa chọn của khá nhiều người làm phim Việt trong nhiều năm trở lại đây. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp với "Đập cánh giữa không trung" - tác phẩm điện ảnh ghi dấu ấn với khá nhiều giải thưởng trong và ngoài nước cũng là một trong số các trường hợp như thế. "Đập cánh giữa không trung" có sự tham gia của các nhà sản xuất đến từ 4 quốc gia: Pháp, Đức, Na Uy và Việt Nam. Đây cũng là dự án phim từng được Quỹ Văn hóa Pháp và Liên hiệp Các quốc gia Pháp ngữ hỗ trợ từ tiền kỳ tới hậu kỳ.

Ông Nguyễn Văn Nhiêm: “Thị trường điện ảnh Việt Nam còn chưa hoàn thiện thì sẽ còn phải phát triển”.

Nhưng có lẽ ít người biết rằng trước khi "Đập cánh giữa không trung" đến với đông đảo công chúng và được nhắc đến bởi khá nhiều giải thưởng điện ảnh thì đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã phải dụng công không ít để giới thiệu dự án cũng như tìm kiếm, thuyết phục nhà đầu tư sản xuất.

Mãi sau này, khi phim đã công chiếu và được đón nhận, nhà sản xuất người Pháp cũng chia sẻ rằng, cơ duyên hợp tác với Nguyễn Hoàng Điệp là cuộc gặp gỡ với cô tại Liên hoan phim Cannes. Từ ấn tượng về ý tưởng của "Đập cánh giữa không trung" của Hoàng Điệp, ông đã quyết định đồng hành cùng cô đưa câu chuyện lên màn ảnh rộng.

Trước "Đập cánh giữa không trung", một dự án phim được đầu tư nguồn vốn từ các nhà sản xuất nước ngoài gây nhiều chú ý và cả sự tranh cãi phải kể đến "Bi! Đừng sợ" của đạo diễn trẻ Phan Đăng Di. Từng được vinh danh bằng một số giải thưởng ở ngoài nước trước khi hội ngộ công chúng Việt Nam nhưng khác với nhiều dự án phim Việt và phim về Việt Nam được trao giải thưởng khác, "Bi! Đừng sợ" thuộc các tác phẩm được khen thì khen hết mức, chê thì chê đến cạn lời.

Không là phim "ngốn" kinh phí lớn như nhiều dự án điện ảnh khác, tuy nhiên, như chia sẻ của Phan Đăng Di, hành trình để "Bi! Đừng sợ" có hình hài được hoàn thiện để ra mắt công chúng yêu điện ảnh không ngắn và không dễ. Trước đó, ý tưởng và câu chuyện của phim đã được người dành tâm huyết cho chúng đầu tư nhiều tâm sức, thời gian để giới thiệu với các nhà sản xuất. Các liên hoan phim lớn trên thế giới là đích đến của các hành trình như thế.

Thực tế, việc đưa "đứa con tinh thần" chào đời bằng sự kết hợp của nhiều nhà đầu tư sản xuất của nhiều nước khác nhau là con đường được lựa chọn của khá nhiều người làm điện ảnh Việt hiện nay, đặc biệt là những người mang ý tưởng và chuyện phim ít mang tính thương mại với thị trường điện ảnh trong nước. Song song với cách lệ thuộc vào các nhà sản xuất phim Việt Nam - đội ngũ gồm những người có bề dày kinh nghiệm hơn trong việc thuyết phục đối tác chịu bỏ tiền đầu tư làm phim, nhiều người làm phim, trong đó, chiếm phần lớn là đội ngũ làm phim trẻ chọn cách trực tiếp đưa "đứa con tinh thần" của mình đến giới thiệu và thuyết phục nhà sản xuất nước ngoài bỏ vốn đầu tư.

Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng như hiện nay, đây là con đường khả thi để những người làm phim Việt vươn đến "bầu trời" rộng của điện ảnh thế giới. Tuy nhiên, từ trước đó khá lâu, đây đã là cách làm được nhiều người thuộc thế hệ làm điện ảnh trước đó lựa chọn. Đạo diễn người Mỹ gốc Việt, Nguyễn Võ Nghiêm Minh là một điển hình.

Nhắc tới Nguyễn Võ Nghiêm Minh, người làm điện ảnh và yêu điện ảnh Việt không thể không nghĩ tới "Mùa len trâu" và "Nước 2030". Đậm đặc văn hóa Việt và không thể nào Nam bộ hơn là nhận xét của bất kỳ khán giả nào khi xem các phim này của Nguyễn Võ Nghiêm Minh.

Chia sẻ về con đường đưa ý tưởng của mình thành hiện thực, từ rất nhiều năm trước, trong dịp đưa "Mùa len trâu" về Việt Nam, đạo diễn vốn xuất thân là một nhà vật lý này cũng từng khẳng định rằng kinh phí làm phim Việt và cơ hội tìm kiếm kinh phí làm phim cho người làm phim Việt không nhất thiết gói gọn trong nước. Trên thế giới có rất nhiều quỹ hỗ trợ phát triển về văn hóa, trong đó có điện ảnh. Mỗi quỹ đều có những tiêu chí riêng. Vấn đề là người có ý tưởng chịu khó kiếm tìm, tìm đúng địa chỉ phù hợp với ý tưởng làm phim của mình.

Muốn làm được điều này, một yếu tố không thể thiếu là người làm điện ảnh phải có vốn ngoại ngữ nhất định để tiếp cận các nguồn quỹ, các nhà sản xuất. Một xu thế không bao giờ khác, đó là thế giới luôn đi tìm sự khác biệt, mới lạ. Đây cũng là những yếu tố góp phần thành công trong quá trình cạnh tranh, thu hút sự quan tâm chú ý của các nhà đầu tư ngoại. Và bản sắc văn hóa Việt, đất nước, con người Việt chính là yếu tố làm nên sự khác biệt ấy. Người ta sẽ khó quan tâm đến những ý tưởng chạy theo, bắt chước văn hóa nước họ. Lý do đơn giản là những cái của họ, họ thường hiểu và làm giỏi hơn chúng ta gấp nhiều lần.

Một cảnh trong phim "Mùi đu đủ xanh".

Tuy nhiên, cũng có một thực tế khó khăn khác mà những người làm điện ảnh chọn con đường làm phim bằng vốn đầu tư từ các nhà sản xuất ngoài nước là hành trình tiếp cận công chúng trong nước. Phần lớn các dự án phim nói trên đều chỉ ra rạp sau khi chu du một vòng, thậm chí nhiều vòng trên thế giới. Được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật nhưng với thị trường điện ảnh Việt, đây vẫn là những tác phẩm thuộc dòng kén khán giả tại Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam, ông Nguyễn Văn Nhiêm cũng cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng cho phát triển thị trường điện ảnh và hiện nay, nếu xét về các chỉ số tương quan (chẳng hạn các yếu tố như tỷ lệ phát triển khán giả tới rạp; tỷ lệ dự án phim mới; tỷ lệ mở mới các rạp chiếu phim khắp cả nước...), thì có thể được coi là một trong những quốc gia dẫn đầu về tốc độ phát triển điện ảnh.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng điều này không đồng nghĩa với vị trí vững chắc của điện ảnh Việt trên bản đồ thị trường điện ảnh thế giới mà đơn giản là vì thị trường điện ảnh của chúng ta còn mới, có xuất phát điểm thấp. So với quy mô của các nước, thị trường điện ảnh Việt còn khá khiêm tốn và hiện thường chạy theo yếu tố thương mại. Ở các nước có nền điện ảnh phát triển, thị trường phân ra các luồng phát hành phim rất rõ. Tùy theo "gu" thưởng thức văn hóa của từng người mà họ có thể dễ dàng tìm đến đúng địa chỉ quen thuộc để tìm kiếm đúng món ăn tinh thần yêu thích của bản thân.

Với thị trường điện ảnh Việt Nam, những cụm rạp, những địa chỉ chuyên biệt dành cho các tác phẩm điện ảnh thuộc dòng kén khán giả nhưng được đánh giá cao về mặt chuyên môn chưa thực sự hình thành. Đây là một thiệt thòi và cũng là khiếm khuyết trong thị trường điện ảnh Việt. Hy vọng, trong thời gian tới, khi điện ảnh Việt Nam phát triển nhiều hơn, khiếm khuyết này sẽ được lấp đầy.

Về phía nhà sản xuất, nhà biên kịch Châu Thổ, Giám đốc Hãng phim Senafilm cũng từng chia sẻ trong một hội thảo về hợp tác phát điện ảnh mới đây của Việt Nam và Hàn Quốc rằng hợp tác làm phim với nước ngoài là một cách lựa chọn hợp lý trong bối cảnh điện ảnh nói riêng, đất nước nói chung còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, người làm điện ảnh trong nước cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Trong đó, sự đặc thù về văn hóa, am hiểu về văn hóa Việt là một trở ngại không nhỏ.

Có những dự án hợp tác, chị đã từng phải ngồi viết lại gần như toàn bộ kịch bản mới có thể đưa vào sản xuất mà không ngại bị phản ứng khi phim được công chiếu. Chưa kể, nền điện ảnh Việt Nam còn rất khiêm tốn so với nhiều nước trên thế giới. Với nhiều nước có nền điện ảnh phát triển, điện ảnh Việt như tí hon bên cạnh người khổng lồ. Khi hợp tác, nếu nội lực không đủ mạnh sẽ rất dễ đánh mất mình...

Minh Hải
.
.