Làm sao lấp đầy “hố sâu” ngăn cách giàu nghèo?

Thứ Hai, 31/12/2007, 13:30
Lấp dần “hố” ngăn cách giàu nghèo đang ngày càng rộng ra, sâu hơn, có lẽ là câu hỏi “đau đầu” nhất không chỉ hôm nay, không chỉ ở nước ta.

“Việt Nam cần thêm ODA để xóa đói giảm nghèo” - đó là thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên diễn đàn Hội nghị Tư vấn các nhà tài trợ, diễn đàn lớn nhất thường niên để các quốc gia và tổ chức quốc tế cho Việt Nam vay tiền.

Đáp lại thông điệp của Chính phủ Việt Nam, các nhà tài trợ quốc tế đã  cam kết cho nước ta vay 5,426 tỉ USD. “Đây là mức cam kết kỷ lục của kỷ lục”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư hào hứng nói khi so với năm 2007, mức cam kết này tăng 1 tỉ USD, đạt xấp xỉ 20%. Như vậy là, liên tục trong 5 năm qua, cam kết ODA cho Việt Nam năm sau cao hơn năm trước.

“Chọn mặt gửi vàng”, các nhà tài trợ quốc tế nhìn thấy ta sử dụng vốn ODA có thực sự mang lại lợi ích cho đất nước, cho người dân thì mới quyết định rút “hầu bao” cho vay số tiền khổng lồ đó?

Mỗi đồng USD chính là một đồng tiền đóng thuế, tiền “mồ hôi nước mắt” của nhân dân các nước đóng góp, chứ đâu phải tiền từ thiện của các nhà hảo tâm trên thế giới? Đó là đồng tiền vay, ắt sẽ phải trả nợ sòng phẳng. Đời ta không có trả thì đời con cháu sẽ “nặng nợ”...

Hiện nay, mức nợ của Việt Nam tương đương 31% GDP. Cho dù mức nợ này là thấp so với tiêu chuẩn nợ quốc tế,  mặc dù nó sẽ còn thấp hơn nữa bởi thời gian ân hạn, nhưng món nợ này chiếm 25% GDP/người, tức là khoảng 180 USD/người.

Vay được tiền đã khó, tiêu tiền, sử dụng cho đúng “đồng tiền bát gạo” còn khó hơn. Kinh nghiệm của các quốc gia đi trước chúng ta đã cho những bài học cay đắng và ngấm lâu khi tiếp nhận nguồn vốn ODA.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã cam kết trước các nhà tài trợ: “Cần có những kế hoạch phát triển kinh tế ổn định mà thời gian qua có những dấu hiệu chưa bền vững để chống lạm phát. Làm sao để sự phát triển không ảnh hưởng đến người nghèo như tình hình tăng giá hiện nay".

Lấp dần “hố” ngăn cách giàu nghèo đang ngày càng rộng ra, sâu hơn, có lẽ là câu hỏi “đau đầu” nhất không chỉ hôm nay, không chỉ ở nước ta.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng phân tích: "Nếu chia dân cư thành 5 nhóm, mỗi nhóm là 20% thì 20% nhóm giàu đang giàu gấp 8,4 lần nhóm nghèo. Còn lấy 10% nhóm giàu so với 10% nhóm  nghèo thì con số gấp 13 lần". Chẳng ai muốn hình thành “cái hố” sâu hun hút đến chóng mặt này.

Còn nhớ, trong một cuộc tiếp xúc với sinh viên ở TP HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nói đại ý là, cách làm của chúng ta  không phải là lấy của người giàu chia cho người nghèo, vấn đề là ở chỗ cùng phải giàu lên.

Thực tế chứng minh khó có tổ chức, cá nhân nào có thể chia đều cơm áo, hạnh phúc cho tất thảy mọi người, chỉ có thể tạo cơ hội đồng đều cho tất cả cùng được hưởng.

Không phải ngẫu nhiên, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á đã nhắc nhở: “Việt Nam đang tiến đến mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình”.

Thách thức lớn nhất bây giờ là có vượt qua được ngưỡng thu nhập trung bình hay sẽ bị kẹt lại ở đó. Để vượt lên, không còn cách nào khác là cải cách khu vực ngân hàng, tài chính, doanh nghiệp nhà nước.

Cái "hố" ngăn cách giàu nghèo có nguy cơ rộng ra là vì có nhóm người được hưởng lợi, nhưng nhiều tầng lớp chẳng những không được lợi gì mà bị ảnh hưởng nặng nề.

Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác phát triển Anh quốc chia sẻ mối lo ngại: Những thành công của các bạn chưa được san sẻ cho mọi người dân. Thách thức hiện nay là làm sao khắc phục được sự khác biệt giữa Hà Nội, TP HCM và các khu vực đô thị với nông thôn và tình trạng “tái nghèo” gia tăng ở các dân tộc ít người.

Tỉ lệ nghèo ở nông thôn hiện là 26,4% so với 13,7%  của thành thị. Đương nhiên 50% vốn vay ODA là dành để xây dựng cơ sở hạ tầng đường sá, cầu cống, điện, nước, các công trình phúc lợi. Đương nhiên, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ngợi ca là tấm gương xóa đói, giảm nghèo với những thành tựu ngoạn mục.

Song, cầm hàng tỉ USD trong tay chưa nên vội mừng. Với nhu cầu sử dụng vốn lớn như vậy, dường như ta đang tự “trói tay” khi tiêu tiền không hợp lý, thậm chí còn gây lãng phí. Hàng loạt công trình, dự án bị các nhà tài trợ đưa vào “tầm ngắm” cần xem xét lại về hiệu năng quản lý các nguồn tài trợ.

Nổi cộm nhất là dự án khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, vốn vay ODA là 166,34 triệu USD hoặc như dự án cải thiện nước TP HCM vay vốn ODA Nhật Bản là 3.214 tỉ đồng. Không khỏi giật mình sửng sốt khi biết rằng, nếu tổng vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại thành phố lớn nhất cả nước là 7.000 tỉ đồng thì mỗi ngày chậm trễ sẽ làm thiệt hại của mỗi năm lên tới 365 tỉ đồng.

Con số nhức nhối này cần đặt sát ngay cạnh thu nhập bình quân của người lao động phổ thông ở khu vực công nghiệp ở TP HCM và Hà Nội khoảng 1,2 triệu đồng/tháng.

Nếu đặt cạnh mức thu nhập bình quân theo tiêu chuẩn nghèo 250.000 đồng/tháng và thu nhập bình quân của hàng triệu người nông dân thì mới thấy công cuộc san lấp “hố” ngăn cách giàu nghèo của nước ta quả thật là vô cùng cam go. Không nên quá ngây ngất với con số tăng trưởng kinh tế, càng không nên vội mừng với vốn ODA kỷ lục.

GDP tăng nhưng ai thử tính xem chất lượng cuộc sống của người dân lao động, tầng lớp người nghèo có tăng theo không?

Vốn ODA thực sự quý báu góp vào cải thiện môi trường sống, cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo. Đừng coi ODA là vốn vay ưu đãi hoặc viện trợ không hoàn lại và là “của chùa”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chẳng đã hơn một lần khẳng định: “Việt Nam luôn trân trọng từng đồng vốn ODA và bảo đảm thực hiện các cam kết với các nhà tài trợ” đó sao?

Hồng Hạc
.
.