Lan Thương – Mekong và những thách thức

Thứ Hai, 05/08/2019, 15:30
Cơ chế hợp tác Lan Thương - Mekong (LMC) chính thức được ra mắt vào tháng 3-2016 trong cuộc gặp giữa người đứng đầu chính phủ các nước Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam ở Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc.

Mở ra một chương mới cho Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), việc thiết lập LMC đã được nhiều người ca ngợi là bước đi tiếp theo mang tính sống còn trong việc làm sâu sắc thêm sự hợp tác, nâng cao tính kết nối, tăng cường phát triển bền vững và chung tay quản lý nguồn nước ở lưu vực sông Mekong. Tuy nhiên, không phải không có những thách thức đang đón chờ cơ chế mới này.

Bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng ở Trung Quốc, sông Mekong tạo thành một đoạn biên giới tự nhiên ngắn giữa Lào và Myanmar, sau đó chảy qua Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, lấy trầm tích màu mỡ để nuôi dưỡng những cánh đồng lúa nước ở vùng đồng bằng trước khi đổ ra biển Đông. Sông Mekong từ lâu được coi là nền tảng của sự tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng ở Đông Nam Á lục địa, nổi tiếng với tính đa dạng sinh học khi sở hữu một trong những nguồn cá nước ngọt dồi dào nhất thế giới với 1.000-1.700 loài khác nhau.

Sông Mekong cung cấp lương thực, nước uống, thủy lợi, giao thông và thủy điện, đem lại lợi ích cho hàng chục triệu người đang sinh sống dọc theo con sông này và xa hơn nữa. Việc quản lý nguồn nước xuyên biên giới và các vấn đề về việc sử dụng nguồn nước có liên quan đã và đang là nguyên nhân gây căng thẳng trong khu vực.

Sự ra đời của LMC đã bổ sung vào danh sách các cơ chế hợp tác đang vận hành trong khu vực: Ủy ban sông Mekong (MRC); Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawadi - Chao Phraya - Mekong (ACMECS); sáng kiến Tiểu vùng sông Mekong mở rộng của ADB; Sáng kiến hạ lưu sông Mekong do Mỹ hỗ trợ; Hợp tác Mekong-Nhật Bản; Hợp tác Mekong-Ganga; Quan hệ đối tác Mekong-Hàn Quốc và Hợp tác phát triển lưu vực sông Mekong của ASEAN.

Thiếu một ban thư ký quốc tế để tập trung, tập hợp sáng kiến đã đặt ra câu hỏi liệu LMC sẽ điều phối các thể chế này như thế nào để tránh xé vụn các dự án và bảo đảm tính bổ trợ lẫn nhau giữa những sứ mệnh và chương trình đa dạng ấy?

Sự phức tạp vốn có trong việc xác định phương hướng hợp tác liên thể chế trong tương lai đặc biệt rõ ràng trong lĩnh vực cung cấp cơ sở hạ tầng, vốn có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển và duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong tiểu vùng. Báo cáo về khả năng cạnh tranh toàn cầu năm 2017-2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới nêu bật những thách thức sâu sắc mà các nước ở hạ lưu GMS hiện phải đối mặt trong lĩnh vực này.

Một thủy điện của Trung Quốc được xây dựng tại vùng thượng lưu sông Mekong, thuộc tỉnh Vân Nam.

Đồng thời, khuôn khổ đầu tư khu vực GMS 2022 gần đây đã ước tính nhu cầu của GMS về vốn tài trợ cho cơ sở hạ tầng ở mức rất cao là 63,5 tỷ USD - chủ yếu trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong lĩnh vực cung cấp cơ sở hạ tầng trở nên rõ ràng, với việc Bắc Kinh chi phối sự phát triển của hành lang Bắc - Nam, với Côn Minh đóng vai trò đầu cầu của Trung Quốc đối với khu vực, trong khi Tokyo vẫn tập trung vào hành lang Đông - Tây và các liên kết phía Nam.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong quan hệ Trung - Mỹ, sự phát triển của chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, việc thành lập nhóm tiểu đa phương “bộ tứ” - bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, thì sự hợp tác liên thể chế chưa có gì được đảm bảo sẽ sâu sắc hơn.

Một vấn đề khác mà LMC phải đối mặt là phản ứng dữ dội của khu vực trước việc Trung Quốc gần đây ký hợp đồng kéo dài 99 năm để thuê cảng Hambanota của Sri Lanka sau khi nước này không có khả năng duy trì thanh toán các khoản nợ. Các mối quan ngại về “ngoại giao bẫy nợ” đã lan rộng trong tiểu khu vực.

Mặc dù Lào là nước thành viên LMC duy nhất nằm trong danh sách do Trung tâm Phát triển toàn cầu đưa ra gồm các quốc gia được coi là “dễ bị tổn thương” bởi gánh nặng về nợ xuất phát từ nguồn vay được xác định dành cho các dự án của Trung Quốc nhưng tỷ lệ nợ công của Campuchia với Trung Quốc cũng gia tăng trong những năm gần đây.

Cảng Hambanota, cùng với các dự án khác do Trung Quốc tài trợ, đã đặt ra những câu hỏi về cơ sở hợp lý về kinh tế của nhiều dự án cho vay của nước này, khi nhiều dự án hiện đã bị coi là vừa tốn kém vừa vô giá trị. Trong khi kế hoạch hành động bao gồm chú trọng vào truyền thông, giao lưu nhân dân và nâng cao nhận thức cộng đồng về LMC ở các nước thành viên thì chiến lược thương hiệu và thông tin công khai vẫn chưa được phát triển.

Việc đưa hoạt động quản lý nguồn nước và xây dựng đập vào thẩm quyền giải quyết của LMC nêu bật và đặt ra nhiều vấn đề hơn nữa. Trung Quốc đã xây dựng 7 đập lớn với 20 đập bổ sung, hoặc đang trong quá trình xây dựng, hoặc đang trong giai đoạn liên kế hoạch ở Vân Nam, Tây Tạng và Thanh Hải, gây ra những mối đe dọa đối với dòng chảy tự do của sông, quần thể cá, sinh kế, an ninh lương thực, hệ sinh thái và môi trường trên khắp lưu vực sông Mekong.

Ở Campuchia, những câu hỏi tiếp tục được đặt ra về việc “đánh đổi an ninh lương thực lấy an ninh năng lượng”, trong bối cảnh những tác động tiêu cực của việc xây dựng đập đối với hoạt động đánh bắt cá ở địa phương và sự phụ thuộc sâu sắc của nhóm dân nghèo nhất vào sông Mekong để có được nguồn thực phẩm bổ dưỡng, đặc biệt là trong những giai đoạn mùa màng đói kém, mất mùa.

Ngoài ra, lực bẩy kinh tế đáng kể của Trung Quốc đối với khu vực hầu như không đủ để xoa dịu mối lo ngại rằng các cuộc đàm phán thông qua cơ chế LMC về tương lai của sông Mekong có thể sẽ hết sức phiến diện, với việc Bắc Kinh chưa đưa ra cam kết đáng tin cậy đối với yêu sách hợp lý của các nước thành viên trong việc quản lý dòng sông.

Dù đã có khởi đầu đầy tham vọng và rất có khả năng sẽ có thêm động lực khi bước vào giai đoạn củng cố và mở rộng 2020-2022 nhưng LMC sẽ còn phải giải quyết tất cả những vấn đề này. Một LMC thực sự cân bằng, minh bạch và cởi mở, tích cực phối hợp với các thể chế khác và can dự với tất cả các bên tham gia một cách công bằng nằm trong lợi ích của tất cả các bên.

Ngọc Lan (tổng hợp)
.
.