Lan man chuyện sách

Thứ Tư, 16/04/2014, 12:10

Hội Sách TP HCM lần thứ VIII, vừa kết thúc với những tín hiệu rất lạc quan về mặt doanh thu. Theo tổng kết từ Ban tổ chức thì trong 7 ngày diễn ra Hội sách, đã có gần 1 triệu lượt người đến tham quan, mua sách. Trong đó, lực lượng thanh niên chiếm khoảng 70%. Tổng doanh thu của Hội sách thu được khoảng 36 tỉ đồng, cao hơn doanh thu tất cả các lần Hội chợ sách trước đây và tăng 20% so với Hội Sách lần thứ VII, diễn ra vào năm 2012.

Bên cạnh đó, ngày 21/4 chính thức được lấy là Ngày Sách Việt Nam. Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đồng thời, tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách.

Sách, tức là tri thức. Và tri thức trong bất cứ hoàn cảnh xã hội hay thể chế nào đều đóng vai trò quyết định.

1. Sau khi Hội Sách lần thứ VIII kết thúc, Ban tổ chức Hội Sách đã thống kê 10 tựa sách bán chạy nhất lần lượt xếp theo thứ tự, gồm: “Buồn là sao buông” (Anh Khang), “Hỏa ngục” (Dan Brown), “Chúc một ngày tốt lành” (Nguyễn Nhật Ánh), “Người yêu cũ có người yêu mới” (Iris Cao), “Thám tử Conan” (Tập 80 - Gosho Aoyama), “Đảo” (Nguyễn Ngọc Tư), “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” (Nguyễn Nhật Ánh), “Đắc nhân tâm” (Dale Carnegie), “Thương nhau để đó” (Hamlet Trương) và “Nếu như không thể nói nếu như” (Jun Phạm).

Sau khi Ban tổ chức công bố số liệu về 10 tựa sách bán chạy này, đã có rất nhiều ý kiến của văn nghệ sĩ xung quanh số liệu này.

Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên viết trong bài "Không đủ mua về sự lạc quan" như sau: "Chiếm 4/10 tựa trong danh mục sách bán chạy là tản văn của các tác giả mới toanh, gây chú ý chừng hai năm qua. Về chất lượng, có thể ví những cuốn sách này như một kiểu "nhạc chợ" hay "mì ăn liền" trong đời sống xuất bản. Văn phong đơn nghĩa nhẹ nhàng, cảm tính, ướt át và thi thoảng "pha chế" thêm chút triết lý vặt vãnh sáo rỗng, nhưng điều quan trọng là các tác giả của chúng chú trọng tiếp thị hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội, tỏ ra chiều chuộng ân cần trong các cuộc offline với người đọc theo cách những showbiz vẫn làm...

Đó là công thức chung tạo nên dòng sách giải trí được đa số độc giả trẻ háo hức săn đọc gần đây. Đa số người đọc trẻ đang cần thần tượng trong đời sống xuất bản theo cái cách mà họ đã có ở địa hạt ca nhạc giải trí. Và chưa bao giờ họ được đáp ứng tốt như lúc này, khi mà tình hình kinh doanh sách khó khăn, rất nhiều công ty sách, nhà xuất bản sẵn sàng "bán linh hồn", khát vọng và mục tiêu văn hóa để đuổi theo doanh thu như một giải pháp sống còn".

Anh còn viết thêm: "Đã có chuyện những dự án sách tri thức kinh điển bị các nhà phát hành thẳng thừng từ chối. Đã có chuyện các tủ sách tinh hoa bị trì hoãn để dồn sức cho các cuộc giành giật khai thác bản thảo sách giải trí dễ dãi nuông chiều thị hiếu. Và cũng đã có những công ty sách bỏ hẳn dòng sách cung cấp tri thức để chuyển sang "chuyên doanh" truyện ngôn tình, sách lá cải. Ngoài ra, chi phí quảng bá cho những dòng sách tri thức, tác phẩm nghiêm túc bị cắt bỏ để đầu tư cho những "event" sách mang hơi hướm son phấn nghe nhìn".

Một trong 10 tựa sách bán chạy nhất Hội Sách TP HCM lần thứ VIII.

Sau khi nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên đưa ra nhận định này, đã có luồng ý kiến phản ứng lại anh. Trong bài viết "Hài hước việc chỉ trích top 10 tựa sách bán chạy nhất Hội Sách 2014" của tác giả Trang Nguyễn có đoạn: "Trong nền kinh tế thị trường này thì sách cũng chỉ là một sản phẩm của thị trường, những nhà xuất bản sách, phát hành sách cũng đều dựa trên lợi nhuận để phát triển. Và đã là thị trường thì cũng sẽ có những sản phẩm chất lượng xấu, chất lượng kém, điều quan trọng nằm ở chỗ khách hàng có đủ kiến thức để chọn lựa được thứ tốt nhất cho mình không. Nếu không, thiệt thòi nằm ở phần họ, tự họ ráng chịu. Còn việc bạn xem những cuốn sách đó là những thứ nhảm nhí, vô bổ và tào lao thì bạn có quyền bỏ qua chúng, việc các bạn đưa những thứ mà các bạn cho là vô bổ đem ra để phán xét thì chả khác gì các bạn cũng tào lao như thế".

2. Nhà văn Trần Nhã Thụy, khi trao đổi với chúng tôi về quan điểm cá nhân của anh xung quanh việc Ban tổ chức Hội sách công bố 10 tựa sách bán chạy nhất, anh trả lời: "Bữa kia, mình có viết cái status trên Facebook cá nhân về mấy cuốn sách bán chạy ở hội sách. Thấy nhiều người quan tâm và cũng không ít bạn bè ibox thắc mắc, hỏi han thêm. Nói chung, chuyện sách vở, văn chương bao giờ mà chẳng dông dài, nhức đầu, nhức óc. Rốt lại, mình chỉ muốn nêu một ý kiến cá nhân nhỏ nhoi thế này - Không phải cái gì kẹp vào giữa hai cái bìa thì cũng được gọi là sách”.

Tôi có hỏi nhà thơ Lê Minh Quốc rằng: "Các tác phẩm bán chạy trong Hội Sách TP HCM lần VIII vừa qua, như "Thương nhau để đó" của Hamlet Trương, "Buồn làm sao buông" của Anh Khang, "Người yêu cũ có người yêu mới" của Iris Cao… để lại cho anh những tín hiệu gì vui hay buồn? Dẫu muốn dẫu không chúng ta vẫn phải thừa nhận, Internet đã thay đổi thói quen đọc, Facebook đã thay đổi thói quen đọc... Gần như, một tác phẩm có thành công  theo tiêu chí được người đọc đón nhận, không phụ thuộc vào giá trị của tác phẩm. Thay vào đó, tác phẩm phụ thuộc rất nhiều vào truyền thông. Tất nhiên, đây là quan niệm của cá nhân tôi, còn quan điểm của anh như thế nào? Chúng ta hy vọng gì từ những hội sách như thế này, theo anh?".

Nhà thơ Lê Minh Quốc cho biết: "Có những tập sách bán chạy nhưng thú thật đó là lần đầu tiên tôi biết đến tên tác giả đó. Tất nhiên tôi cũng tìm đọc họ nhưng do không "hợp tạng" nên tôi không thể đọc nổi. Điều này cũng bình thường bởi độc giả chỉ đọc những gì họ quan tâm. Theo chủ quan của tôi, chỉ có vài nhà văn hiện nay có sách bán chạy là do tự thân của tác phẩm đó, còn lại không ít do các động tác PR. Thật lạ, có những tập sách của nhiều nhà văn tên tuổi viết rất hay, sâu sắc nhưng số lượng in chỉ vài ngàn bản, trong khi đó, một tác giả mới toanh lại in vài chục ngàn bản mà đọc xong chẳng đọng lại trong đầu mình một ấn tượng nào.

Thế nhưng, các bạn trẻ vẫn chen chúc xếp hàng mua và xin chữ ký tác giả. Trả lời câu hỏi này như thế nào? Do tác giả viết đúng suy nghĩ của lớp người cùng thế hệ nên nhận được sự tán thành? Do tác động của người khác nên họ tò mò "đọc cho biết" chứ không hẳn vì yêu thích tác phẩm đó? Do sự PR từ các trang mạng xã hội để tạo ra một hiệu ứng nhất định? Tôi nhận thấy điều này cũng bình thường. Văn chương kỳ lạ lắm, nó chỉ có thể tồn tại tự thân chứ không thể bằng bất kỳ một sự can thiệp nào. Nếu có, hiện tượng đó cũng nhanh chóng trôi vào quên lãng. Rồi thời gian, vị quan tòa phán xử nghiêm khắc nhất sẽ xác định lại lần nữa. Từ hội sách lần này, tôi hoàn toàn không nghĩ gì về "thắng lợi" của doanh thu, doanh số, chuyện đó bình thường thôi mà điều quan trọng nhất, có tầm chiến lược lâu dài mà cộng đồng đang hướng đến vẫn là tạo cú hích nhằm trở lại với thói quen đọc sách ở mọi người, nhất là ở giới trẻ".

Hội sách thu hút được rất đông sự quan tâm của nhiều giới khác nhau.

Đoạn trao đổi ngắn giữa chúng tôi và nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan:

- Thưa nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, chị ấn tượng về tác giả nào nhất trong những tác giả trẻ có tác phẩm tham gia Hội Sách TP HCM lần thứ VIII? Những cái tên như Iris Cao, Hamlet Trương, An Khang… có để lại cho chị ấn tượng nào không? Vì sao?

- Nói thật thì tác phẩm của những người viết trẻ tham gia Hội Sách TP HCM lần thứ VIII-2014 chưa gây được cho tôi ấn tượng, nhưng họ, đã làm tôi chú ý. Trong thời điểm mọi người ai cũng lười đọc, lười chứ không phải không đọc, mà sách họ viết ra có người đọc, tất nhiên là câu chuyện của họ (tác giả) đã là của một số người nào đó (công chúng), nên được thích.

Nói về phần viết về tình yêu, cách yêu của họ chưa lay động được người đọc như tôi, nên không thể gây được ấn tượng về mặt này. Nếu viết về thế giới trẻ, yêu, chia tay, yêu người khác… hay những tâm lý vụn vặt, tôi đọc xong đoạn đầu, đã có thể đoán ra họ nói gì ở đoạn tiếp theo, như vậy thì dĩ nhiên cũng chưa gây được ấn tượng.

Nhưng về bản thân tác giả, tôi nghĩ những người viết trẻ này sẽ làm được một điều gì đó trong tương lai, còn tương lai gần hay xa thì còn tùy thuộc vào "nghiệp", nếu họ có "nghiệp viết", họ sẽ đi tiếp con đường họ đang đi, không thì đến một lúc nào đó sẽ bỏ cuộc, bỏ cuộc giữa đường hay tới một ngã rẽ nào đó thì là chuyện của định mệnh mỗi người.

Tôi nghĩ, 10 năm, hay 20 năm sau, khi đã trải qua nhiều cay đắng, cách viết của họ sẽ sắc hơn, đắng hơn, bây giờ thì nó còn ngọt quá, trơn tru quá, mà ngọt quá dễ làm người ta ngán, còn trơn tru quá thì làm người ta chán, đọc xong đã trôi tuột đi, không đọng lại điều gì cả, ngoài những con chữ dễ thương, những tình huống vui vui, hay những dòng tự bạch cố tình gây tò mò.

- Ngoại trừ hai nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Tư, tôi không thấy xuất hiện những cây bút đình đám của văn chương Việt Nam trong bản thống kê 10 tựa sách bán chạy nhất tại Hội sách vừa qua. Điều này, có gợi cho chị cảm giác nào không?

- Cảm giác à? Chẳng hụt hẫng mà cũng không thắc mắc, vì thực tế, sách bán chạy nhất còn tùy thuộc vào yếu tố quảng bá, nội dung, đối tượng. Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Tư may mắn có được Nhà xuất bản Trẻ  bỏ chi phí ra quảng bá cho tác phẩm, nên tác phẩm mới nào của họ cũng được công chúng biết đến nhiều. Những người đã gây dựng được  tên tuổi như Nguyễn Nhật Ánh, khi ra một đầu sách mới, nghe giới thiệu ai cũng muốn biết tác giả viết cái gì trong đó.

Nội dung, đối tượng đọc sách của Nguyễn Nhật Ánh chủ yếu dành cho tuổi mới lớn. Còn những tác giả khác, không có điều kiện, ra sách không giới thiệu, nhà xuất bản không chịu quảng bá, ai biết mà mua. Khi viết cũng không định hình là mình viết cho đối tượng nào đọc, đối tượng nào sẽ mua sách của mình. Trên thị trường sách, có nhiều cuốn sách có nội dung rất tệ, nhưng khâu quảng bá tốt, nên số lượng bán được nhiều, người mua, sau khi đọc xong, thấy hối tiếc.

Vì thế, theo tôi, những tác giả có tác phẩm mới, nên lưu ý  đến chuyện quảng bá rộng rãi bất cứ ở hình thức nào: bài viết giới thiệu trên báo chí, giao lưu, tọa đàm, tặng sách.

3. Có một thực tế dẫu không vui vẫn phải thừa nhận, thị trường sách hiện tại đang bị nhiễu rất nhiều từ thể loại văn học ngôn tình, kiếm hiệp kỳ ảo, chuyện ma quái… có xuất xứ từ Trung Quốc. Đây là dạng sách rất thu hút người đọc, đặc biệt là người đọc trẻ.

Trước đây, tôi có đọc được một ý rất hay từ Hồi ký của nhà văn Phạm Cao Củng, người được xem là bậc thầy của thể loại truyện trinh thám Việt Nam với đại ý: "Không nền văn học nào chỉ toàn tác phẩm hàn lâm. Có những tác phẩm chỉ đơn thuần là giải trí".

Mặc dù chúng ta vẫn thường ví von, "Làm sách là làm văn hóa". Thế nhưng, vô hình chúng ta đã quên mất rằng người làm sách cũng là người kinh doanh. Quá khó để bắt người kinh doanh bỏ tiền đầu tư vào một khoản kém sinh lợi. Quan trọng hơn, theo quan điểm của cá nhân tôi thì văn nghệ sĩ không nên trách thị hiếu của bạn đọc. Bởi đơn giản, bạn đọc sẽ đọc gì khi có quá ít tác phẩm của các nhà văn trong nước đủ sức khơi được niềm đam mê từ bạn đọc.

Có điều, như tôi đã trình bày, sách là tri thức. Bạn đọc cũng nên cẩn thận khi lựa chọn tri thức cho mình

Ngô Nguyệt Hữu
.
.