Lan tỏa tình yêu tuồng Dương Cốc

Thứ Bảy, 24/10/2020, 08:32
Mấy chục năm qua, những người “nghệ sĩ nông dân” ở làng Dương Cốc (Đồng Quang, Quốc Oai, Hà Nội) đã cùng nhau gìn giữ, lan tỏa nghệ thuật tuồng đến với nhiều thế hệ, tạo nên làng tuồng “độc nhất vô nhị” của xứ Đoài.

Trong số những “viên gạch” đầu tiên đặt nền móng cho đội tuồng Dương Cốc năm ấy, hiện nhạc trưởng Nguyễn Ngọc Bỉnh (sinh năm 1933) vẫn còn rất minh mẫn, khỏe mạnh. Mới đây, ông cùng 10 nghệ nhân của đội đã được Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú lần thứ III, năm 2021.

Tuồng như máu thịt, hơi thở

Một chiều thu man mác, rong ruổi trên những bờ đê sông Đáy với bờ cỏ ngút ngàn xanh, tôi tìm về làng Dương Cốc. Ngôi làng với biết bao trầm tích văn hóa hiện ra trước mắt tôi là chiếc cổng làng cổ kính với câu đối như nhắc nhở mỗi người con của làng dù đi đâu, làm gì cũng phải giữ khí tiết, danh dự cho làng: “Chính đại quang minh muôn hướng anh tài về hội tụ/ Nhân nghĩa thủy chung ngàn năm khí tiết vẫn vẹn toàn”.

Cảnh trong một vở tuồng của các “nghệ sĩ” làng Dương Cốc.

Vừa bước chân vào đến sân nhà, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Bỉnh đã nhắc tôi: “Nếu không hẹn anh thì tôi đã đạp xe đi chơi rồi”. Khi tôi còn đang “mắt tròn, mắt dẹt” ngạc nhiên vì tuổi xấp xỉ 90 như ông vẫn có thể đạp xe băng băng thì một người con của cụ đã đỡ lời: “Cụ bà mới mất nên cụ cũng suy sụp đi nhiều rồi đấy”. 

Nỗi đau mất người vợ thân yêu vẫn còn nhoi nhói trong trái tim người đàn ông đầy trải nghiệm này. Nhớ về những kỷ niệm với người “đầu gối tay ấp”, đôi mắt ông nhìn về xa xăm, ánh lên niềm tự hào: “Nhờ có bà ấy chăm lo vun vén việc gia đình nên tôi mới có thể toàn tâm toàn ý theo tuồng được đấy”.

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Bỉnh sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn hóa nghệ thuật. Năm 12 tuổi, ông đã chơi thành thạo các loại nhạc cụ như: đàn bầu, sáo, nhị, tam thập lục, guitar, harmonica... Tuy chơi giỏi các loại nhạc cụ nhưng chủ yếu là tự học nên ông không biết nhạc lý, mà như thế thì mãi vẫn là nghiệp dư. 

Nghĩ vậy nên năm 1954, ông đã mua cuốn sách “Tự học âm nhạc” của Nghệ sĩ ưu tú Tạ Tấn để nghiên cứu, những chỗ không hiểu ông lại tìm người học trước để hỏi cho bằng được. Nhờ quá trình bền bỉ, cần cù, hơn nữa lại biết chơi nhạc cụ nên ông học nhạc lý rất nhanh. 

Năm 1955, ở làng Dương Cốc đã có phong trào hát cải lương và đội cải lương cũng đã được thành lập. Ông tham gia làm nhạc công cho đội cải lương rồi đệm đàn cho người dân trong làng hát “Lới lơ” - một làn điệu chèo, trong các chương trình văn nghệ.

Tuy nhiên, dù chèo và cải lương được người dân làng Dương Cốc biết đến sớm hơn nhưng dường như đó không phải là thế mạnh của họ mà mãi đến năm 1967 khi Đoàn tuồng Liên khu 5 (nay là Nhà hát Tuồng Đào Tấn), Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Trường Nghệ thuật Hà Tây (cũ) “không hẹn mà gặp” cùng về làng Dương Cốc sơ tán, mới là mầm mống để những “nghệ sĩ nông dân” tuồng xuất hiện. 

Nhận thấy niềm yêu thích hát tuồng của những người nông dân nơi đây, các nghệ sĩ đã mở lớp nhạc công và diễn viên. Ông Bỉnh được hợp tác xã cử vào học lớp nhạc cụ. “Tại đây các thầy đã truyền dạy chuyên môn về các nhạc cụ, các bản nhạc của nghệ thuật tuồng. Thầy Dương Long Căn dạy trống, thầy Thông dạy trống và nhị còn thầy Phạm Dị thì dạy nhị cùng các bài nhạc cơ bản của hát tuồng”, ông Bỉnh kể lại.

Đằng sau cánh cổng làng này, trước đây thường xuyên diễn ra những vở tuồng.

Trong ký ức của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Bỉnh hôm nay, ông vẫn không thể quên được không khí học tuồng của người dân làng mình thời ấy. Dù sống ở thời bao cấp đầy rẫy những khó khăn mà họ vẫn say mê, tâm huyết với những câu hát, lời thoại, tiếng đàn trong tuồng. 

Về quá trình học của mình, ông Bỉnh cho biết, khi ấy cứ học 2 ngày, ông trả 1 bài. Tiếp thu rất nhanh nên học hơn một tháng ông đã nắm được kiến thức cơ bản của nhạc tuồng. 

Năm 1967, khi làng Dương Cốc thành lập đội tuồng, ông được mời làm nhạc trưởng. Trong đội nhạc còn có một số cụ cao tuổi cũng tham gia việc chỉ hướng dẫn, tập vũ đạo, tập hát làn điệu. Họ đã cùng nhau diễn tuồng, chơi nhạc dưới làn “mưa bom bão đạn” của kẻ thù, trước sự bủa vây của cái nghèo, cái đói.

Trong suốt 53 năm hình thành và phát triển, đội tuồng làng Dương Cốc đã có đến 200 tấm huy chương vàng trong các hội diễn nghệ thuật ở các cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quân khu và toàn quốc. Đây là thành tích mà nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp cũng phải ước ao. Những vở tuồng, như: “Quốc Toản ra quân”, “Cô gái sông Tích”, “Sáng mãi niềm tin”, “Trần Bình Trọng”, “Ngọn lửa Tiểu Kỳ”, “Ngọn lửa hồng sơn”, “Máu lửa nhập thiên đường”, “Nắng soi dòng suối Păng Pơi”... đã làm nên tên tuổi của đội tuồng này. 

Đội tuồng làng Dương Cốc được đánh giá là đội tuồng nghiệp dư xuất sắc nhất trong các tỉnh phía Bắc. Không những biểu diễn ở các hội diễn, đội tuồng còn xông xáo biểu diễn phục vụ bộ đội ở nhiều trận địa ác liệt. Khó khăn, vất vả, hiểm nguy là thế nhưng họ không nề hà vì với những người nông dân “hai sương một nắng” của làng quê này, tuồng như là máu thịt, là hơi thở, là nguồn sống của mình vậy.

“Truyền lửa” cho các thế hệ

Bên cạnh việc chỉ huy dàn nhạc của đội tuồng, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Bỉnh cũng rất quan tâm đến việc truyền nghề cho các cháu, con trong nhà, trong xóm và kể cả người ngoài làng. Những năm gần đây khi tuổi đã cao nhưng ông vẫn tham gia đóng góp với đội cũng như truyền dạy cho lớp trẻ về nhạc cụ và trống tuồng. Theo ông thì tuồng là bộ môn khó, từ vũ đạo đến diễn xuất phải theo đúng bài bản nguyên tắc, nhạc phải theo trống chỉ đạo, chỗ vào bài, chỗ cắt nguyên làn điệu không trái nhịp.

Đội tuồng làng Dương Cốc truyền dạy nghệ thuật truyền thống cho giới trẻ của làng.

“Trong hát tuồng, trống được mệnh danh là phó sư cầm trịch cho dàn nhạc và diễn viên trống vào nhịp, phách phải vững vàng, trống cắt dứt khoát, nhạc và diễn viên phải theo thủ trống của bài. Các âm thanh của trống phải rõ ràng: tiếng tang, tiếng tùng, tiếp rụp, tiếng cắc cầm nhịp cho các làn điệu phải chắc nhịp (chỗ nào lên mặt trống, chỗ nào chuyển bài, trống chiến mạnh mẽ theo kèn nhịp phách phải vững vàng). 

Còn nhị phải theo trống vào bài và đều có thủ của trống vào bài. Ví dụ hát nam, hát khách, hất tẩu, bóp, nam bình, nam pha, nhị phải theo nhịp của làn điệu đó vào bài, ra bài. Tiếng nhị ngọt ngào theo diễn xuất của diễn viên hỗ trợ làm nền cho diễn viên diễn xuất”, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Bỉnh nhấn mạnh.

Tính đến đời nghệ nhân Nguyễn Ngọc Bỉnh thì dòng họ Nguyễn Ngọc đã sinh sống 7 đời ở làng Dương Cốc nhưng gốc gác lại là họ Lương Ngọc ở Nghệ An. Bởi vậy mà một người con rất nổi tiếng của ông lại có tên là võ sư Lương Ngọc Huỳnh. 

Võ sư Huỳnh là chưởng môn phái Lâm Sơn Động nức tiếng xứ Đoài một thời, đồng thời ông còn được biết đến là Chủ tịch Thường trực Hội Võ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga, Chủ tịch Hệ thống Việt y tại Việt Nam. Thành công với võ thuật nhưng ngày thơ bé võ sư Huỳnh cũng rất yêu thích nghệ thuật và từng biểu diễn độc tấu đàn bầu ở Nhà hát Lớn Hà Nội khi mới 7 tuổi cho các tướng lĩnh xem, trong đó có Thượng tướng Song Hào, Trung tướng Vương Thừa Vũ mà đến nay gia đình vẫn còn lưu giữ lại tấm ảnh quý giá này.

Trong 11 nghệ nhân của làng tuồng Dương Cốc được đề nghị xét phong Nghệ nhân ưu tú đợt này thì ngoài nghệ nhân Nguyễn Ngọc Bỉnh còn có con gái Nguyễn Ngọc Huyền và con dâu Nguyễn Thị Lực. Hai người con đều là những diễn viên có thể hát tuồng, múa tuồng (vũ đạo tuồng), diễn tuồng một cách nhuần nhuyễn, chuyên nghiệp. Chồng của nghệ nhân Nguyễn Thị Lực là Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Khánh (biệt danh là Khánh “kèn”), từng công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam. 

Nghệ sĩ Khánh “kèn” với “đôi môi thần kỳ” đã tạo ra những âm thanh tuyệt vời, làm mê đắm người nghe từ những loại kèn tường chừng như rất “kén” người nghe. Đặc biệt với kèn bầu (kèn đám hiếu), nghệ sĩ Khánh “kèn” đã không chỉ thổi trong nhạc tuồng và nhạc Cung đình Huế mà đã mạnh dạn sáng tạo, cải biên để đưa vào thổi cho các ca khúc, tiêu biểu như: “Lời ru trên nương”, “Làng quan họ quê tôi”, “Miền Trung nhớ Bác”, “Mưa trên phố Huế”, “Lời ca dâng Bác”... 

Sinh thời nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã phải bất ngờ thốt lên rằng: “Không ngờ kèn bầu thổi bài này lại hay đến thế” khi nghe tiếng kèn “Làng quan họ quê tôi” của Ngọc Khánh. Còn nhạc sĩ Thuận Yến khi nghe tiếng kèn của Khánh “kèn” thổi bài “Miền Trung nhớ Bác” của mình phải thốt lên rằng: “Tôi nghĩ Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài này đã rất hay nhưng hôm nay nghe cậu thổi luyến láy rất sâu, rất mới mẻ và thú vị”.

Người con trai duy nhất của Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Khánh cũng nối nghiệp bố là nghệ sĩ thổi sáo và kèn bầu Ngọc Anh, làm việc tại Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Anh cũng đã được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào năm 2019 khi mới 37 tuổi. Cũng giống cha, anh đã dùng chiếc kèn bầu để thổi thành công một số bài hát như: “Giọt sương bay lên”, “Hạn hán”, “Đá trông chồng”, “Một khúc sông Hồng”... Gần đây, trong đêm nhạc “Khúc hát phiêu ly” của nhạc sĩ Phó Đức Phương, anh cũng được mời chơi kèn bầu cho 3 ca khúc “Bài ca thần chim lạc”, “Hội thề Mê Linh”, “Ngũ hành sơn”.

Niềm vui tuổi xế chiều

Gương mặt nghệ nhân Nguyễn Ngọc Bỉnh bỗng tươi hẳn lên khi biết mình và 10 thành viên trong đội tuồng có tên trong danh sách được đề nghị xét phong danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Dù có phần muộn màng nhưng đó cũng là niềm an ủi tuổi xế chiều để ông tiếp tục vững tin vào cuộc sống, vào những giá trị mà mình đã đem lại cho “thương hiệu” tuồng Dương Cốc. 

“Những người đặt “viên gạch” đầu tiên cho đội tuồng hầu như đã về với tiên tổ, chỉ tôi còn sống để có thể nhận được sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước. Tôi nghĩ để có đội tuồng nổi tiếng cần có sự “chung vai gánh sức” đầy trách nhiệm và tâm huyết. Đã ở cái tuổi “gần đất xa trời” thì việc nhận được danh hiệu là điều rất quý, đó sẽ là “bảng vàng thành tích” mà gia đình tôi tiếp tục làm rạng danh trên quê hương”, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Bỉnh trầm ngâm.

Trong nắng quái hoàng hôn, ông nắm chặt tay tôi rồi nói: “Tôi rất tiếc khi người trẻ trong làng đã không còn mặn mà với nghệ thuật tuồng nữa và làng tuồng Dương Cốc rất có thể sẽ bị thất truyền trong tương lai không xa”. Nỗi trăn trở đó cũng là nỗi trăn trở chung của nhiều ngành nghệ thuật truyền thống, đòi hỏi những nhà quản lý văn hóa hiện nay phải có tầm nhìn chiến lược, lâu dài, hành động thiết thực, hiệu quả để các ngành nghệ thuật truyền thống được lưu truyền, khởi sắc.

Ngô Khiêm
.
.