Làng cổ Đường Lâm: Thương mại hóa dần xâm lấn

Thứ Năm, 03/07/2014, 15:15

Nhiều nơi người ta gắn văn hóa với thương mại, việc đó, chả có gì là xấu. Gắn văn hóa với du lịch càng chẳng có gì là xấu. Xấu chăng chỉ ở cách làm. Làng cổ Đường Lâm, ngôi làng nức tiếng về sự cổ kính, thâm trầm bỗng dưng mất hẳn sự tôn nghiêm, sự thương mại hóa diễn ra từ nhiều năm nay. Thực trạng này ngày một lan rộng ngay từ những chốn tâm linh, tín ngưỡng, ngay từ cách hành xử của một vài vị được gọi là bách niên giai lão trong làng. Về Đường Lâm bây giờ chứng kiến đôi chuyện cười ra nước mắt.

Một ngày giữa tháng 6, Câu lạc bộ nhà báo của Hội Nghệ sĩ Sân khấu tổ chức cho các nhà báo một chuyến dã ngoại ra ngoại thành Hà Nội. Chúng tôi náo nức chọn Làng cổ Đường Lâm làm điểm đến. Ngôi làng cổ nức tiếng có từ thế kỷ thứ XVII, nằm cách Hà Nội hơn 50 km, phía bên hữu ngạn sông Hồng lộng gió, chói chang nắng hè, thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Nơi đây, cho đến giờ còn lưu lại những nét đẹp kiến trúc về làng quê Việt Nam với cây đa, giếng nước, sân đình, với những ngôi nhà cổ kính tường bao được làm từ đá ong và gỗ xoan, gỗ mít được sử dụng làm vật liệu để làm kèo cột trong những ngôi nhà gỗ một tầng. Kiểu kiến trúc độc đáo có một không hai đầy khác biệt này cùng với cảnh quan thơ mộng, giản dị, khiêm nhường đã thành "một viên ngọc sáng" trong các ngôi làng Việt Nam.

Chính vậy, ngày 19/5/2006, Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên của Việt Nam được Nhà nước trao tặng bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đường Lâm sau khi được Nhà nước trao tặng "vương miện" Di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ một làng đang yên ổn trở thành một điểm du lịch nổi tiếng trong nước, được công chúng khắp nơi kéo về, rồi cũng từ đấy nhà ở Đường Lâm không được sửa chữa cơi nới. Một hộ gia đình chui lủi trong mấy mét vuông đất sống tạm bợ, khổ sở. Có những nhà xây sửa liền bị cắt điện, cắt nước đến hàng tháng trời.

Bức xúc, vào tháng 5/2013, 80 người đại diện trong ngôi làng cổ viết đơn lên Nhà nước nhất mực đòi trả lại bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Cảnh Làng cổ Đường Lâm.

Sau sự việc ầm ĩ đó, biết bao hội thảo cấp nhà nước, chính quyền từ trung ương đến địa phương, ban nọ, ngành kia nâng lên đặt xuống, biết bao ý kiến tham gia của hội đồng tư vấn từ các nhà khoa học khả kính, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu di sản… nhưng cho đến giờ vẫn chưa có hồi ngã ngũ. Địa danh Làng cổ Đường Lâm, mặc kệ qua bao gió mưa của thời gian, mặc kệ bao biến cố thăng trầm của thời cuộc vẫn luôn là một điểm đến đầy thu hút.

Xe ôtô du lịch chở hơn 30 nhà báo khởi hành từ sân 51 Trần Hưng Đạo từ 7 giờ 30 phút, bon bon trên những con đường trải nhựa loáng bóng cuối cùng chúng tôi cũng đến được với Đường Lâm vào 9 giờ sáng. Hôm nay, tiết trời ưu đãi, gió nhẹ, nắng dịu. Gửi xe ôtô từ ngoài cổng. Bên cạnh con đường vào làng là một đầm sen đang mùa hoa nở thơm nức. Những bông sen hồng, sen trắng hòa lẫn với màu xanh mát của lá sen khiến cho ta cảm giác thư thái, dễ chịu, như được gột rửa bụi bặm của thành phố hỗn tạp, xô bồ để về với làng quê yên bình, trong trẻo.

Chỉ cần thả bộ bước qua cổng làng nhỏ bé, hiền hòa có tự bao đời, là một làng xã cư trú của cộng đồng người Việt với những bộn bề khúc mắc rộn ràng trên các mặt báo nhiều năm qua. Nhưng dù gì, ở đó vẫn có nét đẹp lạ lùng, hiếm thấy, khiến du khách để lại ấn tượng khó phai về kiến trúc độc đáo, hay sinh hoạt của một cộng đồng người Việt điển hình của nền văn minh lúa nước sông Hồng. Gần cổng làng, cây đa xù xì có niên đại hàng trăm năm tuổi tỏa bóng mát dịu như một người lính già lâu năm kiên nhẫn, bền bỉ thách thức thời gian.

Chúng tôi thong dong đi qua con đường nhỏ của thôn xóm đi vào đình Mông Phụ, một trong những ngôi đình nổi tiếng nhất trong di sản văn hóa người Việt của cha ông ta để lại đã bao đời.

Ngôi đình cổ kính, trầm mặc yên tĩnh, khi chúng tôi vừa bước chân vào đã nghe thấy tiếng gọi rõ to: "Vào đây ông nói chuyện cho nghe về đình làng Mông Phụ. Không biết lại đây ông kể cho mà biết…".

Chúng tôi quay ra phía tiếng gọi thấy một cụ già ngồi trên ghế tay chống gậy ở gian nhà hữu. Cụ già nhiệt tình quá, rất xởi lởi, gặp ai bước chân vào đình cũng gọi lại để kể cho nghe lịch sử của làng. Chúng tôi mừng quá, "đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ", đến đây, được tiếp kiến với bô lão trong làng hỏi thăm, trò chuyện vừa mở mang thêm kiến thức, lại thân mật chuyện trò thì có gì thú bằng?! Sau khi thắp hương trong đình chúng tôi đến gần cụ già. 

Cụ già giọng sang sảng: "Lai lịch và tiểu sử của xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây này phải là nhất trong cả nước. Tuy là một xã có năm thôn, thôn này là thôn Mông Phụ, có 400 hộ, 1.300 nhân khẩu, thôn to lớn nhất, thôn thứ hai là Cam Thịnh, ở phía bên dưới cái đình này, thôn thứ ba là thôn Đông Sàng có ngôi chùa thờ bà chúa Mía, cách đền Mông Phụ 500m. Thôn thứ tư Cam Lâm. Thôn thứ năm Đoài Giáp có 40 hộ, tuy là 40 hộ nhưng cả thế giới không bằng nó đâu, vì có 40 hộ nhưng có hai vua, Ngô Quyền và Phùng Hưng".

Thấy chúng tôi đang chăm chú nghe, bỗng ông cụ nói: "Ông nói các điều đến đây là hết, các bạn phải cho ông tiền, phải bồi dưỡng ông. Ông hướng dẫn ở đây là 6 năm rồi. Mà tuổi ông cũng quá cao. Ông 89 tuổi rồi, ngày nào ông cũng lên đây nói. Ngày nào cũng giới thiệu. Các bạn đi tham quan, ông nói các bạn có nhiều cho nhiều, có ít cho ít, nhưng phải cho ông tiền…".

Sững sờ trước động thái của cụ già, có lẽ chúng tôi cũng chưa từng gặp một "ca" nào từ trước đến nay như vậy. Tự nhiên cụ làm mất đi cái gọi là sự thân mật xóm làng, đồng quê. Chúng tôi mở ví đưa tiền bồi dưỡng vì công "giới thiệu" của cụ. Sau khi nhận tiền của chúng tôi, giọng cụ lại sang sảng gọi những du khách mới bước chân vào đình: "Lại đây, ông kể cho nghe lịch sử…".

Ô, một kiểu xin hiện đại, xin mới chăng?! Sẽ có bao nhiêu du khách tiếp tục bị rơi vào hoàn cảnh như chúng tôi?! Mà sao một nơi hấp dẫn như làng cổ nổi tiếng này lại không có hướng dẫn viên chuyên nghiệp nhỉ, chúng tôi tự hỏi.

Nhà thờ thám hoa Giang Văn Minh.

Chúng tôi ra khỏi ngôi đình nổi tiếng với kiến thức ít ỏi chúng tôi đã được đọc, đình Mông Phụ thờ Sơn Tinh, một trong tứ bất tử của người dân Việt Nam. Đình được xây dựng từ trên đầu của con rồng, hai giếng nước ở hai bên tả, hữu của đình là vị trí mắt rồng. Cánh cổng của đình được các bậc tiền nhân hồi xưa xây dựng để hễ ai bước chân vào đình đều có cảm giác đang cúi mình trước uy nghiêm của vị thành hoàng làng. Đình làng là nơi đậm chất tôn linh huyền bí, nơi khi người ta đến phải kính cẩn nghiêm mình trước sự tôn nghiêm. Một cụ già, như theo lời cụ, 6 năm trời cụ ôm ghế ra đây, kiếm ăn. Đồng tiền quả là có mãnh lực ghê gớm…

Chia tay với sự man mác buồn của đình Mông Phụ, chúng tôi lại đến với "Từ đường danh nhân văn hóa Thám hoa Giang Văn Minh" cách đấy hơn 100m đường làng. Từ đường đang buổi ban trưa yên ắng, đoàn khách chúng tôi bước vào nhộn nhịp, một cụ già đã ngoài 70 từ trong gian thờ đi ra niềm nở: "Nào ra ngồi bàn ghế đây uống nước trà nhé".

Chúng tôi chào cụ bảo: "Để chúng con vào từ đường thắp hương đã". Cụ ông thân mật chạy vào châm hương cho chúng tôi, chờ chúng tôi cắm hương xong cụ thúc giục: "Bỏ tiền đặt lễ lên khay đi". Chúng tôi nhìn vào khay có vài tờ 50.000 đồng. Nếu ai chưa bỏ tiền lên khay cụ đều luôn miệng giục: "Bỏ tiền đặt lễ lên khay đi nào".

Ôi hai cụ già. Một cụ bên đình Mông Phụ. Một cụ bên Từ đường danh nhân văn hóa Thám hoa Giang Văn Minh. Điều gì đã biến các cụ có động thái như vậy?!

Trong từ đường cụ Thám hoa Giang Văn Minh có đôi câu đối: "Lễ nghĩa bách niên Mông Phụ ấp/ Phong thanh thiên cổ Thám hoa môn". Tạm dịch là: "Lễ nghĩa trăm năm là làng Mông Phụ/ Tiếng thơm nghìn thuở cửa cụ Thám hoa này".

Cụ thám hoa đã quy tiên từ lâu rồi, ở thế giới bên kia, trong từ đường này, ngày ngày con cháu hương khói nghi ngút trên ban thờ cụ, liệu cụ có linh thiêng mà nhìn thấy ngày nay người ta ứng xử, đi ngược lại lời răn dạy còn lưu truyền của cụ ngay tại trong chính từ đường của cụ.

Bước chân từ trong gian thờ của từ đường đi ra gặp một chị đồng nghiệp cùng báo, tôi buột miệng bảo: "Thật không thể tưởng tượng nổi, chưa thấy ở đâu như nơi này. Thương mại cả đến chốn tâm linh…". Chưa kịp để tôi nói hết câu, chị kể: “Biết rồi, lần trước đến đây chị cũng bị xin như thế. Lần này mất hứng chị chả còn muốn vào thắp hương trong từ đường nữa…".

Làng cổ Đường Lâm có nhiều dòng họ nổi tiếng. Dòng họ Phan có cụ Phan Kế Toại giữ chức khâm sai đại thần. Dòng họ Giang có xứ thần là Giang Văn Minh. Dòng họ Đỗ có cụ Đỗ Doãn Chính quan đốc học, vinh quy bái tổ về làng được vua ban cho đôi lọng võng. Dòng họ Nguyễn có quan thượng thư bộ hình triều Nguyễn - Nguyễn Khắc Nguyên… Truyền thống hiếu học, lễ nghi, nét văn hóa từ thời ông cha để lại vậy mà ngày nay, giá trị nhân văn và đạo đức truyền thống đã và đang bị thương mại hóa…

Chúng tôi không tiếc tiền, nhưng buồn vì lối hành xử ở chốn tâm linh của một vài cụ ở đây. Đường Lâm -Làng du lịch thì rõ rồi. Sự thương mại chỉ tưởng rằng ở những nơi bán vé vào thăm làng, tưởng chỉ ở nhiều nhà nhận đặt cơm cho khách du lịch. Với những ngôi nhà rộng, có những nhà có thể đặt đến 150 suất. Với những ngôi nhà nhỏ hơn họ cũng đặt cơm đôi dăm chục người.

Không có chỗ ngồi, họ sẵn sàng cho  khách ta, khách tây, khách tàu đến nhà thu tiền, ăn cơm uống nước, chật chội quá có khi quay mặt, quay lưng vào nơi tôn nghiêm để xì xụp chan húp. Người Việt Nam mến khách, nhu thuận, nhưng người Việt cũng đặt nặng vấn đề tâm linh. Đất làng quê thói, làng cổ Đường Lâm ngày càng biến đổi đến chóng mặt. Vẫn hình dáng thôn quê hôm nào nhưng đã khác xưa nhiều quá. 

Lượng du khách đến Đường Lâm là hơn chục vạn người. Với giá vé là 20.000 đồng/người, có thể thấy doanh thu tiền bán vé lên đến hàng tỉ đồng mỗi năm.  Số tiền đấy một dạo, báo chí cũng rùm beng lên vì dân không được hưởng, nó chạy đi đâu, vào ai vẫn là một sự khó hiểu. Cách làm kinh tế, mạnh ai nấy làm, đang là một thực trạng đáng ngại ở Làng cổ Đường Lâm. Để Đường Lâm thực sự hấp dẫn du khách cần điều chỉnh những vấn đề còn bất cập...

Trần Mỹ Hiền
.
.