Làng có bốn ngôi đền

Thứ Ba, 30/03/2021, 22:35
Xin được nói luôn, đó là làng Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Một ngôi làng cổ mà tới đó dường như "ra ngõ là gặp Đền" bởi làng hiện có bốn ngôi đền thờ những bậc kỳ tài là người con của làng và người tuy không phải người làng nhưng được dân làng tôn kính.


Nhớ người con làng Yên Phú

Đó là Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1915-1998), theo tôi hiểu thì cách gọi đó hơi khiêm tốn bởi đây thực sự là ngôi đền thờ đúng nghĩa.

Bước chân trên cây cầu bê tông, lát đá, lan can đá khá thanh đẹp bắc qua hồ nước rộng mà xa xưa đó là một dòng sông dẫn nước tưới tiêu chảy ngang làng Yên Phú, tôi đã có mặt trong khuôn viên của Nhà tưởng niệm; một biểu tượng của sự tri ân của người dân làng Yên Phú, của người dân xã Giai Phạm nói riêng và của nhân dân tỉnh Hưng Yên nói chung.

Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Văn Linh

Trong câu chuyện của mình, người dân nơi đây thường nhắc về "Người con ưu tú của làng" với niềm tự hào. Họ nói về cậu Cúc, rồi anh Cúc (tên khai sinh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh), về những ngày ông còn sống ở quê. Bôn ba hoạt động cách mạng, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã có nhiều đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Ông được xem là "Người mở đường" và có công lớn trong công cuộc đổi mới của Đảng ta.

Ông Đặng Đình Được, người trông coi Nhà tưởng niệm cho hay "Nhà tưởng niệm được xây dựng tháng 3 năm 2003 và hoàn thành tháng 9 năm 2004. Nhà tưởng niệm có tổng diện tích 1 ha, với diện tích ban đầu 2.000m2, vốn là nền đất cũ của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Nhận thấy giá trị của Nhà tưởng niệm trong lịch sử, văn hóa và trong tâm linh nên những nhà dân gần đó đã đồng lòng di dời để việc xây dựng Nhà tưởng niệm được rộng mở đúng với tầm vóc của người con ưu tú và vô cùng tự hào của làng".

Nhà chính được xây dựng theo kiểu nhà thờ truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ, với 5 gian, cửa thượng song hạ bản; đây là nơi để mọi người tới thắp hương tri ân. Trên ban thờ của nhà chính là bức tượng đồng Tổng Bí thư do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh dâng tặng. Bên trên là bức đại tự "Hưng quốc an dân" ca ngợi công đức của nhà lãnh đạo tâm tài của Đảng ta.

Khuôn viên của khu Nhà tưởng niệm còn có các công trình phụ trợ như: Nhà trưng bày hình ảnh và hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, khu phần mộ thân phụ và thân mẫu của Tổng Bí thư, cùng sân rộng đã tạo nên vẻ khoáng đạt như chính con người của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Năm 2018, kỷ niệm 20 năm ngày mất của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Nhà tưởng niệm nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.

Ông Được sau khi đợi tôi thắp nén hương xong thì mời tôi xuống "nhà ngang" để trò chuyện. Đó là một ngôi nhà dài từa tựa như một hội trường với những dãy bàn ghế xếp đều ngay ngắn. Ông Được cho hay "Đây là phòng Hội thảo của Nhà tưởng niệm". 

Được biết từ khi hoàn thành và đi vào hoạt động đến nay, Nhà tưởng niệm Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh thường xuyên có nhiều đoàn khách tới tham quan, viếng lễ và tiến hành các cuộc hội thảo khoa học. Ông Được cho biết: "Hàng năm có 4 đến 5 cuộc hội thảo. Mỗi cuộc khoảng 100 người. Đó là các đoàn nghiên cứu chính trị, các cán bộ từ các địa phương trong cả nước cùng cán bộ các ban ngành. Những cuộc hội thảo, sinh hoạt chính trị đó nhằm củng cố ý nghĩa của công cuộc đổi mới và con đường kiên định XHCN của Đảng ta.

Ngôi đền thứ hai

Tôi còn nhớ quãng hơn hai mươi năm trước khi làm bộ phim tài liệu "Đệ tứ chiến khu Đông Triều huyền thoại", tôi được Trung tướng Lê Hai, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đưa về làng Yên Phú để thăm nhà của Trung tướng Nguyễn Bình. Đón chúng tôi là ông Nguyễn Thế Cửu, cháu gọi Trung tướng Nguyễn Bình là chú ruột, nét mặt hân hoan vì được gặp lại "chú Lê Hai", bạn chiến đấu của chú Thảo (tên ở làng của Trung tướng Nguyễn Bình là Nguyễn Phương Thảo), một cái tên nghe vừa con gái lại vừa nhu mì.

Ấy thế mà không, Trung tướng Nguyễn Bình nổi tiếng là một dũng tướng, đôi khi hảo hớn nhưng đầy nghĩa hiệp. Ông Cửu nói luôn: "Nhà này cùng ba ngôi nhà nữa đều do chú Thảo xây dựng năm 1940, khi đó chú Thảo vừa ra khỏi nhà tù Côn Đảo, người Pháp đưa về quê kiểu như "quản thúc" ấy". Ông Cửu chỉ nói thế nhưng tôi được biết ông Thảo năm đó được mẹ mình cho tiền xây nhà với mong muốn người con út của mình "chí thú điền viên" rồi lấy vợ sinh con cho bà có thêm cháu.

Hồi năm 1945, Trung tướng Lê Hai là chiến sĩ dưới quyền Tư lệnh Đệ tứ chiến khu Nguyễn Bình. Tình cảm đồng đội, tình cảm anh em, tình cảm cấp trên cấp dưới luôn là điều Trung tướng Lê Hai nhắc tới với lòng ngưỡng vọng về người chỉ huy tài ba và oai hùng của mình. Trung tướng Lê Hai nói về trận đánh Đồn Đông Triều rạng sáng ngày 8 tháng 6 năm 1945, chỉ huy Nguyễn Bình đi đầu, tới cửa đồn ông yêu cầu lính gác mở cửa, rồi với vẻ đầy dũng mãnh, chỉ huy Nguyễn Bình rút súng Pạc-hoọc chĩa lên trời bắn ba phát.

Quan lính Đồn Cao hãi quá nhất loạt đầu hàng. Trung tướng Lê Hai nói nhỏ "May quá, súng của anh Bình chỉ còn có đúng một viên đạn". Rồi chuyện chiếm đồn Quảng Yên chiều ngày 20 tháng 7 năm 1945 nữa. Cũng như vậy, chỉ huy Nguyễn Bình đĩnh đạc bước vào đồn quắc mắt xưng danh. Đã nghe danh tiếng vị Tư lệnh Đệ tứ chiến khu nên quân lính trong đồn khiếp vía mà bỏ chạy để lại đồn cho quân ta.

Tôi cũng “đế” thêm một chuyện, đó là chuyện chỉ huy Nguyễn Bình đóng giả sĩ quan Nhật đêm ngày 12 tháng 3 năm 1945. Ông vừa tới cổng Đồn Bần, Yên Nhân (Mỹ Hào, Hưng Yên) liền tuốt gươm nói mấy câu "tiếng Nhật", đại loại như "Mì ô ma chi. Tô mi mi chi. Tô tau tau chi". Bọn lính Đồn Bần nghe mà run rẩy liền tức khắc giao đồn.

Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình.

Nghe chúng tôi kể chuyện, ông Cửu cũng góp, ông nói: "Tôi có lần được theo chú Thảo lên Lào Cai tìm mua súng cho cách mạng. Vừa xuống ga Hàng Cỏ đã thấy mấy tay cảnh binh tiến tới đòi xét vali. Chú Thảo không nói không rằng đặt vali xuống, mấy tên đó xúm lại nhìn ngó. Rất bình tĩnh và im lặng, chú Thảo mở nắp vali ra và rất nhanh lấy một khẩu súng lục, chú chĩa vào ngực một tên. Cả bọn thấy thế sợ quá chết lặng mấy giây rồi bảo nhau lảng đi cho chú cháu tôi qua". Trung tướng Lê Hai xúc động: "Chỉ tiếc là anh Bình hy sinh trên đất Campuchia ngày 31 tháng 12 năm 1951, trong lần ra Bắc công tác".

Lần này trở  lại làng Yên Phú, ngoài chuyện thăm lại ngôi nhà xưa của Trung tướng Nguyễn Bình tôi còn có dịp được tới viếng tại Nhà tưởng niệm ông. Một ngôi nhà tưởng niệm cũng phải gọi là Đền thờ mới đúng nghĩa, đúng vị thế và đúng với tầm vóc.

Đón tôi bây giờ là ông Nguyễn Thanh Tùng, con trưởng của ông Nguyễn Thế Cửu (ông Cửu đã mất mấy năm trước) và gọi Trung tướng Nguyễn Bình là ông trẻ. Ông Tùng hồ hởi cho hay "Nhà tưởng niệm này được xây dựng năm 2018 và được xây dựng trong khoảng thời gian khá nhanh. Đầu năm khởi công, giữa năm đã xong".

Được khánh thành vào đúng dịp Ngày thương binh liệt sĩ như là một sự tri ân với Trung tướng, liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Bình, Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình nổi bật giữa không gian thoáng đạt và chỉ cách Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mỗi con đường làng. Những người xây dựng đã thật ý nhị trong thiết kế, bởi muốn vào bên trong sân người tới đều phải hơi cúi đầu bước những bước lên bậc thềm của cổng tam quan, điều "nhỏ nhặt" đó cho tôi đã cảm được sự tôn nghiêm, sự ngưỡng vọng về người chỉ huy quân sự tài ba của Đảng ta, của Quân đội ta.

Bức đại tự treo chính điện thờ Trung tướng Nguyễn Bình nổi bật dòng chữ "Nghĩa hiệp tướng quân", đó không chỉ là danh xưng mà dân gian vì mến trọng đã "phong" cho Trung tướng Nguyễn Bình mà toát lên sự nghiệp của vị tướng lẫy lừng mà cũng đầy lòng vị tha. Trung tướng Nguyễn Bình luôn tìm cách hạn chế đổ máu cho cả hai bên mỗi khi xung trận.

Ngôi đền thứ ba và ngôi đền thứ tư

Ông Nguyễn Xuân Bể, thủ từ Đền Trà, mời tôi vào thắp hương trong điện mà vẻ mặt cứ băn khoăn, thì ra ông ái ngại phải tiếp khách ở ngôi đền đã hơn sáu trăm năm tuổi đang xuống cấp. Tôi an ủi "Cũng như mọi lần bác ạ. Rồi dân làng sẽ lại chỉnh trang nâng cấp thôi".

Chuyện kể rằng: Tướng Đoàn Thượng người Đông Hải (Hải Dương) vì không chịu hợp tác với Triều mới (Triều nhà Trần) nên bị sát hại. Ngài bị phục chém trọng thương, đầu sắp lìa khỏi cổ nhưng vẫn cố phóng ngựa theo đường kinh lý (quốc lộ 5 hiện nay) để trở về quê. Đến Gò Mả Chín gần làng Yên Phú thì dừng lại, bên đường thưa thớt nhưng lại có một quán vắng. Bà lão chủ quán vừa thấy Ngài đã nói "Tôi chờ ông ở đây lâu lắm rồi".

Hơi kinh ngạc nhưng tướng quân cảm thấy yên tâm để dừng nghỉ. Bà lão sai người cháu mổ gà đãi khách nhưng người cháu vừa cắt tiết gà xong thì con gà tung chạy. Tướng quân liền hỏi: "Đầu bị chém liệu người còn sống được không?". Bà bán nước thản nhiên trả lời: "Đầu đứt rơi khỏi thân thì người cũng chết". Tướng Đoàn Thượng nghe vậy liền phóng ngựa phi tiếp về quê. Đi chừng hai cây số thì đầu của ngài rơi xuống đất. Chỗ đầu Ngài rơi xuống là làng Bần Yên Nhân, ở đây hiện có một ngồi Đền thờ Ngài rất trang trọng và to rộng.

Ông Bể kể xong thì chậm rãi đọc "Đình làng tả hữu, ngự song trình/ Đông Hải Đại Vương, tọa hiển linh/ Dẫn Ngữ: Nam ban, trời lộng gió/ Trà Lôi: Tây kết, đất trường sinh". Rồi ông giải thích "Làng Yên Phú xưa gồm hai thôn, đó là thôn Trà Lôi và thôn Ngữ Dẫn (sau người dân gọi tắt là thôn Trà và thôn Ngự). Cả hai thôn đều có đền thờ vị danh tướng trung thần của nhà Lý là Đoàn Thượng - Đông Hải Đại Vương Thượng Đẳng Thần. Thành thử làng Yên Phú có hai đền cùng thờ một người.

 Đền thờ Tướng Đoàn Thượng - Đông Hải Đại Vương Thượng Đẳng Thần nằm ở giữa thôn Trà, là nơi người dân thường tụ họp mỗi khi có việc nên hay gọi là Đình. Trước đền là một hồ nước quanh năm xanh mát, hè về ngan ngát hương sen. Một ngôi đền theo lối kiến trúc hậu Trần đầu Lê nên độc đáo nhờ những hoa văn, họa tiết rồng phượng, truyền rằng đền rất thiêng, rằng vị tướng trung thần xưa đã độ trì cho dân làng cho nên làng đã sinh ra nhiều người con kỳ tài, lỗi lạc.

Còn Đền Ngự tuy xây dựng sau và giản tiện hơn nhưng cũng đang xuống cấp. Đền Ngự chỉ cách Đền Trà chừng ba trăm mét và nối thông với nhau nhờ một hồ nước dài. Bên kia hồ nước là Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Hôm tôi tới thăm thấy có biển cấm ra vào bởi sợ sự cố đổ sập. Điều tình cờ mà lý thú là Đền Ngự cùng với "hai ngôi đền mới" là Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình hình thành nên thế chân kiềng, hợp thành "Quần thể Lịch sử, Văn hóa - Tâm linh" của làng và của xã. Hứa hẹn một "điểm du lịch" nhiều triển vọng cho làng quê đang chuyển mình theo hướng công nghiệp và dịch vụ.

Và như anh Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch HĐND xã Giai Phạm, kiêm công tác văn hóa xã cho hay thì sắp tới đây xã Giai Phạm sẽ xây dựng Đền thờ Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Nữ thi sĩ lừng danh này là con gái họ Đoàn thôn Giai Phạm. Nếu việc xây dựng Đền thờ Đoàn Thị Điểm như kế hoạch thì xã Giai Phạm ngoài bốn ngôi đền ở làng Yên Phú như đã nói sẽ có thêm ngôi đền thứ năm. Anh Bình cho biết thêm: "Xã đang dự kiến hai vị trí để xây dựng Đền thờ Đoàn Thị Điểm. Một là tại thôn Giai Phạm, quê bà. Và hai là tại khu "Quần thể Lịch sử, Văn hóa - Tâm linh" hiện nay của xã".

Tôi bước ra ngoài sân, hôm nay trời có nắng. Ánh nắng đầu xuân như đã làm ấm lên những hy vọng.

Nguyễn Trọng Văn
.
.