Lắng nghe và can gián

Thứ Năm, 16/02/2012, 15:25

Cụm từ ấy quá quen thuộc đối với mỗi chúng ta. Song, hiểu và thực hiện đúng ý nghĩa của nó lại không dễ gì đối với một số người.

Lắng nghe: Thuở xưa, ấy là lời khuyên của bậc quân vương, các quan đại thần đối với thần dân trăm họ; ngày nay, đối với lãnh đạo các cấp với cấp dưới và quần chúng nhân dân.

Can gián: Thuở xưa, ấy là lời khuyên dành cho  các quan đại thần đối với bậc quân vương, và ngày nay là dành cho cán bộ  các cấp đối với cấp trên của mình.

Đó là quy luật về sự phát triển xã hội, biểu hiện tinh thần dân chủ, văn minh. Nó đã được thể hiện rất nhiều trong các văn bản, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là trong cuốn "Sửa đổi lối làm việc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành từ 65 năm trước.

Phân định như trên, theo thiển nghĩ của kẻ viết bài này, chỉ là tương đối. Còn thực ra cụm từ "Lắng nghe" và "Can gián" là phép xử thế của tất cả mọi người. Cố nhiên nó sẽ  khó "hấp thụ" với 2 loại người:

Những người quan liêu mệnh lệnh, chủ quan duy ý chí. Họ coi ý họ là ý trời. Lời họ nói ra là lời vàng ý ngọc nên thiên hạ miễn bàn; Những người sống an phận, kẻ cơ hội, không dại gì can gián bề trên. Đã có bao cơ đồ sụp đổ bởi bậc quân vương mắc phải bệnh này - bệnh không lắng nghe. Tỉ như chuyện xảy ra ở đất nước Trung Hoa thời "thất quốc tranh hùng" trước Công nguyên (Tần, Sở, Tề, Ngụy, Triệu, Hàn, Yên). 7 nước xâu xé nhau, tranh giành quyền bính.

Xếp đầu bảng là nước Tần, kế đến là Sở. Vì vậy Sở luôn là đối thủ đáng gờm mà Tần phải thôn tính đầu tiên.

Dẫu rằng nước Sở đang ở trong giai đoạn cường thịnh, song có nhiều dấu hiệu cho thấy đang đứng bên bờ của sự hủy diệt. Trong số quan đại thần, có một người cảm nhận điều đó. Đó là Khuất Nguyên (năm 340 - 278 trước Công nguyên. Nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc). Người mà một thời đã được Sở Hoài Vương tin cậy, thăng tới chức Tả đồ (một chức quan chỉ đứng sau Lệnh doãn - Tể tướng). Cái điều mà Khuất Nguyên nhìn ra đó là triều đình rệu rã. Nhiều chủ trương, chính sách sai lầm, quan tham ngụp lặn trong ăn chơi trác táng, nạn bè phái ngự trị, khống chế triều đình; quan thanh liêm yếm thế, bị bao vây cô lập, đẩy ra khỏi guồng quay ma giáo của tệ tham ô, tham nhũng, tiêu cực, ức hiếp dân chúng… Trước tình hình đó, Khuất Nguyên tấu lên Sở Hoài Vương  một số chủ trương để cứu nguy đất nước. Song, những chủ trương, chính sách đó lại đụng chạm tới quyền lợi của bọn gian thần, nên chúng hùa nhau gièm pha, chống đối, khích bác, xúi bẩy… đến nỗi đức vua ngày một xa lánh  và tới cực điểm mâu thuẫn, bất công, ấy là Sở Vương cho rằng những điều Khuất Nguyên nêu ra chỉ là tối kiến, làm suy yếu đất nước, đã bắt ông lưu đày khổ sai 20 năm nơi rừng xa núi thẳm (thuộc tỉnh Hồ Nam ngày nay).

Đúng như những điều Khuất Nguyên bẩm tấu, chỉ mấy năm sau, lợi dụng cảnh "tức nước vỡ bờ", dân chúng lầm than oán thán và đã nổi loạn ở nhiều nơi. Trong khi đức vua vẫn hả hê "trong ánh hào quang vạn tuế, quốc gia hưng thịnh" trước miệng lưỡi của lũ gian thần…  đại binh Tần đã tràn  sang "làm cỏ" nước Sở, tàn phá kinh thành, tiêu hủy lăng mộ các triều vua. Trước hung tin đó, không còn điểm tựa mong manh nào, Khuất Nguyên đã nhảy xuống sông Mịch La tự tử. Nhằm tiết hạ tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 Âm lịch). Dân gian gọi đó là tết giết sâu bọ. Ông đã để lại cho đời nhiều kiệt tác: Điển hình là một bài thơ tứ tuyệt khắc họa triều đình nước Sở một thời: “Chuông đồng đúc bỏ không dùng tới/ Mảnh chĩnh rè sớm tối gõ khua/ Đề cao những kẻ nịnh thưa/ Anh hùng bỏ xó nắng mưa bẽ bàng”.

Cũng trên đất nước Trung Hoa, gần 1000 năm sau,  (năm Tây Nguyên thứ 960); Hoàng đế Đường Cao Tông (Lý Trị) băng hà. Hoàng hậu Võ Tắc Thiên lúc đó mới ngoài 30 tuổi lên ngôi, xưng đế tại thành Lạc Dương. Năm 82 tuổi qua đời. Sau hơn 50 năm trị vì đất nước, bà đã làm được nhiều việc quan trọng:

- Giúp Cao Tông gánh vác triều chính trước khi lập được tân triều Đại Chu.

- Giúp thiên hạ được thanh bình.

- Giữ trung thần ở lại triều đình. Ban hiền đức cho xã tắc.

- Làm được những chuyện xưa nay chưa từng có. Giải quyết triều chính thỏa đáng, thấu tình đạt lý.

- Tha chết cho triều thần cương trực bị trị tội.

- Tiếp thu lời can gián mạo phạm và tiêu diệt gian thần độc ác.

Tuy nhiên, có một giai đoạn Võ Tắc Thiên bị lên án là người đàn bà tàn ác bởi nghe theo bọn gian thần: Lai Tuấn Thần, Khâu Thần Tính, Chu Hưng… để chúng lộng hành, xử lý nhiều người tốt, trung thành với triều đình bằng cách gán cho họ tội mưu phản. Song, giai đoạn cuối đời, bà đã "lập công chuộc tội", sử dụng tất cả những đại thần công tâm, chính trực như Địch Nhân Kiệt (quốc lão), Ngụy Nguyên Trung (tướng tài), Ngụy Thuận An, Hiểu Nhi (trợ lý đắc lực), Trương Giản Chi… Đã hủy kế hoạch xây lại "Vạn Tượng thần cung" do bọn gian thần, tham nhũng đề xuất vì quá tốn kém.

Từ thực tế cuộc đời, Võ Tắc Thiên đã rút ra một kết luận quan trọng: "Làm hoàng đế cần biết lắng nghe. Làm đại thần phải biết can gián". Kinh nghiệm ấy, thiết nghĩ thành bài học cho mọi thời.

Chuyện xưa, lại nghĩ tới ngày nay, giá như cán bộ lãnh đạo ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng họ là người biết lắng nghe và những cán bộ thuộc các đơn vị chức năng ở đây, họ là những người biết và dám can gián thì chắc rằng sẽ không diễn ra hậu quả như hiện nay. Không hiểu trên đất nước này còn bao nhiêu quan đầu tỉnh, đầu huyện, đầu một lĩnh vực mà trình độ ấu trĩ như vậy? Ấu trĩ hay là đặc quyền đặc lợi mà bất chấp luật pháp quốc gia như thế? Cả nước đang chờ câu giải đáp

K.M.D.
.
.