Lăng tẩm những vị vua triều Nguyễn

Thứ Bảy, 19/05/2007, 11:00
Cố đô Huế, thành phố của kiến trúc đặc thù với hoàng thành cổ lệ và lăng tẩm gần đủ của 13 đời vua Nguyễn. Thế nhưng, bộ mặt lăng tẩm Huế đang tồn tại một thực tế: cái được đầu tư quá hoành tráng, cái vẫn rêu phong dãi dầu nắng mưa...

Lăng được hiểu là nơi chôn cất thi thể của các vua chúa khi băng hà. Còn tẩm là nơi thờ tự các vị ấy, nằm trong một cụm di tích nên được gọi chung là lăng tẩm.

Lăng tẩm các đời vua chúa Nguyễn để lại cho đời sau là những công trình kiến trúc có tính lịch sử và nghệ thuật cao. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, hiện nay có sự phân biệt rõ nét của người đời sau với các lăng vua. Cụ thể hơn là, lăng nào thu hút được nhiều du khách thì được đầu tư trùng tu chu đáo. Còn lăng nào không lôi kéo được du khách, thì vẫn rêu phong.

Ông Phùng Phu, kiến trúc sư, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã phủ nhận hoàn toàn ý kiến này. Ông Phu chỉ cho rằng, khác biệt thì có, nhưng phân biệt thì không. Khác biệt là do kiến trúc nó thế, điều này hoàn toàn đúng. Khác biệt còn do chưa có điều kiện trùng tu hết, chỉ tập trung vào những di tích được ưu tiên trước...

Tuy nhiên, để rõ hơn ý kiến của các nhà nghiên cứu và của ông Phu, PV Chuyên đề ANTG đã mục sở thị hầu hết các công trình lăng tẩm của các đời vua Nguyễn...

Các lăng được chăm chút kỹ

Lăng Khải Định, lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Gia Long là 4 lăng đẹp nhất trong quần thể kiến trúc lăng tẩm Huế và thu hút được rất nhiều khách du lịch tham quan.

Với các lăng trên, trừ lăng Gia Long đang ở giai đoạn trùng tu, thì 3 lăng còn lại được săn sóc khá chu đáo để phục vụ du lịch. Mỗi lăng có trung bình từ 10 đến 15 biên chế và một lực lượng nhân viên hợp đồng khá đông để làm những công việc như đón tiếp, quét dọn, làm cỏ, tưới cây...

Lăng Minh Mạng, dù vẫn còn những vết tích tàn phá của cơn lũ lịch sử năm 1999 trên những phiến gỗ, tường thành và các cửa nhưng vẫn không mất đi độ hoành tráng thời nguyên bản. Vì Minh Mạng là một vị vua tôn thờ Nho giáo nên lăng của ông được thiết kế theo lối đăng đối khá hoàn hảo.

Tất cả các công trình đều nằm trên một trục thành đạo, sâu vào 700m. Xung quanh lăng là những hồ nước uốn lượn như những cánh tay trần. Nơi vua nằm là một ngọn núi khá tĩnh lặng.

Và hiện nay, những đường đi lối lại bên lăng Minh Mạng tương đối tinh tươm sạch sẽ, cỏ cây được cắt dọn gọn ghẽ. Những nhân viên bảo vệ cho rằng, dường như tuần nào họ cũng dọn cỏ và mỗi sáng đều quét sạch khu lăng để đón khách. Sân và hiên ít tìm thấy bóng dáng lá rụng. Nước của những chiếc hồ xung quanh xanh biếc. Những chiếc cầu sơn mới...

Hôm tôi đến viếng thăm là một ngày không phải cuối tuần, cũng không lễ lạt nhưng khách Tây, khách ta vẫn nườm nượp. Ôtô đỗ đầy đường đi lối lại dù lối vào lăng đường khá hẹp. Một nhân viên bảo vệ hỏi tôi suy nghĩ gì về việc chăm sóc lăng?

Dĩ nhiên là những lời khen. Anh bảo: “Phải thế thì mới thu hút được hàng trăm khách mỗi ngày. Có ngày hơn 1.000 khách cả Tây lẫn ta đấy anh ạ” (vé vào cửa của mỗi khách, khách ngoại quốc 55.000 đồng, khách trong nước 30.000 đồng là giá chung của các lăng trên).

Lăng Vua Khải Định là một trong những lăng tẩm Huế đến giờ vẫn giữ được vẻ hào nhoáng như xưa. Là một ông vua ảnh hưởng văn hóa phương Tây và hâm mộ vẻ đẹp kiến trúc phương Tây  nên Vua Khải Định đã tự thiết kế công trình lăng tương đối tỉ mỉ, mang màu sắc Đông Tây kết hợp. Lăng của ông mang dáng dấp một cung điện xứ Tây nhưng lại có nét yên bình của những đền chùa miếu mạo của phương Đông.

So với các lăng khác, lăng Khải Định nhỏ về quy mô nhưng lại có một chiều cao khác thường. Để vào được lăng, khách phải bước lên 127 bậc. Ngay những vật liệu trên lăng và những họa tiết trang trí cũng khá mới mẻ. Những bức tứ quý, tứ bình được tạo bởi những mảnh pha lê từ các bình hoa phương Tây.

Và cũng như bao lăng đẹp khác, lăng Khải Định được “chăm sóc” với một chế độ rất đặc biệt và có hơn 10 nhân viên phục vụ. Những sân hiên, bậc thềm được quét dọn thường xuyên. Phần nội có phòng trà tạm.

Nơi vua yên nghỉ đèn hoa lộng lẫy và ruybăng giăng tứ phía như một sân khấu tráng lệ. Đây cũng là một trong những lăng thu hút được nhiều du khách nhất ở Huế, trung bình mỗi ngày trên dưới 1.000 khách và có thời cao điểm lên tới gần 2.000 khách.

Lăng Tự Đức với hơn 50 công trình được bố trí trên một chiều rộng 12,5 ha, với tường bao bọc 1.550m. Trong lăng, có nhà hát tuồng gọi là Minh Khiêm Đường, có điện Hòa Khiêm và Duy Khiêm lầu, có hồ Lưu Khiêm được khơi nguồn như một dòng suối nhỏ, có nhà Thủy tọa và những cốc nhỏ giữa một hòn đảo Tịnh Khiêm giữa hồ.

Công trình này như một tòa thành, khi còn sống Tự Đức thường lên đây ở và dưỡng bệnh, được gọi là Khiêm cung, khi vua băng hà được gọi là Khiêm lăng.

Về chữ Khiêm này, Tự Đức nhận mình: “Khiêm là kính là nhường. Ta có tài đức gì mà không Khiêm?”. Theo một số nhà nghiên cứu  thì chữ Khiêm này Tự Đức lấy trong một quẻ kinh dịch, là “Địa sơn Khiêm”, tạm hiểu là, nếu đặt chữ Khiêm khi xây dựng hậu phần thì việc trị vì của vua sẽ được lâu hơn.

Lăng minh mạng.

Trong “Địa sơn Khiêm” có nói rằng “Người quân tử có khi hạ mình xuống, nhưng người khác lại nâng mình lên”. Tự Đức ứng dụng điều này vào kiến trúc và chọn một nơi không bằng phẳng, có chỗ cao, chỗ thấp, bố trí nhà cửa. Thực tế, Tự Đức là ông vua trị vì lâu nhất trong các ông vua triều Nguyễn với 36 năm. Ông thọ 54 tuổi và không có con nối dõi.

Một điều rất đáng chú ý ở Khiêm lăng là tấm bia ở Bi đình  nặng trên 20 tấn do Tự Đức tự dựng cho mình (thông thường, con phải dựng văn bia cho cha nhưng do Vua Tự Đức không có con nên ông tự dựng).

Tấm bia phá kỷ lục về độ lớn và nặng của các văn bia ở Việt Nam, có đến 4.935 chữ Hán khắc vào hai mặt, mặt trước viết  theo lối chân và mặt sau viết theo lối thảo, đề cập đến rất nhiều vấn đề, trong đó, Tự Đức đã chửi thực dân Pháp cậy thuyền to súng lớn sang cướp nước ta và trách các quan không đủ tài đủ sức cùng vua giữ gìn đất nước. Cuối cùng, vua nhận hết tội lỗi về mình: “Trăm việc không làm được là tội của ta. Dùng người không đúng là tội của ta. Cuộc đời của ta, mọi người tự phán quyết”.

Lăng của Vua Tự Đức hiện nay được 14 nhân viên thường xuyên chăm sóc, bảo quản chu đáo và cẩn thận. Những thớ gỗ nguyên bản trên các lầu dù đã đổi màu sơn nhưng vẫn bền chắc với mưa nắng. Hậu thế xem công trình này như một công viên, và thực tế, nó cũng có dáng dấp của một công viên. Dĩ nhiên, không thể vào “công viên” nếu không mua vé với giá từ 30 đến 55 ngàn đồng.

Lăng Tự Đức cùng lăng Minh Mạng, Khải Định là 3 công trình được ưu tiên trùng tu trong các dự án trùng tu di tích từ năm 1996 đến nay theo lời của ông Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.--PageBreak--

Và những lăng “cô đơn”...

Việc các lăng được trùng tu, bảo vệ cẩn thận, đó là một tín hiệu mừng đối với các di tích. Việc làm đó còn khẳng định lối làm du lịch rất khôn ngoan của người Huế, biết đầu tư đúng chỗ, đúng mục đích. Tuy nhiên, đối với các di tích có ý nghĩa lịch sử thì dù có làm du lịch hay không làm du lịch cũng đều phải được nhìn nhận ngang nhau về mặt trách nhiệm bảo tồn.

Vua Hiệp Hòa, vị vua được các quyền thần đưa lên trong một giai đoạn rất lục đục nhiễu nhương của triều Nguyễn sau khi Tự Đức qua đời. Ông đã bị giết hại sau 4 tháng trị vì.

Khi bị giết, ông được mai táng rất sơ sài tại xã Dương Xuân, huyện Hương Thủy. Mãi đến năm 1997, các hậu duệ của ông đã cải táng và đưa ông về vùng núi Thiên Thai thuộc thôn Ngũ Tây, xã Thủy An, thành phố Huế.

Nhưng bây giờ, nói riêng nhân viên của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, không mấy ai biết lăng ông ở đâu chứ chưa nói đến người dân. Thực ra, nó không quá xa để mà không biết, cách Huế chưa đầy 20km. Nó quá hoang vắng và quạnh quẽ như một nấm mộ đơn giản.

Lăng Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân nằm chung một khu vực, gọi là An Lăng. Gọi là khu vực nhưng thực ra chia thành hai cụm, một cụm là lăng Dục Đức và một cụm là lăng Thành Thái, Duy Tân và các hoàng tử, hoàng thân, công chúa...

Dục Đức, ông  vua 3 ngày (17 đến 20/7/1883), con nuôi của Vua Tự Đức và là người đầu tiên được Vua Tự Đức chọn kế vị. Vì không đọc đúng ý chỉ của Tự Đức nên Dục Đức bị quy tội là trái ý chỉ, nên sau 3 ngày làm vua đã bị bắt giam và bị chết đói.

Sau khi chết, thi thể của Dục Đức được bó chiếu gánh đi chôn nhưng giữa đường bị đứt dây rơi xuống nên mai táng luôn tại chỗ. Nấm mồ đầu tiên khá đơn giản, sau này khi Bửu Lân - con trai của Dục Đức lên ngôi lấy niên hiệu Thành Thái, đã xây lăng cho cha mình tại đây.

Khu vực An Lăng như một “đại gia đình”. Khi qua đời, cựu hoàng Thành Thái cũng được mai táng ở đây. Năm 1987, hài cốt Vua Duy Tân, một ông vua yêu nước - con trai của cựu hoàng Thành Thái cũng được mang từ châu Phi về sau bao năm yên nghỉ ở xứ người.

Trước đây toàn bộ khu vực An Lăng là cơ sở của những cơ quan, đặc biệt là một ngôi trường đóng gần đó và ngay cạnh là một cơ sở chế biến thức ăn gia súc, lấn chiếm vào tận trong. Bây giờ xưởng thức ăn gia súc tuy không chế biến nữa nhưng vẫn còn kho bãi. Còn ngôi trường thì đã chuyển đi. 

Cổng vào cụm lăng Dục Đức, tường vôi đã hư hỏng nặng. Còn cụm lăng Thành Thái, Duy Tân cổng vào rất sơ sài. Khi người bảo vệ mở cổng để chúng tôi vào thì trong đó có một toán người ngồi đánh bạc, rồi ăn uống bừa bãi, xả rác lên các mộ phần. Và nữa, nhà cửa ngổn ngang, mái cong, mái vẹo “mọc” cùng lăng như một... “quần thể”.

Trùng tu bảo vệ đồng bộ là điều cần thiết

Về thực trạng quanh một số lăng tẩm, ông Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã thừa nhận là có sự lấn chiếm ở khu vực An Lăng.

Ông Phu cũng cho biết thêm tại sao có những lăng tẩm được chú trọng đầu tư, và cái không được chú trọng là “đồng vốn không phải nhiều đến mức muốn làm gì thì làm. Đồng bộ nhưng phải trọng tâm, trọng điểm. Có những công trình đầu tư không thể không nói đến nhu cầu của khách. Người ta muốn tìm hiểu được những cái lăng có bố cục, kiến trúc đẹp. Không thể đầu tư trên mây trên gió được!”.

Dĩ nhiên, ý kiến đúng, rất đúng nhưng thực tế thì sự đầu tư cho các lăng chưa có sự đồng bộ. Từ trước tới nay những giai đoạn trùng tu vẫn đang lẻ tẻ, một số lăng được tu bổ nhiều đợt nhưng một số lăng thì không được quan tâm.

Tính từ năm 1996 đến nay, Nhà nước đã đầu tư 307 tỉ đồng để tu bổ di tích Huế nằm trong cụm Di sản Văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Ba năm trước, Chính phủ từng ra Quyết định 105 để dựng lại chân dung di tích Huế với số vốn đầu tư 720 tỉ nhưng trong quá trình thực hiện chỉ lần lượt chứ không đồng bộ.

Sau 3 năm vẫn chưa có một di tích nào được dựng lại chân dung một cách hoàn thiện trong khi đó, vốn được tính lại không phải là con số 720 tỉ nữa mà đã lên tới 3.000 tỉ theo thông tin từ phía ông Phùng Phu.

Ông cho biết, với 3.000 tỉ thực hiện trong vòng 10-15 năm nữa, nhiều di tích sẽ lấy lại được bộ mặt của nó. Ông nói một thực tế: “Tôi thấy nhiều di tích người ta chỉ biết được một việc là ngồi thu lợi nhuận mà ít tính đến việc tu bổ nó như thế nào”.

 Ông Phan Thuận An, nhà nghiên cứu văn hóa Huế cho rằng, nếu chỉ đầu tư cho các lăng trong cụm di tích được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, là một việc làm thiếu công bằng với di tích.

Mặt khác, theo ông: “Cần tránh lối suy nghĩ tính toán lăng tẩm nào thu được lợi nhuận thì đầu tư trùng tu, lăng tẩm nào chưa thu được thì bỏ mặc. Đầu tư cho di sản văn hóa thế giới là cần thiết nhưng di tích của ta lẽ nào lại để có sự chênh lệch lớn đến như vậy.

Mình đầu tư và trùng tu đồng bộ sẽ tái hiện một giai đoạn không ngắn lịch sử Việt Nam như thế nào. Mục đích của việc làm đó không chỉ làm về du lịch như hiện tại mà là giữ di tích, giữ lịch sử cho hậu thế”

Hoàng Nguyên Vũ
.
.