Làng võ cổ truyền khuyết đi lão võ sư Lâm Hổ Ngô Bông

Thứ Tư, 26/10/2011, 21:35

Chỉ sau một cú nhồi máu cơ tim và thêm dăm ngày nằm viện, lão võ sư Lâm Hổ Ngô Bông, truyền nhân bài Hùng Kê Quyền của Đông Định Vương Nguyễn Lữ,  đã ra đi, bỏ lại xứ võ núi Ấn sông Trà vốn đầy ắp những huyền thoại sự trống vắng,  bởi cái bóng của cụ Ngô Bông ở xứ võ này nó rợp, nó đầy đặn làm sao.

Tài thì đã hẳn. Danh thì mới gần đây nhất bộ phim tài liệu "Đời võ" nói về thân thế võ sư Ngô Bông đã đoạt vòng nguyệt quế tại Liên hoan phim Milano cho mảng đề tài chân dung thể thao. Về sự đức độ và lòng nhân ái thì nói không quá, những người được cụ chữa bệnh bốc thuốc cho phải lên đến hàng ngàn, học trò được cụ nuôi ăn nuôi ở, bất kể có thành tài hay không, phải lên đến hàng trăm.

Người thầy tốt đến độ học trò vẫn cứ than thầm trong lòng mà không hề dám tỏ chút bất kính là "sinh nhầm thế kỷ" bởi đằng đẵng hàng chục năm trời cứ nuôi không một lô một lốc học trò trong thời buổi gạo châu củi quế đận bao cấp, thậm chí cho đến cả khi kinh tế thị trường rầm rập gõ cửa từng gia đình thì cái nếp hào sảng ấy vẫn không hề thay đổi.

Tôi vẫn nhớ như in những bữa cơm trong gia đình lão võ sư Ngô Bông hồi đầu năm 2005 khi kẻ ngoại đạo là tôi tá túc ở nhà thầy non tháng trời. Một bát mắm mực để ở giữa mâm, một đĩa rau luộc, một bát nước canh. Cái công thức ẩm thực ấy gần như không thay đổi. Và cụ ông, cụ bà ngày nào cũng như ngày nào đều để dành phần cơm cho một vị khách trời ơi đất hỡi như tôi, người hồi năm 2003 lẫn hồi 2005 bước vào nhà cụ xin ở nhờ chỉ với đúng một câu giới thiệu: Con là bạn của một người đệ tử cũ của thầy! Không một câu căn vặn, không một lời dò xét, cánh cửa ngôi nhà cũ kỹ chẳng chút tiện nghi trên khu Gò Sa, xã Nghĩa Hành ấy luôn mở rộng.

Cái nghĩa cử cao đẹp ấy, cái tấm chân tình hiếm hoi ấy đã khiến cho tờ An ninh thế giới Cuối tháng hồi đó hồ hởi vỡ vạc ra những là tượng đài võ thuật xứ Quảng Ngãi như "Gấu già" Bảo Truy Phong Chín Sửu, Lâm Hổ Ngô Bông; những dòng họ can đảm dũng mãnh….

Trời Quảng Ngãi sụt sùi trong cơn bão số 5 nhưng những đệ tử của võ sư Ngô Bông từ khắp mọi miền đã đổ về quần tụ trước linh cữu thầy. Tấm biển “Võ đường Ngô Bông” bình thường được khiêm tốn để phía trong nhà, nay được trang trọng lau cho sáng bóng lên, đường bệ rực lên trong ánh nến. Những đệ tử đã thành danh của Ngô phái đã ba đêm nay túc trực bên linh cữu sư phụ: "gà nòi" Ngô Ân, người đã đi vào tâm khảm người yêu võ Quảng Ngãi với trận đánh kinh điển năm 1983 với "hùm xám miền Trung" Tấn Nhất Di, trận đánh mà người hâm mộ đông đến mức đẩy đổ cả tường rào sân vận động để tràn vào; Ngô Khẩn, người thuở nào từng 5 năm liền không có đối thủ về võ tự do hạng cân 54kg…

Trong số những đệ tử ấy, có cả những người đã thay đổi cả cuộc đời chính từ sự nhân ái của thầy Ngô Bông, chứ không phải từ những đòn đánh bí truyền. Tôi biết người đệ tử không đêm nào không nằm ngủ bên linh cữu sư phụ ấy là tổng giám đốc của một công ty xây dựng lớn ở Thanh Hóa. Mười mấy tuổi, anh phải tha hương. Võ đường kiêm đại gia đình trên đỉnh Gò Sa ấy đã cưu mang anh, cho anh một chốn nương thân và những bài học về võ thuật và võ đạo. Kể từ khi thầy Ngô Bông trở bệnh cho đến khi ra đi, người học trò ấy chưa hề một phút trễ nải.

Có lẽ cái nề nếp, cái phái phong ấy bắt nguồn từ chính cách hành xử của lão võ sư Ngô Bông đối với những người thầy của mình. Đận năm 2003, khi đã 76 tuổi, thế mà khi nghe tôi nhờ đưa đến thăm cụ Chín Sửu, ông Ngô Bông ngay lập tức vào nhà thay quần áo, đích thân dùng xe máy đưa tôi đến nhà thầy. Xem ra cái việc ông thênh thang truyền hẳn cho một gã ngoại đạo như tôi nguyên bài võ quạt còn dễ dàng hơn việc chấp nhận một ai đó thay ông đưa người khác đến thăm thầy. Và tôi đã được chứng kiến đầy đủ sự cung kính, ngập ngừng pha lẫn lúng túng của người học trò trước thầy giáo, dù một người đã 76 tuổi và người kia đã 93.

Một người dáng mảnh khảnh luôn khiêm tốn ngồi từ đằng xa nhưng tôi biết hiếm khi vắng mặt kể từ khi lão võ sư lâm bệnh chính là đạo diễn Nhật Thảo của bộ phim "Đời võ", một bộ phim tài liệu khá kỳ công về gốc tích những bài võ thành danh của võ sư Ngô Bông cũng như các phả hệ  lẫn tư liệu liên quan để đưa ông về với gốc tích nhà Tây Sơn. Thú thực tôi khá có thành kiến với kiểu làm phim tư liệu của mình, khá áp đặt và suy diễn, nhưng đã ngạc nhiên về cách làm phim có tư duy phản biện, luôn đặt câu hỏi và tìm cách trả lời câu hỏi một cách khả dĩ nhất này. Hóa ra vị đạo diễn trẻ ấy cũng là con nhà tông, vốn là con trai của nhà thơ Thanh Thảo.

Nhật Thảo tâm sự anh đã "lên đồng" trong quá trình làm phim, không phải sự lên đồng vì kiếm tìm được một tài năng đích thực hay những chi tiết chưa từng được khám phá, mà là vì nhân cách và sự quên mình vì võ học của cụ Ngô Bông. Càng tiếp xúc với nhiều nhân chứng, anh càng hứng khởi trước sự giàu có về nhân cách của một võ sư gia cảnh luôn không hề dư giả. Nhận định này khiến tôi nhớ tới ông Trương Quang Trung, nguyên Tổng thư ký Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, người mà hễ cứ nhắc tới cụ Ngô Bông đều rưng rung nước mắt vì cảm động.

Kể ra cũng là lạ với cái tấm chân tình nồng ấm của một vị quan chức đối với một vị võ sư, cái thứ mà chúng tôi trong quá trình làm nghề vốn dĩ lại chứng kiến khá nhiều sự lành lạnh nhàn nhạt hờ hững. Trong cuộc trò chuyện thẳng thắn với ông Trung trong đận ông đưa lão võ sư Ngô Bông sang Hàn Quốc biểu diễn võ thuật, tôi đã hỏi ông Trung cơn cớ gì ông lại quý mến ông Ngô Bông đến vậy. Hóa ra nguồn cơn lại đến từ quãng thời gian ông Trung căng mình ra làm một công việc hồi đó bị cho rằng là "đội đá vá trời": thống nhất các bài võ cổ truyền của Việt Nam.

Trong cơ man nào là các cuộc tiếp xúc, trong bộn bề những là hóa giải quyền lợi của các võ đường, quyền lợi của các địa phương vùng miền, trong đau đầu chiến thắng và dẹp bỏ cái tôi cố hữu của quan niệm "võ vô đệ nhị" để tìm đến một tiếng nói chung cho nền võ thuật Việt Nam, ông Trung đã bị chinh phục bởi một lão võ sư đến từ một miền quê. Ngày qua ngày, sự hy sinh không đong đếm, sự xả thân không mảy may đòi hỏi, sự hòa đồng với tất thảy mọi người, sự cầu thị và sẵn sàng sẻ chia các bí quyết bản thân của lão võ sư Ngô Bông… đã khiến ông Trung cảm mà phục, kính mà yêu, nể mà trọng.

Trong cái ngạch quan chức nặng tình với lão võ sư Ngô Bông còn phải kể đến một nhân vật nữa là ông Nguyễn Ninh, hiện là Giám đốc Trung tâm Thể dục Thể thao tỉnh Quảng Ngãi. Ông Ninh cũng một thời lừng danh trên các võ đài quyền Anh Việt Nam bằng võ danh Phi Hùng. Tuy không là học trò của võ sư Ngô Bông, nhưng ông Ninh lại coi ông Bông như bậc đàn anh trong nghề, qua đàm đạo chuyện nghề, truyền nghề cho nhau mà nể phục và tôn trọng.

Tôi tình cờ biết được hóa từ trước đến giờ chuyện lớn nhỏ gì của gia đình võ sư Ngô Bông đều do một tay ông Ninh âm thầm quán xuyến, giúp đỡ. Âu cũng là sự bù đắp hoàn khuyết khi có bao nhiêu thời gian lão võ sư Ngô Bông đều dành cho học trò, cho việc tập hợp các bài võ, bài giới thiệu để đóng góp cho nền võ thuật Việt Nam. Nếu không có người vợ tần tảo, nếu không có những vị huynh đệ chí tình như ông Nguyễn Ninh lo lắng định hướng công việc cho đám con cháu, đệ tử trong nhà, liệu lão võ sư Ngô Bông có thể toàn tâm toàn ý mà cống hiến cho nền võ thuật Việt Nam?

Những người dân Gò Công và khắp nơi ở Quảng Ngãi vẫn đang đội mưa đến viếng "ông thầy Bông", cái tên quen thuộc mà họ đặt cho ông Bông. Dù không một ngày học võ nhưng rất nhiều người trong số họ đã khỏe mạnh trở lại, hoặc phục hồi sau chấn thương, hoặc thậm chí thoát chết… từ những bài thuốc của võ sư Ngô Bông.

Y đức của ông lan tỏa đến độ những câu chuyện chữa bệnh hiểm nghèo của ông đã trở thành câu chuyện thường nhật của người dân Gò Sa. Những ánh mắt ấm áp, những ấm trà và bánh ngọt miễn phí đem ra đãi khách của các hàng quán, những lời mời nếu không có chỗ ngủ thì cứ ở nhà tôi đây của người dân Gò Sa chỉ vì một lý do… là người ở xa đến viếng "ông thầy Bông" có lẽ là sự vinh danh tốt đẹp nhất đối với một tư cách lớn, một võ sư lớn: Ngô Bông!

Minh Trí
.
.