“Lão tướng” làng phim hoạt hình Việt: Sống và lao động để thăng hoa

Thứ Ba, 11/07/2017, 18:00
NSND Minh Trí cười bảo, sau tất cả những vinh quang nghề nghiệp, những đam mê và khát vọng của mỗi con người, gia đình vẫn là số Một, là nơi để trở về, để lưu giữ tất cả những buồn vui.

Khi tôi đến, anh đang ngồi lướt mạng xã hội, cười giòn tan với rất nhiều câu chuyện trên mạng của bạn bè. Ngồi bên cạnh là người vợ, NSND Phương Hoa, chị rót trà nóng hổi để cùng thưởng thức. Phòng khách của anh chị treo kín những bức tranh của 3 thế hệ: Bà nội, con trai, con dâu, cháu nội... Trông họ trẻ hơn rất nhiều so với tuổi "về hưu" của mình.

NSND Minh Trí cười bảo, sau tất cả những vinh quang nghề nghiệp, những đam mê và khát vọng của mỗi con người, gia đình vẫn là số Một, là nơi để trở về, để lưu giữ tất cả những buồn vui.

Tôi nhận ra rằng, hóa ra cái ý nghĩ đó, nó không phải là lý thuyết suông hay đơn giản chỉ là cái kết trong những thước phim hoạt hình mà anh từng làm đạo diễn, mà nó là chân lý ở cuộc đời mà ai cũng muốn có được trong suốt chặng đường sống của mình...

Từ "Cuộc phiêu lưu của chú Ong vàng" đến "Người con của Rồng"

Đạo diễn, NSND Phạm Minh Trí được coi là một "lão tướng" của làng phim hoạt hình Việt Nam. Anh đã có trong "khối tài sản" của mình là hàng chục bộ phim hoạt hình cũng như rất nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá dành cho những bộ phim ấy. Bộ phim được nhớ đến nhiều nhất, cũng là những thước phim hoạt hình dài tập đầu tiên được lên sóng truyền hình năm 2003 là "Cuộc phiêu lưu của chú ong vàng", sau này là những bộ phim đình đám khác như "Ông tướng canh đền", "Chuyện cổ thành ốc", "Người con của rồng"...

NSND Minh Trí.

Nhớ lại bộ phim hoạt hình dài tập đầu tiên "Cuộc phiêu lưu của chú ong vàng", NSND Minh Trí chia sẻ: "Đó là thời kỳ tôi nhận được lời mời của đạo diễn, NSND Khải Hưng và đã chuyển công việc từ Xưởng phim hoạt hình (nay là Hãng phim hoạt hình Việt Nam) sang làm việc tại Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình Việt Nam. Đó cũng là dấu mốc quan trọng giúp tôi có những bước chuyển mới từ làm phim hoạt hình thủ công sang sử dụng công nghệ làm phim mới.

Một môi trường lao động sáng tạo mới, với các cộng sự mới trẻ trung đam mê hoạt hình, nên 10 tập phim "Cuộc phiêu lưu của chú ong vàng" được hoàn thành trong 12 tháng. Bộ phim đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Truyện phim kể về chú ong vàng bướng bỉnh, ngay từ khi còn nằm trong kén đã luôn có những đòi hỏi khác với mọi người. Chính vì bản tính hay lý sự và không chịu vâng lời bác ong già nên trong một lần đi kiếm mật, chú sang sông một mình để thỏa ý thích thám hiểm. Chú ta phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm: sự hiểu lầm của chim sâu, sa vào lưới nhện độc, gặp lũ mối gian xảo, rơi vào hang của lão ong vằn dữ tợn.

Nhưng bên cạnh chú vẫn có những người bạn tốt sẵn lòng giúp đỡ: anh gọng vó, bác dế trũi và nhất là ong út - một cậu bạn ong mật sẵn sàng hi sinh bản thân để bảo vệ ong vàng. Trên chặng đường này, ong vàng đã hiểu ra giá trị của bầy đàn, về tình bạn và cảm nhận sâu sắc hơn bản thân. Một chú ong vàng kháu khỉnh, thông minh, dũng cảm đã được khán giả nhớ mãi, còn bản thân tôi thì nhớ mãi những phút giây kỳ diệu được thăng hoa sáng tạo, hòa đồng trong thế giới trẻ thơ.

Sau thành công của "Cuộc phiêu lưu của chú ong vàng", đạo diễn Minh Trí đã làm nhiều bộ phim khác, nhưng dấu ấn thứ hai ghi dấu chặng đường làm phim hoạt hình của anh là bộ phim về tuổi thơ của Thái tổ Lý Công Uẩn nhân dịp kỷ niệm nghìn năm Thăng Long Hà Nội.

Truyện kể về tuổi thơ của Lý Công Uẩn, thuở nhỏ đã ham học chữ, học võ, học đạo lý làm người từ hai người cha tinh thần là nhà sư Vạn Hạnh và rồng vàng. Công Uẩn là một cậu bé rất nghịch ngợm, thông minh và có sức vóc hơn người, có tình yêu quê hương làng xóm, với những người thầy, người cha, những người bạn của mình. Câu chuyện đưa người xem vào thế giới vừa thực vừa ảo của Lý Công Uẩn trên con đường đi tìm người cha đích thực của mình.

Từ hai người cha ấy, Lý Công Uẩn trở nên đấng nam nhi trí dũng song toàn và trở thành vị vua đầu tiên mở đầu vương triều Lý rồi thực hiện công cuộc dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đặt tên Thăng Long, mở ra phúc lớn cho trăm họ nước Việt. Phim đã được giải phim hoạt hình xuất sắc nhất, đạo diễn xuất sắc nhất trong giải Cánh diều vàng (năm 2010).

Dù mang về cho mình nhiều thành công, nhưng rõ ràng, trên màn ảnh hiện nay, phim hoạt hình Việt Nam đang bị "lép vế" bởi các phim hoạt hình của nước ngoài. Lượng phim hoạt hình chiếu rạp gần như vắng bóng. Những đạo diễn, họa sĩ làm phim hoạt hình cũng nản, không có "đất dụng võ" bởi sự lấn lướt của công nghệ số, mạng Internet với tư duy sáng tạo, sự tưởng tượng mạnh mẽ, sinh động... đã khiến khán giả nhỏ tuổi mất dần thói quen xem phim hoạt hình Việt Nam.

Cảnh phim hoạt hình “Người con của Rồng”.

Nói về điều này, NSND Minh Trí cho rằng, thực sự phim hoạt hình là một loại hình nghệ thuật hấp dẫn đối với khán giả nhỏ tuổi, tuy nhiên, ngành điện ảnh và truyền hình chưa thấy hết giá trị của nó. Để đầu tư một bộ phim hoạt hình chiếu rạp thì mất tầm 5 đến 7 tỉ đồng kinh phí, cũng là một con số khá lớn nên kêu gọi đầu tư là rất khó. Về chủ quan cũng phải nói là do mình thiệt thòi, yếu kém đủ thứ, vì thế nó lay lắt.

Hiện nay, kịch bản phim hoạt hình viết quá cũ, đi theo lối mòn, đóng khung trong thời lượng. Hiện Nhà nước (Cục Điện ảnh) tài trợ 10-15 phim hằng năm cho Hãng phim hoạt hình Việt Nam thì dành cho phim 10 phút là chủ yếu, phim đề tài lịch sử dài 30 phút là hãn hữu. Thời lượng làm giới hạn hình thức kịch bản. 10 phút phải kể một câu chuyện và rút ra bài học gì đó. Chính vì thế mà rất khó để lôi kéo sự tập trung của các em nhỏ. Vì thế phải có chiến lược, tư duy mới.

Không thể trông chờ hoàn toàn vào Nhà nước, dù Nhà nước luôn dành ưu tiên cho trẻ em, và phải trông nhiều vào tư nhân (xã hội hóa). Vấn đề quan trọng nữa là đội ngũ, phải là đam mê cháy bỏng và chịu nhiều hy sinh thì mới làm phim hoạt hình được. Có những nhóm bạn trẻ hiện tại cũng đầy đam mê, giỏi công nghệ để thể hiện nhưng đội ngũ chưa quy tụ, chưa có một người đứng ra để cầm lái và dành được sự quan tâm của những "đại gia" yêu hoạt hình.

Thời lượng làm phim nên có 2 dạng: phim cực ngắn từ 3-5 phút, và phim dài chiếu rạp từ 60-90 phút. Phim dài 3-5 phút phải súc tích, thể nghiệm nhiều hình thức để hấp dẫn nhiều tầng lớp khán giả. Tôi thì dù đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy" song nếu các bạn cần một sự hỗ trợ nào đó thì lúc nào tôi cũng sẵn sàng giúp đỡ những gì có thể...

Mối duyên hoạt hình - mối duyên chồng vợ

NSND Minh Trí và NSND Phương Hoa (người con gái duy nhất của đạo điễn, NSND Trần Vũ và nghệ sỹ Đức Hoàn) có một mối tình đầy sóng gió để có thể đến được cùng nhau. Khi đó, anh vừa về nhận công tác tại Hãng phim truyền hình Việt Nam thì nhận đạo diễn phim hoạt hình "Chuyện cổ thành ốc", một bộ phim đầu tay nên anh muốn thể hiện mình. Người họa sĩ được phân công làm việc cùng anh chính là chị Phương Hoa.

NSND Minh Trí và vợ.

Hồi ấy, chị vừa là họa sĩ tốt nghiệp tại Trường điện ảnh VGIK về và nuôi con nhỏ chưa đầy tuổi nên thường đi sớm về muộn và điều đó khiến anh lo sợ công việc bị gián đoạn và không kịp tiến độ phát sóng. Hai người đã có một khoảng thời gian rất căng thẳng, thường xuyên cãi vã và "đối đầu", anh đã đề nghị được đổi họa sĩ cho bộ phim của mình, nhưng chị bảo "không dễ đuổi thế đâu" và rồi bằng sự quyết tâm, họ đã hoàn thành bộ phim đúng tiến độ, thậm chí sau đó, chị đã "ẵm" luôn giải Họa sĩ xuất sắc nhất trong Liên hoan phim truyền hình toàn quốc cho bộ phim "Chuyện cổ thành ốc".

Mối duyên hoạt hình, đã kéo họ đến gần nhau, trở thành một "cặp bài trùng" đạo diễn - họa sĩ. Sau này, tình yêu dần đến và họ đã vượt qua muôn trùng sóng gió để đến với nhau như là định mệnh đã an bài, cùng nhau làm hơn chục bộ phim, đoạt nhiều giải thưởng lớn và có một cô con gái chung theo sự nghiệp hội họa, hiện đang học năm thứ 4 trường Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu.

NSND Minh Trí chia sẻ: Tôi nhớ, ngày xưa, trước khi lấy Hoa, thì tôi gọi đạo diễn Trần Vũ là anh xưng em, nhưng khi "phải lòng" cô con gái thì tôi chuyển sang gọi "bố" nhanh lắm. Âu cũng là "cái khiếu" của mình (cười). Vì hai vợ chồng cùng nghề nên "ăn hoạt hình, ngủ hoạt hình, cà phê hoạt hình". Mọi ý kiến và quan điểm đều được thống nhất từ nhà đến công sở, chính vì quan điểm khá tương đồng nên họ đã có nhiều dự án phim thành công.

Hơn nữa, chính vì cùng chung một nhà nên mọi ý kiến đều được phản hồi ngay tức khắc để có những thước phim đúng tiến độ. Họ vừa là vợ chồng nhưng cũng là hai người bạn, hai người đồng nghiệp. NSND Phương Hoa là người vợ chu toàn, chị vừa chăm gia đình, chăm sóc cho người mẹ già của anh đã 95 tuổi và lo cho các con có một mái ấm đủ đầy, hạnh phúc.

Hiện tại họ vẫn đang ấp ủ làm những dự án phim dành cho thiếu nhi để không bao giờ rơi vào trạng thái "im lặng". Hai vợ chồng lúc nào cũng có gì đó để nói, để bàn bạc và cùng nhau bắt tay vào thực hiện, đó cũng là cách chống lại sự trì trệ của tuổi hưu trí cũng như để cuộc sống mỗi ngày đều có những giây phút thăng hoa.

"Mỗi ngày chọn một niềm vui"

Ở tuổi 70, NSND Minh Trí có một hội hơn chục người đi xe địa hình "Let's go". Họ là những "phượt thủ" có thể đạp xe hàng chục km đến các tỉnh lân cận Hà Nội như là một cách giải trí thú vị, bổ ích và tăng cường sức khỏe. Vợ chồng anh chị mỗi tuần đều đặn 3 buổi đạp xe vòng quanh hồ Tây, cà phê, ăn sáng và cùng bạn bè trò chuyện.

NSND Phạm Minh Trí chia sẻ rằng, anh có ảnh hưởng gen lớn từ người mẹ, họa sĩ Nguyễn Minh Mỹ hiện nay đã 95 tuổi, vẫn minh mẫn và đẹp lão đến lạ kỳ. Hiện nay bà sống cùng gia đình anh nhưng có một đời sống riêng không phụ thuộc vào con cháu. Hằng ngày bà đi taxi ra hồ Gươm ngồi đan áo, mũ để làm từ thiện, đến trưa bà lại đi taxi về nhà ăn cơm và nghỉ ngơi. NSND Minh Trí kể lại rằng, bà sinh trưởng trong một gia đình viên chức khá giả.

Thời trẻ, gia đình có giúp việc, vú em, mấy chị em không phải làm gì, chỉ làm nữ công gia chánh cho vui. Bà học ở trường Pháp, đẹp nổi tiếng nên đi học về, hôm nào "cây si" cũng đi theo thành hàng. Bị người Nhật nhòm ngó, cụ thân sinh bà phải gả gấp con gái cho một công chức bình thường và sinh ra NSND Minh Trí cùng các em. Cuộc sống tiểu thư chấm dứt, bà phải làm rất nhiều việc để kiếm sống: vẽ tranh bờ hồ, đan len, may thuê, làm búp bê... việc nào cũng cần tỉ mỉ, tinh tế. Khi đã làm mẹ bà là người rất đảm đang tháo vát.

Có lần NSND Phạm Minh Trí từng suýt chết vì ho gà lúc sơ sinh. Bác sĩ đã trả về bảo ở nhà lo hậu sự. Bà kiên trì suốt 6 tháng trời, ngày ngày nhỏ từng giọt sữa cho con, bởi vì nếu ăn nhiều một lúc sẽ bị sặc, tím tái không thở được. 6 tháng trời ròng rã kiên trì, bà cứu được con, để sau này, có một NSND Minh Trí của những thước phim vô giá cho tuổi thơ.

Tôi hỏi NSND Minh Trí về dự định sắp tới, anh bảo, anh và vợ đang có một vài kịch bản phim hoạt hình và sẽ tiếp tục "chiến đấu" để có thể có những thước phim hay cho tuổi thơ. Anh không còn ở tuổi làm phim để lấy thành tích nữa mà làm phim phải có những dấu ấn không chỉ cho riêng mình, mà cho cả các em nhỏ, bởi vì để có những thước phim hoạt hình, ngay cả những câu chuyện nhỏ trong chương trình "Quà tặng cuộc sống" mà anh vẫn tham gia hội đồng duyệt, cũng là những câu chuyện không mang tính nhất thời mà sẽ để lại cho muôn đời sau trong lịch sử phim hoạt hình Việt Nam. Bởi với anh, hoạt hình là lẽ sống...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.