Lập lờ trường quốc tế: Vá lỗ hổng trong quản lý giáo dục

Thứ Sáu, 16/08/2019, 10:53
Xu hướng sính ngoại cộng với tâm lý dồn tất cả cho tương lai con em của các bậc phụ huynh đã tạo cơ hội ra đời một loạt trường học mang tên quốc tế. Điều đó cũng là phù hợp với nhu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, chỉ đến khi xảy ra sự cố nghiêm trọng liên quan đến em học sinh lớp 1 bị bỏ quên trong xe của trường Gateway (quận Cầu Giấy, Hà Nội), người ta mới giật mình nhìn lại.

Ở đâu cũng có trường học dán nhãn quốc tế. Và, đi sâu tìm hiểu, người ta mới nhận thấy, có một lỗ hổng rất lớn về pháp lý trong công tác quản lý giáo dục, đặc biệt là đối với các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài.

Hiện thực có như quảng cáo?

Vào Google gõ từ khóa “trường quốc tế”, ngay lập tức sẽ cho ra cả dãy kết quả với nhan nhản tên trường có thể hiện tính chất “quốc tế” ngay từ tên gọi. Các phụ huynh hoa mắt với hàng loạt tên trường “quốc tế”. Và, song song với việc dán mác quốc tế, mức học phí tại các trường này cũng cao ngất ngưởng so với mặt bằng xã hội.

Trên cổng thông tin chính thức của trường Gateway, nhà trường tự giới thiệu là “có khát vọng mang đến cho cộng đồng Việt Nam một hệ thống giáo dục hiện đại, trường học kiểu Mỹ, đẳng cấp thế giới”. Thế nhưng, tại buổi họp báo ngày 7-8 do UBND quận Cầu Giấy tổ chức, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) quận Cầu Giấy khẳng định: Trên địa bàn quận không có trường quốc tế, kể cả trường Gateway, tên đó là do nhà trường tự gắn mác “quốc tế” để thu hút học sinh.

“Trong quyết định về loại hình trường, không có khái niệm trường quốc tế. Chữ quốc tế là do một số trường ngoài công lập tự quảng cáo để thu hút học sinh. Trong địa bàn quận chỉ có những trường có yếu tố nước ngoài...” - ông Phạm Ngọc Anh cho biết.

Trẻ em có quyền được học tập và vui chơi trong môi trường an toàn.

Mặc dù tự quảng cáo là trường đẳng cấp quốc tế, tuy nhiên, chưa bàn đến các yếu tố khác như chương trình học, đội ngũ giáo viên, chỉ nhìn vào khâu đưa đón học sinh của Gateway cũng đã thấy có vấn đề. Xe đưa đón trong vụ bỏ quên học sinh trên xe là xe chưa được Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp phù hiệu chở khách hợp đồng theo quy định và hoạt động không phép; người đưa đón trẻ không có nghiệp vụ, chưa được đào tạo cơ bản, chưa được ký hợp đồng lao động.

Điều này cho thấy dù thu học phí cao trên 10 triệu đồng/tháng nhưng từ phương tiện chuyên chở đến nhân viên đưa đón, nhà trường đều sử dụng dưới chuẩn để tiết kiệm chi phí một cách tối đa. Nói cách khác, chất lượng dịch vụ cung cấp không tương xứng với số tiền mà phụ huynh học sinh phải chi trả. Đó là chưa kể, quy trình đưa đón cẩu thả, thiếu chặt chẽ; quy trình quản lý học sinh cũng rất “có vấn đề”. Khi một học sinh vắng mặt 8 tiếng đồng hồ mà cả hệ thống quản lý không ai biết, không ai liên hệ với gia đình để thông báo hay tìm hiểu nguyên nhân.

“Ở đây, ngoài lỗi hệ thống trong quy trình đưa đón, quy trình quản lý học sinh dường như còn có cả sự thiếu trách nhiệm, cẩu thả trong công tác lựa chọn, sử dụng nhân sự; sự thiếu vắng tình yêu thương thực sự đối với trẻ, vốn là một yếu tố rất cần thiết trong môi trường nhân văn như giáo dục” - PGS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện một số cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội tự “gắn mác” trường quốc tế. Đơn cử như trường Tiểu học quốc tế T.L ở quận Hoàng Mai; trường Mầm non song ngữ EC... ở quận Bắc Từ Liêm... Các trường này không đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế mà theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, chương trình học tiếng Anh theo tiêu chuẩn của nhà trường, đội ngũ giáo viên thuần Việt, chủ đầu tư cũng là người Việt Nam... Cách đây một thời gian, cũng có một số trường mang tên quốc tế đã bị phát hiện và “lật tẩy”.

PGS Đặng Quốc Bảo cho rằng: Tên gọi “trường quốc tế” hiện nay đang bị “lạm dụng”, hầu hết đều do nhà trường tự đặt tên, “kiểu cha mẹ đặt tên cho con trong giấy khai sinh”. Việc tự phong “trường quốc tế” nhằm thu hút phụ huynh, học sinh. Dù mức thu các trường có tên quốc tế rất cao nhưng do phụ huynh ngộ nhận rằng chính con họ đang học trường quốc tế nên không ngại đầu tư với hy vọng con mình được học tập trong môi trường tốt.

Việc để tình trạng lập lờ này kéo dài, trục lợi phụ huynh học sinh là trách nhiệm chung của ngành giáo dục, đặc biệt là Sở GD&ĐT Hà Nội và UBND các quận, nơi trực tiếp quản lý. Do vậy, trong thời gian tới, ngành giáo dục nói chung, Sở GD&ĐT Hà Nội nói riêng cần tăng cường trách nhiệm, quản lý chặt hơn hoạt động của các loại hình này để tránh tình trạng quảng cáo một đằng, chất lượng một nẻo, đẩy hết rủi ro về phía phụ huynh học sinh. Bộ GD&ĐT cũng cần có một chiến dịch thanh, kiểm tra loại hình trường này trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, cũng phải công nhận, trên thực tế có nhiều trường dù không được công nhận là trường quốc tế về mặt pháp lý nhưng có sự đầu tư khá bài bản và học tập kinh nghiệm từ nước ngoài về giáo trình dạy học, đào tạo kỹ năng cho học sinh, phù hợp với xu hướng hội nhập và có thể giúp học sinh hòa nhập với môi trường giáo dục, xã hội ở nước ngoài.

Thế nhưng, với thực tế hiện nay các quy định của Luật Giáo dục cũng như các văn bản liên quan chưa quy định rõ về vấn đề này, công tác quản lý chưa chặt chẽ dẫn đến nhiều phụ huynh chưa thực sự lựa chọn được trường học phù hợp với khả năng của con cũng như khả năng tài chính của gia đình. 

Chưa có quy định phân loại trường quốc tế

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện chưa có quy định phân loại trường quốc tế mà chỉ phân loại trường công lập, trường dân lập và trường tư thục. Trường tư thục có 2 loại hình là trường có 100% vốn trong nước và trường có vốn nước ngoài. Trường công lập do nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo kinh phí hoạt động. Trường tư thục do các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước.

Luật Giáo dục sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2019 (có hiệu lực từ 1-7-2020) cũng quy định 3 loại hình nhà trường tương tự như trên. Theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP, các trường quốc tế sẽ được tiếp nhận tới gần 50% học sinh người Việt Nam theo học chương trình nước ngoài.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy khẳng định Trường Gateway không phải là trường quốc tế.

Việc phân biệt trường quốc tế dựa vào 2 yếu tố là chương trình và người học. Trong đó, chương trình dạy phải là chương trình chuẩn quốc tế, được quốc tế công nhận, người học đa dạng, đa quốc gia, đa quốc tịch. Chất lượng trường quốc tế được đánh giá dựa vào chương trình giảng dạy, giáo trình, đội ngũ giáo viên, học sinh, bằng cấp và môi trường học tập. Cụ thể, chương trình giảng dạy là những chương trình được các nước trên toàn thế giới công nhận.

Giáo trình của trường quốc tế được nhập nguyên bản từ nước ngoài, gồm những môn học: Ngoại ngữ, các môn học xã hội, khoa học tự nhiên, toán và các môn nghệ thuật. Đội ngũ giáo viên tại các trường quốc tế là giáo viên người bản ngữ hoặc đa quốc tịch, có trình độ được công nhận quốc tế (TESOL, TEFL hoặc CELTA). Về bằng cấp: Có giá trị quốc tế, được công nhận rộng rãi tại các trường đại học trên toàn thế giới.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, trường quốc tế phải có giáo viên người nước ngoài, có đội ngũ học viên người ngoại quốc, có nhà đầu tư ngoại quốc, có chi nhánh ở toàn cầu với các chương trình giáo dục chất lượng và được thừa nhận rộng rãi trên trường quốc tế, văn bằng chứng chỉ cũng phải được các nước công nhận. Trong khi đó, những trường hiện gắn mác quốc tế đều là những trường có yếu tố nước ngoài có thể gồm vốn của nước ngoài một phần, cán bộ quản lý giáo viên có thành phần người nước ngoài, chương trình giáo dục liên kết...

Việc một số trường có yếu tố nước ngoài gắn mác quốc tế mà không có đặc trưng quốc tế là vi phạm về luật quảng cáo và quy định của ngành giáo dục... lừa người dân thiếu thông tin, vi phạm luật cạnh tranh. Bởi người dân bỏ ra một số tiền lớn nhưng không được nhận chất lượng dịch vụ tương xứng...

Tại Hà Nội, các trường quốc tế do các cơ quan ngoại giao thành lập là trường Liên Hiệp Quốc UNIS, trường Trung học Alexandre Yersin (thuộc Đại sứ quán Pháp), trường của Đại sứ quán Nhật, Hàn Quốc, Nga... Các trường có vốn đầu tư của nước ngoài như Kinderworld/SIS (của Singapore), Horizon (Thổ Nhĩ Kỳ)... hay trường có vốn đầu tư Việt Nam nhưng dạy theo chương trình nước ngoài như BIS & BVIS, trường quốc tế Hà Nội...

Vá lỗ hổng pháp lý

Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT cho biết, Khoản 1, Điều 48, Luật Giáo dục 2005 quy định hệ thống giáo dục quốc dân có 3 loại hình nhà trường gồm: Trường công lập, trường tư thục và dân lập (trong Luật Giáo dục 2019, loại hình dân lập chỉ áp dụng cho cơ sở giáo dục mầm non). Như vậy, theo quy định hiện hành, pháp luật chỉ quy định 3 loại hình trường nêu trên. Việc đặt tên các trường đã được quy định rõ trong điều lệ trường của các cấp học và Nghị định 86/2018/NĐ-CP.

Cụ thể, việc đặt tên trường được thực hiện theo quy định sau: Tên trường phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo”, “tên riêng” và không vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Khi xem xét hồ sơ thành lập trường, tùy theo cấp học, UBND cấp có thẩm quyền (theo phân cấp quản lý tương ứng), căn cứ hồ sơ và đề nghị của cơ sở giáo dục để ra quyết định theo quy định. Nếu tên trường trong quyết định cho phép thành lập không có chữ “quốc tế” mà trường tự thêm vào là sai quy định.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng khẳng định, tên gọi nhà trường chưa nói lên tất cả. Do đó, phụ huynh khi lựa chọn trường cho con em, cần xem xét đầy đủ các thông tin như chương trình giáo dục và ngôn ngữ giảng dạy, giáo viên, cơ sở vật chất, học sinh, vốn đầu tư, mô hình quản trị... về nhà trường thông qua nhiều kênh khác nhau như là trang web của trường, của sở giáo dục...

Sau sự việc đau lòng vừa xảy ra tại trường Getway, Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ ra nhiều sai sót, sai phạm trong công tác quản lý đối với lĩnh vực này. Cụ thể, Sở GD&ĐT TP Hà Nội chưa kịp thời tham mưu với UBND TP Hà Nội về công tác quản lý hoạt động liên kết đào tạo trên địa bàn; chưa quản lý được hoạt động liên kết đào tạo đối với các cơ sở giáo dục có hoạt động liên kết đào tạo trên địa bàn TP Hà Nội; chưa tổ chức thanh tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Chưa kịp thời thanh tra, kiểm tra và phát hiện xử lý một số thiếu sót, sai phạm trong hoạt động liên kết đào tạo và quản lý cấp phát văn bằng, chứng chỉ của các đơn vị trên địa bàn.

Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nội sớm tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra những cơ sở giáo dục mang danh quốc tế. Qua thanh tra để nhận diện rõ hơn, quản lý tốt hơn, nâng cao chất lượng giáo dục. Tại Hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 đối với giáo dục trung học, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cũng tái khẳng định: Bộ GD&ĐT đã và sẽ tiếp tục rà soát các trường có yếu tố nước ngoài.

Trước tình trạng lập lờ gắn mác trường quốc tế như hiện nay, các cơ quan chức năng cần rà soát lại để làm rõ và vá những lỗ hổng về mặt quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục, tránh tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”, xây dựng một môi trường giáo dục minh bạch và phát triển theo hướng hội nhập nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho thế hệ tương lai.

Hà Nội chỉ có 11 trường quốc tế

Ngày 12-8, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội cho biết, theo thống kê, đến thời điểm này Hà Nội mới chỉ có 11 trường quốc tế. Các trường còn lại chỉ có yếu tố nước ngoài chứ không gọi là trường quốc tế.

Trong thời gian tới Hà Nội sẽ công bố danh sách các trường quốc tế và các trường có yếu tố nước ngoài để phụ huynh, học sinh nắm rõ. Những trường không phải quốc tế nhưng gắn mác quốc tế sẽ bị xử lý theo quy định.

Thanh Huyền - Minh Phương
.
.