Nạn bến “cóc”, xe “dù”: Lấy độc trị độc?

Chủ Nhật, 14/06/2015, 05:20
Đã hàng chục lần chính quyền TP HCM tuyên chiến với nạn bến “cóc”, xe “dù” nhưng đều chưa có kết quả do bến “cóc’, xe “dù” luôn biến tướng tinh vi dưới nhiều hình thức hợp pháp để đối phó. Và khi cơ quan quản lý còn chưa có chế tài đủ mạnh, bến “cóc” xe “dù” càng được dịp bùng phát, nay đã đủ sức đè bẹp hoạt động vận tải chính thống.

Đánh trúng tâm lý hành khách

Trong vai khách đón xe đi Bình Phước, tôi đứng chờ xe tại tụ điểm bến "cóc" luôn tập trung đông khách ở phía bên kia cầu vượt Bình Phước, ven Quốc lộ 13. Vừa gọi chai nước suối và hỏi thăm giờ xe chạy, tôi đã được người bán cà phê vỉa hè đon đả chào mời đi xe và trấn an rằng cứ yên tâm, sẽ có xe quen đón trả khách từ đây đến tận nơi tôi cần xuống.

Chờ khoảng 20 phút, một chiếc xe khách loại 30 chỗ mang biển số Bình Phước chạy từ hướng Bến xe Miền Đông (BXMĐ) trờ tới, lập tức người bán cà phê chạy ra ngoắc xe vào nhận khách. Rất nhanh chóng và thành thục, khi xe còn chưa kịp dừng hẳn, phụ xe đã nhảy xuống kéo tôi và một vài hành khách khác lên xe. Cửa xe lập tức được đóng lại như chưa hề có chuyện gì xảy ra, kèm theo đó là tiếng hô "tới luôn" của người phụ xe giục tài xế tăng tốc.

Lúc này trên xe chỉ có vài người khách, nên vừa kịp sắp xếp chỗ cho khách mới lên, phụ xe tiến lại bảo tôi và những người vừa lên xe trả tiền vé. Ra vẻ lịch sự, anh này cho biết lấy đúng giá vé trong bến, không lấy hơn. Nhưng chỉ cần lấy bằng giá vé trong bến, nhà xe đã có lợi do không phải trả tiền hoa hồng bán vé và lệ phí bến bãi cho bến xe.

Dọc hành trình, phụ xe luôn đứng ngó nghiêng chứ không ngồi, hễ thấy khách xách đồ đạc đứng ven đường là ngó trước nhìn sau xem có Cảnh sát giao thông (CSGT) hay lực lượng tuần tra không, rồi mới mở cửa xe, nhoài người ra chèo kéo, gạ gẫm.

Xe khách liên tỉnh giả dạng xe buýt đón khách dọc đường.

Cứ như vậy, với quãng đường gần 100km trên hành trình, chiếc xe này lặp đi lặp lại việc dừng xe, đón khách dọc đường đến cả chục lần. Do khá "chăm chỉ" nhặt khách dọc đường, nên khi mới chỉ chạy đến địa phận Bình Dương, xe đã chật kín chỗ, những khách lên sau đã phải ngồi ghế nhựa đặt dọc sàn xe giữa 2 hàng ghế chính. Dọc đường, hễ "ngửi" thấy có tổ tuần tra kiểm soát phía trước là phụ xe quay ra sắp xếp khách, đóng chặt cửa xe để tránh phát hiện.

Qua trao đổi liên tục của phụ xe với các phụ xe khác, tôi cũng kịp hiểu ra rằng, việc tài xế ra dấu báo hiệu có trạm, chốt của lực lượng chức năng với nhau đã là câu chuyện quá xưa. Để thông tin, giờ đây các xe trong nhóm liên tục báo hiệu cho nhau bằng điện thoại.

Tại các điểm đón khách dọc đường, qua cách trao đổi của phụ xe cho những người ra vẫy, đưa khách lên xe, mới biết nhà xe này đã cài cắm rất đông những người bán tạp hóa, cà phê hoặc xe ôm ven đường… chuyên gom khách để nhận tiền "cò".

Các "cò" khách ở bến "cóc" này cũng làm luôn nhiệm vụ canh chừng các lực lượng chức năng. Mỗi lần dừng xe để đón khách dọc đường chỉ diễn ra trong vòng vài chục giây, nên lực lượng tuần tra kiểm soát tình trạng bắt khách dọc đường của nhà xe như CSGT, thanh tra giao thông thật khó có thể xử lý quả tang.

Tại tụ điểm bến "cóc" ngay phía trước cổng Khu du lịch Suối Tiên ở quận 9, TP HCM, hằng ngày luôn có rất đông người chờ đón xe dọc đường để đi các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung và phía Bắc. Khu vực giáp ranh này tập trung đông công nhân, sinh viên và lao động nhập cư thuê trọ. Chỉ cần ngó trước ngó sau không thấy CSGT là phụ xe mở cửa, nhoài người ra hỏi và chèo kéo khách hết sức nguy hiểm. Cả những xe trong bến và xe ngoài bến khi chưa đủ khách đều chạy rề rà khi đến đây.

Trước thắc mắc "sao không vào bến, mua vé để đi xe cho an toàn" của tôi, anh Vũ Mạnh Tiến, sinh viên một trường đại học ở quận Thủ Đức trả lời chắc nịch: “Ra đây đón xe cho nhanh, đỡ phải đi xe ôm, xe buýt hơn chục cây số để vào Bến xe Miền Đông, sau đó lại phải ngồi xe khách quay lại đây; vừa đỡ tốn kém, vừa đỡ mất thời gian”. Nhiều hành khách khác cũng chung suy nghĩ này.

Ngại xa, có sẵn xe dù, xe trá hình sát cạnh phục vụ chu đáo, khách từ nhiều quận, huyện của TP HCM đã không còn khái niệm ra BXMĐ mua vé, lên xe.

Trước đây, doanh nghiệp (DN) vận tải khách, nhà xe muốn xin vào hoạt động trong BXMĐ là việc không đơn giản. Nhưng chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây, ở chính bến xe này đã có gần 100 DN vận tải khách với gần 1.000 đầu xe bỏ bến ra ngoài chạy dù, hoạt động trá hình dưới dạng opentour, xe hợp đồng hoặc chuyển đi nơi khác.

Bắt khách ngay tại trạm dừng xe buýt.

Khách không ra bến mua vé đi xe, nên bình quân mỗi xe khách đường dài ở BXMĐ khi lên tài, xuất bến chỉ có chừng 15 - 18 hành khách. Khách ít, để đủ sở hụi cho mỗi chuyến xe, các nhà xe chỉ còn cách chất thêm cả chục tấn hàng hóa trong cốp xe hoặc mạo hiểm "vớt" khách dọc đường; chấp nhận bị xử phạt nếu gặp lực lượng tuần tra kiểm soát.

Vây ép bến chính thống

Đến thời điểm này, 2 bến "cóc" vây trước cửa BXMĐ là bến "cóc" ở số 397 Đinh Bộ Lĩnh cũng như bến "cóc" mang tên Trần Bảo Trân ở số 391 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức chính quyền địa phương và lực lượng có trách nhiệm với thời gian tính bằng năm.

Mặc dù bến "cóc" ở số 397 Đinh Bộ Lĩnh chỉ được quận Bình Thạnh cấp giấy phép hộ đăng ký kinh doanh với ngành nghề "vận chuyển hành khách, cho thuê xe ôtô và dịch vụ trông giữ xe ôtô". Còn với bến "cóc"  Trần Bảo Trân cũng vậy, dù chỉ được cấp giấy phép chi nhánh Công ty TNHH DV-VT hành khách Trân Bảo Trân với dịch vụ trông giữ xe và một số dịch vụ khác…

Tuy nhiên, hàng ngày tại 2 bến "cóc" này luôn có đến cả trăm lượt xe khách liên tỉnh chạy vào lên xuống khách, giao nhận hàng hóa. Những xe vi phạm bị đình tài hoặc bị buộc ra khỏi bến ở bến nhà nước đều dạt về đây.

Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông từ những tài xế, xe kém chất lượng, các bến “cóc” này thực sự là mối đe dọa về vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ… Vi phạm trắng trợn như vậy, nhưng việc xử lý của chính quyền phường 26 và quận Bình Thạnh cũng chỉ là kiểm tra, xử phạt nhiều lần với mức vài triệu đồng/lần. Bến vẫn ngang nhiên tồn tại.

Thông tin được đại diện Vụ Vận tải nêu ra trong một hội thảo về bến “cóc”, xe “dù” tổ chức tại TP HCM vào cuối tháng 5 vừa qua cho thấy, thành phố hiện chỉ có 2.098 xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định. Song lực lượng xe khách hợp đồng thì đã đạt tới con số 12.465 xe.

Về mặt quản lý kinh doanh vận tải, thành phố là địa bàn phức tạp. Các cơ quan kiểm tra, kiểm soát của thành phố thường xuyên có những đợt cao điểm xử lý vi phạm song chưa thể giải quyết được.

Nhận diện về xe "dù" biến tướng, Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP HCM cho rằng, xe "dù" thường biến tướng, đội lốt dưới danh nghĩa đơn vị vận tải hành khách có đầy đủ chức năng hẳn hoi. Xe chạy hợp đồng là dạng xe "dù" biến tướng phổ biến nhất. Chỉ cần thu gom khách lẻ, tổ chức đón, trả khách tại địa điểm nhất định theo yêu cầu, sau đó làm hợp đồng và danh sách hành khách đi trên xe là có thể dễ dàng đối phó khi bị kiểm tra trên đường.

Hành khách vạ vật tại các tụ điểm bến "cóc" chờ xe.

Núp bóng loại hình này, nhà xe thường thu tiền khách trên xe và đi theo một tuyến hành trình thường xuyên, nhất định nên hình thức hoạt động này thực chất là vận chuyển khách như tuyến cố định. Còn bến "cóc" và các tụ điểm đón khách biến tướng, ngoài tập trung ở khu vực như gần các bến xe khách liên tỉnh, các chợ trung tâm, bệnh viện lớn, các tuyến quốc lộ, các địa điểm gần nơi doanh nghiệp kinh doanh vận tải trú đóng... thì cả các điểm giao dịch, dịch vụ, đại lý bán vé hay văn phòng đại diện, trạm xăng dầu, bãi đất trống cho thuê đậu xe… nơi đâu cũng có thể biến tướng thành các bến "cóc".

Hợp thức bến “cóc” để dẹp xe “dù”?

Số liệu được Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP HCM công bố mới đây cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, lực lượng CSGT đã lập biên bản xử phạt với 1.390 trường hợp xe khách vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó có 638 trường hợp chạy quá tốc độ quy định, tức nhằm mục đích đua để giành khách dọc đường.

Từ thực tế kiểm tra, xử lý đối với xe khách vi phạm, CSGT cũng đã gặp khó không ít đối với các trường hợp xe khách núp bóng hình thức hợp đồng, du lịch lữ hành. Chẳng hạn, việc xử phạt xe chở khách vi phạm với lỗi đón, trả khách không đúng nơi quy định chỉ áp dụng đối với ôtô chở khách tuyến cố định; không thể xử phạt các ôtô chở khách theo dạng hợp đồng, nếu hợp đồng vận tải hành khách có ghi rõ điểm đón và điểm trả khách.

Với các doanh nghiệp vận tải du lịch lữ hành hoặc cho thuê xe hợp đồng vận chuyển khách ở điểm tập trung là tại trụ sở doanh nghiệp hoặc thu gom khách lẻ trên các tuyến đường… lực lượng CSGT cũng rất khó khăn trong xử lý vì luật không cấm doanh nghiệp hoạt động opentour đón, trả khách tại trụ sở doanh nghiệp cũng như thu gom khách lẻ. Với các trường hợp trên, khi có đầy đủ hợp đồng chở khách theo dạng du lịch lữ hành hoặc hợp đồng du lịch, lực lượng chức năng chỉ có thể xử lý hành vi dừng, đỗ xe trái quy định.

Từ thực tế kiểm soát hoạt động vận tải khách liên tỉnh, lực lượng CSGT Công an TP HCM cũng nhìn nhận rằng, tình trạng xe “dù” núp bóng hình thức hợp đồng, xe du lịch lữ hành xuất phát từ nhu cầu thực tế ngay tại các khu dân cư và trong khu vực trung tâm, nội thành, tiện lợi cho người dân đi lại, lại còn được đón trả khách tại khắp các địa điểm trên địa bàn thành phố.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP HCM còn điểm mặt, chỉ tên từng nhà xe như xe chạy tuyến cố định lấy trả khách ở ngoài bến bãi quy định gồm xe các tuyến Trà Vinh ở đường Trần Phú, quận 5, với các thương hiệu Thanh Thủy, Kim Hoàng; xe tuyến An Giang, Long Xuyên ở đường Nguyễn Hữu Chí hoặc khu vực cạnh Chợ Thiếc, quận 11; xe thuộc thương hiệu Hoa Mai chạy tuyến Vũng Tàu, hoạt động ở đường Nguyễn Thái Bình, quận 1… Xe hợp đồng núp bóng opentour hoạt động trên địa bàn khu vực Đề Thám, Phạm Ngũ Lão; xe hợp đồng lấy khách ngoài bến bãi ở Bàu Cát, quận Tân Bình...

Ông Tính đưa ra 3 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: bổ sung cơ sở pháp lý; thành lập lực lượng kiểm tra, xử lý liên ngành CSGT và Thanh tra GTVT kèm theo một số biện pháp hỗ trợ khác. Đại diện Vụ Vận tải cũng khẳng định rằng một loạt các giải pháp sẽ tiếp tục được Bộ GTVT, Sở GTVT TP HCM và các cơ quan có trách nhiệm áp dụng.

Lại có ý kiến cho rằng Sở GTVT TP HCM cần sớm quy định hệ thống bãi đỗ xe, điểm cho phép đón trả khách ngoài khu vực bến xe một cách hợp lý. Hợp thức hóa những bến "cóc" ở những vị trí tiện lợi cho người dân, xe "dù" sẽ không còn đất sống.

Tuy nhiên, nếu việc này được thực hiện, thì sẽ còn bài toán không dễ tìm lời giải đối với các vấn đề liên quan như quyền quản lý, điều kiện về mặt bằng, an toàn xe ra vào bến, phòng chống cháy nổ... tại những điểm bến “cóc” được hợp thức hóa này.

Trần Văn Sơn
.
.