Lễ hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Những kỷ vật biết nói…

Thứ Năm, 23/03/2017, 17:05
Lễ phát động hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng lần thứ sáu, nằm trong khuôn khổ Hội báo Toàn quốc 2017 được tổ chức vào ngày 18-3 vừa qua đã nhận được hơn 1.000 hiện vật của các nhà báo lão thành hiến tặng, nâng con số lưu giữ di sản báo chí của Đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam đạt tới con số xấp xỉ 1,3 vạn hiện vật.

Điều đáng nói hơn cả, là đằng sau mỗi hiện vật ấy, là câu chuyện cuộc đời của mỗi người nghệ sĩ, mỗi nhà báo, nhà văn... Có những kỷ vật đã theo họ cả một thời tuổi trẻ, nhiều năm tháng, nhiều thập kỷ, nếm trải những chuyện vui buồn, mang theo giá trị tinh thần và vật chất lớn lao của cả một chặng đường làm báo.

Những hiện vật - câu chuyện cuộc đời

Nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Trưởng Ban quản lý các dự án thành phần Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam dẫn tôi đến kho lưu giữ của Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Căn phòng đủ tiêu chuẩn kho lưu giữ hiện vật lạnh hơn nhiệt độ bên ngoài rất nhiều.

Hội Báo toàn quốc đã thành công tốt đẹp và đây cũng là lần thứ sáu, kể từ ngày 21-8-2014, ngày Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Bảo tàng đứng ra tổ chức lễ hiến tặng hiện vật. Hai năm rưỡi đã trôi qua, từ hai bàn tay trắng, hiện vật, tư liệu báo chí từ mọi miền của Tổ quốc đã được các nhà báo và thân nhân của họ, các cơ quan báo chí và các cấp hội nhà báo nhiều địa phương nhiệt tình sưu tầm, hiến tặng.

Nhà thơ, nhà báo Phan Thị Thanh Nhàn trao tặng kỉ vật cho bảo tàng báo chí.

Trong đó phải kể đến một số hiện vật giấy, ảnh quý giá, là bản gốc như các tờ Tiếng dân, Nam phong... xuất bản từ 1918; hoặc bản in litô tờ Thanh niên năm 1926; hay tấm thẻ nhà báo của bà Nguyễn Khoa Bội Lan năm 1948; những tờ báo cách mạng giai đoạn 1945-1954, 1954-1975 và tấm ảnh Bác Hồ đánh máy chữ có bút tích của Người năm 1950...

Tại triển lãm chuyên đề "Báo chí Việt Nam - Một thế kỷ đề tài nữ, tác giả nữ" - sự kiện mở đầu Hội Báo toàn quốc 2017, khai mạc vào dịp 8-3 này, người xem còn được trực tiếp chiêm ngưỡng bức tượng bán thân bà Sương Nguyệt Anh - nữ chủ bút đầu tiên của báo chí Việt Nam; hay cuốn nhật ký viết tay cùng những tấm ảnh đen trắng chụp trong thời kì kháng chiến chống Mỹ của nữ nhà báo Lệ Thu - tác giả cuốn sách "Nhật ký nữ nhà báo chiến trường" đã xuất bản gần đây, được dư luận chú ý và nhiều người tìm đọc...

Nhà báo Trần Thị Kim Hoa chia sẻ:  "Là người làm báo sang làm bảo tàng, chúng tôi không thể ngồi một chỗ chờ hiện vật đến với mình, tinh thần chung của anh chị em là sẵn sàng đi đến khắp mọi miền để tìm kiếm hiện vật. Dẫu có lúc phải xe ôm, phải bắt những chuyến xe đò nhọc nhằn hàng trăm km, phải đi đường dài liên tỉnh hàng ngàn cây số để mong xe được trĩu nặng trở về. Chỉ cần có thông tin về hiện vật và người hiến tặng, việc đến tận nhà để nhận hiện vật mang về cho bảo tàng là không có gì quá khó so với việc các bác, các anh, các chị đã bao nhiêu công lao cất giữ, bảo quản để hôm nay trao lại Bảo tàng. Chỉ cần hình dung có những tờ báo, tấm ảnh nhỏ thời chiến, có lẽ đã được cẩn thận cất vào ba lô các nhà báo chiến trường ngày ấy, qua bao bom đạn, chết chóc rồi mới tới ngày hòa bình, vì thế nhiều tờ có tuổi đời cả nửa thế kỷ... là chúng tôi đã thấy rưng rưng trong lòng rồi!"

Chẳng hạn như món quà quý giá và độc đáo là bức tượng bán thân đầu tiên của nhà báo Sương Nguyệt Anh được ông Mai Sông Bé - Giám đốc Đài PTTH Đồng Nai gửi ra hiến tặng. Bức tượng gốm men nâu, ánh vàng đồng, cao 65cm đặt trên bục cao 1m. Ông Bé gọi đây là một "kiệt tác" có được từ bàn tay tỉ mỉ của nghệ nhân Đinh Công Lai (Giảng viên Khoa Gốm, Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai) cùng các đồng nghiệp ở 2 Khoa Gốm - Điêu khắc thực hiện.

Qúa trình làm tượng vô cùng nghiêm ngặt, từ khâu nặn mẫu, đổ khuôn bằng thạch cao, kết hợp với đất sét rồi cho vào lò nung dưới nhiệt độ 1.200 độ C. Men Biên Hòa xưa nay vốn đã nổi tiếng cùng với việc sử dụng chất liệu gốm nên tượng rất bền màu, bền cơ và có thể chịu đựng được dưới mọi thời tiết.

Hay như tấm thẻ nhà báo cấp năm 1948 của nhà báo lão thành Nguyễn Khoa Bội Lan, trên tấm thẻ còn lưu lại chữ ký của chủ bút nổi tiếng Lưu Qúy Kỳ. Chúng tôi được nhà báo Dương Phước Thu (Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế) cho biết: Thời điểm năm 1948, bà Bội Lan là đặc phái viên Báo Cứu quốc (nay là Báo Đại đoàn kết) hoạt động tại Thừa Thiên Huế. Bà Lan đã đem theo bên mình tấm thẻ suốt nửa thế kỉ như một kỉ vật của đời làm báo.

Tuy nhiên khi biết ông Thu là người đam mê nghiên cứu sưu tầm, bà đã tặng nó cho ông. Tháng 9 năm 2016 vừa qua, trong lễ phát động hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, ông Thu đã trực tiếp hiến tặng.

Quý giá nữa là những cuốn nhật ký viết tay của nữ nhà báo Trần Lệ Thu khi bà là phóng viên của Đài Phát thanh Giải phóng. Tập nhật ký viết tay ghi lại cuộc hành trình đến ngày thống nhất đất nước hé lộ những số phận, cuộc đời trong mạch cảm xúc rất riêng tư của một người mẹ vì nhiệm vụ phải bỏ lại con thơ, từ giã gia đình để gánh trên vai trách nhiệm của một nhà báo chiến trường, một người chiến sĩ nơi tiền tuyến.

Nữ nhà báo Trần Lệ Thu đã viết dòng nhật ký đầu tiên vào ngày 10/8/1973 và kết thúc vào ngày 1/5/1975 khi bà là phóng viên của Đài Phát thanh Giải phóng. Bản viết tay của nhà báo Lệ Thu được chép trên tờ giấy pô-luya (loại giấy mỏng thời kháng chiến để mang theo cho nhẹ).

Năm 2015, nhật ký của bà được NXB Quân đội nhân dân in thành sách mang tên "Nhật ký nữ nhà báo chiến trường". Tất cả những cảm xúc được bà ghi chép trong hơn 300 trang sách thấm đẫm những kí ức chiến tranh ở mảnh đất miền Trung mà chủ yếu là trên quê hương Bình Định (từ ngày 1/1/1974 đến 28/4/1975, 485 ngày với 240 trang sách) sau thời gian Hiệp định Paris được kí kết.

“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài"

Sưu tầm hiện vật đã khó, giữ gìn và khai thác, đưa hiện vật đến với công chúng với tư cách là di sản báo chí, điều đó càng không dễ. Để hiện vật trở thành một vật thiêng, có giá trị lịch sử lâu bền và gắn bó với không chỉ cuộc đời của một con người, một nhà báo cụ thể, mà sẽ có giá trị muôn đời cho các thế hệ sau thì thực sự là một việc làm có ý nghĩa.

Tại lễ hiến tặng tài liệu, hiện vật lần thứ 6 vừa qua cũng đã ghi nhận được những câu chuyện đầy ý nghĩa của những nhà báo lão thành của nền báo chí Việt Nam. Đại tá, nhà báo Nguyễn Trần Thiết sinh năm 1927 tại Thanh Hóa, năm nay ông tròn 90 tuổi. Ông nguyên là PV chiến trường - Báo Quân đội nhân dân. Với vai trò một nhà báo, ông từng có mặt và tham gia viết bài tại chiến trường Điện Biên Phủ - 1954, Chiến dịch Hồ Chí Minh - 1975  và là người phỏng vấn nội các Dương Văn Minh ngay sau khi ngụy quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Nhà báo Lệ Thu và nhật kí chiến trường của chị.

Ngoài một số sách, tập lưu báo cắt, dán và một số tư liệu ảnh, Nhà báo 90 tuổi đã tặng Bảo tàng Báo chí một kỷ vật rất quý của ông, đó là phần thưởng giải nhất một cuộc thi báo chí (loạt bài điều tra vụ án tên gián điệp Võ Đại Tôn trên Báo Quân đội nhân dân) do Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng, đó là 1 chiếc máy ảnh đã theo ông suốt chặng đường dài công tác. Nhà báo Hồng Vinh - nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, TBT Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã trao tặng Bảo tàng một một tấm thẻ cử tri rất đặc biệt.

Năm 1990, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc dần bình thường hóa; tuy nhiên từ năm 1991 - 1992, Trung Quốc lại chiếm một số đảo của ta. Do vừa nối lại quan hệ với Trung Quốc nên Bộ Chính trị chủ trương không làm ầm ĩ trên báo chí, mà tìm cách thể hiện sự khéo léo để khẳng định chủ quyền của ta đối với quần đảo Trường Sa. Theo hướng đó, nhân dịp bầu cử Quốc hội khóa IX ngày 19/7/1992, Nhà báo Hồng Vinh được cử làm trưởng đoàn báo chí ra Trường Sa để phản ánh cuộc bầu cử ở đây, qua đó gián tiếp khẳng định chủ quyền Tổ quốc. Và đây là tấm thẻ được phát hành vào ngày 19/7/1992 tại Trường Sa.

Gia đình cố nhà báo Hồng Chương, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Cộng sản, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trao tặng bản in litô (in trên đá): "Tuyên ngôn của các đại biểu đã thoát ly hội tịch ở Toàn quốc đại biểu Đại hội lần thứ nhất của Hội Việt Nam Thanh niên Cách mệnh (tức là Việt Nam Cách mệnh đồng chí hội)" ngày 1/6/1929; Một số bản thảo viết tay, đánh máy của Nhà báo Hồng Chương tại các sự kiện báo chí trong nước và quốc tế; chiếc lọ hoa kỷ niệm tại Hội nghị lần thứ 17, Ban Chấp hành OIJ Việt Nam năm 1979; tờ báo Nhân dân số ra ngày 18/5/1969.

Câu chuyện của vợ chồng cố nhà văn, nhà báo Nguyễn Văn Bổng - nhà báo Hồ Vân, hội viên sáng lập của Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957, tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Con trâu" được giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954, được nhiều thế hệ học sinh tiếp cận trong sách giao khoa trước đây. Ông từng giữ nhiều trọng trách như TBT Báo Văn nghệ Liên khu 5, Phó Tổng thư ký Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ giải phóng, TBT Báo Văn nghệ...

Năm 1962, với cương vị Trưởng Tiểu ban Văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, ông trở lại chiến trường miền Nam, vào sâu nội thành hoạt động bí mật, trực tiếp viết cho các báo công khai của phong trào yêu nước như các tờ "Tin văn", "Người Việt bí mật"...

Điều đặc biệt là cả hai vợ chồng ông cùng làm Báo Nhân dân. Bà là nhà báo Hồ Thị Vân - nguyên phóng viên, biên tập viên, trưởng phòng quản lý phóng viên thường trú, đi công tác ở nhiều vùng nông thôn, và cả ra nước ngoài.

Trong số những hiện vật, tư liệu mà ông bà để lại mà gia đình ông đã trao tặng Bảo tàng, rất nhiều tư liệu quý như tấm thẻ nhà báo cấp năm 1962 của bà Hồ Vân, thẻ nhà báo của ông Nguyễn Văn Bổng được cấp năm 1985; thẻ nhà báo giả Nguyễn Văn Bổng sử dụng năm 1967 trong lòng địch; thẻ căn cước giả sử dụng năm 1962; thẻ đoàn viên của Liên đoàn Ký giả quốc tế (giả) của nhà báo Nguyễn Văn Bổng, sử dụng năm 1967.

Có những hiện vật đã theo chân người làm báo trong suốt cả cuộc đời, nó như một vật bất li thân, một phần của cuộc đời mình. Thậm chí, có những tài sản đã trở thành đồ cổ, một vật có giá trị không chỉ tinh thần, mà còn rất đáng giá về vật chất nhưng nhiều nhà báo đã trao tặng lại Bảo tàng như một món đồ làm kỷ vật cho mai sau. Nhà báo Kim Toàn, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Hải Phòng.

Trước 1975 ông là PV Báo Giải phóng với bút danh Cao Kim. Đợt tổ chức lễ hiến tặng tại khu vực TP HCM và các tỉnh phía Nam, nhiều nhà báo kháng chiến luôn nhắc tên ông, người con của đất cảng Hải Phòng. Nửa thế kỷ giữ bên mình những kỷ vật làm báo chiến trường, nhà báo Kim Toàn đã quyết định tặng lại Bảo tàng một số tư liệu, hiện vật rất đặc biệt.

Đó là những tài liệu báo chí của đối phương; một số văn kiện của Hội Nhà báo yêu nước và Mặt trận dân chủ miền cách mạng miền Nam Việt Nam; một số tài liệu huấn luyện làm báo như thế nào tại mặt trận; một số tư liệu và Báo Giải phóng trước năm 1975. Ông cũng đã trao tặng là chiếc xắc cốt ông sử dụng trong trận càn tết Mậu Thân năm 1968 tại vùng ven Sài Gòn - Long An cùng 1 bản thảo đánh máy bài viết "68 đột nhập Sài Gòn" của tác giả Cao Kim tức Kim Toàn viết cùng nhà báo Thép Mới, trong đó có đề cập đến sự kiện gia đình nhà báo Kim Toàn nhận giấy báo tử của ông. Thế nhưng, nhà báo lính đã trở về, và nay đã 49 năm trôi qua.

Không chỉ những nhà báo, nhà văn còn khỏe mạnh, những người làm báo có thâm niên trao cho Bảo tàng Báo chí một phần ký ức, một phần kỷ niệm, xương máu, những "đứa con" tinh thần, mà còn cả những người đã mất, di vật của họ được người thân tin cậy giao cho Bảo tàng.

Mỗi hiện vật, mỗi kỷ vật có câu chuyện của riêng mình, có lịch sử và số phận riêng. Nhiều hiện vật rất thiêng liêng, gắn với những hoàn cảnh cụ thể, những con người, những sống chết, hy sinh, thậm chí còn đại diện cho một thời kỳ làm báo với tư cách là những di sản để lại cho đời sau.

Bảo quản, phát huy, hoặc ứng xử với hiện vật đó như thế nào, cần lắm một chữ tâm, cần lắm những tấm lòng, của những người làm báo các thế hệ, của các công chúng báo chí, và đặc biệt, của chính những người làm bảo tàng báo chí, dù đang còn mới mẻ và ít ỏi nhưng đầy nhiệt huyết hôm nay...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.