Lễ hội - Chuyện hậu trường chưa kể

Thứ Tư, 15/02/2017, 16:50
Hỗn loạn, chen lấn, xô bồ cùng hàng loạt nguy cơ về mất an ninh trật tự, vệ sinh thực phẩm và vô số hình ảnh, hành vi không đẹp có vẻ như đã trở thành "thương hiệu" của các mùa lễ hội gần đây. Nhưng sau những lớp bề mặt với đầy rẫy những méo mó, dị thường ấy của lễ hội truyền thống là những gì, có lẽ ít ai tường tận.


Chuyện ghi ở đền Trần

Năm nay, Lễ khai ấn đền Trần có vẻ như đã giảm nhiệt. Thế nhưng ít ai biết, 3 ngày trước đêm khai ấn đền Trần, không khí thành Nam căng… như dây đàn. Trưởng ban tổ chức lễ hội, bà Phạm Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nam Định cho biết, sau nhiều năm tổ chức, rút kinh nghiệm rồi tổ chức tiếp, những người phục vụ lễ khai ấn đền Trần đã quen việc, ít áp lực hơn thời gian ban đầu nhưng lo lắng thì vẫn hoàn lo lắng.

Hàng vạn người đổ về trong đêm cùng một thời điểm, dù là để tiến hành những nghi thức tâm linh thì vẫn rất dễ phát sinh nhiều tình huống khó lường. Bài học mới nhất từ mùa lễ hội năm 2016 là một điển hình.

Đúng một năm trước, cũng tại đền Trần, các thành viên trong ban tổ chức, đặc biệt là tiểu ban an ninh bị một phen… tá hỏa khi gần khu vực lễ, một đám người ăn mặc khá sang trọng đột nhiên "lột xác" thành những đối tượng ăn xin, ăn mày băng bó mình mẩy đáng thương, lê lết xin tiền.

Khách du xuân nườm nượp đổ về đồi Lim, Bắc Ninh.

Trước đó, để dẹp tình trạng ăn xin ăn mày đeo bám, làm phiền khách thập phương, gây mất an ninh trật tự trong khu vực đền Trần, thành phố đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể vận động, thu gom đối tượng lang thang ăn xin đưa trở về địa phương hoặc các trung tâm bảo trợ xã hội. Tình huống ăn xin ăn mày bất ngờ xuất hiện khiến người làm công tác bảo đảm an ninh trật tự cũng lúng túng. Lực lượng chức năng có mặt tại chỗ không có thẩm quyền thu gom người lang thang, còn lực lượng có thẩm quyền này thì lại không có mặt.

Một sự cố đáng tiếc khiến hình ảnh đêm khai ấn mất tính trang trọng từng bị lan truyền với tốc độ… chóng mặt là những đám đông chen lấn, dẫm đạp nhau xông vào giành giật cướp lộc trên ban thờ. Theo kế hoạch, để tránh tình trạng cướp lộc gây nên hỗn loạn trong đêm, toàn bộ mâm lễ trên các ban thờ sẽ được người của ban tổ chức thu dọn hết vào khu cung cấm trước khi nhà đền mở cửa cho nhân dân. Do vội vã, đội ngũ thu lễ sơ xuất để sót một mâm lễ trên ban thờ Trung Thiên. Ngay lập tức, lễ hội trở nên nháo nhào.

Nhưng, "ấm ức" nhất với nhiều người trong cuộc là chuyện ném tiền vào kiệu cầu lộc trong quá trình làm lễ rước. Rút kinh nghiệm của nhiều năm trước, để ngăn dòng người ném tiền gây phản cảm cho lễ rước, ban tổ chức đã thống nhất lập hàng rào chắn ngăn cách giữa dòng người dự lễ với đội ngũ rước kiệu.

Năm đầu khoảng cách là hơn 1m, năm sau tăng lên 2m, năm sau nữa là nới rộng đến mức tối đa cho phép của đường rước. Chỉ có điều, chiều rộng đường rước kiệu thì có hạn mà sự "sáng tạo" của người dự lễ thì vô cùng. Khoảng cách khá xa, không thể tung tiền vào kiệu, nhiều người vo viên, ném cho xa và cho trúng.

"Sáng tạo" hơn nữa, một số còn gói cục đá nhỏ vào giữa mà ném. Chưa biết thánh thần có nhận được và có chứng cho tấm lòng thành của người tung tiền hay không nhưng đội ngũ rước kiệu hứng trọn cơn mưa rào lốp bốp những tiền vò viên nhàu nhĩ lẫn tiền… bọc đá.

Ngoài những hình ảnh không đẹp mắt này, cư dân cộng đồng mạng còn lan truyền hình ảnh được cho là về một quân nhân trang phục chỉnh tề cũng xông vào cướp lộc thánh. Tất nhiên, quà "khuyến mại" kèm theo không thể thiếu là những cơn mưa "gạch đá" từ hàng ngàn các anh hùng bàn phím. Mãi sau này, khi có dịp ngồi trò chuyện với đội an ninh của công an thành phố Nam Định và những người trực tiếp tham gia bảo vệ lễ rước kiệu, chúng tôi mới được biết nỗi oan Thị Kính của quân nhân nọ.

Các nhân viên an ninh của đêm lễ đều cho biết, khi kiệu rước đến gần khu vực của quân nhân đang đứng thì kiệu bị nghiêng, anh ta phải ghé vào đỡ, đẩy trở lại. Hình ảnh được người dự lễ ghi lại. Trong cơn say chỉ trích của số đông, người giúp ích trở thành kẻ tội đồ.

Mùa lễ hội năm 2017, để đảm bảo đêm khai ấn diễn ra đúng kế hoạch và ngăn chặn tối đa các vấn đề phát sinh, đặc biệt là đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách, một lực lượng gồm hơn 2.000 người được huy động. 2 ngày trước đêm khai ấn, khu vực trước đền tràn ngập các sắc phục của lực lượng vũ trang.

Thượng tá Nguyễn Nam Khánh, phó trưởng công an thành phố Nam Định cho biết, những ngày này, dù quân số công an thành phố đều trực 100% nhưng vẫn không đủ đáp ứng yêu cầu. Thành phố phải đề nghị tăng cường thêm lực lượng từ công an tỉnh, công an một số quận huyện, các đội dân phòng. Nhưng, vất vả nhất trong những ngày này có lẽ vẫn là cán bộ chiến sĩ đội an ninh trật tự và công an phường Lộc Vượng - địa bàn diễn ra lễ khai ấn.

Nhiều năm nay, các cán bộ chiến sĩ này đều không có Tết. Năm 2017, thành phố không có bắn pháo hoa, công an thành phố không phải tham gia bảo vệ pháo và rải quân trong khu vực người dân tập trung đông xem pháo hoa như trước, nhưng từ đêm 30 Tết cho đến rằm tháng Giêng, lượng người đi lễ rất đông. Nếu nghỉ Tết, lực lượng quá mỏng, rất khó đảm bảo an ninh trât tự trên địa bàn.

Những bộ quân phục đẫm sương đêm

Cách thành phố Nam Định chừng hơn 10km, cán bộ chiến sĩ công an huyện Vụ Bản cũng vừa bước sang một mùa xuân mới không Tết cổ truyền đoàn viên theo đúng nghĩa thông thường. Trưởng công an huyện, Trung tá Phan Văn Lý cho hay, đầu năm, bảo vệ lễ hội địa phương lẽ ra chỉ có Chợ Viềng xuân. Lễ hội Phủ Dầy rơi vào tháng 3 nhưng từ 30 Tết, khách thập phương về lễ phủ rất đông, cán bộ chiến sĩ phải căng ra trực.

Riêng Chợ Viềng xuân đã rất đông và phức tạp, trong đó, cao điểm là đêm mùng 7 tháng Giêng. Với khoảng 30 vạn lượt người đổ về cùng phương tiện trong đêm, đặc biệt là từ 21h ngày mùng 7 đến 3h sáng ngày mùng 8 nên dù đã có kế hoạch tăng cường chốt chặn, phân luồng giao thông từ xa nhưng vẫn không thể tránh tình trạng ùn tắc cục bộ.

Du khách thư nhàn trảy hội chùa Hương sau ngày khai hội.

So với lực lượng làm công tác bảo vệ an ninh trật tự lễ khai ấn đền Trần, năm 2017, lực lượng bảo vệ lễ hội chợ Viềng xuân vất vả hơn vì đêm chợ chính trời đổ mưa đúng khoảng thời gian cao điểm.

Đại úy Vũ Bá Trung, cán bộ đội Cảnh sát giao thông công an huyện Vụ Bản nhớ lại: Những khu vực bên ngoài, lực lượng hậu cần kịp len vào phát áo mưa cho cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Phía trong, người xe kẹt cứng, không có thời gian nghỉ, nhiều cán bộ chiến sĩ mặc nguyên bộ quần áo ướt làm nhiệm vụ cho đến hôm sau.

Trực chốt ròng rã suốt 2 ngày 1 đêm, đến khi về tới cơ quan thì quần áo ướt mưa đã khô hoặc chỉ còn âm ẩm. Thực phẩm phục vụ cán bộ chiến sĩ đầy đủ, chỉ thiếu thời gian ăn. Kinh nghiệm sau nhiều năm được rút ra và truyền tai nhau là khoảng thời gian này, tốt nhất nên hạn chế "nạp năng lượng". Bởi người đông, đường chật, quân phục chỉnh tề làm nhiệm vụ, thời gian kéo dài có khi cả chục giờ đồng hồ, phát sinh nhu cầu cá nhân thời điểm này là một cực hình…

Và giọt mồ hôi ấm áp

Lễ hội thành công chính là món quà ấm áp và vui nhất với những người tham gia công tác tổ chức trong mùa xuân mới. Đó cũng là tâm sự của hầu hết những người làm công tác tổ chức của nhiều lễ hội lớn mà chúng tôi có dịp ghé thăm trong mùa lễ hội 2017. Từ miền đất Phật - khu danh lam thắng cảnh chùa Hương cho đến lễ hội vùng Lim đất Kinh Bắc, hậu trường lễ hội cùng nhiều áp lực như nhau.

Hát văn xen vào buổi biểu diễn quan họ và nhận tiền du khách - Hiện tượng phát sinh năm 2017 tại Lễ hội vùng Lim.

Những câu chuyện tưởng chừng nhỏ nhưng với những điểm đến đón 5 vạn lượt khách trong ngày như hội chùa Hương, hàng vạn khách như Hội Lim, cũng dễ trở thành lớn chuyện. Rác xả của du khách đến lễ hội chỉ là một điển hình. Chỉ vài trăm mét trước khu chùa Thiên Trù, hàng chục công nhân lo quét rác từ 5 giờ sáng đến cuối ngày mới giúp đường lên cửa thiền phong quang ngày hội.

Trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương, ông Nguyễn Văn Thanh làm thử một phép tính nhanh, chỉ riêng lực lượng thu gom rác mùa lễ hội này của chùa Hương đã lên đến hơn 200 người. Để khách du xuân hòa mình trong dòng người trảy hội, thư nhàn giữa dòng suối Yến xanh trong, không vẩn rác, không bị quấy rầy, chèo kéo bởi những người ăn xin, bán hàng rong "chuyên nghiệp", yên tâm không lo bị "chặt chém" là kết quả của không ít va vấp, dò dẫm vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm.

Với lễ hội vùng Lim, đại diện ban tổ chức, ông Lưu Đắc Hùng cũng cho hay, khu vực đồi Lim không tràn ngập rác sau đêm khai hội là kết quả làm việc không ngừng nghỉ của đội ngũ công nhân làm vệ sinh từ 12h đêm hôm trước đến 5h sáng ngày hôm sau…

Nhiều năm ở vị trí người làm công tác hậu trường cho lễ hội, kinh nghiệm dạn dày nhưng mỗi năm, lễ hội vẫn không phát sinh việc này thì việc khác. Thế nên, khách trảy hội chùa Hương mùa lễ hội năm nay có thể vẫn còn chưa hết những vướng bận bởi những thanh âm chào mời xáo động chốn thiền môn, những quán hàng lụp xụp, đôi ba hàng ăn ngập rác hay cửa lên cáp treo đầy rác buổi xế chiều.

Người dự hội Lim có thể vẫn chưa hẳn hoàn toàn thỏa mãn khi mong muốn tìm những giá trị văn hóa xa xưa khi tìm về Kinh Bắc. Có thể đâu đó, trên nhiều địa phương khác vẫn còn những nghi lễ, trò chơi, thú vui bạo lực, dị thường khiến hình ảnh lễ hội truyền thống trở nên méo mó. Để lễ hội truyền thống trở về nguyên nghĩa, ngoài sự thể tất thì việc chung sức chung lòng cùng cộng đồng địa phương - chủ thể các lễ hội mới là điều cần thiết chứ không phải chỉ là những chỉ trích đơn thuần vốn đầy rẫy đến ngột ngạt trong mỗi mùa lễ hội lâu nay.

Minh Hải
.
.