Lễ hội từ những góc nhìn

Thứ Năm, 23/02/2017, 11:35
Đầu năm là thời gian mà mùa lễ hội được diễn ra nhiều nhất trên khắp cả nước; từ thành phố đến các huyện thị; từ miền xuôi đến miền ngược; từ miền núi, đến đồng bằng hay miền biển, rồi làng nào cũng có hội của làng đấy. Lễ hội vừa là nơi trở về nguồn cội của tâm linh tín ngưỡng của người Việt, vừa nhớ về phong tục tập quán hội làng đã có tự bao đời.

Lễ hội một văn hóa giao lưu cộng đồng mà mỗi dịp Tết đến xuân về người ta hoan hỷ xuôi ngược để đến được với bản thể, bản ngã. "Lễ" có nghĩa là thành tín cung kính, còn "hội" có nghĩa là người đông đúc. Lễ hội nghĩa là nơi người đông đúc tập trung để thành tín cung kính.

Phú quý sinh lễ nghĩa

Thống kê cho hay hiện có hơn 8.000 lễ hội mỗi năm, được tổ chức nhiều nhất vào tháng giêng, và kéo dài rải rác vào những tháng tiếp đó. Bất kì một vùng nào trên bản đồ địa lí Việt Nam đều có lễ hội, đó là nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng miền, và người ta nô nức kéo nhau đi lễ hội. Từ lễ hội thành phố, lễ hội của tỉnh, lễ hội của huyện, lễ hội của xã, lễ hội của thôn, lễ hội của xóm. Từ lễ hội mang tầm quốc gia, như Lễ hội giỗ tổ Hùng Vương (Quốc Tổ), lễ hội chùa Hương, lễ hội Yên Tử, lễ hội đền Trần….

Đến những lễ hội ở cấp thành phố như hội Lim, lễ hội chùa Trầm, lễ hội Phủ Dầy… hay ở các xã các thôn cũng có lễ hội rước Thành Hoàng làng, người có công với làng xã. Thậm chí, phú quý sinh lễ nghĩa, không chỉ lễ hội của xã mà còn của lễ hội của gia tộc. Thế là hay hay là dở?

Rất đông người dân đi lễ hội đầu năm.

Đạo diễn sân khấu, NSND Lê Hùng là người dàn dựng, tổ chức thành công nhiều lễ hội ở Việt Nam, như lễ hội Đền Hùng, lễ hội festivan Huế, lễ hội Di sản Hội An. Khi được hỏi về vấn đề này, ông khẳng khái trả lời: Lễ hội mà tiêu tiền của Nhà nước thì nên ít đi, còn lễ hội dân tự đóng góp kinh phí để làm thì phải động viên, khuyến khích người dân, vì thứ nhất đấy con người ta phải có niềm tin vào là tâm linh tín ngưỡng. Thứ hai là đời sống văn hóa tinh thần phong phú, và thứ ba lễ hội cũng là cách để phát triển quảng bá du lịch.

Ông cũng nói thêm: Nếu tổ chức lễ hội từ nguồn ngân sách của Nhà nước thì phải chọn lễ hội nào xứng tầm và cách tổ chức lễ hội cho không giống nhau, để tôn vinh được di sản văn hóa của địa phương ấy cho xứng đáng "đồng tiền bát gạo", tránh lãng phí. Mỗi một lễ hội cũng đều có sự tích, câu chuyện lịch sử và ý nghĩa của lễ hội đó.

Còn lễ hội được tổ chức bằng tiền của dân, của địa phương theo nghi lễ truyền thống thì phải phát huy, động viên cho người ta làm càng nhiều càng tốt. Vì ý nghĩa của lễ hội bao giờ cũng là gieo vào lòng lớp trẻ quan điểm sống như thế nào cho phải, văn hóa ứng xử, nhìn các cụ mà sống. Lễ hội hấp dẫn thì kêu gọi khách thập phương, khách du lịch đến với địa phương ấy. Một dạo người ta nói về việc học sinh sợ học lịch sử, kém lịch sử vì do mình không biết cách làm thôi chứ nếu như mình biết cách làm thì lịch sử của mình nhiều cái hay lắm.

Bây giờ khán giả xem lịch sử thì thuộc lịch sử Trung Quốc hơn Việt Nam. Bởi vì Trung Quốc đầu tư vào nghệ thuật để nói về lịch sử. Lễ hội cũng là một nghệ thuật giáo dục truyền thống nên cần phải khuyến khích đầu tư để cho người ta làm. Dạy lịch sử không chỉ ở trên lớp mà bằng các loại hình thức nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, lễ hội.

Hiện nay người ta cứ lo cho kinh tế. Đất nước mình khoe với bạn bè năm châu về kinh tế, kinh tế thì chậm phát triển, khoe khoa học kỹ thuật thì cũng không có thành tựu gì lớn cả, chỉ khoe về văn hóa, đất nước và con người. Mà lễ hội là một phần của văn hóa, nằm trong văn hóa. Muốn thế thì phải đầu tư cho nghệ thuật, cho lễ hội. Hiện nay trong cả nước có hàng nghìn lễ hội thì cũng không thể tránh có một số những điều không hay ở lễ hội như mê tín dị đoan, hay tranh cướp… vậy cần phải có đội, ban tuyên truyền của xã, những người làm văn hóa của địa phương ấy phải có tiếng nói để phát huy cái hay, cái tích cực và dẹp những cái chưa hay, cái tiêu cực.

Tháng giêng là tháng ăn chơi…

Câu ca dao: "Tháng giêng là tháng ăn chơi" như muốn nói tháng khởi đầu của năm mới người ta vẫn còn cảm giác chộn rộn bảng lảng của những ngày xuân cùng nhau đi thăm thú các nơi và đa phần các lễ hội đều gắn với không gian văn hóa tâm linh.

Chả hiểu tự lúc nào, người đi lễ có quan điểm đầu năm đi vay, cuối năm đi trả, nên dân làm ăn cũng nhất tâm tìm đến bằng được với ngôi đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng ngọn núi, tại khu Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Hoặc không vay không trả nhưng chỉ là đi lễ xuân đầu năm mong sức khỏe dồi dào, gia trung hưng vượng nhà cửa bình an, suốt bốn mùa hanh thông thịnh đạt người dân lại tấp nập đi khắp nơi cùng chốn không chỉ đền Bà Chúa Kho mà đền cô Bé cửa Suốt, đền Cửa Ông, Quảng Ninh, đền đền ông Hoàng Mười, Nghệ An, đền Hoàng Bẩy ở Bảo Hà, đền cô Chín Sòng, Thanh Hóa, Đền Mẫu Đông Cuông, Tuần Quán, đền Công Đồng Bắc Lệ, Lạng Sơn…

Mong cầu một cuộc sống bình an hưng thịnh là mong ước chính đáng của con người và vậy là thiện nam tín nữ, dập dìu nườm nượp ngay từ những ngày đầu của tháng Giêng đã đến đền to, phủ lớn, chùa trong Nam ngoài Bắc để mong cầu sở nguyện như ý.

Trao đổi về việc hàng vạn, hàng ngàn người kéo nhau tới lễ hội ngày một đông với tác giả chuyên nghiên cứu về Dịch học, ứng dụng vào hai lĩnh vực Phong thủy học và Dự đoán học, nhà nghiên cứu dịch học Khương Văn Thìn cho biết: Lễ hội được tổ chức vào đầu năm vì tính theo lịch âm. Tháng giêng, tháng đầu tiên khởi đầu cho năm mới lại vào tiết trời mùa xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc, vạn vật tươi vui, cũng là mùa sinh sản của nhiều loài tăng trưởng nảy nở.

Người ta mong cầu bước sang một năm mới an khang thịnh vượng nơi tổ chức lễ hội như chùa Hương, Yên Tử, hay bất kì một nơi tâm linh văn hóa tín ngưỡng đền phủ nào… cũng là nơi mà trước đây ông cha ta đã chọn đất thiêng, phong thủy tốt để xây dựng đền chùa trên khu đất ấy.

Đầu năm con người đến những khu đất ấy là để được hưởng khí tụ âm dương trời đất giao hòa, con người càng đến những nơi phong thủy tốt thì càng tích tụ được những năng lượng tốt, năng lượng tích cực khi có những năng lượng tích cực trong người rồi thì sức khỏe tinh thần ổn định phấn chấn, làm việc dễ hanh thông hơn nên vạn sự cát tường cũng chính là từ đây.

Từ cuộc trò chuyện với nhà Dịch học Khương Văn Thìn, tôi bất giác nhớ đến câu chuyện của nhà văn  Chu Lai. Nhà văn Chu Lai kể về cái thời bao cấp đói và cơ hàn lắm, hai vợ chồng ông xoay đủ thứ để kiếm sống mà vẫn chẳng khá hơn được là mấy.

Đã có lần nhà văn nổi tiếng định đấu trộm điện để giảm được ít tiền điện; hay nhà có cái tủ lạnh Liên Xô hai vợ chồng bàn với nhau xoay sang làm đá để bán kiếm chút lời… Vợ ông, nhà văn Vũ Thị Hồng là một người thành kính và mộ đạo. Một ngày đầu xuân năm mới, nữ nhà văn muốn người chồng của mình đi cùng sang đền Bà Chúa Kho, ở bên Bắc Ninh để xin  lộc rơi lộc vãi của bà cho gia trung bước sang năm mới an khang thịnh vượng. Vốn cũng chẳng tin lắm nhưng nhà văn Chu Lai vì chiều vợ nên ông đưa vợ đi.

 Đến nơi, đứng trước điện của Bà Chúa Kho, xung quanh mọi người khấn vái sì sụp, nhà văn Chu Lai cũng đứng thẳng người khấn đại loại: "Kính thưa Bà Chúa Kho, bà là lính thời xưa, tôi là lính thời nay đều là con dân nước Việt. Chúng ta đều là những người lính và có phận sự phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Nay gặp thời kinh tế khốn khó nếu bà có thể giúp được thì xin hãy giúp vợ chồng tôi…".

Và theo như lời nhà văn Chu Lai thì ngay năm cầu khấn ở đền Bà Chúa Kho về, kinh tế của gia đình năm đó khấm khá hẳn. Nhà văn Chu Lai bảo: Cho đến giờ tôi cũng không rõ bà Chúa Kho biết phù phép hay bởi năm đó chính là năm đất nước có những bước chuyển mình rõ rệt nữa. Đó cũng là năm đất nước bước sang thời kì đổi mới, kinh tế không chỉ của gia đình ông mà người người nhà nhà đều khá lên nhờ chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước. Cầu khấn rồi được toại nguyện. Toại nguyện rồi lại càng cầu khấn!?

Những ồn ào và thị phi

Nhà nghiên cứu di sản, GS Trần Lâm Biền (Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch):  "Một đặc điểm quan trọng trong những lễ hội là văn hóa cộng đồng. Ngoài việc phát huy, bảo tồn ý nghĩa truyền thống tốt đẹp của các tập tục, tập quán còn là sự giao lưu, giao thoa văn hóa giữa các vùng miền, các thế hệ. Qua di tích lịch sử, người ta biết từng bước đi của lịch sử dân tộc, nhớ về nguồn cội của tổ tiên. Ý nghĩa của các lễ hội còn hướng đến giáo dục tâm linh, tín ngưỡng".

Đúng là ý nghĩa của lễ hội rất đẹp nhưng hiện nay cũng có nhiều ý kiến trái chiều nhau như ồn ào hủ tục chém lợn ở Bắc Ninh hay treo cổ trâu đến chết ở Yên Bái. Sau nhiều ì xèo về sự tàn bạo của các lễ hội này thì người ta đã bàn luận để đưa đến thống nhất tổ chức lễ hội làm sao cho phù hợp hơn.

Khi lễ hội chém lợn tạm thời lắng xuống thì lại đến lễ hội tranh cướp phết ở Hiền Quan. Cả nghìn người, trai làng, trai bản, trai xã giẫm đạp, trèo, đu lên nhau để cướp phết, xong xuôi đâu đấy cũng có vài người ngất xỉu sóng xoài ra đất vì đuối sức và bị giẫm đạp. Có ý kiến cho rằng đã là lễ hội không đông vui, nô nức, reo hò, tấp nập thì gọi gì là lễ hội? Nếu đông người ngay hàng thẳng lối, trật tự không ồn ào thì gọi gì là hội, chỉ gọi là lễ, lễ bái, cầu lễ, sắm lễ… còn đã là lễ hội là phải đông vui, nhộn nhịp, tưng bừng, ấn tượng.

Thế rồi đến việc cổ vũ, tham gia lễ hội hiện nay cũng vẫn còn có những hành vi phản cảm: Hình ảnh xả rác nơi công cộng. Những hình ảnh xoa tay, xoa bụng không chỉ với tượng vua mà ngay cả ở nhiều nơi tượng Phật, tượng Thánh cũng trong tình trạng bị xâm hại chung.

Người ta bảo vào chùa thì dâng hoa cúng Phật. Vậy nhưng khách thập phương đến lễ bái kêu cầu lại không thích dâng hoa, người ta thích dâng tiền. Người ta nhét tiền lên các kẽ tay của Phật bà Quan Âm, đặt tiền lên bụng Phật. Họ có thể để mớ tiền lẻ mới tinh tươm, hoặc cũ kĩ nhàu nát lên trên bức tượng hiện thân của tâm linh thần thánh. Người trần mang sự dung tục, ô tạp, khát khao vật chất để đến với Phật, với Thánh.

Người đi lễ, với ham muốn của mình, đã tầm thường hóa những biểu trưng tâm linh ấy bằng cách cư xử của kẻ phàm phu tục tử, mang cái vật chất kim tiền vào chốn thanh tịnh chân tu. Giả sử có Thánh thần đi mây về gió, gọi mưa hoán vũ thật, thì cũng đâu có thể vì chút kim tiền mà nghiêng ngả? Những hành vi nhét tiền vào kẽ tay, kẽ chân, đặt lên bụng, lên vai mang lại hình ảnh nhếch nhác và vô cùng phản cảm ở nơi tôn nghiêm trang quý cần phải dứt khoát bị loại bỏ.

Trần Mỹ Hiền
.
.