Lễ tri ân "những người thầy im lặng"
Trước đó một ngày, gần 500 sinh viên năm thứ nhất, khóa Y 2009 đã đến trường để chuẩn bị cho buổi lễ. Phạm Trung Tâm, sinh viên tổ 30, nói: "Có 54 xác ở phòng thực tập và 5 xác ở phòng xử lý. Tất cả được đưa ra khỏi tủ bảo quản để khâu lại những bộ phận mà trước đây các thầy đã mổ cho tụi con học tập". Sau đó, lần lượt từng thi hài được đưa lên mặt bàn bằng thép không gỉ, phủ khăn trắng từ chân đến ngực.
Sinh viên Nguyễn Quang Tiến, lớp trưởng, cho biết tiếp: "Cứ mỗi thi hài, tụi con quàng 2 vòng hoa nhài vào cổ, còn xung quanh là những cánh hoa nhài màu trắng đặt xen lẫn với những cụm lá xanh". Phía trên đầu mỗi thi hài, là một cây nến cũng màu trắng, được thắp trong suốt buổi lễ.
![]() |
Từng sinh viên đến bàn để xác, kính cẩn trước "những người thầy im lặng" |
Xuất phát từ phương Tây khoảng đầu thế kỷ XVI, lễ tri ân "Những người đã hiến xác cho y học" - gọi là "lễ Macchabée" - là buổi lễ không thể thiếu của tất cả những sinh viên Y khoa khi bước vào năm thứ nhất. Hồi ấy - cũng như bây giờ, trong các trường Y, giải phẫu học là môn học bắt buộc và là cơ sở của các môn cơ sở nhưng sinh viên hồi ấy chỉ được thực tập trên xác động vật vì những định kiến, áp lực từ tôn giáo. Theo tài liệu, Macchabée là tên của một bác sĩ người Pháp: Judas Macchabée, đã cùng những đồng nghiệp và học trò phải lén lút đào mộ, lấy cắp tử thi mới đem chôn, hoặc rình mò đưa những xác chết vô thừa nhận ngoài đường về rồi bí mật giấu trong những hầm rượu để mổ xẻ. Macchabée gọi đó là "những người thầy im lặng"
Để tưởng nhớ "những người thầy im lặng", bác sĩ Macchabée đặt ra một buổi lễ, lấy ngày thứ Sáu cuối cùng của tháng 12 hàng năm làm ngày tổ chức, vì theo Thiên Chúa giáo thì Chúa Jesus chết vào ngày thứ Sáu. Vẫn theo tài liệu, lễ được tiến hành rất bí mật và người tham dự phải là những sinh viên tuyệt đối trung thành với các thầy bởi lẽ nếu lộ ra, thì Tòa án tôn giáo sẽ đưa cả thầy lẫn trò lên giàn hỏa thiêu! Sau này, khi các định kiến tôn giáo chấm dứt, thì chữ Macchabée trở thành tên gọi cho lễ tri ân những người hiến xác cho y học, và theo từ điển ngành Y, Macchabée còn có nghĩa là "tử thi".
Tại Đại học Y khoa Sài Gòn - Đại học Y khoa Huế trước ngày giải phóng, năm nào sinh viên năm thứ nhất cũng tổ chức lễ Macchabée. Đến năm 1990, cố Giáo sư Nguyễn Quang Quyền, Chủ nhiệm Bộ môn Giải phẫu - Đại học Y Dược TP HCM đã vận động để khôi phục lại lễ tưởng niệm này bởi lẽ ngay từ năm 1988, đã có một số người gặp Giáo sư Quyền, tỏ ý muốn hiến thân thể mình sau khi chết cho y học. Đến nay, Đại học Y Dược TP HCM đã nhận trên 12.000 lá đơn xin hiến xác, và cũng đã tiếp nhận hơn 300 thi hài để phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu y học.
Trở lại buổi lễ Macchabée ở Đại học Y Dược TP HCM chiều ngày 22-1, ngoài sự có mặt của Ban giám hiệu, của đại diện bộ môn giải phẫu thuộc các trường y trong cả nước, còn có rất nhiều thân nhân của những "người thầy im lặng" đang nằm đây, mà trong đó, sau buổi lễ, lại có thêm nhiều thân nhân tình nguyện xin hiến xác. Chính giữa phòng giải phẫu, là một bàn thờ lớn, hai bên có hai bộ xương người đứng trong tư thế kéo đàn violon - y như ngày xưa, khi tổ chức lễ tưởng niệm, bác sĩ Macchabée cùng các học trò đã kéo violon bài “Requiem” (Kinh cầu hồn). Trên tay mỗi bộ xương, là chiếc xương chày - tượng trưng cho đàn - và xương mác, tượng trưng cho cây kéo dây đàn.
Không khí vô cùng trang nghiêm và xúc động khi hai cây nến lớn cùng những nén nhang được đốt lên, rồi tiếp theo là bài văn tế do một giảng viên Bộ môn Giải phẫu đọc. Đây đó, thỉnh thoảng lại bật lên những tiếng nức nở, những khuôn mặt đầm đìa nước mắt - không chỉ thân nhân những người hiến xác, mà còn ngay cả những cô, cậu sinh viên mới chập chững bước vào năm học đầu tiên. Bà Minh, mắt đỏ hoe, có chồng đang nằm trên chiếc bàn thép, nói: "Chứng kiến buổi lễ này, tôi mới thấy việc làm của chồng tôi hoàn toàn không vô ích".
14h, 2 sinh viên đi đầu, cầm hai cây nến, 4 sinh viên đi sau khiêng một chiếc kiệu, trên có lư hương và ba cây nhang, khói tỏa thơm ngát. Rồi lần lượt, thân nhân của những người hiến xác và các sinh viên chầm chậm bước vào khu vực phòng giải phẫu. Trên trần nhà, những chùm hạc giấy, những lồng đèn giấy treo lơ lửng. Hoa - và rất nhiều những cánh hoa, những câu thư pháp treo ở khắp nơi, dọc theo lối đi từ đại giảng đường đến phòng giải phẫu, trên các bàn đặt thi hài.
Ở đây, các sinh viên Y khoa năm thứ nhất có thể hiểu thêm về "những người thầy im lặng". Khi còn sống, họ đã từng là công an, bộ đội, là thầy giáo, kỹ sư, là công nhân, cán bộ, là người buôn bán, là nông dân, là sinh viên, học sinh. Có người trong số họ chẳng theo tôn giáo nào nhưng cũng có người là tín đồ Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hòa Hảo, Cao Đài... Bây giờ nằm đây, họ cung cấp cho các sinh viên Y khoa năm thứ nhất những bài học về xương, cơ, mạch máu, về sọ não, thần kinh, về bộ máy tiêu hóa, tiết niệu...
Dẫu cho họ đã rời xa cuộc sống, rời xa những người thân yêu để đi vào nơi miên viễn, nhưng thân thể của họ vẫn nằm trong Khoa Giải phẫu - Đại học Y Dược TP HCM này, lặng lẽ cống hiến những gì còn lại cho khoa học để từ đó, biết bao nhiêu thế hệ sinh viên đã trưởng thành, ra đời, đem kiến thức y học của mình phục vụ xã hội. Trên chiếc bàn kia là bà Cúc Phượng. Bước qua tuổi 40, bà phát hiện mình bị ung thư sau một lần kiểm tra sức khỏe. Bất chấp người nhà phản đối, bà đã làm hồ sơ hiến xác cho ĐH Y Dược TP HCM.
Bác sĩ Phan Bảo Khánh, Phó trưởng khoa Y, kể: "Cũng vào dịp ĐH Y Dược TP HCM tổ chức lễ tri ân những người hiến xác, bà Cúc Phượng mặc một chiếc áo dài rất đẹp, màu xanh rêu, cầm theo một lẵng hoa đến tặng cho Giáo sư Nguyễn Quang Quyền, lúc ấy là Chủ nhiệm bộ môn Giải phẫu. Bà hỏi Giáo sư Quyền rằng, thầy sẽ cho em nằm ở đâu? Giáo sư Quyền hỏi lại, em muốn nằm chỗ nào? Bà trả lời, là bà muốn nằm gần cửa sổ để đón bình minh và ngắm hoàng hôn. Vài tháng sau, bà qua đời, và thi hài của bà đã được đặt gần cửa sổ".
Ở một góc, chị Thu Nguyệt lặng lẽ nhìn mẹ mình, là bà Thiện, hiến xác năm 2007. Dù thân xác người mẹ đã khô đét và tím tái vì chất bảo quản, nhưng chị vẫn có cảm giác như mẹ mình đang còn sống và chỉ một lát nữa đây, bà sẽ ngồi dậy, nhắc chị nhớ mua cho bà vài quả chuối khi đi làm về. Chị nói: "Hồi còn sống, mẹ tôi rất thích ăn chuối..." nên hôm nay, dưới chân người mẹ, chị vẫn không quên đặt xuống đó mấy quả chuối ngự ửng vàng.
"Thác là thể xác, hồn là tinh anh" - Đại thi hào Nguyễn Du đã viết thế. Lần lượt, sinh viên đến từng bàn để xác, chắp tay vái lạy, nguyện cầu. Cao Hữu Trí, sinh viên tổ 29, nói: "Cho dù các chú, các bác, các cô, các dì, các anh chị nằm đây, không ai nói với tụi con một lời nào. Nhưng cơ thể của họ đã là những bài giảng vĩ đại nhất"...