Lên rừng dự đám cưới Bahnar

Thứ Hai, 13/10/2014, 09:10

Sáng tinh mơ, không gian ở làng H'le (xã Yang Trung, huyện Kông Chro, Gia Lai) tươi tắn, sôi động hơn mọi ngày. Từ mờ sáng, trong nhiều nếp nhà dài cổ kính có tuổi đời trăm năm, đã thấy lửa bập bùng cháy sáng. Như nhiều gia đình Bahnar khác ở làng, lúc này chị H'Lên thả mình trong bộ áo váy truyền thống, vào trong phòng chứa rượu lấy ghè rượu cần được ủ từ nhiều tháng trước để gùi đi ăn mừng đám cưới!

Đám cưới Bahnar mà tôi có dịp tham dự không có bóng dáng của phong bì phong bao, không có nỗi lo lời lỗ của hai họ... như ở chốn thị thành. Cách TP HCM hơn 700km, đám cưới Bahnar ở làng H'le nhuốm sắc màu hồng hoang, thay vì phong bì phong bao, người đến dự mang đến nhà cô dâu chú rể ghè rượu, con gà, đọt mây...

Sau khi ăn uống no say, lúc về, khách đến dự được gia chủ thành tâm chia thịt từ con vật hiến sinh cúng Yang (thần linh) để người ở nhà cũng được bữa ăn ngon như người đi... dự cỗ!

Ăn cưới là mặc đẹp... gùi rượu

6 giờ sáng, mặt trời nhô cao, từ khoảng sân nhà bà K'rết ở đầu làng H'le, hướng ánh mắt về phía con đường cái quan chẻ giữa rừng già đi qua các buôn làng Bahnar ở xã Yang Trung, thấy phía trước xuất hiện khung cảnh lạ. Từ trong những nếp nhà dài huyền hoặc, nhiều cô gái Bahnar bước ra khỏi nhà với gùi rượu sau lưng. Tất cả cùng nhằm về một hướng, đến cùng một nơi, nhà của ông Đinh Ngếch và vợ là bà Khen để dự đám cưới.

Rời ngôi nhà cổ có đến 4 thế hệ cùng sinh sống của cụ K'rết, tôi hòa mình giữa rừng bóng hồng Bahnar tươi tắn, khỏe mạnh và háo hức. Sau khi cho biết ghè rượu mà mình đang gùi sau lưng là rượu quý, chị H'Mai, 30 tuổi, nói rằng khi đến dự đám cưới một ai đó ở làng, khách mời như chị bao giờ cũng vận áo váy đẹp nhất, mang ché rượu quý nhất đến chung vui. Có người còn khoe sắc với những sợi dây đeo cổ xỏ hạt cườm cùng những chiếc còng bạc, còng đồng lên nước bóng loáng được mẹ truyền cho con qua nhiều đời, có khi đến hơn trăm năm tuổi.

Lặng ngắm nhiều sơn nữ Bahnar uyển chuyển trong bộ váy áo truyền thống nhiều sắc màu với gùi rượu thơm lựng hương rừng hương rẫy, hẳn những ai đam mê vẻ đẹp miền sơn cước đều không khỏi ngất ngây. Cảm giác thật vi diệu khi được chính những sơn nữ vùng cao ấy cho biết trang phục truyền thống với nhiều sắc màu rực rỡ nổi bật với những hoa văn lạ kỳ được họ tự tay đan dệt.

Bà K'Siu, ngoài 50 tuổi, nói rằng theo tục lệ trăm năm của người Bahnar, cô gái trước khi về nhà chồng không chỉ tự tay dệt cho mình bộ áo váy thổ cẩm mà còn dệt cả những chăn, áo, khố cho người chồng tương lai, có khi dệt áo khố làm quà tặng cho gia đình người chồng (cha mẹ-PV). Nhờ luật tục ấy nên con gái Bahnar dệt thổ cẩm rất giỏi.

Trong lúc các già làng đang khấn Yang, các bà, các chị được biệt đãi... vít cần đưa cay.

Để dệt được một bộ áo váy cổ truyền được gọi là yeng dí, cô gái Bahnar phải mất hàng tháng trời, có khi cả năm hơn. Chuyện rằng sau khi hái bông về quay sợi, sơn nữ Bahnar thường tranh thủ những ngày mưa không thể đi rẫy đi rừng, hoặc lúc nông nhàn, hay khi xong mọi việc trong nhà... là cần mẫn ngồi bên khung cửi. Trang phục của bất kỳ cô gái Bahnar nào cũng gồm 5 sắc màu chính gồm yadu (đen), cakni (vàng), kỗ (trắng), yapiek (xanh) và hrah (đỏ).

Những người già ở làng cho biết sắc màu thổ cẩm Bahnar được kết tinh từ loại lá rừng có tên gọi krum với vỏ ốc bắt ở suối nung thành bột. Khi được trộn lẫn vào nhau và phối với một số cây lá rừng khác thì hỗn hợp trên sẽ biến thành những sắc màu xanh, đỏ, vàng đen...

Bà K'Siu còn cho biết thêm, váy áo của phụ nữ Bahnar có 3 loại gồm yeng dí, yêng kdruech và yêng đếc. Ngày thường họ có thể ăn vận tự do như người Kinh nhưng khi làng  có dịp vui hay trọng đại, các sắc phục cổ truyền kia sẽ được các bà, các chị Bahnar mang ra khoe sắc!

Những hình ảnh lạ kỳ

Gần 8 giờ, lúc này đã thấy rất đông người tụ tập trước cửa nhà ông Đinh Ngếch. Trong khoảng sân rộng hơn 100m2, dưới tán cây cổ thụ xanh rờn, ngàn tia nắng mai len lỏi qua những cành lá soi vào từng khuôn mặt đang hân hoan. Nắng cũng chiếu soi, nhảy múa trên hàng chục ché rượu quý được chính các bà, các chị tự tay vào rừng hái lá cây, đào rễ cây có vị thuốc về làm men ủ rượu. Tùy điều kiện và sức khỏe mà có người mang đến những ché rượu cần lớn nhỏ khác nhau.

Một người làng bật mí với tôi rằng khi mang rượu từ nhà đến nơi tổ chức đám cưới, người ta gùi khiêng rất kỹ, đi đứng nhẹ nhàng nhằm tránh ché rượu rơi bể, đó là điều cấm kị trong ngày vui của đôi trẻ.

9 giờ sáng, khoảng sân phía trước được những người tham gia lễ cưới "chẻ" làm đôi. Tính từ cửa nhà chính, khoảng sân phía tay phải là cột rượu với hơn chục ché rượu cần được mặc định là nơi đưa cay của các bà, các chị. Ở khoảng sân còn lại, cột rượu gồm 9 ché rượu quý được ủ trong những chiếc ché có hoa văn rất đẹp mà ngày trước gia chủ phải trả trâu mộng để đổi quyền sở hữu, được các vị thầy cúng ngồi xổm đọc chú khấn Yang. Trên mỗi ghè rượu quý tế thần này, người ta để tim gan - thứ quý nhất của con vật hiến sinh (trâu) ngay khi vừa giết thịt để cúng thần linh.

Không như người đồng bằng, trong các nghi thức thiêng linh cầu cúng của mình, người Bahnar không có tục thắp hương thắp nến. Họ tin lời khấn của các vị thầy cúng cùng lòng thành của gia chủ và dân làng sẽ thấu đến các vị thần linh, từ đó mọi mong cầu được bình an, được mùa, hay đôi trẻ sau lễ cưới sẽ sống hạnh phúc đến trăm năm đều được các vị Yang cho... ý toại.

Phía sau nhà, thanh niên trai tráng tổ chức nấu ăn và xiên thịt để chia cho mọi người đến dự.

9 giờ 30 phút, trong lúc vị thầy cúng vẫn còn ngồi xổm bên những ghè rượu thiêng gọi Yang thì các bà, các chị thỏa sức vít cần rượu, vô tư mời mọc nhau. Tôi là khách nên cũng có được vinh dự này. Rượu cần Bahnar có vị chua đậm hơn rượu cần của tộc người S'tiêng ở Bình Phước mà tôi từng được hân hạnh vít cần cùng già làng Điểu Lên - Chủ tịch Hội đồng già làng xã Bình Minh (huyện Bù Đăng), vốn từng một thuở là thủ lĩnh của người dân sóc Bom Bo - địa danh nổi tiếng qua bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” được cố nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác vào năm 1966.

Và trong lúc các bà, các chị ngất ngây với men rượu quý, phía sau nhà những người đàn ông đang hì hục xẻ thịt con vật hiến sinh. Tôi rất lấy làm lạ trước hình ảnh nhóm gần chục thanh niên đang chăm chú kẻ cắt thịt ra từng miếng bằng nắm tay, người dùng que lồ ô vót nhọn xiên qua những miếng thịt ấy để thành đống. Cạnh đấy, một số người khác thì lo nấu những món ăn cổ truyền của tộc người mình trong chiếc nồi đồng khổng lồ có thể để trọn cả một con dê...

"Con cái thương nhau thì mẹ cha ưng bụng"

Đến 10 giờ, tôi hân hạnh được uống rượu cùng mẹ cô dâu - bà Khen, 48 tuổi. Tranh thủ dịp may hiếm có, tôi hỏi bà Khen nhiều điều nhưng vì bà mẹ cô dâu nói tiếng Kinh không được thạo cho lắm, nên việc "thu hoạch" của tôi khá hạn chế. Giọng Kinh lơ lớ, bà Khen chỉ cho biết sau một thời gian dài tìm hiểu, con gái bà là K’Hên và chàng rể tương lai là Khen, phải lòng nhau. Con cái thương nhau thì mẹ cha ưng bụng, không có chuyện ép gả!

Cuộc trò chuyện này gợi cho tôi nhớ đến lần dự đám cưới của một đôi trai gái Bahnar ở làng Brò (xã An Trung) khi tôi đến Kông Chro hơn một năm trước. Tiếc rằng khi chúng tôi đến là lúc đám cưới đang lúc tàn tiệc, nhiều người đã ăn nhậu no say, nhiều người chếnh choáng trong men rượu cần cùng điệu xoang, tiếng chiêng cổ truyền phát thanh âm thâu đêm suốt sáng. Còn nhớ khi ấy tôi hỏi mẹ cô dâu là H'ing về những lễ nghi của đám cưới cùng lễ hồi môn mà nhà trai trao cho nhà gái. Bà H'ing bảo rằng khi 2 đứa trẻ yêu nhau, chúng về thưa với cha mẹ, vậy là hai bên gia đình mời người già vào vai ông tơ bà mối đến ngỏ lời, cũng như thống thất thời gian tổ chức lễ cưới.

"Muốn cưới thì người già ở làng ngồi với nhau xem hai đứa có phải họ hàng xa gần gì với nhau không, nếu họ gần thì không cho cưới" - bà H'ing nói. Bà cũng cho biết của hồi môn gồm còng, vòng, kiềng đeo cổ đeo tay đeo chân bằng đồng và bạc đã được nhà trai trao cho nhà gái mấy ngày trước. Còn heo, trâu, gà vịt, ghè rượu... thì cả hai gia đình cùng chung góp đãi làng. 

Về nghi thức, đám cưới của đôi trẻ ở làng H'le mà chúng tôi tham dự lần này cũng tương tự như đám cưới của đôi trẻ ở làng Tờ Nùng. Có khác chăng ở chỗ tổ chức lễ cưới cho đôi trẻ này, theo luật định sẽ có đến 5 vị già làng đứng ra hành lễ cho đôi trẻ. Hỏi của hồi môn mà nhà gái được nhận từ chú rể, bà mẹ cô dâu cho biết cùng với vật trang sức cổ truyền còn có một con trâu... Những đồ trang sức thì bà trao cho con gái giữ, riêng trâu thì được mổ thịt để đãi làng.

Trong quá trình xẻ thịt, nấu nướng, xỏ thịt, có một điều lạ là chúng tôi không thấy bất kỳ ai vừa làm vừa ăn, thường là ăn những món như lòng, lá lách (có nơi gọi là sách)... Hỏi ra mới biết việc "ăn vụng" như thế là điều rất cấm kị. Dân làng Bahnar ai cũng nằm lòng luật tục những con vật hiến sinh mọi người chỉ được phép động thủ sau khi đã qua nghi lễ cúng Yang với suy nghĩ "Yang ăn trước, làng ăn sau". Mà lúc này, ở khoảng sân trước, các vị thầy cúng vẫn còn miệt mài với việc ngồi bên những ché rượu thiêng gọi Yang về dự và ban phước cho đôi trẻ.

Lạ lùng tục... chia thịt

Từ lúc biết chuyện người làng gùi rượu đến dự đám cưới, xem những ché rượu mà mình ủ là quà mừng cô dâu chú rể chứ không như người thị thành vốn nặng nề với cái gọi là "phong bì", chúng tôi rất lấy làm ấn tượng về một đám cưới không có "mùi" tiền. Và đến thời điểm này, khi các trai làng đang mê mải với những xiên thịt xỏ lồ ô, trong chúng tôi ngập tràn cảm xúc về một đám cưới đậm phong cách núi rừng, không chỉ không có phong bì, không có những quý bà quý cô với khuôn mặt được tô son trét phấn như người thành phố...

Đám cưới Bahnar mà tôi đang hòa mình dân dã, tươi vui, trong sáng và rất sâu lắng. Nhất là khi tôi được những trai làng đang xâu xỏ thịt vào từng que lồ ô vót nhọn cho biết khách đến chung vui rồi, khi đã no say rượu thịt rồi, lúc về họ sẽ được gia chủ dúi tận tay hay bỏ vào gùi những que thịt, gọi nôm na là... chia thịt.

- Họ sợ khách ăn không no, hay vì thịt nhiều quá, ăn không hết nên chia cho người đến dự tiệc?

- Ồ, cả hai lý do đều không đúng đâu. Ngày thường có thể mình chỉ ăn khoai ăn rau nhưng khi làng có lễ hội ngày vui, bao giờ cũng ăn uống linh đình, mọi người cùng ăn uống no say đến mấy lần, không có chuyện ăn uống thiếu thốn bao giờ...

Theo giải thích của già làng Đinh Êng, việc chia thịt xỏ xâu khi tàn tiệc là tập tục và cũng là mỹ tục có từ bao đời của người Bahnar, ẩn trong nó nhiều ý nghĩa. Trước để khách đến chung vui được thấy thoải mái như cách mà người đồng bằng thường nói với nhau "được ăn được nói, được gói mang về". Sau những xiên thịt được chia phần là cách mà gia chủ thể hiện sự chu đáo với những người thân của khách dự tiệc vì nhiều lý do phải ở nhà, cũng có được miếng ăn ngon.

"Trẻ con không được dự nè, người già đau yếu không tới được thì mình chia thịt để họ cũng được ăn ngon như mình" - già Êng nói. Già cũng cho biết trong nghi thức chia thịt, người được chia thịt nhiều hơn những người khác là người làm mai mối và các vị thầy cúng... bởi họ là những người có công lớn trong chuyện trăm năm của đôi trẻ.

14 giờ, khi mọi lễ nghi cúng Yang, khấn cầu của các già làng và thầy cúng hoàn tất cũng là lúc lễ cưới của đôi trẻ người Bahnar được tiến hành. Tiếc rằng vì thời gian lưu lại ở Kông Chro có hạn nên chúng tôi đành phải giã từ những người Bahnar thân thiện, hào sảng ngay khi cuộc vui bắt đầu với niềm tiếc nuối vô bờ.

Trước khi đi, tôi được dịp trò chuyện với cô dâu K'Hên dưới 20 tuổi về chuyện tình của mình trước khi cô vào nhà thay y phục cổ truyền để làm lễ. K'Hên tâm sự là rất mãn nguyện vì được lấy người mình thương yêu. Lấy nhau xong cô sẽ về nhà chồng, chồng cô sẽ như bao chàng trai Bahnar khác ngày đi rẫy đi nương, còn cô sẽ chăm lo việc nhà, nuôi heo, nấu ăn, dệt thổ cẩm... 

Chia sẻ của K'Hên cho tôi biết trong hạnh phúc của đôi trẻ Bahnar, chỉ thấy những khoảnh khắc yên bình, ấm áp đến lạ, không có những khát khao mong cầu nhà cao cửa rộng, được nhiều tiền của, hay lo lắng chuyện lời lỗ sau đám cưới như người thị thành. Với tôi, đó là một đám cưới Bahnar... hoàn mỹ!

N.Thành Dũng
.
.