Liên hoan phim Cannes: Đằng sau ánh hào quang

Thứ Bảy, 25/05/2019, 13:28
Liên hoan phim Cannes 2019 chính thức diễn ra từ ngày 14-5 đến 25-5 tại Pháp, quy tụ hàng trăm ngôi sao điện ảnh, nghệ sĩ từ nhiều nơi trên thế giới. Liên hoan phim năm nay có 21 phim tham gia tranh giải Cành cọ Vàng, 18 phim dự nhánh Un Certain Regard (Nhãn quan độc đáo) và 8 phim chiếu nhưng không tranh giải.

Nữ quyền tiếp tục lên ngôi

Tròn một năm kể từ khi 82 nữ nghệ sĩ đã đồng loạt biểu tình ngay trên thảm đỏ Liên hoan phim (LHP) Cannes 2018 vì bình đẳng giới, giữa sự bùng nổ của làn sóng #MeToo đang diễn ra trên khắp thế giới.

Cũng tròn một năm nữ minh tinh người Italy - Asia Argento chỉ đích danh Harvey Weinstein từng cưỡng hiếp cô ngay trên sân khấu lễ bế mạc LHP Cannes khiến cả thế giới rúng động. Ngay lập tức, LHP Cannes khai trương một đường dây nóng đặc biệt để nạn nhân hoặc nhân chứng có thể gọi điện trình báo sự việc, tố cáo kẻ tấn công.

Nhưng, dường như LHP Cannes vẫn đang chật vật đối phó với kẻ thù cố hữu của chính nó: bóng ma của những vụ tấn công tình dục lịch sử và sự bất lực trong việc đảm bảo cân bằng giới tính. LHP Cannes cần làm nhiều hơn thế nữa.

LHP Cannes 2019 vẫn bị giới đấu tranh cho nữ quyền chê trách vì trong số 21 phim tranh giải quan trọng nhất – Cành cọ vàng, chỉ có 4 tác phẩm là của các nữ đạo diễn bao gồm: “Atlantique” (Mati Diop), “Little Joe” (Jessica Hausner), “Portrait of a Lady on Fire” (Céline Sciamma) và “Sibyl” (Justine Triet) chiếm dưới 20%, chưa bằng một nửa số lượng phim của phụ nữ tranh giải tại LHP Berlin diễn ra hồi tháng 2/2019 (40%).

Khu vực Le Ballon Rouge trong khuôn viên Liên hoan phim Cannes.

Ông Thierry Frémaux, tổng đại diện của LHP Cannes khẳng định: “không thể nào trộn lẫn mục tiêu bình đẳng giới với việc tuyển chọn phim”. Song, ông Thierry cho hay BTC đã có sự thay đổi tích cực hơn khi khách mời là phụ nữ được mở rộng hơn, đội ngũ ban giám khảo cũng được cân bằng giữa hai phái. Theo đó, đạo diễn, biên kịch kiêm nhà sản xuất phim gạo cội người Mexico Alejandro Gonzalez Inarritu làm Chủ tịch Ban Giám khảo LHP năm nay.

Ngoài ra, còn có 8 thành viên giám khảo khác là đạo diễn, tác giả truyện và diễn viên Mỹ Elle Fanning - giám khảo trẻ nhất trong lịch sử Liên hoan phim (21 tuổi). Bên cạnh đó, Ban tổ chức sẽ trao giải “Women In Motion” - giải thưởng tôn vinh cống hiến của các diễn viên nữ trong điện ảnh - cho minh tinh Trung Quốc Củng Lợi. Đây là lần đầu tiên một diễn viên châu Á được nhận vinh dự này.

Tổ chức Women and Hollywood (cổ vũ các nhà làm phim nữ) lại không đồng ý với lời giải thích này của BTC: “Mỗi năm ban tổ chức lại có lý do khác. Chúng tôi muốn Frémaux đón nhận vấn đề này và hành xử xứng tầm một lãnh đạo”, một người đại diện nói trên Guardian. Năm ngoái, vấn đề này từng khiến Cate Blanchett, Kristen Stewart và 80 sao nữ diễu hành phản đối ở Cannes.

Thực tế, có tất cả 15 phim của phụ nữ gửi đến LHP năm nay, không quá nhiều nhưng vẫn là con số chưa từng có trong lịch sử, phản ánh một sự chuyển biến thuận lợi cho bình đẳng giới trong điện ảnh. Theo NY Times, 26% các bộ phim được gửi cho LHP năm nay là do phụ nữ thực hiện. Riêng hạng mục phim ngắn, con số này tăng lên 32% và 44% ở hạng mục phim của sinh viên.

Julie Billy, đồng chủ tịch của tổ chức 50/50 by 2020 thừa nhận đây là những con số đáng khích lệ. “Một thế hệ đạo diễn phụ nữ mới đang nổi lên và được lựa chọn, với những bộ phim được đón nhận rất tốt”, cô nói trên NY Times.

Tuy nhiên, sự thiếu cân bằng và công bằng đối với phái nữ là vấn đề lớn của cả ngành công nghiệp điện ảnh chứ không riêng tại LHP Cannes. Phụ nữ không phải là cộng đồng thiểu số trên thế giới, nhưng ngành điện ảnh lại đang kể câu chuyện hoàn toàn ngược lại.

Trên Guardian, nữ diễn viên Salma Hayek gọi đây là “một phương trình phức tạp” và là trách nhiệm của cả ngành điện ảnh vì rõ ràng phụ nữ không nhận được nhiều hỗ trợ, được tạo điều kiện với vai trò nhà sản xuất, nhà phát hành phim.

Quyết định “như một trò đùa”

Năm nay, Ban tổ chức LHP Cannes quyết định thực hiện một sáng kiến mới mang tên “Le Ballon Rouge” (Bong bóng đỏ), đặt theo tên bộ phim thiếu nhi của đạo diễn Albert Lamorisse, 1956. “Bong bóng đỏ” cung cấp một gói dịch vụ hỗ trợ ưu đãi, giúp liên hoan phim trở nên dễ dàng hơn trong mắt các gia đình có con nhỏ.

Theo đó, trong khuôn viên LHP năm nay có khu vực... cho con bú và thay đồ cho em bé, một gian hàng dành riêng cho trẻ nhỏ, quy trình cung cấp phù hiệu miễn phí cho bảo mẫu và trẻ nhỏ, lối đi ưu tiên và dễ dàng cho các bậc cha mẹ có con nhỏ và xe đẩy, và gồm cả danh sách chứng nhận những người giữ trẻ làm việc ngoài giờ...

Không thể phụ nhận sự thay đổi tích cực của Ban tổ chức nhằm bày tỏ sự hưởng ứng với phong trào #MeToo. Song những thay đổi này có thực sự xứng đáng là sáng kiến hay chỉ là những “chiêu trò” quảng bá không có tính khả thi vẫn còn nhiều nghi vấn. Trên tờ Guardian, nhà phê bình điện ảnh Leslie Felperin hoan nghênh những biện pháp này, tuy nhiên bà đã đặt ra câu hỏi về tính thực tiễn của chúng.

“Đây là một trong những ý tưởng hay nhưng tôi không chắc rằng bất cứ người mẹ nào đang làm việc lại muốn đưa con cái mình tới Cannes. Họ sẽ đẩy một chiếc xe nôi trên đại lộ Croisette ở Cannes? Chỉ đi bộ không thôi bạn cũng không thể đi từ đầu này sang đầu kia đại lộ”, Felperin nói.

Trước khi có tranh cãi về sáng kiến này, LHP năm nay đã bị chỉ trích khi BTC quyết định trao giải Cành cọ Vàng danh dự cho tài tử gạo cội Pháp Alain Delon. Trong khi ông từng bị “ném đá” vì phản đối về việc nhận con nuôi của các cặp tình nhân đồng giới và việc ông từng thừa nhận đã tát phụ nữ.

Trong một bài phỏng vấn với tờ Journal du Dimanche (Pháp), Delon xác nhận rằng ông đã từng tát một người phụ nữ nhưng chưa bao giờ ông quấy rối phụ nữ. Trước quyết định này của ban tổ chức LHP Cannes, đại diện tổ chức Osez le Féminisme bày tỏ: “Cannes gửi thông điệp tiêu cực đến nữ giới và các nạn nhân bạo lực khi tôn vinh Delon dù biết ông ấy từng tát phụ nữ”. Đồng sáng lập tổ chức #MeToo tại Pháp, bà Carole Raphaelle Davis cũng bất bình về quyết định này tại LHP Cannes 2019.

Elle Fanning là giám khảo ít tuổi nhất trong lịch sử LHP Cannes.

Các nhà tổ chức LHP Cannes năm nay nói với tờ Variety rằng, họ tôn vinh Delon vì “ông là nam diễn viên huyền thoại, đồng thời là một phần của lịch sử Cannes”. “Chúng tôi không trao cho Alain Delon giải Nobel Hòa bình. Ông ấy có quyền bày tỏ quan điểm của mình. Kể cả khi chúng tôi không lên tiếng, Delon vẫn phải chịu trách nhiệm cho việc làm của ông ấy và nhận sự chỉ trích của khán giả” Thierry Frémaux - giám đốc liên hoan phim đáp trả.

Lời tuyên bố của vị chủ tịch LHP một lần nữa khiến công chúng dậy sóng”. Họ cho rằng, đây là một sự thách thức và coi thường đối với những người phụ nữ bị bạo hành. Thậm chí, nhiều khán giả thẳng thừng tuyên bố sẽ tẩy chay LHP Cannes vì quyết định thiếu suy nghĩ của Ban tổ chức.

“Chợ tình” của chân dài và đại gia

Đối với đại đa số công chúng, LHP Cannes là một sự kiện danh giá, uy tín, là nơi tôn vinh những người làm nghệ thuật cùng những tác phẩm chân chính. Tuy nhiên, không ít người lại xem đây là “phiên chợ tình” để phô diễn bản thân và bán dâm, đi khách. Ngôi sao nổi tiếng như Củng Lợi cũng đã gay gắt chỉ trích vấn nạn này: “Nghệ sỹ không có phim hay không được mời vẫn dự thảm đỏ là đầu óc có vấn đề”.

Góc tối này trở nên đáng sợ hơn khi tờ báo điện ảnh uy tín của Mỹ Hollywood Reporter vừa tiết lộ sự thật gây sốc về nạn mua bán dâm đang diễn ra rất sôi nổi tại sự kiện danh giá được tổ chức thường niên tại Pháp. Cụ thể, thông thường có khoảng từ 30 đến 40 du thuyền sang trọng của các đại gia neo đậu ở vịnh Cannes trong suốt thời gian diễn ra LHP. Đại gia và những vị “khách” bán dâm trá hình sẽ có cách liên hệ với nhau, móc nối với nhau qua những kẻ môi giới.

Siêu mẫu áo tắm Chrissy Teigen tiết lộ với Daily Mail rằng, nhiều đồng nghiệp người mẫu của cô đã chọn Cannes là nơi thực hiện hành nghề mại dâm cao cấp: “Có những kẻ lừa đảo ở Cannes tính phí 30.000 USD một đêm”. Thực tế, việc xuất hiện tại Cannes nhiều khi chỉ là cái cớ, còn mục đích của những người mẫu, diễn viên và thậm chí là các hoa hậu là “phục vụ” những người đàn ông giàu có trong các khách sạn sang trọng của Cannes và trên du thuyền triệu đô có thể kiếm được hàng nghìn USD mỗi đêm.

Kelly Brook – một siêu mẫu người Anh từng chia sẻ về việc bị một nhà tài phiệt người Pháp “gạ tình” với giá 1,3 triệu USD (khoảng 26 tỷ đồng) chỉ để được ở bên cạnh cô một đêm duy nhất.

Siêu mẫu Bella Hadid tại Liên hoan phim Cannes 2016.

Còn nhớ, trong bài phỏng vấn với Hollywood Reporter vào năm 2013, một tú ông tự xưng doanh nhân tên là Nahas ở Cannes đã bị bắt vì tội môi giới bán dâm vào năm 2007 tiết lộ LHP Cannes là “ngày hội tiền lương lớn nhất trong năm” của gái bán dâm hạng sang.

Những người làm việc dưới trướng Nahas bao gồm cả người mẫu, hoa hậu và gái bán dâm chuyên nghiệp, mức giá của họ tối đa có thể lên đến 40.000 USD/đêm. Nơi hoạt động của họ là khách sạn 4-5 sao, trên du thuyền và trong các biệt thự nguy nga trên những ngọn đồi cao của Cannes. Vị khách của những cô gái hầu hết là những đại gia Ả Rập, chịu chơi, chịu chi.

“Đại gia Arab là những người hào phóng nhất thế giới. Chỉ cần thích, họ sẽ không ngần ngại trả số tiền lớn cho các cô gái. Đến LHP Cannes, họ mang trong người 10.000 Euro là chuyện bình thường. Đối với họ, tiền chỉ như tờ giấy lộn, họ thậm chí còn chẳng buồn đếm lại khi trả tiền cho các cô gái”, Nahas kể.

Trong khi đó, Katia - một gái bán dâm đến từ Paris cho biết cô đã đến Cannes được hai tuần, từ trước khi diễn ra LHP Cannes. Tuy nhiên, để thu hút được nhiều khách hàng cô khai trên một website môi giới mại dâm là 24 tuổi, trong khi tuổi thật của cô là 27. Katia cho hay, cô đã tham dự sự kiện thảm đỏ của lễ công chiếu một bộ phim và vài bữa tiệc trong tuần đầu tiên của liên hoan phim với tư cách là “bạn gái” cho một vị khách với giá tầm 620 USD (gần 14 triệu đồng) mỗi giờ.

Ngoài ra, cô có những quy định của bản thân như chỉ qua đêm tại khách sạn 4-5 sao và không tham dự những cuộc gặp mặt trên du thuyền vì cảm thấy không khí trên đó không mấy thân thiện. “Khách hàng của tôi nửa là người Pháp, nửa đến từ nước ngoài và đa số trong đó là người Mỹ”, Katia tiết lộ.

Suốt 4 năm qua, nhằm đối phó nạn mua bán dâm bất hợp pháp đang diễn ra nhộn nhịp trên con đường Croistte, lực lượng hành pháp tại địa phương đã tiến hành công việc tuần tra hàng đêm. Pierre Boutillon, Phó giám đốc sở cảnh sát thành phố khẳng định sẽ không thấy một gái bán dâm nào đứng đường ở trung tâm Cannes cả.

Tuy nhiên, hành động này không thể kiểm soát được tất cả, khi Internet phát triển, các cô gái không cần phải đứng đường như trước mà chỉ cần một cuộc điện thoại. “Một khi họ đã vào phòng khách sạn có trời mới biết điều gì đang diễn ra”, Boutillon nói.

Để đối phó với tình trạng này, một điều luật đã được Pháp ban hành cho phép các cô gái “bán hoa” chào mời khách nhưng lại xem hành động mua dâm là phạm pháp. Đây là nỗ lực của chính phủ nước này nhằm quy trách nhiệm cho những người khách mua dâm. Tuy nhiên, điều luật kỳ quặc này cũng không thể hạn chế tình trạng mua bán dâm vẫn đang nhộn nhịp tại LHP Cannes.

Trong suốt nhiều năm qua, thảm đỏ Cannes không thiếu những trò hề của các mỹ nhân từ vô danh đến sao hạng A từ khắp thế giới đổ về. Họ không ngại khoác trên mình những bộ cánh quái đản, thậm chí diện những mốt khoe thân triệt để, bất chấp để lộ nội y, phơi bày vùng nhạy cảm trước hàng nghìn quan khách, ống kính trong một sự kiện được cho là sang trọng, lịch sự. Họ không ngừng uốn éo tạo dáng trong những bộ trang phục hớ hênh đó và câu giờ trên thảm đỏ chỉ để có cơ hội lên sóng.

Không biết từ bao giờ giá trị của LHP Cannes bị hạ thấp thành nơi “hội chợ của chân dài đại gia”, là cơ hội đổi đời của mỹ nhân khoe thân rẻ tiền như vậy? Và, việc những cô gái ăn mặc phản cảm như vậy, chẳng khác nào tự biến mình thành “con mồi quyến rũ” của những gã râu xanh.

Thảo Dung
.
.