LHP tài liệu châu Âu – Việt Nam 2019: Mở ra những “cánh cửa” mới

Thứ Năm, 06/06/2019, 09:23
Đây không chỉ là những tín hiệu vui dành cho người quan tâm đến điện ảnh mà còn được kỳ vọng sẽ góp phần đưa phim tài liệu trở về vị trí xứng đáng như lẽ ra cần phải có trong đời sống cũng như điện ảnh Việt.

25 bộ phim, trong đó có 10 bộ phim tài liệu nước ngoài với rất nhiều “sắc thái” hoàn toàn khác lạ, khiến người xem không thể rời mắt khỏi màn ảnh mặc dù các cảnh quay rất chân thực, thậm chí có những phim gần như “nói không” với kỹ xảo – “át chủ bài” thường thấy trong các dự án phim “bom tấn” vẫn đang khuynh đảo phòng vé ở trong nước và thế giới trong vài năm gần đây.

Có lẽ, đó là cảm nhận của không chỉ riêng khán giả nào từng “thử” khám phá đời sống văn hóa, xã hội các quốc gia tham gia Liên hoan Phim tài liệu châu Âu – Việt Nam 2019.

Đây không chỉ là những tín hiệu vui dành cho người quan tâm đến điện ảnh mà còn được kỳ vọng sẽ góp phần đưa phim tài liệu trở về vị trí xứng đáng như lẽ ra cần phải có trong đời sống cũng như điện ảnh Việt.

Ấn tượng “Nữ thẩm phán”

Những ngày này, cứ mỗi tối, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, số 465 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội lại nhộn nhịp hẳn lên. Bất chấp rạp chiếu của Hãng đã khá xập xệ, cũ kỹ, bất chấp những mảng ván trần bong tróc, có khi hở cả khoảng tối đen toang hoác, tối cuối tuần, cả khán phòng vẫn không còn ghế trống. 

“Nữ thẩm phán” (tựa gốc: So help me god), tác phẩm đạt giải César 2019 cho phim tài liệu xuất sắc là một bất ngờ thú vị của Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu – Việt Nam 2019.

Lúc không gian lặng phắc, lúc lại rộ lên những đợt cười khúc khích, cứ như thể đang trong rạp chiếu các bộ phim hài ăn khách ngoài các hệ thống rạp chiếu phim thương mại. Nhưng, trên màn hình lại là những thước phim tài liệu, hơn thế còn là phim chính luận, cả đề tài, nội dung và nhân vật đều được xếp vào dạng vô cùng khô khan: đấu tranh chống tội phạm.

Không một lời bình, không cần lời dẫn như hàng ngàn bộ phim tài liệu thường thấy của Việt Nam, nhưng người xem vẫn cảm nhận rõ ràng cuộc đấu tranh chống tội phạm thông qua cuộc sống, công việc của nữ thẩm phán điều tra Anne Gruwer tại thủ đô Bruxelles của Bỉ. Không cần ngoại hình bắt mắt, không có các pha rượt đuổi ngoạn mục, 99 phút của bộ phim là những thước phim đều đều, chậm chậm mà nếu mới xem qua, người xem dễ cảm thấy tẻ nhạt.

Nhưng, theo từng bước chân của nữ thẩm phán, từng giai đoạn của vụ án hai gái mại dâm bị sát hại mà bà cùng đồng nghiệp đang theo đuổi, người xem bị cuốn vào một thế giới mới lạ, chân thực đến không thể chân thực hơn.

Công việc của một nữ thẩm phán, nói như cách trào lộng của chính bà là người quyền lực nhất trong những người nắm giữ quyền lực là các cuộc “tiếp chuyện” liên miên với các đối tượng phạm tội, đủ các loại, từ những ông chồng quen thói vũ phu đến kẻ cướp của, cuồng tín, giết người.

Cũng chính bà khiến người xem khó có thể nén được tiếng cười trước các đoạn đối thoại tưng tửng mà tỉnh khô với tên tội phạm to lớn, kè kè bên cạnh là luật sư mang bộ mặt lạnh te:

- “Tôi có quyền không cho lấy mẫu xét nghiệm ADN không?

- Anh có quyền. Nhưng tôi sẽ lấy mẫu ADN, vì pháp luật cho phép như thế. À, mà không phải tôi. Anh thấy mấy người ở đằng kia không? (những đồng nghiệp nam lực lưỡng của bà thẩm phán ở gần đấy – PV) Họ sẽ đè anh xuống để lấy. Nếu không, tôi cũng sẽ đè anh xuống để lấy. Tôi đã được trang bị để đủ sức quật anh xuống sàn…”.

Tốc độ công việc quay cuồng của “nhân vật quyền lực” ấy còn tiếp diễn với những chồng hồ sơ đầy ắp cả thùng carton, có khi có tuổi đời vài chục năm, bàn bạc xử lý công việc cùng đồng nghiệp, thuộc cấp, xuống hiện trường…

Đôi khi, chúng được nhấn nhá một cách tự nhiên với những cảnh quay thoáng qua vài chiếc bánh ngọt được chuẩn bị từ trước, bữa ăn được hoàn thành chỉ sau vài phút, tiếng phàn nàn: “Tôi còn không có thời gian ăn đồ ăn của mình”…

Có lẽ, đây cũng là lần hiếm hoi, không chỉ với khán giả Việt Nam mà còn là với khán giả thế giới, kho bảo quản, lưu trữ chứng cứ, hiện vật thu thập từ các vụ án của Bruxelles, Bỉ lại rõ ràng, chân thật đến như thế. 

Cuộc khai quật tử thi trong nghĩa trang với thi thể đang trong thời kỳ phân hủy, tiếng cưa xương ken két chỉ để lấy mẫu vật về phục vụ cho công tác điều tra… vốn rất dễ thành chiêu thức thu hút sự tò mò của công chúng với những thông tin giật gân, hình ảnh gợi tính ghê rợn trong các phim phục vụ mục đích thương mại là chính.

Nhưng với “Nữ thẩm phán”, chúng không hề gợi những cảm giác ấy, dù các công đoạn được quay cận cảnh, tỉ mỉ. Nhân vật chính – bà nữ thẩm phán thì điềm tĩnh đến lạ. Không chỉ là sự điềm tĩnh ở thái độ chỉ đạo, quan sát tỉ mỉ từng công đoạn mà còn là cái phất tay và một thoáng phàn nàn “ở đây nặng mùi quá”.

Đó còn là thái độ bình tĩnh, câu trả lời ngắn, tỉnh rụi trước vòng vây của giới truyền thông trước hiện trường một vụ án nhưng chỉ vài giây sau đó, khi đã không còn bị đeo bám, là lời chia sẻ “xanh rờn”: Định lừa tôi à…

Ngược lại, những đôi khuyên tai, đồ trang sức, váy áo thay đổi mỗi ngày, chiếc ô hồng, balô xinh xắn, nữ tính, bản nhạc vui trong phút thảnh thơi hiếm hoi sau những giờ làm việc là những chi tiết rất tinh giúp người xem cảm nhận được toàn diện hơn, không chỉ về “người đàn bà thép” ấy trong phim, mà còn là về thế giới của những con người đang hàng ngày, hàng giờ đấu tranh với cái xấu, cái ác, góp phần giữ cuộc sống bình yên của cộng đồng, xã hội.

Những “cánh cửa” được mở

Thực tế, “Nữ thẩm phán” chỉ là một trong số rất nhiều những bộ phim tài liệu đặc sắc được giới thiệu đến khán giả lần này. Mỗi tác phẩm như một cánh cửa được mở ra, giúp người xem khám phá cuộc sống của những cộng đồng khác, xã hội của một đất nước khác một cách chân thực nhất nhưng cũng không kém phần hấp dẫn. Như chia sẻ của đạo diễn Trịnh Quang Tùng, Phó Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương là mỗi phim một thế giới khác.

Nếu “David Hockney: Một phong cảnh mở” là một công trình kỳ công của êkíp làm phim đến từ Anh quốc về lao động, sáng tạo nghệ thuật của người họa sĩ thì “Flamenco, Flamenco” của Tây Ban Nha là một kỳ công khác về hậu trường sáng tạo nghệ thuật.

Xoay quanh những bài hát, điệu nhảy và âm nhạc tuyệt vời của flamenco, theo chân những nghệ sĩ tài năng, tác phẩm là ví dụ tiêu biểu nhất cho phong cách làm phim âm nhạc rất riêng biệt của đạo diễn Carlos Saura.

Có lẽ, đây cũng là một trong những tác phẩm được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi những định kiến về tính hấp dẫn, mức độ dễ xem, dễ hiểu của phim tài liệu trong số đông công chúng lâu nay.

“Angela Merkel – Hơn cả bất ngờ” là những góc nhìn đa chiều về nữ Thủ tướng nổi tiếng thế giới.

“Angela Merkel – Hơn cả bất ngờ” là một điểm nhấn mới, thú vị không thể bỏ qua của Liên hoan phim châu Âu – Việt Nam lần này. Phim kể về hành trình của Thủ tướng Angela Merkel từ nhà vật lý Đông Đức trở thành người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Bộ phim lật giở lại tiểu sử của bà từ giai đoạn bắt đầu bước vào con đường chính trị cho đến nay. Trong đó, cuộc khủng hoảng người tị nạn và thiết lập mối quan hệ giữa hành động của Merkel với tiểu sử của bà là trọng tâm.

Cùng với chân dung nữ Thủ tướng, người xem có dịp “gặp gỡ”, lắng nghe khá nhiều những người bạn đồng hành trong giới chính trị, những cá nhân đã theo sát bà chia sẻ về tuổi thơ, những bước đi đầu tiên trong hoạt động chính trị, sự trỗi dậy vươn lên vị trí hàng đầu, sự nghiệp làm Thủ tướng đầy biến cố cũng như tình hình chính trị mà bà đang phải đối mặt.

Tuy nhiên, như nhận định của Viện trưởng Viện Goeth tại Việt Nam, ông Wilfried Eckstein thì với cách kể chuyện thực tế, đáng tin cậy và đầy đủ thông tin, bộ phim đạt đến cấp độ mà ở Đức người ta gọi đó là một nền báo chí tốt.

Bộ phim không thuần ngợi ca vị Thủ tướng mà trong đó, những tiếng nói phê phán về Angela Merkel cũng đạt được vị trí ngang bằng. Đó là tiếng nói của những nhân vật có tên tuổi với những nhận định lịch sử đáng tin cậy.

Nhiều câu chuyện khác biệt được hé lộ dần trước mắt người xem, bởi không có luận điểm nào đưa ra trước đó khiến tầm nhìn bị thu hẹp lại. Cùng với việc nhìn lại thời thơ ấu và tuổi trẻ ở Cộng hòa Dân chủ Đức, bộ phim mang đến một bức tranh đa chiều về người nắm giữ vị trí Thủ tướng Đức liên tiếp 13 năm – Angela Merkel.

Công phu, chân thực, sống động, tỉ mỉ, hấp dẫn, đó cũng là nhận định chung của khá nhiều người tham gia các buổi chiếu phim tài liệu, đặc biệt là nhiều buổi chiếu phim tài liệu nước ngoài tại Liên hoan dịp này mà chúng tôi có dịp trao đổi.

Theo nhà báo, đạo diễn Phạm Hồng Thăng, người có thâm niên lâu năm gắn bó với hoạt động sản xuất phim tài liệu thì không phải đến tận Liên hoan năm nay mà 9 lần trước đó, đây vẫn là “đại tiệc” đặc biệt với người làm nghề.

Cùng với tính chân thực, đa chiều, thông qua các bộ phim được trình chiếu của thế giới, khán giả và cả người làm nghề trong nước có dịp tiếp cận với nhiều xu hướng mới trong làm phim tài liệu, là động lực để người làm điện ảnh nỗ lực bứt phá, vượt thoát ra khỏi những khuôn sáo cũ.

 “Đánh thức” dòng phim bị lãng quên

“Bắt mạch” đúng yêu cầu và tiếp cận được đúng đối tượng khán giả và tìm kiếm cơ hội cho phát triển dòng phim tài liệu nước nhà là kỳ vọng của NSND Nguyễn Như Vũ, quyền Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, đơn vị đồng tổ chức Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu – Việt Nam.

Khán giả ngồi tràn lối đi trong một buổi chiếu phim tài liệu tại rạp chiếu của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương.

Ông Vũ cho hay, từ lượng người xem còn khá khiêm tốn trong những lần đầu mới tổ chức Liên hoan, đến nay, các buổi chiếu phim tại rạp của Hãng đã tăng cao hơn. Nhiều buổi chiếu, người xem ngồi tràn cả lối đi. Ban tổ chức phải kê ghế để kịp thời phục vụ. Đây là niềm vui chung, không phải với riêng những người tổ chức Liên hoan.

Ít nhất, phim tài liệu đã dần thoát khỏi những định kiến cũ, rằng khô khan, khó xem, khó hấp dẫn. Nhiều tác phẩm cho thấy, ngoài mức độ tin cậy về tính chân thật, nhân văn về đời sống xã hội, những vấn đề “nóng” của xã hội, phim tài liệu đang ngày càng hấp dẫn khán giả, thông điệp được chuyển tải một cách nhẹ nhàng, yếu tố giải trí cao hơn.

Tất nhiên, mức độ thu hút số đông của phim tài liệu khó có thể so sánh với phim truyện điện ảnh, nhất là các phim nghiêng về giải trí, phục vụ thương mại. Nhưng, vượt thoát ra khỏi những khuôn khổ cũ, ít nhất là những tác phẩm không chỉ phục vụ phát sóng trên truyền hình mà còn có thể chiếu rạp, mang lại doanh thu, đến thời điểm này, đã không hẳn là ước mơ quá xa vời.

Dù rằng, để đưa chuyện này thành hiện thực, chắc chắn sẽ còn nhiều vấn đề còn phải bàn, còn nhiều đòi hỏi cả về yếu tố khách quan lẫn chủ quan từ phía cơ quan quản lý, cơ chế, chính sách và nhà đầu tư, người làm phim trong nước.

Minh HảiĐây không chỉ là những tín hiệu vui dành cho người quan tâm đến điện ảnh mà còn được kỳ vọng sẽ góp phần đưa phim tài liệu trở về vị trí xứng đáng như lẽ ra cần phải có trong đời sống cũng như điện ảnh Việt.
.
.