Liên minh châu Âu với bản chất của sự quảng bá thuốc lá

Thứ Bảy, 27/04/2013, 08:25

Bà Laurette Onkelinx, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Phúc lợi xã hội và Sức khỏe cộng đồng Vương quốc Bỉ, vừa lên tiếng quả quyết rằng, bản chất của các chiến dịch quảng cáo rầm rộ khởi xướng từ các công ty thuốc lá đa quốc gia, chủ yếu nhằm cổ vũ những ai đã "lỡ" nghiện chuyển sang "dùng thử" sản phẩm của họ, chứ không hẳn chỉ lôi kéo những người chưa rành chuyện rít thuốc…

Người đứng đầu Cơ quan Y tế Bỉ đã nói những lời "khác lạ" nêu trên trong cuộc họp báo gần đây tại Sofia, sau buổi hội đàm với nữ đồng nhiệm người Bulgaria là bà Petia Arnaudova, Bộ trưởng Chăm sóc sức khỏe quốc gia của Cộng hòa Bulgaria. Đồng thời Bộ trưởng L. Onkelinx cũng cho biết thêm, chẳng có cơ sở khoa học nào để "quy tội" việc tập tành hút thuốc đối với người chưa nghiện, có liên quan mật thiết tới các biểu ngữ quảng cáo thuốc lá.

Bà L. Onkelinx là một trong những người đi tiên phong tại Vương quốc Bỉ ngay từ cuối thập niên 90 thế kỷ trước, cùng với những người cùng chí hướng trong đảng Xã hội (PSB) của Thủ tướng đương nhiệm Elio Di Rupo, đã cương quyết áp dụng luật cấm giới sản xuất thuốc lá tiến hành quảng cáo, cũng như tài trợ cho các hoạt động văn hóa thể thao. Hệ quả là cách đây đúng 13 năm, đường đua xe hơi tốc độ Công thức I đã phải ngậm ngùi giã từ đất Bỉ ngay trong mùa thi đấu mở đầu thiên niên kỷ mới.

"Cuộc Thập tự chinh phản bác thuốc lá" trong những năm gần đây đã nhanh chóng được nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU) hưởng ứng, bất chấp những nguồn lợi không nhỏ thu được từ việc quảng cáo chúng. Ví như chỉ riêng với đường đua Công thức I, một bộ môn thể thao gồm các đội xe công suất lớn đại diện cho các thương hiệu thuốc lá hàng đầu, ngân sách thành phố Brussels  đã mất đi nguồn thu 35 triệu euro chỉ trong 4 ngày.

Còn nếu tính chung cho lĩnh vực quảng bá thuốc lá, cả nước Bỉ đã mất đi chừng 40.000 chỗ làm cùng nguồn lợi tức lên tới hàng trăm triệu euro mỗi năm. Nhưng vấn đề bây giờ khiến người ta lưu tâm hơn, rằng phải chăng song hành với quảng cáo là sự gia tăng đạo quân ghiền thuốc lá?

Bà Laurette Onkelinx trong buổi họp báo tại Sofia.

Kể từ khi đạo luật cấm quảng cáo thuốc lá có hiệu lực tại Cộng hòa Phần Lan vào năm 1979, tới nay số người hút thuốc dưới 18 tuổi lại tăng hơn 7%. Ngược lại ở Vương quốc Anh, cũng như Bỉ và Hà Lan, những nơi mà nạn quảng bá chất nicotine diễn ra rầm rộ trong suốt những năm 80 và 90, lượng người nghiện thuốc cứ giảm dần…

Ngay tại Vương quốc Bỉ, trong vòng 15 năm trước khi ban hành lệnh cấm, số người nghiện thuốc lá đột nhiên giảm tới 28%. Nhưng trong 6 năm gần đây số người bỏ thuốc đã chựng lại. Quả đúng là vòng luẩn quẩn nan giải. Rõ ràng là "chàng cao bồi can đảm" của Marlboro, hoặc "người hùng đơn độc giữa rừng sâu" của Camel chưa hẳn là lý do chính tạo thành "cơn sốt" hút thuốc lá. Cần phải tìm thêm những nguyên nhân khác.

Còn theo nghiên cứu vừa công bố dựa theo yêu cầu của ban lãnh đạo EU, cho thấy trong vòng 5 năm trở lại đây có đến 60% lý do khiến người dân EU tìm đến với khói thuốc liên quan tới các áp lực trong cuộc sống như công việc quá tải, thất tình, gia cảnh bất hạnh, mất chỗ làm… và chỉ có chừng 1,5% là do tác động của quảng cáo. Nhưng Viện Nghiên cứu sức khỏe tại Hambourg (Đức) lại bày tỏ mối nghi ngại về con số 1,5% "đáng ngờ" ấy. Theo họ, thường giới trẻ sau khi đã "lỡ ghiền" mới lưu tâm tới các thương hiệu thuốc.

Còn theo kết quả thăm dò sâu rộng do tạp chí chuyên ngành Business & Maketing có trụ sở ở London (Anh) tổ chức, cho thấy tại các thị trường truyền thống trên cựu lục địa, sự quảng bá thuốc lá luôn trong tình trạng khó có thể lôi cuốn thêm số người nghiện mới. Hiệu suất duy nhất từ các "chiêu" quảng bá này là hướng những ai đang thường xuyên "kéo bễ" thử những thương hiệu khác ít tạp chất có hại hơn(!). Như ở Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn, chỉ tính riêng từ năm 2008 đến 2012, các công ty đa quốc gia đầy thực lực do giới chủ Anh hoặc Mỹ sở hữu đã "cướp trắng" 25% thị trường cố hữu của các thương hiệu thuốc lá bản địa.

Tuy tại hầu hết các quốc gia châu Âu người ta đã cấm tiệt những màn quảng bá dạng biểu tượng (đỏ - trắng của Marlboro, vàng của Camel, vàng - xanh của 555, đỏ thẫm của Dunhill…), nhưng tỉ lệ người nghiện thuốc chẳng giảm. Một khi các quầy bán thuốc lá tự động do các hãng độc quyền khác nhau lắp đặt vẫn hiện diện nhan nhản; song song là đủ kiểu khuyến mãi đi kèm "hớp hồn" giới tiêu thụ, thật khó mà ngăn được đám con nghiện mới, nhất là lớp trẻ hiếu kỳ ưa "khác người". Vấn đề giống như con dao 2 lưỡi: vừa cấm lại vẫn… cho bán!

Một vài quốc gia khác chấp nhận quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng bắt buộc phải kèm lời cảnh báo về tác hại của khói thuốc, cũng như đăng tải những hình ảnh rùng rợn nhất về các chứng bệnh do hút thuốc. Giới quan chức y tế tại đây lý giải rằng nếu cấm quảng bá, ắt mọi người sẽ ít có điều kiện được biết về mối nguy sức khỏe tiềm ẩn(?!).

Về phần các hãng sản xuất, nhằm chiêu dụ khách hàng, người ta không ngần ngại sử dụng đủ mỹ từ "lọt tai" để trưng ra những "ưu điểm" của mặt hàng mới. Song song là việc tận dụng những hình ảnh từ các nhân vật nổi tiếng, cổ vũ mọi người bắt chước rập khuôn thói quen ghiền thuốc lá của họ. Còn trong thực tế, nhằm kiếm được lợi nhuận sau khi đã chi những khoản kếch sù cho quảng cáo và tiếp thị, ắt chẳng còn con đường nào khác là… giảm chất lượng thuốc, thêm vào những phụ liệu giá rẻ. Rốt cục là người tiêu dùng lãnh đủ!

Thay lời kết, xin trích đăng đoạn bình phẩm trên tờ The Wall Street Journal  của giới doanh thương Mỹ: "Nếu ban lãnh đạo EU muốn củng cố sức khỏe cho đồng bào mình khỏi tác hại của khói thuốc, tốt nhất là nên cự tuyệt nguồn thu "hấp dẫn" lên đến 1,5 tỉ euro mỗi năm - từ chính giới sản xuất thuốc lá ngay trong lòng EU!"

X.Hiếu (theo The Independent)
.
.