Liệu có xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Pháp?
Những hành động của Paris sẽ đi tới đâu và liệu chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron có tiếp tục “thử lửa” với sự “kiên nhẫn” của Washington hay không?
Ngày 11-7, Thượng viện Pháp đã thông qua dự luật đánh thuế đối với các dịch vụ kỹ thuật số của “những gã khổng lồ” Internet tại Pháp, gọi tắt là GAFA, ghép các chữ cái đầu của 4 tập đoàn thống trị thế giới công nghệ hiện nay là Google, Amazon, Facebook và Apple, mặc cho Mỹ đe dọa đáp trả bằng một thứ “vũ khí yêu thích nhất” của chính quyền Tổng thống Donald Trump, đó là thuế quan.
Chính quyền Mỹ tuyên bố họ có thể viện dẫn các luật tương tự từ những năm 1970 mà họ đã sử dụng để áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và các đối tác thương mại khác, kể cả các đồng minh truyền thống của Mỹ.
Luật thuế mới sẽ áp dụng mức thuế hằng năm 3% đối với các công ty kỹ thuật số có doanh thu toàn cầu ít nhất là 750 triệu euro (khoảng 845 triệu USD) và kiếm được 25 triệu euro hoặc nhiều hơn khi hoạt động ở Pháp. Như vậy, tổng cộng sẽ có khoảng 30 doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire phát biểu trước Thượng viện khi bảo vệ biện pháp đánh thuế các công ty công nghệ nước ngoài: “Giữa các đồng minh, chúng ta có thể và nên giải quyết những khác biệt mà không cần sử dụng các biện pháp đe dọa. Pháp là quốc gia có chủ quyền và sẽ tự đưa ra các quyết định về chủ quyền đối với các biện pháp thuế của riêng mình”.
Tuy nhiên, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã lập luận rằng một loại thuế như vậy là "không công bằng với các công ty Mỹ". Ngay lập tức, Tổng thống Trump đã chỉ đạo khẩn cấp mở một cuộc điều tra về hành vi đối xử “kỳ thị” của Pháp nhằm vào các doanh nghiệp Mỹ. Tương tự như đối với trường hợp của Trung Quốc, nếu luật GAFA của Pháp bị coi là làm phương hại đến quyền lợi của Mỹ, Tổng thống Trump có thể áp thuế đối với hàng hóa của Pháp để trả đũa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. |
Quyết định đánh thuế nhằm vào các "đại gia" công nghệ thế giới của Chính phủ Pháp không được mọi người Pháp tán đồng. Theo ông Giuseppe de Martino - Chủ tịch nhóm vận động hành lang ủng hộ các đại tập đoàn công nghệ này (ASIC) đã khuyến cáo Chính phủ Pháp "nên chôn vùi luật GAFA". Theo nhân vật này, “khi đơn phương đánh thuế thêm nhắm vào các tác nhân Mỹ, ông Bruno Le Maire đã khai mào một cuộc chiến thương mại và sẽ gây tác hại đến nhiều lĩnh vực”.
Giới quan sát đã tìm hiểu xem mặt hàng nào của Pháp có nguy cơ bị chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế nhập khẩu để trả đũa. Một số nguồn tin đã nói đến việc Mỹ áp thuế đối với rượu vang hoặc ô tô của Pháp. Có điều là khả năng đánh thuế rượu vang không có gì là mới lạ, từng được phía Mỹ dự trù khi bùng lên tranh chấp với châu Âu về nhôm và thép. Còn ô tô thì không có gì đáng ngại vì Pháp hầu như không xuất xe hơi qua Mỹ. Lĩnh vực đáng ngại còn lại là khả năng tăng gấp đôi thuế đánh vào doanh nghiệp và cư dân Pháp tại Mỹ.
Ông Daniel Bunn - Giám đốc dự án toàn cầu của Quỹ tài trợ thuế thuộc phe cánh hữu ở Washington - cho biết nếu như Chính phủ Mỹ quyết định “trả đũa” bằng việc đánh thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Pháp thì người tiêu dùng sẽ phải trả tiền nhiều hơn.
Theo ông Bunn, “chính sách thuế quan của Mỹ đã gây ra nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, việc gia tăng các chính sách này sẽ làm vấn đề thêm trầm trọng. Điều đó là bởi vì các doanh nghiệp Mỹ, không phải các quốc gia như Trung Quốc, sẽ phải trả thuế quan nhập khẩu và một số doanh nghiệp đã chuyển chi phí này sang người tiêu dùng”.
Ông Gary Clyde Hufbauer - chuyên gia của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson - cho biết đối với Mỹ, đây không chỉ về quyền đánh thuế thu nhập ở riêng nước Pháp mà các nước khác như Australia, Áo, Italy và thậm chí là Anh cũng có những kế hoạch tương tự.
Cuộc điều tra của Nhà Trắng nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng từ các thành viên hàng đầu trong Ủy ban Tài chính Thượng viện. Chủ tịch Ủy ban Chuck Grassley (đảng Cộng hòa - bang Iowa) và ông Ron Wyden (đảng Dân chủ - bang Oregon) đã đưa ra tuyên bố chung: “Thuế dịch vụ kỹ thuật số mà Pháp và các nước châu Âu khác đang theo đuổi rõ ràng là bảo hộ và nhắm mục tiêu không công bằng vào các doanh nghiệp Mỹ, theo đó sẽ lấy đi việc làm và làm tổn hại đến công nhân Mỹ”.
Ông Hufbauer cho biết Nhà Trắng cũng có thể áp dụng điều khoản 981 của Bộ luật Thu nhập nội bộ (IRC) để tăng gấp đôi thuế thu nhập đối với các công dân và tập đoàn không thuộc Mỹ.
Tuy đã trở thành nước đi đầu và duy nhất áp dụng thuế GAFA, Pháp vẫn thận trọng tìm cách lôi kéo cả châu Âu cùng tham gia. Theo giới phân tích, việc Pháp kiên quyết thông qua luật này diễn ra sau khi các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) hồi đầu năm đã không nhất trí được về đề án thuế GAFA chung cho toàn EU do không được 4 thành viên Ireland, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan đồng ý. Pháp vẫn hy vọng không đơn độc.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE), tập hợp 37 quốc gia, từng nghiên cứu hồ sơ và vào tháng 1-2019, khẳng định rằng đã được 127 nước trên thế giới đồng ý trên nguyên tắc về việc cải tiến chế độ thuế, một thỏa thuận quốc tế có thể đạt được vào năm 2020. Trong khi chờ đợi, Pháp có lẽ sẽ phải gồng mình chịu đựng các đòn trả đũa từ ông Trump. Dù sao Paris cũng đã dành cho mình một lối thoát. Luật GAFA chỉ mang tính chất tạm thời và sẽ hết hiệu lực vào năm 2021.