Lĩnh Nam họa phái và dòng tranh thủy mặc Việt Nam
- Triển lãm tranh thủy mặc gây quỹ “Vì người nghèo”
- Đấu giá tranh thủy mặc về hoa dài nhất VN giúp trẻ hở hàm ếch
- Tranh thuỷ mặc Trương Hán Minh: Tâm và cảnh
“Lĩnh Nam tam kiệt”
Lĩnh Nam họa phái bắt nguồn từ trường phái cách tân trong hội họa truyền thống Trung Hoa, hình thành ở Quảng Đông vào cuối đời Thanh, người sáng lập chính thức là “Nhị Cao nhất Trần”, tức Cao Kiếm Phụ, Cao Kỳ Phong và Trần Thụ Nhân. Nhưng truy ngược lên nữa có thể kể đến Cư Liêm và Cư Sào - các bậc thầy về tranh hoa điểu (tranh vẽ chim và hoa), sư phụ của “nhị Cao nhất Trần”.
Cao Kiếm Phụ, Cao Kỳ Phong và Trần Thụ Nhân sau khi thụ giáo Cư Liêm, đều xuất dương sang Nhật Bản học hội họa Nhật Bản và Tây phương, tham gia Đồng minh hội. Cả ba chủ trương “Chiết trung Trung ngoại, dung hợp cổ kim”, lấy “đổi mới” làm tôn chỉ, dung hợp tinh hoa của hội họa truyền thống Trung Hoa, Nhật Bản và trường phái Ấn tượng phương Tây.
Tác phẩm của họa phái này không dừng lại ở việc mô phỏng cổ nhân mà mang hơi thở thời đại, màu sắc diễm lệ, đạt đến hiệu quả “quang ảnh” trong hội họa phương Tây.
“Trăm hoa đua nở” - bức tranh thủy mặc lớn nhất Việt Nam. |
Cần nhấn mạnh rằng cụm từ “Lĩnh Nam họa phái” hoàn toàn không phải do các họa sĩ ở Lĩnh Nam tự phong. Đương thời, phong cách cách tân độc đáo trong các tác phẩm thủy mặc của Cao Kiếm Phụ, Cao Kỳ Phong và Trần Thụ Nhân nổi bật trên họa đàn, người ta xưng là “Lĩnh Nam tam kiệt”, dần dần sau đó hình thành cụm từ “Lĩnh Nam họa phái”. Các họa sĩ Cao, Trần đều không vừa lòng với tên gọi ấy vì nó mang tính khu vực nhỏ hẹp. Những tác phẩm tiêu biểu của 3 sư tổ này có thể kể như “Tùng phong thủy nguyệt đồ”, “Tùng hạc trục đồ”...
Từ những năm đầu thế kỷ 20, trên họa đàn Trung Hoa, họa phái Lĩnh Nam đã sánh ngang vai với hai họa phái nổi tiếng tiêu biểu khác là Kinh phái (Bắc Kinh) và Hỗ phái (Thượng Hải). Năm 1924, Cao Kiếm Phụ lập Họa viện Xuân Thụy ở Quảng Châu, giảng dạy ở các trường Đại học Trung Sơn, Đại học Trung ương Nam Kinh.
Năm 1964, ông lập Viện Mỹ thuật Nam Trung, đồng thời làm Hiệu trưởng Trường nghệ thuật Quảng Châu. Còn Cao Kiếm Phong lập Thiên Phong Lâu ở Quảng Đông năm 1929, môn đồ nổi tiếng có 7 người gọi là “Thiên Phong thất tử”, nổi bật nhất có Hoàng Thiếu Cường. Môn đồ của Trần Thụ Nhân có Lưu Xuân Thảo.
Trương Hán Minh thực hiện một bức tranh thủy mặc. |
Truyền bá sang Việt Nam
Thế hệ thứ hai của Lĩnh Nam họa phái bắt đầu tung hoành trên họa đàn từ những năm 30 của thế kỷ trước. Tiêu biểu nhất có “Lĩnh Nam tứ đại họa gia” gồm 4 họa sĩ: Triệu Thiếu Ngang, Quan Sơn Nguyệt, Lê Hùng Tài và Lý Thiện Thâm. Trên cơ sở sẵn có, các họa sĩ thế hệ này phát triển tinh thần cách tân về ý thức thẩm mỹ lẫn phong cách nghệ thuật với quan niệm “Bút mực theo thời đại”, “Xưa để nay dùng”.
Triệu Thiếu Ngang chính là thầy của Lương Thiếu Hằng - người sáng lập Đông Phương nghệ uyển ở Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1960, đào tạo ra các họa sĩ nổi danh ngày nay ở TP HCM. Họa đàn Sài Gòn - Chợ Lớn phát triển mạnh vào những năm 60, 70 thế kỷ trước. Năm 1970, trong một cuộc triển lãm gây quỹ mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sùng Chính (nay là Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình) đã có đến 113 họa sĩ tham dự, cùng với 30 họa sĩ đến từ Hồng Kông và 64 họa sĩ đến từ Đài Loan. Cuộc triển lãm có một không hai này tề tựu đầy đủ bốn phái ở Chợ Lớn (Lĩnh Nam Lương Thiếu Hằng; Kinh phái Đới Ngoạn Quân, Tả Bạch Đào; Hỗ phái Hà Lãng Hùng; Tây họa Sài Đinh).
“Hồ Hoàn Kiếm” - một tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ Trương Hán Minh. |
Còn nói về bức tranh thủy mặc lớn nhất Việt Nam xưa nay vẫn được cho là bức “Bách hoa tề phóng” (Trăm hoa đua nở) có kích thước 1,22m x 5m do 18 họa sĩ vẽ tranh thủy mặc thuộc CLB Mỹ thuật Quận 5, TP HCM cùng thực hiện trong suốt 1 tuần vào dịp Nguyên Tiêu 2008. Họa sĩ lớn tuổi nhất là Văn Tích Túc đã ngoài 80, người trẻ nhất là Lý Chánh Vân mới hơn 20 tuổi.
Họa sĩ tiêu biểu của Lĩnh Nam họa phái
Trương Hán Minh là họa sĩ tranh thủy mặc nổi tiếng trong làng tranh Việt Nam và quốc tế. Tranh của ông được mua với giá khá cao trên thị trường và có trong nhiều bộ sưu tập danh tiếng trên thế giới và trong nước. “Hơn 30 năm khổ luyện bây giờ tôi có thể nhắm mắt phóng cọ mà vẫn đạt được những gì mình muốn thể hiện” - Trương họa sĩ tự hào cho biết.
Trương Hán Minh sinh năm 1951 tại Chợ Lớn, TP HCM. Thân phụ ông sinh năm 1919 tại Triều Châu, Quảng Đông - Trung Quốc kể lại rằng trong giai đoạn quân Nhật gây ra nạn đói năm Ất Dậu (1945) tại miền Bắc Việt Nam thì chúng cũng tạo ra nạn đói khủng khiếp ở Quảng Đông, đói đến nỗi người ta phải ăn cả vỏ cây... Vì thế cha của ông (tức là ông nội của Trương Hán Minh) đã đưa gia đình sang Sài Gòn - Chợ Lớn (Đề Ngạn) tìm đất sống.
Gia tộc họ Trương vốn nhiều đời theo nghề vẽ. Từ nhỏ Trương Hán Minh đã rất yêu thích hội họa, bộc lộ năng khiếu rất sớm qua những nét vẽ. Hết tiểu học, Trương Hán Minh may mắn được thọ giáo họa sĩ Lương Thiếu Hằng thuộc họa phái Lĩnh Nam, Hiệu trưởng Trường tư thục Nghệ thuật Đông Phương.
Tác phẩm tiêu biểu của các họa gia sáng lập Lĩnh Nam họa phái. |
Học hỏi không ngừng
Sẵn có tố chất lại chuyên cần học hỏi, không ngừng tìm tòi sáng tạo, nghiên cứu tỉ mỉ đối tượng miêu tả trước khi đặt bút vẽ, tranh của Trương Hán Minh càng ngày càng nổi tiếng. Thư pháp của ông cũng rất tinh tế. Người ta nói rằng tranh thủy mặc Trương Hán Minh là một nghệ thuật tổng hợp từ sự vận dụng nét bút đầy khổ luyện với nguồn cảm hứng sâu sắc từ thiên nhiên của đất nước Việt Nam. Trương Hán Minh đi rất nhiều từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Ba Vì, Tam Đảo, Hạ Long đến Năm Căn, Gành Hào, Sóc Trăng, Châu Đốc, Rạch Giá... Nói chung, nơi đâu có cảnh vật đẹp là ông đi và vẽ. Mọi người kính trọng ông không chỉ qua những tuyệt tác thủy mặc mà còn vì nhân cách ngay thẳng, tinh thần vượt khó.
Trương họa sĩ tâm sự: “Học là vô tận cảnh. Nghề vẽ tranh thủy mặc ít nhất phải có thâm niên. Người nào muốn vẽ bức tranh có hồn, ngoài hoa tay, sự thông minh còn phải có kinh nghiệm và yêu nghề. Tôi dành rất nhiều thời gian cho việc học và quan sát thiên nhiên. Ngoài những chuyến theo đoàn đi tham quan sáng tác thì Thứ bảy, Chủ nhật nào tôi cũng ra ngoại ô ngắm thiên nhiên và vẽ tranh. Với tôi, việc học nếu cứ trau dồi thì sẽ giỏi”.
Trương Hán Minh hiện là Hội trưởng Hội Mỹ thuật người Hoa, từ nhiều năm nay, ông đảm trách chủ nhiệm bộ môn mỹ thuật của nhiều trường học. Ông đã triển lãm tranh ở nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Trung Quốc, Australia...
Những tác phẩm tiêu biểu của Trương Hán Minh có thể kể đến “Anh hùng đại triển”, “Đệ bóng”, “Hoa mẫu đơn”, “Uyên ương”, “Phi thảo”, “Chu thanh”, “Góc biển Cà Mau”, “Vịnh Hạ Long”... với bút pháp điêu luyện, nét vẽ phóng khoáng, màu sắc sinh động thể hiện rất rõ phong cách của họa phái Lĩnh Nam.
Tác phẩm tiêu biểu của các họa gia sáng lập Lĩnh Nam họa phái. |
Hỏi về chuyện gia đình, Trương họa sĩ vui vẻ cho biết: “Hồi mới sang Việt Nam, gia đình tôi làm nghề trồng cải. Vì cần có người phụ việc tưới trồng nên ba má tôi lo liệu cưới vợ cho tôi rất sớm. Đến nay vợ chồng tôi đã có... 8 người con và sống rất hạnh phúc”.
Ngày 31/5/2013, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Viet Kings) tổ chức lễ trao bằng xác lập 4 kỷ lục châu Á, trong đó họa sĩ Trương Hán Minh đã được trao kỷ lục “Họa sĩ vẽ tranh thủy mặc có số lượng tranh được bán đấu giá để làm từ thiện nhiều nhất”. Trong khoảng thời gian từ năm 1977 đến 2013, họa sĩ đã có tổng cộng khoảng 200 bức tranh thủy mặc được bán đấu giá để làm từ thiện
Tháng 10/2014, bức tranh “Hân hân hướng vinh” do Trương Hán Minh ứng tác trong 15 phút đã được bán đấu giá 108 triệu để ủng hộ Quỹ Người nghèo TP HCM. Bức “Phú quý trường xuân” được mua với giá 188 triệu, còn bức “Tùng hạc diên niên” là 198 triệu đồng.
“Tranh thủy mặc phải chú trọng 5 thứ: Bút, mực, màu, hình, thần. Hình là cái cốt để gửi ý, thần là cái chủ yếu làm cho tranh sống động. Màu là chỉ trong một nét mực đen nhưng nếu là cao thủ thì phải thể hiện được 7 màu”. Họa sĩ Trương Hán Minh |