Vụ 3 sinh viên tham gia mua bán bằng cấp giả:

Lộ diện nhiều cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ rởm

Thứ Bảy, 14/07/2012, 22:25

Với giá chỉ từ 5-15 triệu đồng, các đối tượng nhận làm tất cả các loại văn bằng, chứng chỉ từ bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp đại học đến các loại văn bằng “cao cấp” hơn như thạc sĩ, tiến sĩ… Bước đầu đã lộ diện những kẻ “đặt hàng” và sử dụng các loại bằng cấp giả này.

“Chân dung” 3 nam sinh viên mua bán bằng giả

Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa (Hà Nội) vừa phá đường dây chuyên mua bán các loại bằng cấp giả, thu giữ số lượng lớn tang vật. Tham gia vào việc sản xuất, kinh doanh văn bằng, giấy tờ giả đang bị cả xã hội lên án này, đáng tiếc thay lại là 3 thanh niên đã và đang là sinh viên một trường đại học có tiếng trên địa bàn Hà Nội.

Khi nói chuyện với Vũ Đình Quyền (29 tuổi) quê Hậu Lộc, Thanh Hóa, bị can nhiều tuổi nhất trong vụ án mua bán bằng cấp giả này, không chỉ chúng tôi mà tất cả điều tra viên Đội Cảnh sát hình sự  quận Đống Đa đều có chung cảm giác nuối tiếc cho anh ta. Ở một vùng quê còn nghèo khó, bố mẹ chỉ làm nghề nông nên ngay từ khi trúng tuyển Đại học Bách Khoa, Khoa Kinh tế và quản lý, với học lực giỏi, Quyền tự nuôi bản thân bằng công việc gia sư.

Năm 2009, tốt nghiệp đại học, do đạt tấm bằng loại ưu nên Quyền tiếp tục phấn đấu học thêm văn bằng 2 Khoa Điện ngành Tự động hóa. Để có tiền ăn học, Quyền vừa xin đi làm việc tại các công ty tư nhân. Ban ngày đi làm, buổi tối và các ngày thứ bảy, chủ nhật, Quyền vẫn miệt mài duy trì công việc gia sư các môn học Toán - Lý - Hóa. Tiền lương không nhiều nên năm 2011, sau khi tốt nghiệp văn bằng 2, Quyền xin ở lại ký túc xá vì tiền thuê phòng rẻ hơn rất nhiều so với thuê nhà riêng.

Quyền thú nhận rằng, mặc dù đã cố gắng rất nhiều nhưng việc làm tại những công ty tư nhân khá bấp bênh nên chỉ làm được một thời gian ngắn, Quyền đã chuyển sang công ty khác. Ước mơ được làm việc tại một đơn vị chuyên về phát triển các dự án điện, với Quyền thật khó khăn vì Quyền biết rằng khi xin việc, ngoài trình độ chuyên môn, còn rất cần nhiều "điều kiện" khác mà gia đình Quyền không thể có được.

Đầu năm 2012, Quyền rơi vào tình trạng thất nghiệp. Cuộc sống sinh hoạt tạm thời chỉ trông vào khoản thu nhập ít ỏi từ công việc gia sư. Đúng lúc đó Quyền gặp Đào Anh Tuấn (28 tuổi) ở Khâm Thiên, Đống Đa, cũng là sinh viên Đại học Bách Khoa nhưng do nợ môn nên đến nay, Tuấn vẫn chưa tốt nghiệp. Biết Quyền đang gặp khó khăn, Tuấn gợi ý Quyền cộng tác "kinh doanh" bằng giả. 

Để dễ dàng "kiếm" khách, Quyền đăng thông tin "Dịch vụ bằng cấp" trên một số trang quảng cáo rao vặt trên mạng và các diễn đàn mạng, kèm theo số điện thoại. Quyền và Tuấn thỏa thuận sau khi trả tiền công cho các đối tượng "đầu trên" trực tiếp sản xuất bằng giả, hai bên sẽ "cưa đôi" tiền chênh lệch. Khi có khách liên hệ, Quyền nhận làm tất cả các loại văn bằng giả, từ bằng tốt nghiệp THPT đến các loại bằng tốt nghiệp đại học, chứng chỉ… Giá cả cũng linh hoạt thay đổi theo khả năng kinh tế và nhu cầu sử dụng của khách.

Tuy nhiên, làm ăn một thời gian, giữa Tuấn và Quyền xảy ra mâu thuẫn do việc ăn chia không đều. Tuấn đòi lại tiền và xiết nợ Quyền bằng việc tháo ổ cứng máy vi tính của Quyền đi bán. Quyền quyết định "cắt" không làm ăn với Tuấn nữa mà tự mình mò mẫm lên mạng làm quen với một đối tượng chuyên làm bằng giả tên Phong. Khi có "hợp đồng", Phong nhờ người đến gặp Quyền lấy thông tin và giao bằng giả cho Quyền.

Ngoài ra, Quyền còn kết hợp kinh doanh bằng giả với Nguyễn Đăng Đức (25 tuổi), ở phố Hàng Bún, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, từng là sinh viên Khoa Cơ khí của Đại học Bách Khoa. Do bố mất sớm từ năm Đức chưa tròn 1 tuổi, mẹ vất vả kinh doanh tại chợ Đồng Xuân nên Đức rất thương mẹ, chăm chỉ học hành. Năm 2005, Đức trúng tuyển đại học với 29 điểm. Ra trường, Đức đã làm việc tại một số công ty liên doanh nước ngoài nhưng đến tháng 4-2012 thì nghỉ việc. Thời điểm này, Đức giao du với một số đối tượng làm bằng giả nên anh ta nhanh chóng liên kết với Quyền.

Giao dịch trên mạng, dùng điện thoại sim "rác" để liên lạc…, 3 nam sinh viên tham gia đường dây mua bán bằng cấp giả tưởng rằng hành tung của mình sẽ được giấu kín. Nhưng hoạt động vi phạm pháp luật dù có tạo vỏ bọc tinh vi đến mấy cũng có ngày bị lộ diện. Sáng 20/6, khi Vũ Đình Quyền đang giao một tấm bằng cử nhân kinh tế giả mang tên Nguyễn Việt Bắc tại một quán cà phê trên phố Xã Đàn đã bị Công an quận Đống Đa bắt quả tang.

Hai "đồng minh" của Quyền là Đào Anh Tuấn và Nguyễn Đăng Đức bị bắt khẩn cấp ngay sau đó. Quá trình khám xét, cơ quan công an đã thu giữ rất nhiều tấm bằng giả các loại đã được Quyền, Tuấn và Đức đặt làm theo yêu cầu của khách hàng nhưng chưa kịp giao nhận. Công an quận Đống Đa đang tiếp tục truy bắt những kẻ liên quan vào đường dây chuyên cung cấp bằng giả này.

Các đối tượng trong đường dây kinh doanh bằng giả bị bắt cùng tang vật.

Những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ "giấy" là ai?                  

Làm việc tại Cơ quan điều tra, Khổng Văn Thắng (26 tuổi) ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc khai nhận sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Việt Trì, anh ta xuống Hà Nội học tiếp Đại học Công nghiệp, nhưng vì học lực kém nên đến nay vẫn chưa tốt nghiệp được. Sau khi đọc được thông tin về "dịch vụ bằng cấp" mà Vũ Đình Quyền đăng trên mạng, Thắng liên hệ đặt làm tấm bằng tốt nghiệp đại học danh hiệu kỹ sư ngành điện - tự động hóa hệ chính quy với giá 8 triệu đồng. Nhưng Thắng chưa kịp sử dụng tấm bằng giả này để đi xin việc thì đã bị Công an phát hiện, thu hồi.

Trường hợp Hà Thế Quân (27 tuổi, ở Tam Nông, Phú Thọ), nguyên là sinh viên Trường đại học Xây dựng. Trúng tuyển Khoa Xây dựng cầu đường của Đại học Xây dựng năm 2003 nhưng do nợ môn nên gần 10 năm nay Quân vẫn là sinh viên. Tháng 3/2012, Trường đại học Xây dựng đã có quyết định buộc thôi học đối với Quân do hết hạn khóa học. Tháng 5/2012, Quân đặt hàng làm bằng "kỹ sư xây dựng cầu đường bộ", thời gian tốt nghiệp năm 2010 để "hợp lý" với thời gian trúng tuyển đại học.

Còn "thạc sĩ rởm" Nguyễn Thế Tình (28 tuổi, ở Nam Trực, Nam Định) thì khai rằng, anh ta học Đại học Bách Khoa từ năm 2003 đến 2010 vẫn không thể tốt nghiệp được do "đúp" 2 năm liền. Xấu hổ với gia đình, Tình nói dối đã tốt nghiệp đại học từ năm 2008 và học tiếp thạc sĩ trong 2 năm tiếp theo. Để chứng minh mình đã trở thành thạc sĩ chuyên ngành Cơ điện tử, Tình chỉ còn nước đặt làm bằng thạc sĩ giả mạo Đại học Bách khoa với giá 8 triệu đồng, thời gian tốt nghiệp năm 2010 nhằm khớp với thời gian "đúp".

"Sở hữu" nhiều bằng cấp và học vị cao nhất trong số các bằng cấp giả tang vật mà Cơ quan Công an thu giữ trong vụ án này là một người có  tên Lê Thanh Minh (35 tuổi), hiện đang cư trú tại phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP HCM. Theo khai nhận của Vũ Đình Quyền thì anh ta quen Lê Thanh Minh trên mạng. Minh tâm sự trước đây đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân, sau đó do đi nước ngoài một thời gian, khi về nước đã quá thời hạn bảo lưu kết quả học tại trường nên anh ta "mất" điều kiện học tiếp văn bằng thạc sĩ.

Hiện Minh đang là Tổng giám đốc một công ty kinh doanh máy cơ khí với 7 công ty "con" nên rất cần tấm bằng tiến sĩ kinh tế để hợp thức hồ sơ năng lực với đối tác nước ngoài. Minh "năn nỉ" Quyền làm giúp 2 tấm bằng thạc sĩ và tến sĩ kinh tế rởm cho mình. Quyền nhận lời với giá 12 triệu đồng/bằng thạc sĩ giả và 15 triệu đồng/bằng tiến sĩ giả. Sau khi nhận tiền đặt cọc của Minh, Quyền "chuyển" yêu cầu đặt hàng tới Tuấn. Vài ngày sau Tuấn đưa bằng giả cho Quyền nhưng Quyền chưa kịp giao "hàng giả" cho người có tên Lê Thanh Minh  thì bị Công an bắt giữ.

"Tiến sĩ kinh tế" Lê Thanh Minh là ai đang được Công an quận Đống Đa tiến hành điều tra,  đồng thời tiếp tục làm rõ các đối tượng đã bỏ tiền ra mua bằng giả khác để xử lý, thu hồi triệt để những tấm bằng rởm.

Bị khởi tố và tạm giam về hành vi "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức", cả 3 nam sinh viên trong đường dây kinh doanh bằng cấp giả này đều tỏ ra ân hận bởi họ đã phải trả giá quá đắt. Trước khi trở lại nhà tạm giữ Công an quận Đống Đa, Vũ Đình Quyền nói rằng, không có lý do gì để những trí thức trẻ như anh ta biện minh cho hành vi phạm tội của mình bởi "vấn nạn" bằng cấp giả đã gây ra sự bất công trong xã hội. "Em nghĩ để chấm dứt việc sử dụng bằng cấp giả hiện nay thì chính sách đẩy lùi vấn nạn này mới là quan trọng. Một giải pháp cần thiết là xây dựng một trang điện tử cập nhật đầy đủ thông tin về những người đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, cũng như các văn bằng, chứng chỉ khác để các đơn vị, doanh nghiệp khi tiếp nhận, sử dụng nhân viên, công chức có thể tra cứu, đối chiếu với bằng cấp mà họ xuất trình. Như vậy sẽ biết ngay những người sử dụng bằng cấp giả".

Kẻ phạm tội xin kiến nghị biện pháp phòng ngừa hành vi phạm tội như Vũ Đình Quyền, quả là điều hiếm có. Đó là sự hối lỗi chân thành của một người trí thức. Dẫu rằng sám hối của Quyền có muộn, nhưng tôi mong cậu ta sẽ đứng thẳng sau cú vấp ngã đầu đời này

H.V.
.
.